Đó là sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời), tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang. Để có được thành công trên, chúng tôi luôn bám sát phương châm “Cùng nông dân phát triển bền vững...”-Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, nói với chúng tôi như thế.
Nặng lòng với bà con nông dân
Anh hùng “nông dân” Huỳnh Văn Thòn sinh năm 1958, quê ở xã Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang (nay là phường Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Đây là “thủ đô” của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa truyền thống lâu đời. Vùng đất, con người, cảnh vật nơi đây đã ăn sâu bén rễ vào ký ức cậu bé Thòn để nuôi khát vọng làm giàu cho quê hương.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ba mẹ tham gia hoạt động cách mạng, nên ngay từ nhỏ, Huỳnh Văn Thòn tình nguyện làm chiến sĩ liên lạc. Hằng ngày, cậu theo mẹ đi bán kẹo mạch nha khắp vùng, vừa để kiếm kế sinh nhai, vừa để thu thập thông tin cho cán bộ. Đầu năm 1969, mới 11 tuổi, nhưng Huỳnh Văn Thòn được nhận vào làm nhân viên báo vụ, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 (Trung Nam Bộ).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành của Tập đoàn Lộc Trời, ngày 14-3-2017 (tại xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Với trí thông minh, nhanh nhẹn, giàu tinh thần hiếu học, cuối năm 1972, chàng trai đất lụa truyền thống Tân Châu theo đường Trường Sơn tập kết ra Bắc và học Trường Học sinh miền Nam. Thời gian ở miền Bắc, Huỳnh Văn Thòn may mắn được tiếp xúc, học hỏi về tư duy đổi mới của đồng chí Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú-“cha đẻ” của chủ trương “khoán hộ” đã khai sáng cho cậu học sinh miền Nam nuôi ước mơ về những cánh đồng mẫu lớn ở quê mình.
Kết thúc thời gian học tập ở miền Bắc, cũng là lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng, Huỳnh Văn Thòn trở về quê để tiếp tục học văn hóa và chuyên ngành khác. Với mong muốn giúp nông dân quê mình thoát khỏi đói nghèo, anh đăng ký học chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (niên khóa 1980-1984). Đầu năm 1985, chàng kỹ sư trẻ về làm việc tại Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang. Gần 10 năm công tác ở đây, kỹ sư Huỳnh Văn Thòn trải qua nhiều cương vị, từ nhân viên đến Phó giám đốc Sở Nông nghiệp kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang và có thời gian là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy An Giang.
Trước thực tế bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, vừa không đúng cách, vừa không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến môi trường, đất đai, sức khỏe; đồng thời, năng suất cây trồng lại giảm và mất an toàn thực phẩm, nên anh Thòn vô cùng trăn trở. Tìm “lời giải” bài toán này, cuối tháng 11-1993, anh là một trong những người đã tham mưu cho UBND tỉnh An Giang ra quyết định thành lập Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) và cấp trên cũng chẳng đắn đo, bổ nhiệm luôn anh làm giám đốc. Nhắc lại sự kiện có tính bước ngoặt của AGPPS, anh Thòn bày tỏ: “Trước khi nhận nhiệm vụ, tôi đề xuất là được toàn quyền sắp xếp nhân sự, vị trí công tác trong công ty và cấp trên đồng ý. Trên tinh thần đó, tôi cùng Ban giám đốc AGPPS rà soát, nghiên cứu kỹ năng lực của từng người để phân công nhiệm vụ cho phù hợp. Ban đầu, cơ sở vật chất của AGPPS nghèo nàn, lạc hậu, vốn kinh doanh gần 750 triệu đồng với 23 nhân viên. Nhưng đến nay, chúng tôi đã có vốn điều lệ hơn 670 tỷ đồng, 14 công ty con, 3.200 nhân sự, 24 chi nhánh trong cả nước...”.
Cùng nông dân phát triển bền vững
Thập niên 90 của thế kỷ 20, thuốc bảo vệ thực vật khan hiếm, giá cao, chủ yếu nhập từ nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, Giám đốc Huỳnh Văn Thòn cùng các đồng nghiệp ngày đêm miệt mài nghiên cứu, đột phá đầu tư vào lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa, rau màu… Trên cương vị người “thuyền trưởng”, Giám đốc Huỳnh Văn Thòn đã chèo lái AGPPS vượt qua nhiều sóng gió để cán đích trước kế hoạch. Năm 1999, công ty đạt doanh thu hơn 600 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 110 tỷ đồng. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia công tác xã hội, năm 2000, AGPPS được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động; Giám đốc Huỳnh Văn Thòn, năm 2002 cũng vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý-Anh hùng Lao động.
Khi còn làm ở Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, kỹ sư Huỳnh Văn Thòn nuôi ước mơ, khát vọng về xây dựng quy trình sản xuất lúa gạo khép kín, trong đó lấy người nông dân làm trung tâm. Năm 2004, AGPPS thực hiện cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, anh Thòn trên cương vị mới là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của bà con nông dân về vốn, thị trường, nhất là khoa học kỹ thuật, Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn đưa ra quyết định thành lập lực lượng “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân. Năm 2006, lực lượng ban đầu với 12 thành viên là kỹ sư nông nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp. Đến nay, lực lượng này với 1.300 trí thức trẻ được đào tạo cơ bản và là những chuyên gia luôn sát cánh cùng nông dân ra đồng. Với tài chỉ huy, nắm bắt tư tưởng “đội quân” hùng hậu, nên mọi người thường gọi anh Thòn là “Chính ủy của lực lượng "3 cùng”.
“Tôi cũng có thời gian làm việc trong môi trường quân đội, thấu hiểu hiệu quả của mô hình “3 cùng”. Vì thế, tôi muốn áp dụng mô hình này vào AGPPS. Mọi thành viên tham gia lực lượng “3 cùng” phải phục tùng kỷ luật, tự giác, nghiêm minh; lắng nghe hơi thở đồng ruộng, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, khát vọng của bà con nông dân; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để giúp họ tự quản, tự nuôi sống bản thân và nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, cùng nông dân phát triển bền vững”-anh Thòn bộc bạch.
Vụ lúa đông xuân 2006-2007, bệnh dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá bùng phát, hoành hành ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khiến hàng nghìn héc-ta lúa có nguy cơ mất trắng. Trước tình thế đó, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cử đoàn công tác do TS Ngô Vĩnh Viễn, Quyền Viện trưởng làm trưởng đoàn và 3 cán bộ (trong đó có TS Nguyễn Như Cường) vào miền Tây để giải cứu, giúp nông dân tìm biện pháp đặc trị đại dịch hại lúa. TS Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhớ lại: “Thời điểm đó, chúng tôi lo lắng vì chưa có thuốc đặc trị bệnh rầy nâu mang vi-rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Nhưng khi vào Nam, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo, hợp tác tích cực của AGPPS, trực tiếp là Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn. Để trấn an, tạo niềm tin cho mọi người, anh Thòn tuyên bố với bà con nông dân triển khai thực hiện các mô hình điểm ở Long An và Trà Vinh, cung cấp toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật miễn phí. Anh Thòn cam đoan nếu điều trị không được, mất mùa sẽ đền bù và hỗ trợ vốn, giống, phân bón cho vụ năm sau... Nhưng thật kỳ diệu, vụ mùa năm đó, bà con nông dân bội thu, năng suất lúa đạt 8 tấn/héc-ta...”.
Nâng tầm thương hiệu gạo Việt
Ngày 23-8-2015, đánh dấu bước ngoặt của AGPPS chính thức đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời, với trọng tâm phục vụ nông dân thông qua chiến lược xây dựng “chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao”. Để dẫn dắt Tập đoàn Lộc Trời khẳng định thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế, Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn trực tiếp ký kết với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Viện Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Diễn đàn Lúa gạo bền vững quốc tế (SRP). Ngày 8-3-2017, Tập đoàn Lộc Trời khởi động Chương trình sản xuất Lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Hiện nay, tập đoàn đã xuất khẩu gạo đến 40 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a... và châu Âu.
Chúng tôi đặc biệt cảm phục tình người và triết lý kinh doanh của anh, đó là “phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và có đạo lý”. Theo Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn, Tập đoàn Lộc Trời luôn coi trọng và làm tốt công tác an sinh xã hội. Chỉ riêng năm 2016, doanh nghiệp đã đóng góp, ủng hộ các hoạt động xã hội gần 40 tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, doanh nghiệp dành 23.000 phần quà và 600 tấn gạo Hạt Ngọc Trời trị giá 20,35 tỷ đồng để tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công, cán bộ hưu trí, bà con nông dân nghèo. Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, trong Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo Quân đội nhân dân”, doanh nghiệp dành 20 tấn gạo và 30 suất học bổng, với số tiền gần 600 triệu đồng tặng người có công và thân nhân người có công.
Nói về Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đánh giá: "Trong công việc và cuộc sống, anh Thòn luôn cần cù, chịu khó, nhiệt huyết với ngành nông nghiệp; gần gũi, nhân ái với đồng nghiệp, nhất là với người nông dân. Anh cũng là người có tư duy sáng tạo, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong kinh doanh nên mang lại nhiều lợi nhuận cho tập đoàn và lợi ích cho xã hội. Anh còn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển phong trào thể dục-thể thao, điển hình là hằng năm đều tổ chức “Giải đua xe đạp toàn quốc về nông thôn”…”.
Người ta thường nói, nếu ai sống nhân nghĩa sẽ may mắn được hưởng “lộc trời”. Còn với Tập đoàn Lộc Trời và Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn, “lộc trời” ban từ hai phía đó là, nhân nghĩa và khát vọng giúp người nông dân thoát nghèo...
* Tập đoàn Lộc Trời: Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2000); Thủ tướng Chính phủ tặng Danh hiệu Quốc gia (các năm 2014, 2016); Giải thưởng Bông Lúa Vàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2012); 10 năm liền (2006-2016) đạt Danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao; Tổ chức Thương mại lúa gạo thế giới (The Rice Trader) công nhận tốp 3 gạo ngon nhất thế giới (năm 2005); “Vinh quang Việt Nam-Dấu ấn 30 năm đổi mới” (năm 2017)...
* Tổng giám đốc Huỳnh Văn Thòn: Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2002); Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia tặng Huân chương Hữu nghị (năm 2013)...
|
Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI - NGUYỄN MINH HIẾU