Được Tổng thống Nga mời dự tiệc chiêu đãi
Chiều muộn, một ngày đầu thu, tôi đến phòng làm việc của Thiếu tá Nguyễn Trung Phong. Căn phòng nhỏ với chiếc giường một, tủ sắt và bàn làm việc chất đầy tài liệu. Bên chiếc máy tính anh đang miệt mài với mảng mạch sơ đồ chi chít, như “ma trận”. Như đọc được ý nghĩ của khách, anh Phong cho biết, “ma trận” ấy là sơ đồ nguyên lý hoạt động của khí tài tên lửa mới mà đơn vị vừa tiếp nhận, anh đang nghiên cứu để tới đây làm đề tài phục vụ công tác huấn luyện, khai thác, làm chủ khí tài mới đạt hiệu suất cao nhất.
Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Nguyễn Trung Phong về Trung đoàn 236 công tác trên cương vị trợ lý kỹ thuật. Với nhiệt huyết của một sĩ quan trẻ, anh luôn bám nắm hoạt động công tác kỹ thuật ở các phân đội, có nhiều đề xuất, tham gia sửa chữa, hướng dẫn, chỉ đạo đúng, trúng, hiệu quả, góp phần bảo đảm khí tài đồng bộ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của đơn vị. Năm 2010, anh được cấp trên lựa chọn đi đào tạo tại Học viện Phòng không Vũ trụ Zu-cốp (Zhukov) ở Liên bang Nga. Ngoài học chuyên môn, anh tự học ngoại ngữ và đến nay đã thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga.
Thiếu tá Nguyễn Trung Phong giới thiệu quy trình xây dựng “Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90”.
Nguyễn Trung Phong (thứ hai, từ phải sang) trong buổi tiệc do Tổng thống Nga chiêu đãi tại Điện Kremli.
Năm 2013, Nguyễn Trung Phong là một trong những học viên tốt nghiệp xuất sắc của Học viện Phòng không Vũ trụ Zu-cốp và được Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) mời dự tiệc chiêu đãi tại Điện Kremli. Đây là bữa tiệc mà Tổng thống Nga dành cho học viên quốc tế có thành tích học tập xuất sắc ở các học viện, nhà trường danh giá của Liên bang Nga. Nguyễn Trung Phong vẫn nhớ như in người đứng đầu nước Nga phát biểu tại buổi tiệc: “Nước Nga rất trọng dụng nhân tài, nhất là trong lĩnh vực quân đội. Chúng tôi hân hạnh được đón tiếp và đào tạo được nhiều cán bộ quân đội cho các nước. Trong khán phòng hôm nay, mặc dù chỉ có hơn mười học viên ưu tú đại diện cho hàng trăm học viên đến từ nhiều nước trên thế giới, tôi mong rằng, các anh sẽ mang kiến thức học tập của mình về công tác tốt, góp phần xây dựng quân đội để bảo vệ đất nước…”. Được gặp nhà lãnh đạo đứng đầu nước Nga là một vinh dự lớn và kỷ niệm khó quên, nhất là lời phát biểu của Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin giúp anh có thêm nhiều động lực phấn đấu.
Không ngừng sáng tạo
Mang kiến thức học được từ quê hương Lê-nin trở về Tổ quốc, cùng với sự cần cù, chăm chỉ và sáng tạo, sĩ quan trẻ Nguyễn Trung Phong luôn tiên phong xung kích trong hoạt động liên quan đến công tác bảo đảm kỹ thuật của đơn vị. Giữa năm 2014, anh đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 236. Trên cương vị mới, anh luôn trăn trở làm thế nào để bảo đảm hệ số kỹ thuật của đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, trong điều kiện các trang thiết bị hầu hết đã qua nhiều năm sử dụng, thiếu đồng bộ, công tác đảm bảo còn gặp nhiều khó khăn. Nghĩ là làm, Nguyễn Trung Phong bắt tay ngay vào nghiên cứu “Mô hình luyện tập xạ kích bắn mục tiêu làm tham số APP-75”. Mô hình đạt giải khuyến khích Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân năm 2015. Chưa thỏa mãn, anh và cộng sự tiếp tục thực hiện đề tài “Luyện tập kiểm tra chức năng đài điều khiển tên lửa C75M”. Ngay sau khi được sự đồng ý của cấp trên, đề tài được đưa vào huấn luyện ở các đơn vị. Tại Hội thao Diễn tập chiến thuật kíp chiến đấu phân đội hỏa lực Tên lửa Phòng không S-75M3 diễn ra đầu tháng 9-2016, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236 nhờ vận dụng thuần thục đề tài trên nên kết quả vượt trội so với các phương pháp truyền thống trước đó. Không những vậy, đề tài “Luyện tập kiểm tra chức năng đài điều khiển tên lửa C75M” còn đoạt giải nhì Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân lần thứ XVI năm 2016. Năm 2017, Thiếu tá Nguyễn Trung Phong giành giải nhất Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân lần thứ XVII với đề tài “Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90”.
Nguyễn Trung Phong giải thích: "Trong công tác chuẩn bị chiến đấu của kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa phòng không C75-M3, đại đội bệ phóng (đại đội hỏa lực) là đơn vị trực tiếp chuẩn bị bệ, đạn, bảo đảm đưa đạn tên lửa đến tiêu diệt mục tiêu trên không. Do vậy, việc kiểm tra chức năng đánh giá tình trạng kỹ thuật khả năng SSCĐ của bệ phóng là khâu hết sức quan trọng. Đòi hỏi đại đội trưởng và trắc thủ CYC (trực tiếp thao tác) phải hiểu bản chất của các bước, thao tác chuẩn xác và đánh giá đúng tình trạng của bệ phóng, từ đó tham mưu cho người chỉ huy chọn bệ phóng và hạ quyết tâm chiến đấu. Trong khi thực tế để huấn luyện được cho 1 người cần phải có ít nhất 9 người phục vụ mở máy hiệp đồng thao tác, đòi hỏi điện năng tiêu thụ hoặc dầu máy nổ là rất lớn, công suất tương đương khoảng 35kW (25 lít dầu diezel/h), ngoài ra còn có khả năng dễ gây mất an toàn cho người và gây hỏng hóc cho khí tài nếu thao tác sai, hoặc mở máy trong thời gian quá lâu. Vì vậy, chúng tôi xây dựng ý tưởng, tiến hành làm thành công mô hình “Luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90” và áp dụng hiệu quả trong huấn luyện tại đơn vị, bảo đảm tỷ lệ 1:1".
Khi được hỏi vấn đề phức tạp nhất trong thực hiện đề tài này là gì, anh Phong cho biết: "Khó khăn nhất là xây dựng mô-đun kết nối giữa thiết bị ngoại vi (thiết bị thật) với máy tính, bởi đòi hỏi trí tuệ cao, nhiều công đoạn phức tạp; việc tìm kiếm thiết bị linh kiện vật tư rất khó khăn do trên thị trường ít thiết bị đặc chủng như trên".
Nói về người cán bộ trẻ nhiệt huyết, say mê nghiên cứu, cải tiến, Đại tá Nguyễn Mạnh Khải, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361, cho biết: “Trong con người Thiếu tá Nguyễn Trung Phong hội tụ nhiều yếu tố đặc biệt: Cầu thị, cần cù, chịu khó, luôn sáng tạo tìm tòi, khám phá cái mới. Trên cương vị cán bộ chỉ huy cơ quan, đồng chí Phong luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm và đã làm là hiệu quả, dứt điểm. Nguyễn Trung Phong là tấm gương sáng trên mọi phương diện để mọi người học tập, noi theo”.
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA