“Bỏ tiền ra xây, sửa ba cây cầu chắc kinh tế nhà khá lắm”, bụng bảo dạ như vậy nhưng khi đến nhà cựu chiến binh Đỗ Quang Sản, tôi hoàn toàn bất ngờ với lối sống giản dị của ông. Căn nhà ba gian của ông Sản nằm sâu hun hút trong ngõ hẹp. Nhìn thoáng qua, gia tài trong nhà chỉ có một bộ bàn ghế đơn sơ, một cái tủ bích phê cũ kỹ. Trên tường là những bức ảnh ông chụp kỷ niệm với đồng đội, giấy chứng nhận Huân chương Chiến công hạng Ba và một bức danh ngôn về tình cảm gia đình đã úa vàng theo năm tháng.

leftcenterrightdel
Ông Đỗ Quang Sản (bên phải) bên cây cầu Chợ Cát.

Ở tuổi 61 nhưng nhìn ông Sản khỏe khoắn và khá nhanh nhẹn. Ông bảo: “Cậu đến chậm tí nữa là tôi không ở nhà đâu. Chả giấu gì cậu, nhà tôi làm nghề cho thuê cốp pha, giờ đang mùa xây dựng nên công việc bận rộn lắm”. Dù khá tất bật nhưng khi được tôi gợi nhắc về thời quân ngũ, đôi mắt người cựu chiến binh sáng lên lạ thường.

Năm 1976, như bao nhiêu thanh niên trai tráng khác trong làng, Đỗ Quang Sản lên đường nhập ngũ. Ông tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây Nam và nằm trong lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia giải phóng khỏi ách thống trị của Pôn Pốt. Trong lúc chiến đấu, ông bị một viên đạn găm vào chân. Thương tật làm ông mất 21% sức khỏe. Năm 1984, ông Sản xin ra quân để về chăm sóc mẹ già khi bố mất sớm. Ông là con thứ hai trong gia đình có 11 anh em. Trở về quê hương, ông Sản là thành viên tích cực của Hội cựu chiến binh xã, tham gia nhiều hoạt động xây dựng làng, xóm. Tại xã Khánh Trung, ông có hai năm công tác ở cương vị Phó trưởng công an xã.

Công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mang lại nhiều niềm vui, nhưng không thể giúp ông thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Năm 1997, ông Sản nảy ra ý tưởng cho thuê cốp pha khi nhận thấy nghề xây dựng đang ngày một phát triển ở địa phương. Tuy vậy, con đường khởi nghiệp của ông Sản không bằng phẳng chút nào và ông phải giải tán công việc một năm sau đó. Không từ bỏ mục tiêu, năm 1998, người cựu chiến binh này Nam tiến để học hỏi kinh nghiệm cho thuê cốp pha xây dựng. Năm 2000, ông trở về quê mở lại cơ sở cho thuê cốp pha với những kinh nghiệm đã học hỏi được khi đi thực tế. Dần dần tiếng lành đồn xa, cơ sở cho thuê cốp pha của ông Sản được nhiều người biết đến. Công việc của ông dần đi vào ổn định và chỉ thật sự ăn nên làm ra trong vài ba năm trở lại đây. Cơ sở cho thuê cốp pha của ông Sản hiện có 5 nhân công, với thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm.

Ở xã Khánh Trung, ông Đỗ Quang Sản được biết đến là người tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp làng, giúp xóm. Năm 2015, nhận thấy người dân hai xã Khánh Trung, Khánh Mậu ngày ngày phải đi qua cây cầu Chợ Cát chật hẹp, mất an toàn, ông Sản bày tỏ mong muốn được xây dựng lại cây cầu khang trang. Nói là làm, ông Sản viết đơn đề nghị UBND xã Khánh Trung và UBND xã Khánh Mậu được bỏ tiền túi để xây cầu. Sau khi được chấp thuận, ông thuê kỹ sư về thiết kế, thẩm định rồi mới quyết định xây cầu. Ông Sản nhớ lại: “Ngày khởi công xây cầu, bà con sống xung quanh phấn khởi lắm! Họ nườm nượp kéo nhau ra giúp sức. Không ai bảo ai, người thì đánh vữa, người khuân gạch, người góp ấm trà xanh, cân hoa quả cho thợ xây dựng. Ai nấy đều hăng hái tham gia với nụ cười tươi rói và trông chờ ngày cầu mới được hoàn thành nhanh đến”.

Do có sẵn cốp pha và được bà con giúp sức nhiệt tình, việc xây cầu Chợ Cát của ông Sản diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm. Chỉ trong gần một tháng, cầu Chợ Cát đã xây xong với chiều dài 14m, rộng 4m và tổng chi phí gần 150 triệu đồng. Cầu Chợ Cát được hoàn thành trong sự vui mừng của người dân, giúp việc đi lại giữa hai xã Khánh Trung và Khánh Mậu dễ dàng, thuận tiện hơn. Bác Lê Thị Liễu, người dân xã Khánh Mậu, cho biết: “Công việc buôn bán vật liệu xây dựng khiến gia đình tôi ngày nào cũng phải sang bên xã Khánh Trung. Do cầu Chợ Cát ngày trước nhỏ hẹp, xe ba gác và ô tô không thể đi qua nên nhà tôi phải vất vả đi đường vòng dài thêm 3km. Từ khi cầu Chợ Cát mới được xây dựng rộng rãi, việc vận chuyển vật liệu xây dựng của gia đình tôi nhanh chóng, tiết kiệm được chi phí đi lại”.

Sau cầu Chợ Cát, ông Sản còn bỏ tiền túi ra xây, sửa thêm hai cây cầu liên thôn vào năm 2016 và 2017. Cũng như cầu Chợ Cát, hai cây cầu này do ông Sản tự chủ vật liệu và được sự giúp sức của bà con nên việc xây, sửa diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm. Rút kinh nghiệm từ lần xây cầu Chợ Cát, hai cây cầu liên thôn này được ông Sản thiết kế rộng hơn, chắc chắn hơn để thuận tiện cho xe tải nhỏ, máy móc nông nghiệp có thể qua lại. Chi phí ông bỏ ra xây, sửa hai cây cầu này lần lượt là 47 triệu đồng và 25 triệu đồng. Những cây cầu tuy ngắn nhưng nó rất cần thiết đối với cuộc sống sinh hoạt, làm việc của người dân trong thôn. Tính tổng sau ba lần xây, sửa cầu, ông Sản đã bỏ ra 222 triệu đồng. Khi được hỏi về lý do bỏ hàng trăm triệu đồng ra xây, sửa cầu cho bà con, ông Đỗ Quang Sản tâm sự: “Tôi không nghĩ việc bỏ tiền ra xây, sửa cầu là từ thiện. Đơn giản tôi cho rằng mình nên chia sẻ một chút với sự khó khăn của bà con. Thực tế, việc xây, sửa cầu còn để phục vụ việc đi lại của chính tôi và gia đình. Những quyết định xây, sửa cầu của tôi đều được vợ và các con ủng hộ nhiệt tình. Điều này giúp tôi có thêm động lực để chia sẻ với bà con hơn”.

Ông Đỗ Như Huynh, Trưởng thôn số 21, xã Khánh Trung, cho biết: “Tuy ông Sản là người có kinh tế khá ở xã, nhưng việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây, sửa cầu giúp dân thì không phải ai cũng làm được. Trong cuộc sống, ông Sản là người hiền lành, tốt bụng. Ông còn có trách nhiệm, tinh thần tập thể cao trong những công việc của thôn, xã”.

Với ông Đỗ Quang Sản, việc giúp đỡ mọi người xuất phát từ cái tâm chứ không phải để khoe khoang. Những bằng khen của xã đều được ông cất giữ trong tủ, thay vì trưng bày ra treo bên ngoài. Quá trình cho thuê cốp pha, ông Sản đã nhiều lần hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhà nào chưa có tiền, ông cho chịu đến khi có thì trả. Có nhà tiền thuê đáng 5 triệu đồng nhưng vì thương, ông chỉ lấy 4 triệu đồng. Có trường hợp đặc biệt, ông Sản chỉ lấy một nửa, còn lại ông ủng hộ gia chủ. “Có khi nào bác đi làm không lấy công không?”-tôi hỏi ông Sản. Người cựu chiến binh cười và đáp lời bằng giọng hào sảng: “Không công thì có sao chứ? Miễn là mình được chia sẻ một chút với hoàn cảnh khó khăn là vui rồi. Thực tế, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm giàu từ việc cho thuê cốp pha. Cũng may, vài năm trở lại đây công việc khá ổn, có của ăn của để nên tôi mới có điều kiện để giúp đỡ mọi người”.

Sau vài tuần trà, ông Đỗ Quang Sản xin được tạm dừng cuộc trò chuyện với tôi. Ông bảo phải sang xã bên đo đạc, tính lượng cốp pha cho thuê để gia chủ kịp lắp ghép để đổ mái nhà. Ở tuổi 61, đáng ra ông Sản phải được ở nhà nghỉ ngơi, sum vầy cùng con cháu. Vậy mà đôi mắt của người cựu chiến binh này vẫn luôn rực lửa, khát khao làm việc, cống hiến không ngừng. Với ông, còn sức khỏe là còn làm việc, cống hiến và giúp đỡ mọi người. Tuy trông ông khỏe mạnh nhưng vết thương ở chân thỉnh thoảng vẫn khiến ông Sản đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Chia tay ông bằng cái bắt tay chặt, tôi thầm chúc cựu chiến binh Đỗ Quang Sản luôn dồi dào sức khỏe, công việc làm ăn thuận lợi để tiếp tục xây những cây cầu yêu thương cho bà con.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG