Không được phép “đầu hàng”
Vừa xuống xe khách, tôi đang loay hoay hỏi đường về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành thì gặp ông Phạm Xuân Hưng, trú tại thôn Phủ (xã Ninh Xá). Qua trò chuyện, ông vui vẻ cho tôi đi nhờ xe vì ông cũng đang trên đường vào trung tâm để nhờ thợ sửa chiếc quạt điện. Ông cho biết: “Ở trung tâm có thợ sửa chữa đồ điện giỏi lắm, người dân quanh đây, nhà nào bị hỏng ti-vi, tủ lạnh, quạt, ra-đi-ô... đều mang tới đó sửa đấy”. Vì tò mò, tôi quyết định theo ông Hưng đi đến nhà người thợ sửa đồ điện, đó là bác Phạm Hồng Tư.
Vừa đến nơi, tôi thực sự bất ngờ khi người thợ sửa chữa đồ điện nổi tiếng trong vùng lại là một thương binh bị liệt hai chân, mọi di chuyển đều phải dựa vào chiếc xe lăn. Biết có khách đến, chủ nhà dừng tay, lau mồ hôi trên trán, niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Được nghe những câu chuyện bác Phạm Hồng Tư kể, tôi càng kính trọng và nể phục hơn về nghị lực của người thương binh từng một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường.
Thương binh Phạm Hồng Tư với công việc thường ngày.
Bác Tư là thương binh hạng 1/4, mất 91% sức khỏe, hiện trú tại khu B của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành. Bác Tư sinh năm 1955, quê huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nhập ngũ năm 1975 và bị thương trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979. Xoa nhẹ vết thương đang tấy đỏ vì trở trời, bác Tư chậm rãi kể lại những năm tháng chiến đấu: “Tôi vốn là lính công binh, nhiệm vụ chính là rà phá bom, mìn, vật nổ. Ngày ấy, quân Khơ-me đỏ tàn ác lắm, chúng cài mìn chằng chịt khắp nơi, nhằm cản đường tiến công của ta. Ngay cả việc đi vệ sinh, nếu không cẩn trọng cũng rất dễ bị trúng mìn. Trong một chuyến hành quân gấp về điểm tập kết, không may tôi bị trúng mìn và ngất đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở bệnh xá, nửa thân phía dưới mất hết cảm giác… Sau này mới biết, mình bị thương vào cột sống, khiến tôi bị liệt vĩnh viễn”.
Sau khi điều trị tại bệnh viện quân y, bác Tư được chuyển về điều trị, điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành năm 1981. Thời gian đầu mới về trung tâm, hầu hết các thương binh, bệnh binh đều có chung một tâm trạng, một cách nhìn cuộc sống khá bi quan, buồn tủi...
Bác Tư nhớ lại: “Khi mới về trung tâm, tôi chẳng thiết làm gì, ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi thầm nghĩ, đời mình coi như đã là “dấu chấm hết”. Sau một thời gian, được sự chăm sóc rất tận tình, chu đáo của các cán bộ, nhân viên của trung tâm, nhất là vợ tôi bây giờ nên tôi đã rất trân trọng và tự hào về những hy sinh, mất mát của mình và đồng chí, đồng đội, tự tin vào cuộc sống... Quả thật khi đó, nếu không có bàn tay dịu dàng và cái nhìn ấm áp của cô ấy, có lẽ tôi đã phó mặc cuộc sống cho số phận”...
Nhắc đến người vợ, với bác Tư coi đó là may mắn lớn nhất của đời mình khi gặp được người phụ nữ dịu dàng, chịu thương, chịu khó. Hơn 30 năm chung sống, nhiều khi bệnh tật hành hạ, có những lúc sóng gió do khó khăn kinh tế, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, vợ chồng bác luôn cùng nhìn một hướng, người vợ luôn là nguồn động viên, chăm lo cho chồng từng ngày.
Nhớ lại kỷ niệm với vợ, bác Tư kể: “Hôm ấy, thời tiết đang chuyển mùa, người tôi ê ẩm, đau buốt và đã cáu gắt nặng lời với bác sĩ điều trị. Chứng kiến sự việc đó, y tá Nguyễn Thị Thanh Phương (vợ bác Tư bây giờ) đã lại gần, đặt nhẹ đôi tay mềm mại lên vai tôi và đẩy chiếc xe lăn cùng tôi vừa đi dạo, vừa động viên trong sân của trung tâm. Có thể nói, chính Phương là nguồn động viên lớn nhất để tôi cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, đau đớn. Không có cô ấy thì có lẽ tôi không phải là Tư của ngày hôm nay…”.
Năm 1990, niềm hạnh phúc của gia đình thương binh được nhân lên gấp bội, khi họ đón thành viên mới là một bé trai kháu khỉnh. Hạnh phúc lớn đến với gia đình bác Tư, nhưng nỗi lo cũng theo đó mà nhân lên. Với số tiền trợ cấp ít ỏi, vợ chồng thương binh chỉ đủ lo ăn uống, trong khi cuộc sống có quá nhiều việc bộn bề phải lo toan. Bác Tư tự nhủ: “Mình mất đi đôi chân, nhưng vẫn còn đôi tay, cái đầu lành lặn. Không đi lại để làm việc được thì mình ngồi để làm việc, mất đi đôi chân thì bàn tay càng phải cố gắng hơn”.
Từ việc lo toan cho cuộc sống và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, bác Tư vươn lên một cách mạnh mẽ. Sẵn có kiến thức về kỹ thuật bom, mìn học được trong quân ngũ, bác Tư mày mò tự học qua sách vở rồi thực hành qua những thiết bị điện đơn giản, như chiếc quạt điện, bình ắc quy, vừa học vừa làm, trau dồi kinh nghiệm, nâng dần tay nghề. Thời gian đầu khách hàng của bác là những hàng xóm quanh nhà. Sau đó, lượng khách càng đông theo tay nghề ngày một cao của bác. Không ngừng học tập, nghiên cứu thêm để có thể sửa được mọi loại vật dụng khách mang tới, đến nay, bác Tư đã sửa chữa được những bảng mạch phức tạp trên các thiết bị điện tử hiện đại.
Không dừng lại ở việc sửa chữa, bác Tư còn dày công nghiên cứu, cải tiến, tăng hiệu năng của các thiết bị điện, như: Cải tiến quạt treo tường thông thường thành quạt phun sương, vừa hiệu quả mà lại ít tốn kém hơn nhiều so với mua quạt mới; gắn thêm mô tơ điện vào chiếc xe lăn, xe lắc, giúp những người ngồi trên xe lăn di chuyển dễ dàng, thuận tiện hơn… Thu nhập mang lại từ việc sửa chữa đồ điện không nhiều, nhưng cũng góp phần đáng kể để gia đình bác trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Bác Tư tâm sự: “Là người lính thì không được phép đầu hàng, dù trước mặt là kẻ thù xâm lược hay khó khăn gian khổ của cuộc đời, đều phải quyết tâm vượt qua. Đó là cốt lõi làm nên mọi chiến thắng không chỉ trong thời chiến mà ngay cả trong cuộc sống đời thường”.
Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ
Bằng nghị lực, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, bác Tư đã vượt lên hoàn cảnh, không những trở thành tấm gương “thương binh tàn nhưng không phế” mà còn là người truyền lửa vượt khó đến thế hệ trẻ. Từ một người thương binh bị liệt, bác Tư trở thành một thợ sửa chữa điện giỏi; bác còn là một người thầy dạy nghề cho nhiều thanh niên trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Chinh, trú tại xã Nghĩa Đạo (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thành thạo nghề sửa chữa điện tử cũng là nhờ bác Tư dạy bảo. Khi kể về người thầy của mình, anh Chinh hết sức trân trọng: “Thầy Tư rất ân cần, chỉ bảo anh em học trò chúng tôi nắm chắc lý thuyết, sau đó làm thực tế trên đồ điện cần sửa. Phương pháp cầm tay chỉ việc giúp chúng tôi nhớ lâu mà học lại nhanh; chỉ trong khoảng 2-3 tháng là có thể sửa chữa cơ bản về đồ điện dân dụng. Đặc biệt hơn, “thầy tôi” chỉ thu một chút tiền để mua sắm đồ dùng, dụng cụ cho việc dạy nghề chứ không thu học phí như ở nơi khác”.
Còn với anh Hoàng Văn Năm, quê tại xã Hữu Đô, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ thì ơn nghĩa của bác Tư còn nặng hơn nhiều. Nhà anh Năm nghèo, lại xa quê nên được vợ chồng bác Tư giúp đỡ rất nhiều, tạo mọi điều kiện, từ ăn ở đến học hành. Anh Năm tâm sự: “Tôi học được nhiều điều từ người thầy của mình, không chỉ là cái nghề mà quan trọng hơn, đó là bản lĩnh, nghị lực vươn lên trong cuộc sống… Chính điều đó đã mang lại cho tôi một công việc ổn định, một cuộc sống ấm no và một động lực để vươn lên, vượt qua khó khăn”.
Sau những giờ truyền nghề cho học trò, bác Tư thường đi thăm những người bạn trong trung tâm, động viên đồng đội yên tâm điều trị, điều dưỡng góp phần vơi bớt đau đớn, buồn tủi. Với sự tín nhiệm của đồng đội, bác Tư liên tục được bầu vào ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội đồng thương binh, làm tốt chức năng là cầu nối giữa lãnh đạo với thương binh, bệnh binh tại trung tâm. Thương binh Nguyễn Văn Yểng, quê ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội), hiện đang ở cùng khu điều dưỡng với bác Tư cho biết: “Chú Tư gần gũi lắm, mỗi khi trở trời chú ấy lại sang động viên tôi và anh em cùng nhau cố gắng. Còn đồ điện trong khu bị hỏng chú ấy toàn sửa giúp, có chăng chỉ lấy tiền vật tư chứ không bao giờ lấy công”.
Với những thương binh nặng, phải nằm một chỗ như ông Ngô Văn Thịnh, quê ở xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thì bác Tư luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Bác Tư tâm sự: “So với người bình thường thì tôi là thương binh nặng, nhưng so với đồng đội trong trung tâm thì vẫn có những người nặng hơn nhiều, họ mặc cảm với cuộc sống, chấp nhận một mình chịu đựng vết thương mà không xây dựng gia đình. Thứ họ thiếu thốn nhất đó là tình cảm, do đó tôi năng đến động viên, thăm hỏi, an ủi anh em thôi”.
Không chỉ làm gương về nghị lực vượt khó mà mọi người còn học hỏi bác Tư cách nuôi con ngoan, học giỏi. Anh Phạm Văn Toàn, con trai bác Tư, nổi tiếng là đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, kính trên nhường dưới. Từ nhỏ, Toàn đã theo cha đam mê với tô vít, mỏ hàn. Lớn lên anh theo học ngành Điện tử viễn thông tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và hiện là kỹ sư sửa chữa điện tử của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Anh Toàn tâm sự: “Tôi luôn tự hào về người cha của mình, ông đã thổi vào trong tôi ngọn lửa quyết tâm, bản lĩnh trước sóng gió của cuộc đời. Với tôi, cha là người đàn ông tuyệt vời nhất”.
Ông Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết: “Anh Phạm Hồng Tư là một điển hình về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Không chỉ nỗ lực vượt khó vươn lên, anh Tư còn là gương sáng, tạo động lực để các thương binh khác vượt qua khó khăn, nuôi dạy con nên người… Nhiều khách đến thăm rất khâm phục sự cố gắng phi thường của anh Tư”.
Box: Qua hơn 50 xây dựng và phát triển, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương binh, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường. Hiện nay, hầu hết các thương binh đang điều trị ở đây đều có tình trạng thương tật nặng, 90% bị thương vào cột sống, gây liệt 1/2 người, phải di chuyển sinh hoạt bằng xe lăn, xe lắc; số còn lại bị vết thương tổng hợp, như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt…
Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM