Gần 20 năm qua, trẻ nhỏ ở xóm này biết được mặt chữ, làm được phép tính hay có được cái nghề ổn định và trở thành người có ích cho xã hội đều nhờ vào lòng nhân ái của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời (69 tuổi), Chủ tịch Hội Khuyến học phường Mỹ Bình.

Lớp học nghèo của những đứa trẻ 4 không

Nằm cách trung tâm TP Long Xuyên không đầy 10km, nhưng xóm ngụ cư thuộc khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình lại khác biệt hoàn toàn. Nó không ồn ào, náo nhiệt mà yên ắng lạ thường. Cuộc sống mưu sinh đầy khốn khó của người dân nơi đây khiến ước mơ được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa quá xa vời đối với các em nhỏ. Thương cho hoàn cảnh của các em, năm 1995, ông Thời quyết định thành lập lớp học tình thương giữa xóm ngụ cư nghèo này.

leftcenterrightdel

Ông Thời đang rèn chữ viết cho học sinh trong lớp học tình thương. 

leftcenterrightdel
Thương binh Nguyễn Hữu Thời đang dạy chữ cho các em học sinh. 

Chia sẻ về ý định thành lập lớp học tình thương, ông Thời cho biết: “Sau năm 1975, xóm ghe cào này là địa bàn phức tạp. Cha mẹ phải đi làm thuê kiếm sống nên các em ở nhà thường tụ tập đánh nhau, trộm cắp vặt… Tôi từng có thời gian tham gia quân đội, chiến đấu để giành lại độc lập, tự do cho quê hương; giành lại hạnh phúc cho người dân; giờ thấy bà con khổ bởi cái nghèo, cái dốt nên rất trăn trở, suy nghĩ. Tôi nghĩ, cứ để mãi tình trạng này thì bọn trẻ sớm muộn cũng sẽ sa ngã vào tệ nạn, dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì thế, tôi xin phép chính quyền địa phương được mở lớp dạy chữ cho các em”.

Bằng chút ít tiền lương cùng sự đóng góp của bà con nên thời gian đầu lớp học tình thương của ông Thời được xây dựng hết sức tạm bợ trên diện tích hơn 10m2. Nhà cửa tuềnh toàng, bàn ghế thiếu trước, hụt sau. Ông Thời bộc bạch: “Phần lớn các em đều thuộc diện 4 không: Không nhà, không giấy khai sinh, không hộ khẩu và không biết họ tên cha mẹ. Vì thế, dù biết việc mở lớp còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm tổ chức. Cái bàn có thể thiếu, nhưng không thể để các em thêm một ngày thiếu đi cái chữ”.

Tham gia kháng chiến từ năm 13 tuổi, ông Thời trở về quê hương sau ngày giải phóng và là thương binh hạng 3/4. Khi mới mở lớp, ông phải dậy sớm đi đến từng nhà đón học sinh đến học. Có những hôm trời mưa bất chợt, ông nhường áo mưa cho học sinh, còn mình thì chịu ướt. Đường bùn lầy trơn trượt, học sinh ngồi trên yên xe đạp, ông cố gắng đẩy xe nhích từng đoạn để đưa học sinh đến lớp hay mỗi khi về nhà. Ngoài đưa đón các em mỗi ngày, ông còn dùng tiền lương mua bánh kẹo, sách vở làm quà tặng động viên những học sinh đạt được kết quả tốt. Mặt khác, để giúp các em bám lớp, ông còn đến từng gia đình động viên cha mẹ; đồng thời chủ động liên hệ với các cơ sở đào tạo nghề xin cho các em được học nghề miễn phí hoặc học phí ở mức thấp nhất. Với cách làm này, ông vừa động viên, khuyến khích các em cố gắng theo học, vừa tạo dựng tương lai cho các em...

 Do lớp học có nhiều thành phần, trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh không đồng đều nên thời gian đầu việc dạy học của ông gặp không ít khó khăn. Để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức, ông phải phân bảng ra làm hai phần, chia học sinh ra làm hai nhóm theo đúng trình độ rồi lên phương án giảng dạy. “Là lớp học 5 trong 1 cộng với mình chưa biết về phương pháp sư phạm nên ban đầu cũng lúng túng. Nhưng rồi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thế là mọi chuyện cũng tốt đẹp cả”, ông Thời chia sẻ.

Lớp học ngày một đông hơn, chương trình trong sách giáo khoa cũng qua nhiều lần thay đổi, cách dạy cũ không còn phù hợp nên ông Thời lại tìm đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để vận động các bạn sinh viên tình nguyện cùng tham gia. Là người thường xuyên tham gia dạy chữ ở lớp học tình thương, sinh viên Nguyễn Thị Bích Tuyền, chuyên ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học An Giang tâm sự: “Tuy lớp học đơn sơ nhưng nhìn các em cẩn thận viết từng nét chữ, chăm chú làm từng phép tính khiến tôi thực sự xúc động. Tôi không có nhiều tiền chỉ có chút kiến thức nên biết bao nhiêu thì truyền dạy cho các em bấy nhiêu. Tôi chỉ mong sao lớn lên các em trở thành những người có ích cho xã hội”.

Nhen niềm hy vọng qua con chữ

Ngoài trời, cơn mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, bên trong lớp học, các em vẫn đang chăm chú nghe thầy giảng bài, rồi thỉnh thoảng những âm thanh trong veo của đám học trò nghèo ê a đọc chữ vang lên như muốn phá tan mây đen u ám để bầu trời trong xanh trở lại; để những tia nắng ấm áp bao phủ lấy xóm nghèo.

Gây sự chú ý với tôi là em Cẩm Tiên. 18 tuổi nhưng Cẩm Tiên chỉ mới học đến lớp 2. Cẩm Tiên bộc bạch: “Không biết chữ thiệt thòi lắm. Nhờ được ông Ba dạy, giờ em đã biết chữ, biết viết tên, em vui lắm. Nhưng còn họ thì không biết. Thấy các bạn ai cũng có đầy đủ họ tên, em về hỏi mẹ nhưng khi thì mẹ nói họ Phan, lúc lại nói họ Nguyễn, em cũng không biết chính xác là gì nữa”. 

Ngồi cạnh Cẩm Tiên là hai em Võ Thành Công (15 tuổi) và Võ Thành Đạt (11 tuổi). Cả hai nắn nót viết theo từng chữ cái được ghi mẫu trên bảng. Bàn tay quen xách nước, đẩy hàng thuê, nay cầm viết nên còn gượng gạo, nét chữ cứ cứng đơ, nguệch ngoạc. Gia đình Công và Đạt về khóm Nguyễn Du “định cư” hơn một năm nay. Nơi ở của cả gia đình 4 người là chiếc ghe bầu chật hẹp. Hằng ngày, cha em đi làm mướn ngoài chợ, còn mẹ làm công nhân may. Sau giờ học, em phải ra chợ phụ mướn giúp cha và đi bán vé số để trang trải cuộc sống. Trò chuyện với chúng tôi, Võ Thành Công nói: “Em rất thích được làm bộ đội, nhưng học tới lớp 5 là phải nghỉ rồi. Hiện ông Ba đang xin cho em đi học nghề sửa xe. Nếu được học nghề sau này có thể phụ giúp cho gia đình rồi”.

Nghe những lời bộc bạch của các em, ông Thời xúc động: “Điều kiện không cho phép nên tôi chỉ có thể dạy các em kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5 và lễ nghĩa ở đời, sau đó lại xin cho các em đi học nghề. Lớp học này giờ cũng xuống cấp rồi, những lúc trời mưa mái tôn bị dột, khiến cả lớp phải dồn lại một góc, khi trời nắng thì căn phòng nóng như lửa đốt, dạy được bao lâu thì cứ cố gắng bấy lâu. Tôi và các em sinh viên đang ra sức vận động, nếu có một khoản tiền thì sẽ sửa chữa lại lớp học, rồi mua thêm máy may để dạy nghề cho các em vào buổi tối. Có được cái nghề các em cũng dễ xin việc làm hơn”.

Mưa đã tạnh, ánh nắng bắt đầu le lói xuyên qua khung cửa sổ, tôi chào tạm biệt lớp học để ra về. Tôi men theo con đường ngoằn ngoèo qua nhiều con hẻm nhỏ mới ra được đường lớn. Lúc này, đúng giờ tan trường, hàng trăm học sinh với đồng phục chỉnh trang tươi cười rời khỏi những ngôi trường khang trang về nhà sau một ngày học tập. Tôi chợt nhớ đến lớp học của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời. Đó là lớp học tình thương mà lúc đến hay khi đi tôi đều cảm thấy xót xa. Bởi cái các em cần, điều thầy mong là ước mơ được học chính quy còn xa xôi lắm.

Bài và ảnh: THÚY AN