Người đầu tiên mang chữ về bản

Một ngày cuối hè năm 1985, thầy giáo Lô Văn Lan, lúc đó còn là một chàng trai chưa đầy 30 tuổi, khoác ba lô theo chân những phu gỗ để vào Huồi Máy dựng lớp, dạy chữ. Hành trang của thầy giáo trẻ là một con dao dắt lưng, bộ chài bắt cá, quần áo và sách vở dụng cụ học tập. Lấy thượng nguồn con suối Huồi Máy làm đích đến, tốp người men theo triền đồi, họ phát cây rừng tạo lối đi, hết những đoạn đồi dốc bám sát mặt người thì lại xuống bì bõm lội theo bờ suối. Trên đường đi nhiều lần còn bắt gặp con mang, con hoẵng chạy ngang trước mặt, phải mất đến một ngày, qua hàng chục ngọn đồi, khúc suối Huồi Máy mới hiện lên trước mắt. Bản chỉ có vài ba nóc nhà thưa thớt. Nghe đâu phần lớn các hộ dân người dân tộc Khơ Mú đang dựng lán ở rải rác trong rừng sâu kia nữa. Đêm đầu tiên vào Huồi Máy, thầy Lan ở lại nhà của già làng Vi Văn Quế, bên bếp lửa hồng, họ nói chuyện gì đó với nhau rất khuya. Ngày hôm sau, khi mặt trời còn chưa lên, hai người đàn ông đã mang sẵn xôi vào sâu trong rừng tìm đến từng cái lán của các hộ dân. Đến đâu ông Quế cũng nói lớn: “Bữa nay, đừng đi rừng, mặt trời lên thì ra nhà ông Miên họp có việc quan trọng”.

 

leftcenterrightdel
Ông luôn là điểm tựa tinh thần của người dân ở vùng đất khó. 

Nghe già làng nói có cuộc họp quan trọng lắm, khi mặt trời vừa lên khỏi ngọn núi, cả bố mẹ và con cái đều dắt díu nhau đến nhà ông Miên để nghe. Nhiều đứa trẻ tay còn nắm củ sắn luộc, ngủ ngon lành sau lưng của mẹ. Khi các hộ dân đến đầy đủ rải lá ngồi dưới sân, già làng Vi Văn Quế nắm lấy tay thầy giáo Lan đứng trước mặt dân bản mà nói: “Đây là thầy giáo Lan, nó tìm đường vào đây để dạy chữ cho dân bản ta. Thầy giáo Lan muốn mọi người, rồi con cháu ta ai cũng biết đọc, biết viết chữ, biết con số để sau này bán con trâu, con bò không bị chúng nó lừa. Nhưng đôi chân nó không thể đến từng nhà để dạy chữ mà phải có lớp học.  Muốn vậy thì dân bản ta phải dời nhà về ở một chỗ ngoài kia rồi lên rừng chặt cây, lấy tranh dựng cho nó cái lán để ở và dạy chữ. Bà con có đồng ý không?”. Dưới sân lúc này bắt đầu có tiếng xì xào của người dân với nhau. Nghe nói thầy Lan sẽ dạy để ai cũng biết đọc, biết viết, biết đếm tiền để không bị lừa khi bán con trâu, con bò thì mọi người đều ưng bụng. Cuộc họp nhanh chóng kết thúc, dân bản lại nắm lấy tay thầy giáo trẻ với ánh mắt bao hy vọng. Những ngày tiếp theo, thầy giáo Lan và ông Miên vào bản giúp dân dỡ nhà chuyển về địa điểm mới. Cả bản như mở hội, người này giúp người kia, chỉ khoảng hơn nửa tháng, hơn 20 căn nhà đã quây quần bên nhau. Khi đó, họ lại tiếp tục lên rừng đốn cây, đánh tranh về dựng cho thầy Lan một cái lán hai gian bên bờ suối Huồi Máy, một gian để thầy sinh hoạt, gian còn lại lấy thân cây ghép vào nhau tạo thành bàn ghế để cho đám trẻ đến học chữ. Tháng 9-1985, khi ở khắp nơi vào lễ khai giảng thì Huồi Máy cũng bắt đầu vang tiếng ê, a học bài của bọn trẻ. Hàng ngày, người ta vẫn đều đặn nghe tiếng thầy giáo Lan vang lên trong ngôi lán nhỏ, chỉ cho bọn trẻ những chữ viết, con số đầu tiên: “O tròn như quả trứng gà…Một ngón tay, hai ngón tay…”.  Ngày qua ngày, thầy giáo ở lớp “vật lộn” tìm mọi cách để “gieo chữ” vào đầu đám trẻ, đêm đến lại sáng đuốc đến từng nhà dân để dạy chữ cho các bậc phụ huynh. Họ thấy thầy miệt mài có khi cả tháng mới ra thăm nhà. Hơn hai năm kiên trì, thầy Lan đã chỉ cho dân bản Huồi Máy từ trẻ nhỏ đến người lớn biết đọc, biết viết.      

 

Đến năm 1995, khi lớp học ổn định, thương thầy Lan thiệt thòi, nhà trường điều thầy ra điểm trường chính và cử người khác vào thay. Thế nhưng người dân Huồi Máy không ưng bụng, trẻ con không chịu đến lớp, nguy cơ lớp học tan vỡ. Cuối cùng, thầy Lan lại phải vào, rồi cắm bản mãi cho đến nay. Chính vì thế mà ở bản có nhiều gia đình mà cả ba thế hệ là học trò của thầy. Đêm ở Huồi Máy, thầy Lan, già làng Quế đeo chiếc đèn pin trước trán dẫn chúng tôi đến gia đình anh Ốc Văn Kiền và chị Ốc Thị Kiền (bố mẹ đều được gọi theo tên con cả), là những người đi học chữ đầu tiên ở Huồi Máy. Nghe tiếng thầy Lan từ xa, cả hai vợ chồng chạy ra tận cầu thang đón, tay bắt mặt mừng. Giờ đây đôi học trò thuở ấy đã lên chức ông, chức bà. Bên chum rượu cần đãi khách quí, Ốc Văn Kiền chia sẻ: “Vợ chồng ta cũng học chữ từ thầy Lan, rồi 3 đứa con, giờ đến cháu nội là Ốc Quang Trung cũng đang theo thầy học chữ. Ba thế hệ trong gia đình đều gọi bố Lan bằng thầy giáo”.

Điểm tựa tinh thần

Đến nay, Huồi Máy vẫn chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại, chỉ có con đường mòn đã rộng hơn do dân kéo gỗ, đào vàng đi lại nhiều mà thành. Còn Thầy Lan giờ đã già hơn, cũng đã có 2 đứa cháu, tuổi nghỉ hưu cũng đã cận kề, bước chân trèo đèo, lội suối không còn nhanh như trước nữa. Nhưng ông vẫn cần mẫn vào Huồi Máy vì con chữ cho lớp học nghèo. Vợ con thương yêu, lo cho sức khỏe của ông, đã nhiều lần khuyên thầy giáo già nên chuyển ra điểm trường chính cho gần gia đình, đỡ vất vả. Những lần như thế, thầy Lan cũng chỉ động viên rằng: “Ta còn khỏe chán, ta vào rồi cuối tuần lại ra. Có ta bọn trẻ sẽ yên tâm học chữ hơn”.

 

leftcenterrightdel
Đã 18 năm nay, thầy giáo Lan dạy chữ cho học trò chốn thâm sơn, cùng cốc. 

Với người dân ở xã Cắm Muộn, họ đã quá quen hình ảnh ông Lan với vẻ bên ngoài to đậm, khuôn mặt phúc hậu một mình đi bộ xuyên rừng vào với Huồi Máy. Họ hiểu việc ông làm, luôn dành cho ông sự cảm phục và kính trọng. Người ta thấy, từ trước đến nay, trong hành trình gần 30km vào lại Huồi Máy vào chiều chủ nhật, thứ được ông ưu tiên sau dụng cụ giảng dạy là nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, muối, gói mì tôm, sang hơn nữa là gói bánh, cái kẹo cho học trò. Hôm chúng tôi vào Huồi Máy mới đến đầu bản đã thấy mấy đứa trẻ mặt lem luốc ra đứng chờ sẵn. Thấy ông giáo Lan chúng chào lễ phép rồi ríu rít bên ông như cảnh đàn con đón mẹ đi chợ về.  Giờ đây, lớp học ở Huồi Máy đã cắm sâu vào lòng dân, đồng bào Khơ Mú không còn di cư đi chỗ khác. Họ đang an cư lạc ngiệp, tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người dân đã xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu để xây dựng nếp sống mới. Người dân, chính quyền sở tại hiểu rằng sự thay đổi lớn ở bản làng nằm giữa rừng sâu có sự đóng góp âm thầm của ông giáo Lan. Bởi theo lời của những người lớn tuổi trong bản, khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, đồng bào Khơ Mú đã di cư từ huyện Tương Dương sang Huồi Máy dựng lán sinh sống. Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào nương rẫy, theo lối tự cung, tự cấp nay đây mai đó giữa bốn bề rừng già. Mọi điều chỉ thay đổi khi thầy giáo Lan vào đây dạy chữ.

 

Từ khi vào Huồi Máy, thầy Lan là người dạy chữ, kiêm luôn phụ huynh, đồng thời là cán bộ vận động quần chúng được dân yêu mến. Cùng với những bài học về chữ viết, con số, thầy Lan ân cần chỉ cho mọi người cách ăn, uống sao cho khỏe mạnh. Ông ghi chép mọi thông tin đến dân bản và học trò để các em không bị thiệt thòi khi cán bộ địa phương vào triển khai các chính sách dân sinh, xã hội. Đã có nhiều lần cán bộ xã vào để triển khai chính sách cho dân nhưng cũng đành bất lực vì nhiều gia đình đi rẫy hoặc không nhớ nổi ngày, tháng, năm sinh của con mình. Họ lại tìm đến thầy Lan như một sự cứu cánh. Già làng Lô Văn Quế chia sẻ: “Trẻ con trong bản này là con, cháu thầy Lan hết đấy. Ông nhớ rõ, rồi còn ghi chép rất đầy đủ ngày sinh của học trò, cũng như toàn bộ dân bản. Khi cán bộ đến thống kê số liệu, hỏi ngày tháng năm sinh của các cháu, dân bản đều lắc đầu, nhưng cứ tìm đến thầy giáo Lan là có hết. Ông ghi để có cái mà làm giấy khai sinh cho các cháu đi học. Người dân trong bản cái gì không biết, không tường, họ đều tìm đến để hỏi. Cũng vì thế mà dân bản nghe thầy Lan không còn sinh con thứ 3, không nhốt trâu, bò dưới sàn nhà, đêm ngủ phải có màn, uống nước khi đã đun sôi. Dân ở đây kính trọng thầy Lan lắm. Họ nói rằng: "Chỉ khi nào thầy Lan nghỉ hưu thì dân bản ta mới cho thầy về hẳn ngoài xã. Còn chưa nghỉ hưu thì vẫn phải ở đây để dạy chữ cho các cháu”.  Còn với ông giáo Lan, chỉ tâm niệm rằng: “Khi nào đôi chân còn trèo được đèo, lội được suối thì tôi sẽ còn vào với dân bản, học trò ở Huồi Máy”.

Huồi Máy là bản nghèo, khó khăn nhất của xã Cắm Muộn, có khi là nghèo nhất của huyện Quế Phong. Cuộc sống của người dân đang còn nhiều thiếu thốn, song con trẻ nơi đây luôn được học chữ đầy đủ. Đã có em đi học trung cấp nghề. Đồng bào dân tộc định cư ở Huồi Máy luôn tin tưởng vào những chủ trương chính sách của nhà nước để hướng về những điều tốt đẹp. Không nói thì người dân ở địa phương cũng biết, thầy giáo Lô Văn Lan chính là người truyền lửa cho nhân dân, con trẻ ở bản làng ở giữa rừng sâu này.

Bài và ảnh: NGUYỄN VIẾT LAM