Nhận ra “quê” từ giọng nói, rồi bắt tay chào đồng niên (bằng tuổi), Vương Huy Tình và tôi như trở nên gần gũi từ phút đầu gặp gỡ. Anh chia sẻ: “Nói thật với “quê”, may mắn được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, mình mới có điều kiện nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu khoa học…, bởi trước ngưỡng cửa cuộc đời, nếu không có sự chỉ bảo và hy sinh thầm lặng của cha thì có lẽ cuộc đời mình đã rẽ theo một hướng khác”.
Trung tá Vương Huy Tình vận hành thiết bị chế thử.
Bố của Vương Huy Tình trước kia là Bộ đội Cụ Hồ, từng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử, ông hiểu giá trị của cuộc sống và thấy rõ môi trường quân đội là nơi giáo dục, rèn luyện, nuôi dưỡng nhân cách con người trưởng thành, nên khi Tình bắt đầu vào học cấp ba, ông đã định hướng cho con thi vào trường quân sự. Phần vì vâng lời cha, phần vì Tình đã ngưỡng mộ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ từ nhỏ nên anh quyết tâm thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nhưng khi chỉ còn cách vài ngày của kỳ thi đại học, Tình bị một cú sốc tinh thần quá lớn khi bố anh bỗng lâm trọng bệnh và qua đời, khiến cả nhà hụt hẫng, thương đau. Sự mất mát quá lớn khiến Tình như gục ngã trước ngưỡng cửa cuộc đời, nhưng anh vẫn nhớ lời cha dặn: “Môi trường quân đội sẽ là nơi thuận lợi nhất cho con học tập, rèn luyện”. Và năm đó, Tình đã “biến đau thương thành hành động”, quyết tâm cao và thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Sau 6 năm nghiên cứu, tích lũy, học thầy, hỏi bạn, Vương Huy Tình tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự với tấm bằng kỹ sư loại khá và được phân công về công tác tại Cục Tác chiến điện tử, Bộ Tổng tham mưu. Với tâm huyết, dự định khi còn ngồi trên ghế nhà trường, về đơn vị mới, anh nhanh chóng thể hiện được trình độ năng lực của mình. Khi tiếp cận với các vật tư khí tài cũ, chủ yếu là của Liên Xô, được sản xuất đã lâu, thiết bị thay thế không còn, Vương Huy Tình đã suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm cùng đồng đội bắt tay nghiên cứu, tìm giải pháp cải tiến, thay thế... Sau một thời gian ngắn, anh đã phối hợp với đồng nghiệp nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và cho ra đời nhiều sáng kiến có giá trị, phục vụ hiệu quả quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Những sản phẩm khoa học đầu tay thành công, cùng với sự động viên, khích lệ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, Vương Huy Tình đã không quản ngày đêm, tận dụng mọi thời gian để nghiên cứu, với mong muốn “nâng tầm những cánh sóng ra-đa” và hiện đại hóa các vật tư khí tài thuộc lĩnh vực đơn vị mình đảm nhiệm.
Trong nhiều công trình đề tài sáng kiến có giá trị được áp dụng vào thực tiễn hoạt động của đơn vị, có 3 đề tài mà Vương Huy Tình tâm đắc nhất. Mỗi công trình cũng là mốc đánh dấu nấc thang trưởng thành của anh.
Năm 2014, Vương Huy Tình nghiên cứu đề tài cấp cơ sở “Thiết kế, chế tạo phân khối xác định và tái tạo tần số của thiết bị gây nhiễu ra-đa dải sóng 3cm”. Theo các đánh giá chuyên môn thì công dụng của khối xác định và tái tạo tần số là một thành phần quan trọng trong thiết bị gây nhiễu.
Đại tá Lê Quang Hiển, Giám đốc Trung tâm 80 cho biết: “Đây là một sáng tạo rất có giá trị của đồng chí Tình, vì hiện nay, do khoa học kỹ thuật và công nghệ chế tạo linh kiện phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng mạch dải, các bộ dao động siêu cao tần với độ ổn định tần số cao, các bộ khuếch đại siêu cao tần linh kiện bán dẫn, các bộ ADC tốc độ lớn, các bo mạch sử dụng công nghệ FPGA, xử lý tín hiệu số… vào thiết kế, chế tạo thiết bị là một tất yếu. Vì vậy, nghiên cứu thiết kế, chế tạo một tuyến thu xác định và tái tạo tần số sóng mang tín hiệu ra-đa, sử dụng nguyên lý và ứng dụng công nghệ, linh kiện mới sẽ đáp ứng được một phần yêu cầu về công tác bảo đảm kỹ thuật, sản phẩm gọn nhẹ, độ tin cậy và độ chính xác cao, nguồn tiêu thụ thấp, linh kiện dễ mua trên thị trường...”.
Năm 2016, Trung tá Vương Huy Tình cùng với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và cộng sự thực hiện tiếp đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo thiết bị phát hiện và báo động chiếu xạ ra-đa lắp trên tàu hải quân”. Đề tài được Bộ Quốc phòng nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.
Việc sử dụng các loại ra-đa để trinh sát, dẫn đường và điều khiển hỏa lực là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả để giành ưu thế trong tác chiến quân sự. Qua các cuộc chiến tranh cho thấy, để giảm tối đa mối đe dọa tấn công của đối phương từ các phương tiện hỏa lực nguy hiểm, như đạn pháo có điều khiển, máy bay, tên lửa thì phải trang bị cho lực lượng, phương tiện những hệ thống, thiết bị có khả năng phát hiện, cảnh báo sớm với mục đích giúp người chỉ huy kịp thời xử lý hiệu quả các mối đe dọa tấn công của đối phương.
Đối với tàu hải quân trên mặt nước, để bảo vệ sự sống còn, tàu thường được trang bị hệ thống thu phát hiện có dải tần làm việc rộng, không gian quan sát lớn để thu chặn các tín hiệu ra-đa và cảnh báo tức thời mức độ nguy hiểm khi bị ra-đa chiếu xạ. Hệ thống phát hiện và báo động chiếu xạ ra-đa được thiết kế để đưa ra sự cảnh báo gần như tức thời, nếu như nó thu nhận được các tín hiệu đe dọa đặc thù. Ví dụ như báo động sự chiếu xạ của các đầu tự dẫn trên tên lửa đối hạm và các đài ra-đa điều khiển hỏa lực… Do đó, hệ thống phát hiện và báo động chiếu xạ ra-đa trở thành loại thiết bị không thể thiếu trên các phương tiện quân sự này. Để đáp ứng nhu cầu trang bị các hệ thống phát hiện và báo động chiếu xạ ra-đa nhằm nâng cao khả năng SSCĐ cho các tàu hải quân, làm chủ về công nghệ chế tạo, bảo đảm kỹ thuật và khai thác sử dụng, yêu cầu đặt ra là dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo và trang bị loại thiết bị này cho quân đội và hải quân.
Một đề tài cấp Nhà nước đánh dấu sự trưởng thành của anh trong quá trình nghiên cứu, đó là “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị gây nhiễu ra-đa dải sóng 3cm”. Công trình này, anh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cùng cộng sự nghiên cứu trong 3 năm (2015-2018). Theo Trung tá Vương Huy Tình, trước yêu cầu phát triển của ngành đòi hỏi nhu cầu về số lượng và chủng loại thiết bị, khí tài để trang bị cho các đơn vị tác chiến điện tử ngày càng nhiều hơn, trong khi lượng đầu tư mua sắm mới còn gặp những khó khăn cả về nguồn kinh phí và công tác bảo đảm kỹ thuật, vì vậy việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài trang bị cho các đơn vị là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Hy vọng, khi thành công, sản phẩm sẽ được sử dụng rộng rãi cho các đơn vị tác chiến điện tử trong toàn quân.
Đưa tôi đi tham quan một vài sản phẩm tại xưởng chế thử, Vương Huy Tình tâm sự: “Khoa học là phải đam mê, phải “vắt gan vắt ruột”, nếu bị chi phối những thứ khác thì khó có thể làm được”. Đúng như vậy, khoa học không thể tính bằng tiền, càng không thể lấy thời gian để cân đong đo đếm, bởi những người đam mê khoa học như Vương Huy Tình, khi có ý tưởng, trao đổi và thống nhất với tập thể, các anh sẽ dành hết thời gian cho sản phẩm của mình.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thỏa, Chính trị viên Trung tâm 80 cho biết: “Đảng ủy, Ban giám đốc trung tâm luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những cán bộ đam mê nghiên cứu khoa học. Riêng với đồng chí Tình, chúng tôi rất trân trọng tài năng của anh. Không chỉ quản lý tốt, nghiên cứu giỏi, anh còn có tinh thần vì đồng đội, tinh thần tập thể rất cao. Anh thường xuyên giúp đỡ, bồi dưỡng, định hướng cho cấp dưới nghiên cứu khoa học. Đến nay, nhiều đồng chí do anh dìu dắt, giúp đỡ đã trưởng thành”.
Còn Thiếu tá Phạm Đình Cường, Trợ lý nghiên cứu, một cộng sự đắc lực của Vương Huy Tình, chia sẻ: “Được làm việc với đồng chí Tình nhiều năm, tôi học tập được ở anh tinh thần hết mình vì khoa học. Anh cũng chính là người “truyền lửa” cho chúng tôi thêm yêu lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành mà lâu nay vẫn được coi là “khó, khô và khổ”; tôi học được ở anh sự điềm tĩnh, lạc quan và trân quý đồng chí, đồng đội”.
Trung tá Vương Huy Tình không nhắc nhiều đến thành tích của mình. Anh cho rằng, nghiên cứu khoa học là đam mê, là “mệnh lệnh” từ trái tim. Một sản phẩm làm ra, không phải của riêng cá nhân mình, mà là công sức, trí tuệ tập thể, là sự định hướng đúng đắn của Đảng ủy, Ban giám đốc và khi ứng dụng vào thực tiễn là thành quả chung của đơn vị... Tuy nhiên, với sự cống hiến thầm lặng, đơn vị vẫn theo dõi, cổ vũ, động viên và trao những phần thưởng xứng đáng. 3 năm liền, Vương Huy Tình được đồng đội bình bầu là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2017, được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân.
Gấp lại những trang cuối cùng của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Trung tá Vương Huy Tình như chợt nhớ ra điều cần làm tiếp, anh nói với tôi: “Năm trước, tôi theo tàu hải quân đi biển gần 2 tháng, qua theo dõi quan sát ngành ra-đa trên tàu, tôi đang có ý định sẽ triển khai nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước về thiết bị cho ngành ra-đa trên tàu hải quân. Tôi sẽ tiếp tục trở lại với những người giữ biển nhiều lần nữa và đem đến cho các anh những thiết bị hữu ích nhất”.
Trung tá Vương Huy Tình nói với tôi bằng tất cả niềm tin, sự lạc quan và tràn đầy quyết tâm cho công trình sắp tới... Và tôi tin, với những người “thắp lửa” đam mê nghiên cứu khoa học bằng trái tim tuổi trẻ như anh, họ sẽ luôn gặt hái thành công.
Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG