Anh và đồng đội đã cứu sống hàng chục bệnh nhân nghèo bị những cơn bạo bệnh; tận tụy tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phòng, chống dịch bệnh, góp phần dập tắt nhiều ổ bệnh dịch nguy hiểm như sốt xuất huyết, cúm gia cầm.

Ân nhân của những bệnh nhân nghèo

Từ đường Nam Sông Hậu, chúng tôi rẽ vào con đường nhựa trải dài trong màu đước xanh thẳm để đến Hồ Bể, vùng đất nghèo ven biển, nhiễm mặn và liên tục đối mặt với thiên tai, triều cường, sạt lở. Vừa điều khiển xe gắn máy, Trung úy QNCN Nguyễn Văn Long, nhân viên Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng, vừa giới thiệu với tôi về những khó khăn, vất vả của người dân ấp Huỳnh Kỳ nói riêng, xã Vĩnh Hải nói chung. Theo lời kể của anh, tôi hình dung ra người dân nơi đây quanh năm "đầu tắt mặt tối" mưu sinh; do đó, được khám, chữa bệnh đối với họ là điều xa xỉ. Đi được khoảng vài giờ, Trung úy QNCN Nguyễn Văn Long dừng xe trước quán nước ven đường, rồi nói với tôi: “Mình nghỉ chút lấy sức rồi vào Trạm xá Quân dân y Hồ Bể vẫn chưa muộn anh ạ". Nghe chúng tôi nói chuyện, chị chủ quán đon đả: "Các chú vào Trạm xá Quân dân y Hồ Bể à? Ở đó có y sĩ Quốc tốt lắm!”.

leftcenterrightdel
Thượng úy QNCN, y sĩ Nguyễn Văn Quốc khám bệnh định kỳ cho bà Lê Thị Quý ở khu 2 Hồ Bể. 

Qua trò chuyện chúng tôi biết được chị chủ quán tên là Thạch Thơm (người dân tộc Khơ-me). Không chút ngần ngại, chị Thạch Thơm cho biết, y sĩ Quốc rất gần gũi với người dân trong ấp, trong xã. Không kể đêm hôm, sớm tối, ngày nắng, ngày mưa... cứ ở đâu có người ốm đau là anh ấy có mặt và tận tình cứu chữa. Chính vì vậy, người dân nơi đây vẫn gọi anh bằng cái tên thân mật: Y sĩ Quốc.

Còn bà Tăng Thị Hum nhớ lại: “Khoảng giữa tháng 3-2011, tôi có đến dự đám cỗ ở nhà bà con trong ấp. Lúc đó mải vui nên tôi uống quá nhiều rượu và được mọi người đưa về nhà. Mấy cháu thấy tôi ói mửa, chóng mặt, chân tay lạnh, bủn rủn không đứng được vội đưa đến trạm xá. Nhờ có y sĩ Quốc chăm sóc, giải độc rượu và kịp thời đưa lên tuyến bệnh viện trên tỉnh cấp cứu mà tôi mới khỏe mạnh trở lại, giờ không dám uống rượu nữa”.

Ông Trịnh Văn Oai (72 tuổi) ở khu 2 Hồ Bể tiếp lời: "Tôi bị ngã bệnh, nôn thốc nôn tháo, đau bụng dữ dội, được người nhà chuyển đến trạm xá. Sau khi thăm khám, y sĩ Quốc chẩn đoán tôi bị đau dạ dày cấp và nhanh chóng cứu chữa. Sau một thời gian uống thuốc đều đặn và ăn uống theo lời dặn của y sĩ Quốc, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm".

Trường hợp của bà Lê Thị Quý (60 tuổi), người cùng ấp với ông Oai, thì lại do huyết áp cao nên hay đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực, buồn nôn, hai tai ù không nghe rõ, tay và chân bị tê. Người nhà đưa đến trạm xá và được y sĩ Quốc khám, cho thuốc uống nên đã khỏi bệnh. Bà Quý chia sẻ: “Từ đó đến giờ, y sĩ Quốc tuần nào cũng qua nhà giúp tôi đo huyết áp, cho thuốc uống. Vì thế tôi không bị bệnh nữa”.

Hầu hết những người dân trong ấp Hồ Bể và các ấp lân cận đều từng được y sĩ Quốc khám, chữa bệnh. Dù người bệnh chỉ đau bụng, cảm mạo thông thường hay ngộ độc rượu, huyết áp cao, dịch tả,… Thượng úy QNCN, y sĩ Nguyễn Văn Quốc cũng thực hiện đúng theo tôn chỉ: “Ân cần, niềm nở với người bệnh, tận tình với chuyên môn, tiếp đón nhiệt tình khi người bệnh đến, dặn dò kỹ lưỡng khi người bệnh về, khám, chữa bệnh đúng nguyên tắc, đúng mặt bệnh, xử lý đúng phác đồ điều trị, luôn cởi mở với gia đình, thân nhân bệnh nhân”. Những lúc rảnh rỗi, anh đến các khu dân cư để khám, điều trị cho gia đình chính sách, người già, người neo đơn không có điều kiện đến trạm xá để khám, điều trị.

Thắm nghĩa, đượm tình “từ mẫu” 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trà Khol, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải, cho biết: Huỳnh Kỳ là ấp nghèo với hơn 80% dân số là người dân tộc Khơ-me. Do điều kiện đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, kiến thức về vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế nên trước đây, mỗi khi đau ốm, người dân trong ấp rất ngại đến trạm y tế để khám, chữa bệnh, mà chủ yếu tự đi mua thuốc ở các tiệm tạp hóa, thuốc không rõ nguồn gốc để về chữa trị. Được sự quan tâm của các cấp, năm 2007, Trạm y tế khu 2 Hồ Bể đưa vào sử dụng chủ yếu phục vụ cho 2 khu kinh tế mới nằm trên địa bàn ấp Huỳnh Kỳ.

Còn nhớ, ngày khánh thành trạm y tế, nhân dân ấp Huỳnh Kỳ nói riêng và chính quyền, nhân dân xã Vĩnh Hải nói chung rất vui mừng vì đã có được đáp án cho bài toán nan giải trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn. Thế nhưng do điều kiện sinh hoạt ở đây vô cùng khó khăn, nhất là mùa khô nước sinh hoạt thiếu, hơn nữa, trạm chủ yếu tự cung, tự cấp… nên nhiều thầy thuốc chỉ đến nhận nhiệm vụ một thời gian là xin chuyển công tác. Chính vì vậy, trạm y tế luôn trong trạng thái đóng cửa im ỉm. Trước tình hình trên, năm 2009, ngành y tế địa phương kết hợp với lực lượng quân y BĐBP tỉnh Sóc Trăng thành lập trạm xá quân dân y trên cơ sở vật chất trang bị y tế của Trạm y tế Hồ Bể và y sĩ Nguyễn Văn Quốc, khi đó mới là Trung úy QNCN, được giao nhiệm vụ làm Trạm trưởng.

Những khó khăn về cuộc sống, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật… càng tôi luyện ý chí, bản lĩnh người thầy thuốc quân hàm xanh. Y sĩ Nguyễn Văn Quốc luôn tâm niệm: “Muốn chữa được bệnh thì phải biết bệnh tình của bệnh nhân” và “được chăm sóc sức khỏe cho mọi người là nhiệm vụ vẻ vang và là trách nhiệm của người cán bộ ngành y nói chung, cán bộ quân y biên phòng nói riêng”. Chính vì vậy, anh tích cực tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn để làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Đảng ủy, chỉ huy đơn vị trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi là anh học tiếng và đọc sách tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khơ-me.

Ông Trà Khol chia sẻ: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, bộ đội Quốc đã thành người con, người anh của đồng bào Khơ-me trong xã. Từ khi có bộ đội Quốc về Trạm xá Quân dân y Hồ Bể trở thành chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân địa phương”.

Từ năm 2009 đến nay, Trạm xá Quân dân y Hồ Bể đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho hơn 2.000 lượt người; tham gia cùng với Trạm y tế xã Vĩnh Hải tổ chức tiêm vắc-xin phòng bại liệt và viêm não Nhật Bản… cho hàng nghìn lượt trẻ em dưới 5 tuổi. Quan trọng nhất là các loại dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và bất an của người dân từng bước được ngăn chặn.

Từ một cơ sở bị bỏ hoang, bằng cái tâm và trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, Thượng úy QNCN, y sĩ Nguyễn Văn Quốc cùng với các đồng nghiệp đã tận tâm chăm sóc, giữ gìn Trạm xá Quân dân y Hồ Bể khang trang, sạch sẽ, thực sự là địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân địa phương. Việc làm của các anh đã và đang tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng người dân ấp Huỳnh Kỳ nói riêng, chính quyền và người dân xã Vĩnh Hải nói chung.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ - VĂN LONG