Ở huyện Đô Lương (Nghệ An), dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cũng được rất nhiều người bảo tồn và gìn giữ, yêu ví giặm như đứa con tinh thần của mình. Có một người phụ nữ tật nguyền nhưng đã vươn lên sống như một đóa hoa trong cuộc sống và trở thành một người thầy truyền dạy dân ca ví, giặm cho mọi người. Người phụ nữ nghị lực ấy là chị Hoàng Thị Hoa, sinh năm 1976 ở xóm Tây Xuân, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương (Nghệ An).

Cách Quốc lộ 15 không xa, chị Hoa sống cùng bố mẹ tại ngôi làng khá yên bình. Bố mẹ chị đều là những cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ, nằm trong khu vực bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại miền Trung. Là con đầu trong gia đình có 5 chị em, khi vừa sinh ra, chị Hoa hoàn toàn bình thường, lại học giỏi, hát hay. Thế nhưng càng lớn dần, chân tay của chị càng teo tóp lại, mọi sinh hoạt của cá nhân đều phải dựa vào người thân. Ước mơ trở thành cô giáo dạy nhạc của chị cũng khép dần từ đó…

Mỗi lần tập hát dân ca, chị Hoa lại được thành viên câu lạc bộ hỗ trợ cầm mic.  

Từ nhỏ, chị đã được nghe những làn điệu dân ca qua câu hát của người bố, nghe Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu hát qua đài, qua ti vi; từ đó, tình yêu đối với dân ca ví, giặm cứ dần một lớn lên trong tâm hồn của chị. Trong những năm chiến tranh, bố của chị là người cũng yêu thích dân ca. Ông đã từng tham gia đoàn văn công quân đội và là cây văn nghệ nổi tiếng một vùng vào thời ấy.

Mặc dù người bố thân yêu đã mất từ năm 2005, nhưng kế thừa từ năng khiếu của bố, cùng với nỗ lực học tập của bản thân, chị đã hát được nhiều làn điệu về dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Lớn lên ở vùng đất khô cằn, chị càng thêm yêu quê hương và lấy đó làm động lực để chị trau dồi thêm vốn hát dân ca của mình. Chị chia sẻ: “Càng lớn lên, tôi lại càng yêu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Bởi vậy, tôi mong muốn được truyền lửa niềm đam mê của mình cho nhiều người để không làm mai một đi giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi mong muốn ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ được lan tỏa hơn nữa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ…”.

Từ suy nghĩ ấy, cách đây gần 2 năm, chị đề xuất thành lập Câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Nhận thấy sự say mê và lòng nhiệt huyết của chị, UBND xã Giang Sơn Đông ra quyết định thành lập Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Giang Sơn Đông lần thứ 2 do chị Hoàng Thị Hoa làm chủ nhiệm. Được sự ủng hộ của xã, chị càng thêm có động lực để say mê với các làn điệu dân ca ví, giặm.  

Cứ đến ngày thứ 7 hằng tuần, những thành viên trong Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Giang Sơn Đông lại tập trung về nhà chị Hoa để sinh hoạt. Có những người ở xa cũng lặn lội về nhà chị để được nghe chị Hoa dạy hát và tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Họ đến đây bởi nhiệt huyết, tình yêu với dân ca. Cũng từ chị Hoa, họ đã được truyền cảm hứng để thêm yêu câu ví, giặm quê nhà. Chị Nguyễn Thị Lân, xóm Phương Đông, xã Giang Sơn Đông, thành viên câu lạc bộ cho biết: “Chị Hoa bị tật nguyền, tuy nhiên, chị không vì thế mà nản lòng, chị luôn say mê các làn điệu dân ca. Chúng tôi tìm đến đây không chỉ để được vui hát mà còn được chị truyền cảm hứng, từ đó thêm yêu các làn điệu dân ca. Thực sự, chúng tôi rất khâm phục trước nghị lực mãnh liệt của chị. Mong rằng chị Hoa luôn khỏe mạnh để cùng đồng hành với câu lạc bộ, tiếp tục truyền lửa đam mê cho tôi và nhiều người khác”.

Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Giang Sơn Đông do chị chủ nhiệm đến nay đã có 32 thành viên.

Từ sự nỗ lực của chị Hoa, đến nay, câu lạc bộ đã có 32 thành viên. Có những người tuổi đời còn rất trẻ, cũng có những người đã lên chức ông, chức bà. Thế nhưng, ở họ đều có chung một tình yêu sâu nặng đối với dân ca. Vào mỗi dịp sinh hoạt câu lạc bộ, các thành viên đều “ưu đãi” phục vụ chị Hoa. Chị được dành một chiếc ghế để ngồi, có một người cầm phụ giúp chị mic và lời bài hát đã được biên soạn để chị dạy hát. Từ những lời của chị biên soạn, những vẻ đẹp quê hương Giang Sơn Đông được phổ thành nhạc, trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho mọi lứa tuổi tại đây. Sau khi được chị Hoa hát mẫu, tất cả mọi người đều đồng thanh hát theo. Tiếp đó, chị lại sửa lại giọng điệu, lời hát cho mọi người. Những lúc ấy, chị như một người “thầy” say mê, cần mẫn truyền lửa dân ca cho tất cả mọi người.

Hát hay chưa đủ, chị còn cảm thấy cần phải sửa đổi cách luyến láy, cách nhấn nhả âm cho phù hợp, chị lên mạng để xem cách dạy hát dân ca. Cùng với đó, để tiếp tục chinh phục ước mơ, chị Hoa đã liên lạc với các nghệ nhân từ huyện Anh Sơn để về dạy hát cho chị. Thấy được sự tâm huyết, thương cô gái tật nguyền nhưng vẫn say mê dân ca, nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh từ Anh Sơn đã lặn lội về dạy hát cho chị cùng các thành viên câu lạc bộ.

Từ lúc nắm vững các làn điệu ví giặm, chị từng bước chuyển sang viết lời mới, viết các tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca. Cũng từ những lời ví giặm mà chị biên soạn, bút danh Quỳnh Hoa đã có mặt ở khắp các sân khấu hội thi của xã Giang Sơn Đông nói riêng và huyện Đô Lương nói chung. Hằng năm, mỗi dịp lễ, hội, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị ở địa phương lại đến nhờ chị viết. Nội dung sáng tác của chị khá phong phú với nhiều chủ đề như: Ca ngợi quê hương, đất nước, đặc biệt là vùng miền núi Giang Sơn Đông, ca ngợi tình yêu đôi lứa, người lính, đến xây dựng nông thôn mới, phòng chống ma túy, kế hoạch hóa gia đình, nói không với thực phẩm bẩn... Tác phẩm nào cũng nóng hổi tính thời sự, chan chứa tình đời, được người xem đón nhận nồng nhiệt.

Nhạc cụ, phục vụ sinh hoạt câu lạc bộ được chị trích từ phần phụ cấp chất độc da cam ít ỏi của mình để mua. 

Những năm qua, chị không chỉ sáng tác mà còn tâm huyết trao truyền dân ca ví giặm cho nhiều người. Ngoài dạy hát cho câu lạc bộ, vào những ngày nghỉ, chị thường dạy hát cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã, mùa hè thì dạy hát cho các em học sinh. Các chiến sĩ ở Trung đoàn 1, sư đoàn 324 (Quân khu 4) đóng tại địa phương cũng đến nhà chị để dàn dựng, tập luyện những tác phẩm mà chị viết.

Những năm gần đây, sức khỏe của chị không được như trước, mọi sinh hoạt và phục vụ dạy hát dân ca đều khó khăn hơn. Nhiều lúc dạy hát lâu quá, chị lại phải dừng lại nghỉ ngơi rồi mới tập được tiếp. Việc sáng tác những làn điệu dân ca cũng trở nên khó khăn hơn khi chị không thể ngồi viết như bao người khác. Để tiếp tục niềm đam mê của mình, chị phải đọc rồi nhờ người khác viết lại. Có những lúc mọi người bận hết, chị phải khó khăn lắm để đánh từng chữ một trên điện thoại. Lúc xoay trở thân mình ở trên giường hay trên ghế cũng phải nhờ đến người thân. Mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ, từ đêm trước chị đã phải uống thuốc giảm đau. Khó khăn là vậy, nhưng tình yêu dân ca vẫn không ngừng thôi thúc chị cố gắng. Đến nay, chị đã sáng tác hàng trăm tác phẩm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, dạy hát cho nhiều người từ già, trẻ, gái trai đến thanh niên trong làng…

Không chỉ có vậy, chị còn dành một phần tiền trợ cấp hằng tháng của bản thân để mua nhạc cụ như đàn, sáo, nhị, trống… để phục vụ cho việc tập luyện của câu lạc bộ. Từ những nhạc cụ mà chị dành dụm để mua được, số lượng người tìm đến Câu lạc bộ dân ca ví, giặm của chị ngày một đông hơn. Cũng từ đó, những buổi tập hát dân ca ví giặm của chị trở nên sinh động, sôi nổi và hấp dẫn hơn. Không chỉ phụ nữ, mà nhiều thanh niên, đàn ông yêu thích dân ca đều tìm đến. Được sự ủng hộ của mọi người, chị Hoa càng thêm nỗ lực và phấn đấu.

Cứ mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ, “cô gái da cam” nhỏ bé lại thêm nặng tình với dân ca. Chị vẫn không ngừng học hỏi, trao đổi bài vở với các biên tập viên dân ca, các nghệ sĩ lớn như: Dân Huyền, Mai Văn Lạng… Chị tích cực viết và dạy hát dân ca với mong muốn được cống hiến sức lực nhỏ bé của mình cho nền văn hóa của nhân loại. “Còn người, còn hát - Còn sức, còn cống hiến” là phương châm sống của chị Hoàng Thị Hoa.

Năm tháng qua đi, những tấm giấy khen, bằng khen của các ban ngành, đoàn thể lại đến với chị nhiều hơn. Vừa qua, chị đã làm hồ sơ gửi lên trên để đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ông Đinh Lang Dương - Phó chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông cho biết: “Chị Hoa tuy là một người tàn tật nhưng đã có nhiều đóng góp trong nền văn hóa của xã nhà, trong đó, phải kể đến công sức của chị trong việc thành lập Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Giang Sơn Đông lần thứ 2. Chị cũng sáng tác rất nhiều bài hát hay, có ý nghĩa và được nhân dân trong vùng yêu mến, cảm phục…”.

Những ngày trái gió trở trời, chị lại cảm thấy yếu hơn, nỗi đau da cam cứ như giày vò thêm con người bé nhỏ của chị. Thế nhưng, với tình yêu dân ca ví, giặm sâu nặng đã thôi thúc chị không ngừng cố gắng để đưa những làn điệu dân ca của xứ Nghệ lan tỏa trong công chúng mạnh mẽ, góp phần bảo tồn dân ca Nghệ Tĩnh một di sản phi vật thể của nhân loại.

Bài, ảnh: LÊ THỊ THÚY HẰNG