Cuộc sống mới ở làng chài

Sau hơn 10 phút đi bộ, làng chài khu cống Máy Chai cũng dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Chỉ tay vào những ngôi nhà xây nằm san sát nhau, bà Nguyễn Thị Với, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền (Hải Phòng), kể: "Cuộc sống người dân làng chài khu cống Máy Chai đã đổi thay nhiều. Được như vậy là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Phân đội 2, Phòng CSĐT và cấp ủy, chính quyền địa phương. Thế nhưng, công đầu phải kể đến chú Tuệ...".

Bà Với vừa dứt lời cũng là lúc hai cán bộ mang sắc phục cảnh sát đi đến. Sau ít phút trò chuyện, tôi mới biết, người mà bà Với vừa nhắc tới chính là Trung tá Ngô Minh Tuệ, Đội trưởng Phân đội 2, Phòng CSĐT, Công an TP Hải Phòng. Với người dân làng chài khu cống Máy Chai, anh Tuệ còn là người "khai sinh" ra làng chài này.

leftcenterrightdel
Trung tá Ngô Minh Tuệ (thứ hai, từ phải sang) cùng đại diện tổ dân phố thăm hỏi, động viên người dân làng chài. 

Dừng lại trước căn nhà khang trang núp mình dưới tán tre xanh, anh Tuệ cho biết, đó là một trong 4 gia đình vạn chài đầu tiên được đăng ký tạm trú tại phường Máy Chai và hiện đều có cuộc sống ổn định. Bà Trần Thị Nghiêm (74 tuổi) xúc động, nói: "Cho đến tận bây giờ, tôi và các con, cháu vẫn không nghĩ mình lại được sống yên ổn trong căn nhà khang trang trên bờ như thế này".

Bà Nghiêm không thể nhớ nổi mình đã lênh đênh trên thuyền từ năm bao nhiêu tuổi và đi qua bao nhiêu đoạn sông, con lạch. Từ khi gắn bó với sông nước cho đến lúc lấy chồng, sinh con và lên chức bà, hằng ngày bà chỉ quẩn quanh trên chiếc thuyền nhỏ của gia đình. Hai người con trai đi đâu, bà theo đấy. Ban ngày, bà lo cơm nước và phụ giúp các con gỡ lưới, bán hàng, tối đến tiện đâu cắm sào, neo thuyền ở đó để nghỉ ngơi, trú mưa, bão. Trên con thuyền nhỏ ấy, 5-6 con người sống chen chúc, cái đói, cái nghèo lúc nào cũng đeo bám...

Ngày đó, do cuộc sống cực khổ nên nhiều bữa bà phải nhịn ăn, dành cơm cho con, cháu. Những ngày mưa gió, do thuyền cũ nát, cả nhà vừa ăn cơm vừa phải thay nhau tát nước đổ ra ngoài rồi tìm vào những nơi ngòi lạch nhỏ neo đậu, trú ẩn để tránh sóng gió… Những hình ảnh ấy vẫn còn ám ảnh bà Nghiêm đến tận bây giờ. Kể đến đây, bà lại rưng rưng: "Cũng may nhờ có chú Tuệ và các chú công an cùng chính quyền địa phương hỗ trợ, chứ nếu không thì có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ mình có được chỗ ở tốt và cuộc sống ổn định như thế này... Người dân làng chài rất biết ơn chú Tuệ”.

Thực hiện ý tưởng... lập làng

Khoảng đầu năm 2005, khi đó, Trung tá Ngô Minh Tuệ được phân công làm nhiệm vụ ở khu vực phường Máy Chai. Tận mắt chứng kiến những gia cảnh khốn khó, thường xuyên bị thiên tai đe dọa, anh chủ động đề xuất với chỉ huy và lãnh đạo Phòng CSĐT tìm hướng an cư cho các hộ dân. Và chính cái bãi bồi ven bờ lạch bị bỏ hoang này được anh chọn làm nơi "cắm sào" cho họ.

Ngày đó, nhìn cảnh người dân lam lũ, anh tự nhủ muốn bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và tình hình an ninh trật tự trong khu vực, không còn cách nào khác là phải tìm nơi an cư cho các hộ dân. Nghĩ là làm và anh quyết tâm làm bằng được. Dù ý tưởng lập làng đã nhen nhóm từ lâu, nhưng cũng phải hơn 6 năm sau, anh mới bắt tay thực hiện được. Bởi phần vì giữa năm 2006, anh chuyển công tác, gần 2 năm sau mới trở lại phân đội, phần do việc làm của anh không những không được người dân sở tại và chính quyền địa phương ủng hộ, mà ngay chính các hộ dân chài cũng không đồng tình.

Gần 6 năm để lập dự án, vận động người dân, chính quyền địa phương và đưa các hộ thuyền chài lên bờ. Đến khi người dân chịu neo lại, thì nảy sinh vô số khó khăn. Trong số hơn 70 nhân khẩu của 22 hộ dân ngày đó có hơn chục trẻ em trong độ tuổi đi học. Thế là anh Tuệ lại đứng ra "bảo lãnh" làm hồ sơ xin xác nhận hộ nghèo cho các gia đình rồi mới tìm trường để trẻ tới lớp. Chứng kiến việc làm của anh, người dân dần thay đổi nhận thức, từ chỗ không coi trọng việc học hành, đến nay 100% trẻ ở độ tuổi đến trường đều được đi học. Gần 5 năm trước, làng chài từng có hai cháu thi đỗ đại học. Trước niềm vui ấy, nhiều người dân làng chài đã rơi nước mắt. Để khích lệ tinh thần, anh Tuệ cùng cán bộ, chiến sĩ Phân đội 2 quyên góp tiền lương phụ giúp các cháu đi học. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, một cháu theo học được hai năm thì phải rời ghế giảng đường dù anh đã nhiều lần vận động. 

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng anh Tuệ vẫn nhớ như in những khó khăn của ngày đầu đưa các hộ dân chài lên bờ. Không có điện, thiếu nước sinh hoạt, lại không muốn bị quản lý và sống bó buộc nên ban đầu rất ít hộ muốn lên bờ. Anh buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế, ép các thuyền nằm lại khu vực này, ngày người lớn đi làm, còn trẻ em lên bờ đi học. Khi đó, để "giữ chân" các hộ dân vạn chài, anh đi xin từng món đồ chơi, quần áo, gạo, muối, tấm tôn để hỗ trợ các gia đình. Hết huy động anh em trong phân đội, anh lại kêu gọi các tổ chức, cơ quan bên ngoài hỗ trợ kinh phí, nhờ người mua gạo và các loại thực phẩm rồi đem phát cho từng hộ dân. Thậm chí, anh tự tay đóng cát vào bao, xin đất đổ làm đường và nền nhà cho người dân. Cảm kích trước nghĩa cử của anh, dần dần, người dân bảo nhau chung tay cùng anh làm đường. Theo đó, cùng với thời gian, năm 2012, hình hài con đường bê tông dài 100m và một làng chài trên bờ với những mái nhà tôn nho nhỏ thay cho con thuyền mỏng manh đã hiện hữu. Chấm dứt cuộc sống lênh đênh, nhiều người đã bỏ nghề đánh bắt, lên bờ làm các công việc về thủy sản, da giày, xây dựng... Nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định.

Vẫn còn những trăn trở

Nhiệt huyết là vậy, song cũng có lúc Trung tá Ngô Minh Tuệ không tránh khỏi tâm tư. Việc làm của anh, không phải ai cũng hiểu, có người nói “ông này hấp”, “thích thể hiện”. Thậm chí, nhiều anh em trong đơn vị không đồng tình, trách anh không lo cho anh em, chỉ đi lo việc đâu đâu ngoài xã hội. Dù rằng giờ đây, cuộc sống của người dân làng chài khu cống Máy Chai đã tạm ổn định, thế nhưng anh Tuệ vẫn còn nhiều trăn trở. Trò chuyện với chúng tôi, giọng anh chợt trùng xuống: “Bên cạnh 4 hộ dân đã được đăng ký tạm trú thì các hộ dân khác do không còn giấy tờ tùy thân, không nhớ quê quán nên vẫn chưa được nhập cư. Người dân vẫn chưa có điện lưới để dùng, phải mua lại của các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Vệ sinh môi trường không bảo đảm... Chúng tôi chỉ có thể tạo điều kiện và làm được như vậy. Để người dân an cư, lạc nghiệp thì chính quyền địa phương phải quan tâm, thực hiện các biện pháp an sinh".

Nói về những việc làm ý nghĩa của Trung tá Ngô Minh Tuệ dành cho người dân làng chài khu cống Máy Chai, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND phường Máy Chai, chia sẻ: "Anh Tuệ là người sống có tình, có nghĩa, rất trách nhiệm với người dân và địa phương. Những trăn trở của anh Tuệ cũng là bài toán khó mà chính quyền địa phương đang tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi sẽ cố gắng để người dân làng chài có cuộc sống ổn định".

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH