Chuyện về giống lúa cổ
Chúng tôi tìm đến nhà CCB Nguyễn Duy Chính ở khu 3, xã Mỹ Lung, một trong những người có công lưu giữ, khôi phục giống lúa nếp Gà Gáy truyền thống của quê hương.
Men theo con đường rải sỏi dọc Ngòi Lao, chúng tôi dừng lại trước cổng ngôi nhà gỗ 5 gian khang trang tọa lạc giữa cánh đồng lúa xanh tốt. Ngay trước hiên nhà, một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi đang mải mê nhặt thứ gì đó trong thúng thóc đặt trước mặt. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về việc lưu giữ và khôi phục giống lúa nếp Gà Gáy, CCB Nguyễn Duy Chính hồ hởi chia sẻ:
- Nếp Gà Gáy rất... khó tính nên mọi công đoạn phải được làm rất tỉ mỉ ngay từ khi chọn giống, gieo cấy đến thu hoạch, bảo quản... Tôi đang chọn lựa từng hạt chuẩn bị cho vụ cấy mới đây.
Cẩn thận đặt thúng thóc giống lên nóc tủ, ông Chính niềm nở mời khách vào nhà. Ông chậm rãi kể: Theo các cụ cao niên trong vùng thì giống lúa nếp Gà Gáy ở Mỹ Lung có nguồn gốc từ rất lâu đời. Thời gian gieo mạ từ ngày 8-4 đến 15-5 hằng năm, cấy và thu hoạch trà trung vào khoảng 15 tháng 10 (âm lịch).
Ông Nguyễn Duy Chính cẩn thận chọn từng hạt giống để chuẩn bị gieo cấy.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có cô gái đến tuổi lấy chồng. Trước khi về nhà chồng, người mẹ đưa cho cô chiếc túi to bên trong có những hạt thóc vàng mẩy, cùng lời dặn dò: “Người dâu hiền thảo là phải biết cấy lúa, trồng bông và dệt vải…”. Về nhà chồng, cô cẩn thận cất chiếc túi cùng những hạt thóc vào góc nhà. Hai ngày sau, mẹ chồng dặn cô con dâu sáng hôm sau nhớ dậy sớm giã gạo, thổi xôi để bà cúng Thần Nông làm lễ xuống đồng. Thế nhưng đôi vợ chồng mới ngủ say nên quên lời mẹ dặn. Khi nghe tiếng gà gáy sáng, cô con dâu mới giật mình tỉnh giấc, cuống quýt tìm thóc đem giã, vo gạo, đồ xôi. Lạ lùng thay, tuy thời gian rất ngắn nhưng nồi xôi vẫn chín dẻo, thơm ngon. Nàng dâu hiền thảo ấy mừng rơi nước mắt khi được mẹ chồng khen xôi dẻo, trắng và thơm... Thì ra trong lúc vội vàng, nàng đã lấy nhầm túi thóc mà mẹ mình đưa cho trước khi về nhà chồng để đồ xôi. Thế rồi từ những hạt thóc vương vãi sót lại, nàng đem gieo, nhân giống và gọi là nếp Gà Gáy. Từ đó đến nay, người dân nơi đây vẫn lưu giữ, trồng cấy loại nếp truyền thống này như để nhớ ơn nàng dâu hiền thảo của xứ Mường.
Nhọc nhằn việc khôi phục
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện nay, Hợp tác xã (HTX) sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung đã có 140 thành viên. Thế nhưng việc lưu giữ, khôi phục giống nếp quý này lại là câu chuyện dài mà ông Chính cùng một số người dân vất vả tạo dựng. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, cả khu 3 của xã Mỹ Lung chỉ có số ít diện tích đất cấy lúa, còn hầu hết đều là đất hoang, lầy lội, việc canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trong những dịp giáp hạt, người dân thường phải lên rừng đào củ mài hay lấy sắn, khoai làm lương thực chính. Trong điều kiện thiếu thốn ấy, các anh chị em ông Chính luôn được mẹ là cụ Nguyễn Thị Phúc dặn dò: "Gà Gáy là giống lúa quý không nơi đâu có được, nên đói thì lên rừng đào củ mài, hái măng ăn chứ tuyệt đối không được để mất giống...". Nhớ lời mẹ dặn, mặc dù thiếu lương thực, nhưng các anh chị em ông Chính không bao giờ dám đem thóc nếp giống ra ăn.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với bản tính hay lam hay làm, lại được rèn luyện trong quân đội, ông Chính được cử giữ chức đội trưởng sản xuất. Nhìn cảnh quê hương đói nghèo, đã có lúc ông suy nghĩ kiếm nghề gì đó và đi nơi khác lập nghiệp. Cuối cùng, ông quyết định lập nghiệp trên chính quê hương mình với suy nghĩ lưu giữ, phục tráng và mở rộng diện tích trồng lúa nếp Gà Gáy với hy vọng một lúc nào đó sẽ có giá trị...
Nghĩ là làm, ông bắt đầu bỏ công khai hoang, mở rộng thêm diện tích gieo cấy lúa. Thế nhưng ngặt nỗi, giống lúa này mỗi năm chỉ cấy được duy nhất vụ mùa, lại cho năng suất lại thấp, sản phẩm làm ra chưa phổ biến nên những năm đầu, lúa gạo chủ yếu chỉ để phục vụ sinh hoạt hằng ngày và các dịp lễ, Tết trong gia đình. Những vụ tiếp theo, thấy năng suất được nâng lên, ông Chính mở rộng diện tích trồng nếp từ 7 sào/vụ/năm tăng lên 1,4ha/2 vụ/năm. Để giấc mơ phục tráng của mình thành công, hễ rảnh là ông lại dành thời gian trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và vận động người thân trồng nếp Gà Gáy. Thời điểm đó, thấy người dân tập trung trồng các giống lúa khác cho năng suất cao hơn, còn ông Chính lại chỉ trồng lúa nếp, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng ông là người... khó hiểu. Bỏ qua những dị nghị, cứ sau bữa cơm buổi tối, ông lại cùng vợ-bà Ngọc Thị Cường-đốt đuốc đi đến nhà bà con hay người thân trong khu để trò chuyện, kết hợp học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nếp Gà Gáy.
Mặc dù đã rất cố gắng nhưng những năm sau, do thấy nếp Gà Gáy "khó tính", năng suất lại thấp nên nhiều gia đình đã dần thay thế bằng lúa tẻ và một số giống lúa nếp khác, khiến diện tích thâm canh giống lúa này một lần nữa bị thu hẹp và có xu hướng mai một. Đến đầu năm 2005, chỉ có duy nhất xã Mỹ Lung còn trồng lúa nếp Gà Gáy với diện tích ít ỏi (khoảng 4-5ha) nên giống lúa này đứng trước nguy cơ mất giống. Không nản lòng, ông Chính kiên trì vận động vợ con duy trì diện tích trồng lúa nếp Gà Gáy với suy nghĩ không được để mất giống lúa quý của địa phương. Thấy ông Chính tâm huyết với việc khôi phục giống nếp quý, nhất là khi tận mắt thấy ruộng lúa nhà ông luôn trĩu hạt, nhiều người đã cấy trở lại và được ông Chính cung cấp giống. Nhiều năm liên tiếp, nếp Gà Gáy cho năng suất cao khiến cuộc sống người dân dần ổn định, từng bước thoát cảnh đói nghèo.
Năm 2007, Trạm khuyến nông huyện Yên Lập hợp tác với một số hộ gia đình ở xã Mỹ Lung có truyền thống trồng giống lúa này để thử nghiệm sản xuất hàng hóa. Từ kết quả thử nghiệm, Trạm khuyến nông huyện Yên Lập tiếp tục xây dựng quy trình thâm canh khoa học nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo; đồng thời phối hợp với các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích làm cơ sở cho việc xây dựng dự án tổng thể việc phát triển giống lúa nếp đặc sản. Nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Kim Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lung, cho biết: "Năm 2008, UBND huyện Yên Lập đã đăng ký thương hiệu sản phẩm nếp Gà Gáy Mỹ Lung với đầy đủ lô-gô, mẫu bao bì để giới thiệu sản phẩm... Ngay sau đó, nếp Gà Gáy được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể cùng lô-gô thương hiệu sản phẩm nếp Gà Gáy Mỹ Lung... Hiện nay, địa phương đang có hơn 55ha đất trồng nếp Gà Gáy".
Không còn nỗi lo đầu ra
Để tìm đầu ra cho sản phẩm nếp quý, ông Chính cũng tích cực tiếp thị theo cách riêng của mình. Mỗi dịp nhà có việc hay trong khu có sự kiện lớn, ông lại dặn vợ con và người thân thổi thêm xôi, trước khi khách về thì tặng mỗi người một gói làm quà nhằm quảng bá thương hiệu. Có lần đông khách, ông bảo vợ nấu tới cả 3, 4 yến gạo để khách đem về làm quà. Ngay bữa trưa hôm đó, ông Chính đã chiêu đãi chúng tôi món đặc sản gồm xôi nếp Gà Gáy và rượu nếp được nấu với men lá gọi là "giới thiệu sản phẩm". Quả thật, nếp Gà Gáy hạt to, mẩy và hương rất thơm. Khi đồ lên xôi rất dẻo mà lại không dính tay. Xôi có vị ngọt, để được 2, 3 ngày không bị lại gạo. Người nào từng ăn xôi nếp Gà Gáy chắc hẳn không thể quên được vị ngọt mộc mạc, đậm đà hiếm có.
Theo các cụ cao niên trong vùng, nếp Gà Gáy Mỹ Lung có được hương vị thơm ngon chính là nhờ việc gieo trồng trên cánh đồng được bồi đắp với chất đất có nhiều sa khoáng và được tưới mát bởi nguồn nước từ các khe suối thuộc dãy Hoàng Liên Sơn bao bọc xung quanh. Vì thế, vẫn là giống lúa ấy nhưng đem đi nơi khác trồng cấy thì nếp chỉ dẻo mà không có hương thơm đặc trưng. Thế nên cả vùng Yên Lập chỉ có cánh đồng của xã Mỹ Lung là sản xuất ra loại nếp Gà Gáy chính hiệu.
Hiện nay, do diện tích trồng lúa được mở rộng nên bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm, Ban giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lung còn tổ chức tiếp thị một cách bài bản. Ngoài việc cử người trực tiếp mang sản phẩm đi giới thiệu tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nông sản trong tỉnh, HTX còn phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ mang sản phẩm đi quảng bá tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc, Hội chợ thương mại của các tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… Đặc biệt, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Hùng Vương trong dịp Giỗ Tổ 10-3. Nhờ vậy, sản phẩm nếp Gà Gáy của Mỹ Lung được bạn bè trong cũng như ngoài tỉnh biết đến nên lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên. Năm 2015, HTX đã thu mua và tiêu thụ ra thị trường khoảng 13 tấn gạo thành phẩm. Năm 2016 đã có hơn 32,5 tấn gạo nếp Gà Gáy được HTX tiêu thụ. Việc tìm kiếm những thị trường lớn, tiêu thụ ổn định, nhất là thị trường nước ngoài đang được HTX tích cực hướng tới...
Nói về CCB Nguyễn Duy Chính, ông Trần Kim Sơn cho biết: "Ông Chính không chỉ là tấm gương tiêu biểu vượt khó, làm kinh tế giỏi mà còn là một trong những người có công lớn trong việc lưu giữ, phục tráng để nếp Gà Gáy Mỹ Lung có thương hiệu, có tiếng tăm trên thị trường như hôm nay".
Bài và ảnh: HÀ KHÁNH