Giúp bạn nghề là mệnh lệnh của trái tim
Trong lần tác nghiệp tìm hiểu nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, chúng tôi theo chân Trung tá QNCN Nguyễn Văn Huệ (Tổ trưởng tổ sản xuất chương trình truyền hình “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa) đến thăm ngư dân Bùi Quang Mông ở phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Anh Huệ bật mí: “Nhờ Bùi Quang Mông mà mình làm được hai phim tài liệu giành giải bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc và toàn quân. Chuyện đời Bùi Quang Mông thú vị, đáng nói lắm!”.
Truyền trưởng Bùi Quang Mông trên con tàu "Ju Mông Trường Sa 2016".
Đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa tặng quà ngư dân Bùi Quang Mông (thứ ba, từ phải sang).
Nghe giọng Bùi Quang Mông nằng nặng, tôi đoán anh không phải người địa phương. Quê hương anh cách TP Cam Ranh hơn 400 cây số - xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là vùng đất nằm cạnh biển khơi, người dân no đói phụ thuộc vào làm ruộng và đi biển. Nhà anh làm nghề nông thuần túy, đông con với 7 anh em đặt tên nôm na dễ hiểu: Nhân, Dân, Cày, Ruộng, Mẫu, Mênh, Mông. Gia cảnh chẳng hề khấm khá nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1992, Bùi Quang Mông đi biển với công việc nấu cơm cho tàu câu mực. Những ngày đầu đi biển với anh thật khổ ải, ai cũng có thể mắng chửi, tiền công phục vụ trên tàu chẳng đáng là bao, tương lai chàng trai trẻ mờ mịt…
Sau mỗi chuyến đi biển, tàu câu mực nằm bờ duy tu, sửa chữa, “thằng nấu cơm” đứng soi đèn dưới khoang cho thợ máy làm việc. Tuổi hai mươi ưa khám phá, có cơ hội cho Bùi Quang Mông hỏi miết để “học lỏm”. Có bác thợ bị hỏi nhiều đến phát cáu, mắng anh ngay: “Nấu cơm thôi có nhất thiết phải hỏi về máy kỹ vậy không, chú em?”. Bùi Quang Mông thật thà: “Bác thông cảm, ra biển ngộ nhỡ trục trặc gì, ông chủ biết tính sao?”. Đúng là trong một chuyến đi biển kéo dài, máy tàu có vấn đề mà không sửa chữa được xem như bỏ chuyến, lỗ tiền trăm triệu chứ chẳng phải chuyện đùa. Quý ông chủ, quý “thằng nấu cơm” siêng năng, các bác thợ máy chỉ dẫn tận tình. Hỏi, nhớ, ghi chép tỉ mỉ, lúc lên bờ là Bùi Quang Mông tìm đến các tiệm sửa máy để nghiên cứu thêm. Dần dà, anh sửa được máy tàu. Ra biển đánh bắt, ngư dân không còn khinh thường “thằng nấu cơm” nữa, bởi mỗi khi máy tàu trục trặc là đã có anh ra tay sửa chữa.
Sau 10 năm lênh đênh trên biển với thân phận làm thuê, Bùi Quang Mông cùng người anh trai đóng con tàu 90CV và trở thành ông chủ tàu cá. Bao năm tích lũy kinh nghiệm, đổi bằng nhiều lần suýt mất mạng, Bùi Quang Mông trở thành người đánh cá giỏi, uy tín hàng đầu ở tỉnh Quảng Ngãi. Những chuyến ra khơi mục đích bao giờ cũng là cá đầy khoang nhưng với Bùi Quang Mông còn là biết bao lần sang tàu bạn để sửa máy hộ. Trên tàu của anh luôn mang đủ bộ đồ nghề cùng một số linh kiện thường bị hư hỏng của máy tàu để ứng cứu. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Trung (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Bùi Quang Mông sống chan hòa với anh em, hay giúp mọi người nên bạn nghề ai cũng quý gọi anh là “người hùng biển khơi”. Anh còn có biệt danh vui nhộn “hiệp sĩ Ju Mông” theo nhân vật phim truyền hình Hàn Quốc. Có "Ju Mông", tinh thần anh em đi biển lúc nào cũng phấn khởi, tự tin”.
Tròn 15 năm làm thuyền trưởng, Bùi Quang Mông cũng không nhớ đã cứu được bao nhiêu máy tàu. Nhưng lần ra tay nghĩa hiệp đáng nhớ nhất của anh là vào tháng 6-2011, khi anh cứu được 10 thuyền viên tàu Solid 08 (Malaysia) bị cướp biển tấn công ở gần đảo Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Khi thấy người thuyền trưởng tàu bạn bị cướp biển đánh trọng thương có thể nguy hiểm đến tính mạng, Bùi Quang Mông chấp nhận bỏ dở chuyến đi biển, khẩn trương đưa nạn nhân cập cảng Nha Trang. Với Bùi Quang Mông, hành động nghĩa hiệp dựa theo tâm niệm: Cùng là đồng nghiệp thì phải giúp nhau dù không cùng quê hương, nguồn cội. Bởi chính Bùi Quang Mông từng nếm trải cảm giác tuyệt vọng tưởng đã bỏ mạng giữa biển khơi khi thuyền anh bị đắm do sóng to gió lớn và được tàu của BĐBP tỉnh Khánh Hòa cứu sống hồi đầu năm 2011.
Đêm trên tàu tĩnh lặng, hàn huyên chuyện cũ, Bùi Quang Mông vẫn không hiểu sao mình có thể vượt qua được thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời. Bao nhiêu tiền của tích cóp chìm theo con tàu. Vợ anh bị bệnh ung thư, dù cố công chạy chữa nhưng chị không qua khỏi, để lại hai đứa con thơ. Có những giây phút chán nản, Bùi Quang Mông nghĩ đến chuyện bỏ nghề, tìm việc khác mưu sinh. Đêm đêm, khi những đứa con đã yên giấc, giấu nước mắt trong lòng, anh trằn trọc không yên. Anh nhớ biển, nhớ công việc xem hướng gió, dòng chảy vượt sóng to, bao vây cất gọn đàn cá lớn và trở về cảng cá “xả hàng”. Nghĩ miết rồi anh quyết tâm trở về với biển, Bùi Quang Mông đi vay lãi đóng tàu tiếp tục ra khơi, anh có niềm tin còn người là còn tất cả, chí thú làm ăn rồi thế nào cũng vươn lên khá giả.
Trọn niềm tin "Biển cả là quê hương"
Anh rời quê nhà đến TP Cam Ranh gây dựng lại cuộc sống gia đình và cả sự nghiệp. Thời điểm khó khăn ban đầu nơi đất khách, mọi người không quên anh, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp địa phương ra sức hỗ trợ tài lực và tinh thần giúp anh tiếp tục vươn khơi bám biển. Đến tháng 7-2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó có gói hỗ trợ tín dụng để ngư dân đầu tư đóng tàu vỏ thép, vỏ composite công suất lớn đủ sức vươn đến ngư trường xa nhất của nước ta. Chưa hết mừng khi được Nhà nước cấp nguồn tín dụng lớn, lãi suất thấp, thời gian trả nợ được kéo dài, Bùi Quang Mông vướng phải chuyện hồ sơ không đủ tiêu chí để vay vốn đóng tàu. Anh kiên trì gặp gỡ lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa và cả phía ngân hàng. Anh tự tin thuyết phục rằng dù anh chỉ có chừng 600 triệu đồng để làm vốn đối ứng, đang đi thuê nhà để sống nhưng nếu được cấp tín dụng để đóng tàu to, mua động cơ tàu của Mỹ, máy phát điện Nhật Bản kết hợp với kinh nghiệm đánh bắt, anh tin mình sẽ trả xong nợ ngân hàng trước thời hạn. Phía ngân hàng biết tiếng Bùi Quang Mông là thuyền trưởng giỏi, có tinh thần nghĩa hiệp nên đồng ý giải ngân cho anh đóng tàu mới. Vậy là Bùi Văn Mông có con tàu vỏ composite 800CV trị giá 13 tỷ đồng, mang tên “Ju Mông Trường Sa 2016”, số hiệu KH 93476TS. Có tàu mới, Bùi Quang Mông tự tin lắm bởi theo anh, tàu vỏ gỗ dù to nhưng dễ bị mối mục, hà bám, dễ bị phá nước, chi phí sửa chữa nhiều, hiệu quả bảo quản hải sản sau thu hoạch thấp. Nhiều năm trước, anh đã ao ước sở hữu được con tàu hiện đại nhưng không đủ kinh phí nên chính sách của Nhà nước ra đời thật kịp thời, giúp anh hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Chúng tôi và Trung tá QNCN Nguyễn Văn Huệ được Bùi Quang Mông mời là những người đầu tiên “xông thuyền”. Đi trên tàu mới không có hiện tượng rung lắc, máy êm, sóng gió cấp 7 tàu vẫn hoạt động bình thường. Lâu không gặp anh, nhớ người ngư dân can trường, chân chất này, chúng tôi gọi điện hỏi thăm, anh bảo đang neo tàu ở đảo Sinh Tồn. Anh hồ hởi cho biết: “Ba tháng đi liên tiếp được 4 chuyến, lợi nhuận thu về gần 2 tỷ đồng, trừ phí tổn mình có đủ 1 tỷ đồng để xây nhà mới rồi”. Xây nhà mới là ước mơ của Bùi Quang Mông bấy lâu nay bởi mẹ anh đã trên 90 tuổi, mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học cũng cần mái nhà khang trang để cư trú. Chuyện trả nợ ngân hàng sẽ được thực hiện dần dần, mục tiêu trong năm 2017 của anh là phải để ra 2 tỷ đồng để trả nợ.
Không chỉ được đánh giá là ngư dân giỏi nghề, Bùi Quang Mông còn được các cơ quan chức năng đánh giá cao khi có ý thức giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thiếu tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Hải đội 2, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Bùi Quang Mông được xem như “đứa con” của BĐBP vì anh cung cấp nhiều thông tin có giá trị về các tàu cá hoạt động trên vùng biển nước ta, nhất là khi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Từ khi có tàu lớn, hoạt động liên tục trên vùng biển xa, Bùi Quang Mông không còn phải ngại chuyện tàu cá nước ngoài chiếu đèn sáng vào ban đêm để hút cá về tàu họ. Nay, anh có thể chạy tàu tối đa cả ngày không cần nghỉ, áp sát tàu nước ngoài đang khai thác trộm hải sản, đuổi họ ra khỏi vùng biển nước ta.
Hình ảnh ấn tượng lưu lại trong tâm trí của chúng tôi trong chuyến ra khơi với tàu “Ju Mông Trường Sa 2016” là khi Bùi Quang Mông cất lên những lời ca tha thiết: “Ngoài khơi xa đang có gì đợi anh/ Lúc phong ba biển động sóng gầm gào/ Em chờ anh thức trọn suốt canh thâu/ Như dòng sông nước vơi rồi lại đầy...”. Với Bùi Quang Mông, hạnh phúc lúc này thật giản dị: Vươn khơi bám biển, nơi anh từ lâu đã coi “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, sau mỗi chuyến đi biển bội thu, vội vàng trở về nhà; nơi đó người mẹ già, vợ hiền và đàn con thơ đang ngóng trông “người hùng” biển khơi bên mâm cơm ấm cúng.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN