Gia đình Tây Tiến

PGS, TS Lê Hùng Lâm là người rất nhiệt tình với hoạt động của Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến. Dưới thời ông làm Trưởng ban liên lạc, các cựu chiến binh Tây Tiến đã dựng được ba tấm bia kỷ niệm tại những khu vực mà đoàn quân Tây Tiến năm xưa từng đặt chân đến. "Vệ út” Lê Hùng Lâm qua đời năm 2010, để lại khoảng trống trong lòng nhiều “người Tây Tiến”. Nhiều dự định bị bỏ dở dần đi vào quên lãng.

Đã có lúc, người ta ngỡ rằng “gia đình Tây Tiến” sẽ không bao giờ sum tụ được như xưa nữa. Sự tan vỡ ấy như vết thương nhức nhối, đau xót. Lẽ nào một “gia đình Tây Tiến” được biết đến bởi sự hào hoa, oai hùng, gắn kết lại ly tán. Còn nhớ những năm xưa, mỗi lần cựu chiến binh Tây Tiến gặp mặt là một sự kiện của thành phố Hà Nội, nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự và gửi lẵng hoa chúc mừng. Chị Bùi Phương Thảo nghĩ: “Không! Không thể để điều đó xảy ra được! Mình sẽ làm tất cả để "gia đình Tây Tiến" bền chặt, để "giá trị Tây Tiến" mãi tỏa sáng!”.

leftcenterrightdel
Công viên Lâm Viên-Tây Tiến ở Mộc Châu, Sơn La. 
leftcenterrightdel

Chị Bùi Phương Thảo, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến đọc bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng nhân Lễ khánh thành Công viên Lâm Viên-Tây Tiến. 

Một buổi chiều cuối năm 2011, cuộc họp tại nhà cụ Xuân Sâm, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 52 Tây Tiến, các cựu chiến binh đã thống nhất giao nhiệm vụ Trưởng ban liên lạc cho chị Bùi Phương Thảo. Các cụ nói: “Thôi thì giàu con út, khó con út. Thế hệ cha chú đều đã già hết cả rồi, cháu Thảo lãnh nhận trách nhiệm này mong cháu sẽ làm cho tên của trung đoàn mãi đẹp trong lòng nhân dân”. Các cụ cũng lập ra một ban cố vấn để phụ giúp cho ban liên lạc.

Vừa rồi, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến, Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó trưởng ban thường trực Ban liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào nói rằng, ban liên lạc của các đơn vị nếu không trao truyền được ngọn lửa truyền thống cho thế hệ con cháu thì chậm lắm là đôi ba mươi năm nữa sẽ chỉ còn được nhắc trong sử sách. Chính vì thế mà mô hình của Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến cần được nhân rộng.

Mới đó mà đã 6 năm trôi qua, những việc của Ban liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến làm được có thể nói là rất ấn tượng. Đến giờ, bà con nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc đều trân trọng mỗi khi nhắc đến tên Trung đoàn 52 Tây Tiến. Họ tri ân những người anh hùng đã ra đi vì nghĩa lớn; biết ơn những đóng góp, giúp đỡ của các cựu chiến binh dành cho bà con hôm nay. Tất cả những điều đó đã làm nên "giá trị Tây Tiến", một nét văn hóa tri ân nghĩa tình đẹp đẽ đậm chất Bộ đội Cụ Hồ.  

Bản thân tôi sau này cũng tìm được chỗ đứng trong “gia đình Tây Tiến”. Chúng tôi đi dâng hương tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ; đi giúp đỡ nhiều ngôi trường vùng cao; tri ân nhân dân những nơi từng chở che cho bộ đội… tất cả với lòng tự hào của những con, em, thế hệ kế tiếp của cựu chiến binh Tây Tiến. Luôn có mặt trong những hoạt động này, chị Thảo là người đi đầu. Chị là người "truyền lửa" nhiệt tình cho tôi và nhiều anh chị em khác.  

Câu chuyện của bố và con gái

Tới thăm nhà chị Bùi Phương Thảo tại quận Long Biên, TP Hà Nội, khách dễ nhận thấy dấu ấn của người cha in đậm trong cuộc sống của cô con gái út. Trên tường là những bức tranh do nhà thơ Quang Dũng vẽ; trên kệ sách là di cảo của nhà thơ cùng nhiều sách báo viết về ông; bên bàn nước là bức tượng bán thân Quang Dũng đội mũ ca-lô, khoác áo trấn thủ… Sự sắp đặt này khiến cho người ta có cảm giác rằng, nhà thơ vẫn còn đang hiện diện đâu đây, dường như ông mới chỉ ra ngoài một chút thôi.

Chị Thảo là con gái út. Cha con hơn kém nhau ngoài bốn chục tuổi. Chị được cha cho đi cùng nhiều chuyến. Cũng phải nói thêm rằng, thời công tác ở Nhà xuất bản Văn học, nhà thơ Quang Dũng đi nhiều. Ông thường đi thăm bạn văn, bạn thơ, bạn chiến đấu. Ông cũng hay đi viết báo, những chuyến đó thường đi rất kỹ, dăm ba hôm, một tuần, có khi cả tháng. Chị Thảo bùi ngùi kể: “Lối sống của cha ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in ngôi nhà của bác Vạn Thắng ở 80 ngõ Bát Sứ, nhà rất tối. Bố tôi rất thích đến nhà các bác Hùng Thanh, Tạ Đình Đề, Xuân Sâm, Văn Đa, Quang Thọ… những người ở Tây Tiến. Ngược lại, các bác ấy cũng hay đến thăm bố tôi. Các cụ kể lại chuyện những tháng ngày Tây Tiến. Những câu chuyện đó đã thấm vào tâm hồn trẻ thơ của tôi từ lúc ấy”.

Năm 1987, nhà thơ Quang Dũng ốm nặng. Trong suốt một năm đó, gần như ngày nào cũng có đồng đội, đồng nghiệp và bạn thơ đến thăm nom, săn sóc, hỏi chuyện ông. Chị Thảo thay cha tiếp khách, qua câu chuyện của mọi người, chị thêm yêu mến và cảm phục cha mình. Có những câu chuyện mà chỉ có bạn bè của ông mới biết. Ví dụ như một câu trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết thế này: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, nhiều người sau này không hiểu ý tác giả thế nào. Thực tế thì đó là sau trận Mường Láp, Hủa Phăn (ngày 20-10-1945), nhà thơ không được tham dự trận đánh này nên… tiếc. Chỉ vậy thôi. Chuyện này, chính nhà thơ đã tâm sự với người đồng đội trong đại đội của mình ấy là ông Nguyễn Xuân Sâm.

Những câu chuyện được đồng đội của cha kể lại đã thêm lần nữa khắc sâu vào tâm trí của chị Bùi Phương Thảo, để rồi chị nhận ra rằng: Nhắc đến Quang Dũng là nhắc đến Tây Tiến, nhắc đến Tây Tiến thì phải biết Trung đoàn 52 Tây Tiến. Niềm thương nỗi nhớ đến người cha thân yêu đã bồi đắp nên tình yêu Tây Tiến thành tình cảm gắn bó với Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Từ ngày được các cụ cựu chiến binh Tây Tiến tin tưởng giao phó trọng trách Trưởng ban liên lạc, chị Bùi Phương Thảo đã cùng với nhiều con em Tây Tiến khác sưu tầm lưu giữ những kỷ vật chiến trường. Những kỷ vật này phần lớn được giao cho UBND huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để trưng bày trong nhà lưu niệm Tây Tiến. Các anh chị cũng tham gia góp công, góp của, góp ý tưởng để huyện Mộc Châu xây dựng công viên Lâm Viên-Tây Tiến. Theo thông tin mới nhất thì di tích lịch sử cách mạng này sắp được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Cùng với đó, Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến cũng duy trì thường xuyên mối liên hệ với 6 trường mang tên Tây Tiến ở các huyện: Mường Lát (Thanh Hóa), Lạc Sơn (Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La). Học sinh của những trường này thường xuyên nhận được quà là bút, vở, cặp sách, đồ dùng học tập do con em các cựu chiến binh Tây Tiến đóng góp, gửi tặng.

Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến cũng đã đứng ra tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm như hội thảo về Chiến thắng Mường Láp, Hủa Phăn; kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến; về nguồn tri ân đồng bào các dân tộc ở huyện Mộc Châu nhân dịp khánh thành công viên Lâm Viên-Tây Tiến. Những hoạt động ấy đã góp phần khơi dậy tinh thần tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Tôn vinh nét đẹp anh Bộ đội Cụ Hồ qua nhiều buổi nói chuyện truyền thống, nhiều hoạt động tri ân với đồng bào. Đằng sau tất cả những việc làm ý nghĩa của Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến đều có bàn tay tổ chức cũng như những đóng góp không mệt mỏi của chị Bùi Phương Thảo.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ