Và người gieo hy vọng trong những "vầng trăng khuyết" ấy chính là bác sĩ Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng. Ở tuổi 75, nhiều người đã nghỉ ngơi, nhưng bà vẫn làm việc, vẫn gắn bó với những tiếng cười, tiếng khóc, những tiếng gọi "Mẹ ơi" của trẻ.

Vì tình yêu con trẻ

Đó không phải là khẩu hiệu, mà đã trở thành những suy nghĩ, hành động thấm đẫm yêu thương của tất cả giáo viên, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Hy Vọng. Hiện tại, trung tâm đang chăm sóc gần 70 cháu mang trong mình nhiều loại bệnh: Down, bại não sau viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ... Mỗi chữ cái, mỗi phép tính đơn giản, có trẻ phải học cả tuần. Một bài thơ, các em phải học nhiều tuần mới thuộc. Đang ngoan ngoãn, có trẻ bất ngờ la hét, lên cơn giật, nôn trớ, phá phách... Vì thế, phương châm của các cô giáo ở đây là "Kiên trì, thấu hiểu và chia sẻ". Theo cô Nguyễn Thị Thu, người gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu tiên, việc dạy và chăm sóc phải dựa vào tâm sinh lý của từng trẻ: "Khi nắm bắt được tâm sinh lý của trẻ thì mình biết trẻ cần mình cái gì và mình luôn luôn thay đổi động hình, thay đổi hình thức liên tục. Trong tiết học buổi chiều hoạt động tập thể thì có thể cho các con hát, đọc thơ; có thể cho con tự thấy mình hôm nay có câu chuyện kể cho các bạn nghe".

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga và các cháu nhỏ của Trung tâm Hy Vọng. 

Việc giáo dục trẻ bình thường đã cần sự kiên trì của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo rồi, nhưng với trẻ tự kỷ nói riêng, trẻ chậm phát triển trí tuệ nói chung, việc đồng hành cùng các em đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội. Bác sĩ Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng cho biết: "Nuôi 10 trẻ bình thường không vất vả bằng 1 trẻ khuyết tật. Những hành vi của trẻ làm các bậc cha mẹ lo lắng, đau đầu, như: Đập đầu, cào cấu, đập phá... Những trẻ như vậy rất cần môi trường để chơi, vỗ về trẻ. Có gia đình dành cho trẻ một phòng trống, nhưng nhiều gia đình không có điều kiện. Nhiều bà, nhiều cô giữ trẻ cũng nói: "Tôi cố gắng hết sức nhưng cháu cắn bầm giập hết cả tay, chân tôi rồi". Vì thế, kiên trì là yêu cầu đầu tiên với các giáo viên ở trung tâm này. Họ không chỉ cần bằng cấp về sư phạm, mà phải có tấm lòng yêu trẻ, yêu như chính con mình đẻ ra".

Trung tâm Hy Vọng không chỉ rèn kỹ năng, mà còn phải dạy cho các con học văn hóa. Chương trình dạy cho các em ở đây cũng rất đặc biệt. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chương trình riêng cho những trung tâm giáo dục trẻ thiểu năng trí tuệ, nên từ kiến thức sư phạm của các cô và thực tế nhận biết của trẻ mà trung tâm xây dựng chương trình giáo dục cho mình. Mỗi trẻ là một chương trình riêng, mỗi trẻ là một kế hoạch học tập riêng. Vào đầu năm học, các cô nhận trẻ, xây dựng chương trình riêng và trao đổi với bố mẹ các em. Sau đó, Giám đốc Trung tâm duyệt lại và thống nhất với các cô để triển khai. Điều này đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo không ngừng, thậm chí là sáng tạo trong từng giờ học. Trung tâm cũng đưa Yoga vào chương trình học vì khi tập Yoga, trẻ rất thích, khỏe ra. Bố mẹ các trẻ cũng ủng hộ.

Mỗi trẻ ở trung tâm đều có sổ theo dõi sức khỏe và kế hoạch giáo dục riêng. Mọi diễn biến về sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ đều được giáo viên và bác sĩ của trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Niềm tin thắp sáng tình người

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, sau 10 năm làm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ Đỗ Thúy Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và Chăm sóc trẻ em, rồi làm Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Ba Đình. Tâm huyết với việc chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ, sau khi nghỉ hưu, bà mở Trung tâm Hy Vọng. Từ một nhóm trẻ gồm khoảng 10 cháu lúc ban đầu, đến nay, sĩ số các em ở trung tâm duy trì ở mức khoảng 70 trẻ, chia làm 4 lớp. Không chỉ tiếp nhận trẻ em ở địa bàn Hà Nội, trung tâm còn tiếp nhận trẻ em ở hơn 20 tỉnh và thành phố, như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP Hồ Chí Minh...

"Dường như có những hoạt động bình thường với một trẻ khác, thì lại rất khó khăn với trẻ chậm phát triển. Có khi để trẻ cất tiếng gọi "mẹ"-một từ vô cùng đơn giản mà trẻ bình thường có thể phát âm từ khi 7-8 tháng tuổi, nhưng các bà mẹ phải chờ đợi suốt 2-3 năm.... "Thậm chí có trẻ 4-5 tuổi mới gọi được: "Mẹ ơi". Khi đó, không chỉ người mẹ khóc, mà chúng tôi cũng khóc theo. Tôi coi đó là phần thưởng vô giá với bản thân mình và đối với các cô giáo ở đây", bác sĩ Đỗ Thúy Nga tâm sự.

Những chuyển biến tích cực của các con khiến nhiều bậc cha mẹ mừng rơi nước mắt. Chị Kiều Thanh Loan cho biết, lúc con trai chị (bé Nguyễn Minh Quân) đến trung tâm học thì các kỹ năng, tư duy chỉ đạt một nửa so với các bạn bình thường. Nhưng qua quá trình học thì chị thấy con tiến bộ từng năm, các chỉ số đều phát triển vượt bậc từ 60 đến 70%. Về nhà, con tự làm được mọi việc. Trong gia đình, ai cũng thấy các kỹ năng của con tốt lên rất nhiều. Còn với chị Lưu Ngọc Minh, mẹ cháu Trịnh Hải Yến đã học ở đây gần 13 năm, niềm vui lớn nhất của chị là con gái thích đi học, trời mưa con cũng đòi đến trường. Chị Minh cũng rất cảm phục sự kiên trì, yêu thương con trẻ, chu đáo, tận tình của các cô giáo ở đây. Nhiều học sinh của trung tâm sau khi ra trường, đã hòa nhập tốt, có công việc ổn định, giống như Nguyễn Mạnh Minh Quang. Sau 12 năm học ở đây, giờ Quang đã trở thành nhân viên của một cơ sở sản xuất hộp giấy ở Nhổn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Thỉnh thoảng, Quang vẫn về Trung tâm Hy Vọng thăm bà Nga, cô Bình, cô Thu... và nhận được sự chăm sóc ân cần như người thân trong gia đình của các cô.

Với bác sĩ Đỗ Thúy Nga, là một người mẹ và cũng vì hạnh phúc của nhiều bà mẹ khác mà bà đã gắn bó với công việc vất vả và nhiều thách thức này. Bà bảo rằng, đã trải qua công việc ở lâm sàng nhi, từng điều trị những trẻ bị viêm màng não nên bà thấu hiểu nỗi vất vả, nỗi đau của nhiều gia đình khi có con thiểu năng trí tuệ. Khi nghỉ hưu, bà xác định đây là món nợ phải trả cho cuộc đời, chia sẻ gánh nặng với các gia đình, giảm bớt những khuyết tật của trẻ. "Các bé như những mảnh trăng khuyết và trách nhiệm của chúng ta làm cho chúng trở thành vầng trăng tròn hơn, bớt đi những thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa", bác sĩ Đỗ Thúy Nga luôn tâm niệm như vậy.

Tất cả kiến thức chăm sóc trẻ, tất cả tình yêu thương với trẻ thơ, bác sĩ Đỗ Thúy Nga dồn hết cho Trung tâm Hy Vọng. Bà hạnh phúc khi được gắn bó với từng tiếng cười, tiếng khóc, tiếng gọi "mẹ ơi" của trẻ. Với bà, đó là cách nhen nhóm lên những niềm vui, hạnh phúc, hy vọng đối với các gia đình và với các trẻ bị thiệt thòi, đúng như cái tên "Trung tâm Hy Vọng".

Mỗi con người là một thế giới riêng. Hãy tôn trọng và yêu thương mỗi thế giới riêng đó. Và cách mà Trung tâm Hy Vọng đang thực hiện là đem tình yêu thương đến cho những trẻ em thiệt thòi, giúp phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi trẻ, để những vầng trăng khuyết đầy dần lên, đúng như câu hát "Niềm tin thắp sáng tình người, đẹp như ánh mắt nụ cười/ Hãy cứ hy vọng và mãi yêu đời, yêu người"...

Bài và ảnh: MAI HỒNG