CCB Đặng Thái Nhị bên trang trại bò hàng trăm tỷ.
Lên núi khởi nghiệp nuôi bò ngoại
Vượt chặng đường gần 100km, từ thành phố Buôn Ma Thuột chúng tôi tìm về xã Ea Lai, đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo M’Đrắc. Hai bên đường dẫn vào trang trại nuôi bò Úc của CCB Đặng Thái Nhị, thu vào tầm mắt chúng tôi là những cánh đồng trồng cỏ, bắp xanh mướt, trải rộng hàng trăm héc-ta. Giữa màu xanh bạt ngàn của cỏ cây là một trang trại chăn nuôi bò ngoại với quy mô hàng nghìn con được nuôi dưỡng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hàng đầu của đất nước Ô-xtrây-li-a. Tới cổng trang trại, xe của nhóm phóng viên chúng tôi đã được bảo vệ cẩn trọng phun thuốc khử trùng đúng theo quy định vệ sinh phòng dịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nhị cho biết, thiết kế quy hoạch của dự án sẽ nuôi 13.000 con bò Úc tại 47 chuồng. Và để đầu tư chuồng trại đúng kỹ thuật thì 47 chuồng nuôi bò này tiêu tốn của ông hết gần 300 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 nuôi bò vỗ béo; giai đoạn 2 nuôi bò sinh sản; giai đoạn 3 nuôi bò sữa. Xen ghép trong các giai đoạn là công nghiệp chế biến, gồm chế biến thịt bò; tiếp đến là chế biến phân bò phục vụ cho công việc bón phân trồng cỏ, trồng bắp để bảo đảm thức ăn và khâu cuối cùng là xây dựng nhà máy chế biến sữa. Trong đó, nhà máy chế biến thịt bò sẽ thực hiện trong năm 2017 này.
Ông Nhị tâm sự, có lẽ ông là người may mắn khi ở cái tuổi 66 này mà vẫn thực hiện được ước vọng của cả đời mình là được làm nông nghiệp. Cái nghề đã gắn bó với tuổi thơ ông và cả làng quê ở Đồng bằng Bắc Bộ. Ông kể, từ khi còn là một người lính cho đến lúc tóc đã phai màu thời gian, trong lòng ông luôn canh cánh câu hỏi “làm sao để phát triển nông nghiệp nước nhà theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới?”. Khi còn làm việc trong cơ quan Nhà nước, có dịp đi công tác nước ngoài, ông luôn dành thời gian quan sát, học hỏi, tích lũy những kiến thức, những mô hình phát triển nông nghiệp tiên tiến của nước bạn. Sau khi nghỉ hưu, từ những kiến thức tiếp thu được, ông hình thành ý tưởng về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, khép kín. Mô hình sản xuất nông nghiệp của ông đã được Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a đánh giá cao và được phía bạn cam kết hỗ trợ đội ngũ chuyên gia nông nghiệp để tư vấn kỹ thuật chăn nuôi từ việc phát triển đồng cỏ đến xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc bò Úc… Từ năm 2009, đoàn chuyên gia được phía Úc hỗ trợ đã cùng ông đi khắp các địa phương trên cả nước để tìm địa điểm thực hiện dự án nuôi bò Úc. Bước chân của ông đã trải khắp Bắc-Trung-Nam để tìm “bến đậu” cho dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Và cơ duyên với Tây Nguyên đã đến, sau một lần đoàn khảo sát chạy xe dọc theo Quốc lộ 26, đến địa phận huyện M’Đrắc, ông và đoàn chuyên gia đã tìm được điểm dừng chân cho dự án của mình. Đó là một khu đất thuộc thôn 8, xã Ea Lai, với những thuận lợi căn bản: Có quỹ đất rộng, cách xa khu dân cư, có suối tự nhiên bao quanh để cách ly lây truyền dịch bệnh, có núi che phía sau bảo đảm độ an toàn sinh học. Dẫu biết sức người có hạn, nhưng phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, được các cấp chính quyền tỉnh Đắc Lắc tạo điều kiện, sự đồng thuận của các hộ dân trên địa bàn xã Ea Lai, ông đã đầu tư, huy động nhân công, máy móc vào san ủi quả đồi cao hơn 6m, lấp vực sâu 18m để tạo mặt bằng làm nền móng, xây dựng nên trang trại nuôi bò quy mô lớn và hiện đại nhất Tây Nguyên hiện nay.
Và giấc mơ thương hiệu bò “M’Đrắc”
Ngồi trong văn phòng điều hành, nhìn những con bò ngoại đang lớn nhanh trên Cao nguyên M’Đrắc, dẫu đã có phần hài lòng về những kết quả bước đầu, nhưng chặng đường phía trước của CCB Đặng Thái Nhị vẫn còn lắm chông gai. Sinh ra và lớn lên trên miền quê lúa Nam Định, tuổi thơ của ông Nhị cùng bạn bè trong làng là chăn trâu, cắt cỏ, tát mương bắt cá... rồi lớn lên tình nguyện đi bộ đội. Nhấp chén trà xanh, ông Nhị kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của một thời mà ông và rất nhiều đồng đội đã trải qua. Ông bảo, mình may mắn hơn nhiều anh em, đồng đội khi vẫn còn nguyên vẹn trở về sau cuộc chiến đầy gian khổ, hy sinh, giành lại vẹn toàn non sông đất nước. Vì vậy, trong thời bình, mình luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm thay các phần việc của nhiều đồng đội khác đã mãi mãi không trở về.
Tính đến thời điểm này, ông đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ đồng được dùng vào xây dựng 6 chuồng nuôi và nhập hàng nghìn con bò giống về vỗ béo. Hơn 20 tỷ đồng đã được phía công ty phối hợp với tỉnh Đắc Lắc tổ chức đền bù cho các hộ dân có diện tích đất trong vùng giải tỏa mặt bằng thực hiện dự án. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, những trái ngọt đầu mùa đã đến với ông và công ty. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, công ty đã xuất bán hơn 5.000 con bò thịt ra thị trường, chủ yếu cho các các lò mổ gia súc ở Hà Nội, Bình Dương, Long An,... Năm 2014, công ty tiếp tục nhập về 1.700 con, năm 2015 nhập về 1.532 con. Bên cạnh việc nuôi bò thịt, từ năm 2014 đến nay, công ty đẩy mạnh đầu tư phát triển đàn bò sinh sản. Bình quân mỗi năm, đàn bò sinh sản của công ty cung cấp ra thị trường trên dưới 200 con giống. Dự kiến thời gian tới công ty sẽ nuôi 2.000 con bò giống sinh sản, ngoài việc bảo đảm con giống cho trang trại, trung bình mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường 500 con bò giống cho người dân địa phương. Thực tế việc chăn nuôi ở trang trại cho thấy, với đặc điểm bò Úc có thân hình cao to, nhiều thịt, chống chọi tốt với bệnh tật nên chúng phát triển rất nhanh. Trung bình mỗi ngày giống bò Úc công ty ông Nhị đang vỗ béo tăng trọng 1,3kg. Và thường sau 3 tháng vỗ béo, một con bò Úc tăng hơn 90kg. Nếu so với giống bò địa phương, một năm tuổi đạt trọng lượng 105kg thì giống bò úc được nuôi tại công ty chỉ 4 tháng tuổi đã đạt trọng lượng 200kg. Cộng với đó, mỗi con bò đều được gắn một con chíp điện tử để theo dõi thông số tăng trọng, bệnh tật, nguồn gốc xuất xứ,… được kết nối thông qua hệ thống máy vi tính, nên mỗi khi bò có biểu hiện là các kỹ thuật viên, bác sĩ thú y ngồi trong văn phòng máy lạnh cũng dễ dàng phát hiện, có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, công tác chăm sóc, phòng bệnh luôn được phía công ty chủ động.
Về định hướng phát triển đàn bò giống cung cấp ra thị trường, từ đầu năm 2017 này, ông Nhị dự định sẽ phối hợp với các nhà khoa học của một số viện nghiên cứu nông nghiệp lai tạo, cho ra giống bò mang thương hiệu “M’Đrắc”, từ đó giúp bà con địa phương nhân rộng, phát triển đàn bò, tăng thu nhập.
Điều đáng quý ở người CCB Đặng Thái Nhị là, với những kết quả bước đầu đạt được, ông không giữ “bí kíp” làm ăn cho riêng mình mà thường xuyên tiếp đón người dân và các cơ quan, doanh nghiệp tới tham quan học hỏi. Đặc biệt, khi người dân địa phương có nhu cầu phát triển chăn nuôi đàn bò, tìm đến công ty của ông thì luôn được cán bộ, công nhân viên trong công ty hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, cách chế biến thức ăn, kỹ thuật trồng cỏ, bón phân. Không chỉ có người dân mà nhiều đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đã đến học tập kinh nghiệm và đặt mua giống bò của công ty về chăn nuôi, nhằm bảo đảm nhu cầu thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ. Theo kế hoạch phát triển của công ty thì để bảo đảm nguồn thức ăn cho hàng nghìn con bò, ông Nhị đã đầu tư, nhập về hàng chục loại máy móc nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa cao phù hợp với địa hình của trang trại như: Máy tỉa hạt bắp, máy bón phân, hệ thống máy bơm nước tự động điều chỉnh chế độ phun, máy đóng gói, máy ủ thức ăn,…, phục vụ cho công tác gieo trồng, chế biến thức ăn cho bò. Bên cạnh đầu tư hệ thống máy cơ giới nông nghiệp hiện đại, ông còn đầu tư xây nhà giết mổ gia súc theo tiêu chuẩn của Úc trong khuôn viên trang trại. Phía chuyên gia Úc sau khi kiểm tra và giám sát công tác giết mổ rất hài lòng về sản phẩm chất lượng thịt bò của công ty.
Kể từ khi Công ty TNHH Liên hợp công-nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ triển khai dự án cho đến nay, bên cạnh giúp đỡ người dân trong vùng chuyển đổi giống bò chất lượng cao, công ty còn hỗ trợ bà con bao tiêu nông sản, nâng cao hiệu quả thu nhập trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, công ty tổ chức thu mua cây bắp nguyên liệu của người dân với giá 700 đồng/kg. Theo tính toán, với giá này, mỗi héc-ta bắp người dân trồng sau 75 đến 80 ngày thu về 42 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu người dân sản xuất bán bắp hạt, sau khi thu hoạch chỉ thu về được khoảng 21 triệu đồng/ha. Cùng với đó, công ty còn tạo công ăn việc làm thường xuyên, với mức lương trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng cho hơn 450 lao động địa phương, trong đó có hàng chục lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chánh văn phòng UBND xã Ea Lai cho biết: "Từ khi Công ty TNHH Liên hợp công-nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ đầu tư trang trại trên địa bàn, bên cạnh tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương thì công ty thường xuyên phối hợp, hỗ trợ địa phương trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, như hỗ trợ tiền mua xi măng, đá, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn, giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...”.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Thái Nhị, đến thời điểm này, bên cạnh những thuận lợi, công ty còn gặp một số khó khăn, như theo quy hoạch của dự án, trang trại bò của công ty rộng 1.513ha nhưng hiện nay UBND tỉnh Đắc Lắc mới chỉ bàn giao được 323ha, số diện tích còn lại đến nay chưa được bàn giao do công tác giải phóng đền bù còn gặp một số vướng mắc. Là người đứng đầu công ty, ông Nhị kiến nghị các cấp, ngành tỉnh Đắc Lắc cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời giúp đơn vị giải quyết khó khăn để dự án sớm hoàn thành, qua đó góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi ở địa phương phát triển theo hướng hiện đại trên quy mô lớn.
Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH