Xuân này con đã về

Chiếc xe chở hài cốt liệt sĩ Hoàng Xuân Bình vừa dừng tại sân trung tâm văn hóa huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chúng tôi đã thấy dáng lưng còng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lự Thị Phang run lên từng chập theo sóng cảm xúc đang vỡ òa. Năm nay mẹ Phang đã 84 tuổi và là mùa xuân thứ 44 mẹ tựa cửa ngóng trông người con trai cả Xuân Bình đi bộ đội trở về...

Mỗi năm trôi qua, sức mẹ càng cạn kiệt những tưởng không thể đợi được con. Vậy mà, trước thềm Xuân Mậu Tuất 2018, trong vòng tay đồng đội, Xuân Bình đã trở về. Mẹ lập cập ôm hài cốt con trai vào lòng: “Con ơi! Mẹ tưởng không bao giờ gặp lại con nữa”. Những dòng nước mắt trào trên khóe mắt rồi lăn dài trên gương mặt nhăn nheo của mẹ.

leftcenterrightdel
Ông Phan Văn Lễ (bên trái), em trai liệt sĩ Phan Phúc Nghi và cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt.

Gia đình liệt sĩ Hoàng Lương Tâm ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cũng chan chứa xúc động khi đón người thân trở về. Anh Hoàng Văn Sư (em trai liệt sĩ Tâm) nức nở: Từ khi nhận được giấy báo tử, do hoàn cảnh quá nghèo nên gia đình không có điều kiện đi hỏi thông tin và tìm kiếm phần mộ của anh Tâm. Vừa rồi, cô Nguyễn Minh Phương, CCB ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, báo cho gia đình: CCB Đỗ Tuấn Đạt thông tin liệt sĩ Hoàng Lương Tâm đang được an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. 

Sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình hai liệt sĩ Hoàng Xuân Bình và Hoàng Lương Tâm, CCB Đỗ Tuấn Đạt đã tổ chức đi quy tập hài cốt hai anh. Không chỉ tài trợ chi phí chuyến đi, CCB Đỗ Tuấn Đạt còn lái xe xuyên suốt hành trình dài khoảng 4.000km từ Hà Nội vào Tây Ninh, rồi từ Tây Ninh về Lào Cai, chở người thân liệt sĩ đưa hài cốt các anh về quê mẹ.

Tại lễ cải táng liệt sĩ Hoàng Xuân Bình và liệt sĩ Hoàng Lương Tâm có sự tham gia của các tướng lĩnh, CCB Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên, bởi vậy càng thêm phần long trọng. Trước đông đủ mọi người, Thiếu tướng Trần Minh Đức, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên giai đoạn 1966-1975, nói với chúng tôi: “Chiến sĩ thi đua-lái xe Đỗ Tuấn Đạt trong chiến tranh đã từng được đề nghị phong anh hùng, nhưng do đi quá phép về quê lấy vợ mà bị gác lại. Còn bây giờ, bằng tấm lòng và hành động của anh đối với liệt sĩ, đồng đội hôm nay, anh Đạt như người anh hùng trong trái tim đồng đội chúng tôi”.

Còn sức là còn đi

Đỗ Tuấn Đạt trước khi nhập ngũ từng là lái xe Công ty Vận tải hàng hóa Hà Nội từ năm 1964. Năm 1967, Tuấn Đạt nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 5 (Công trường 5), Quân khu Trị Thiên năm 1968. Năm 1969, với kinh nghiệm lái xe, Tuấn Đạt được chuyển về Đại đội 69B, lái xe Gaz-69 của Quân khu Trị Thiên với nhiệm vụ lái xe trên các cung đường Trường Sơn, vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam. Ông tâm sự: “Đối mặt với bom đạn chiến tranh, những người lính chúng tôi thân thiết như ruột thịt, cùng chia sẻ nắm cơm, ngụm nước. Năm 1971, khi đoàn xe đi đến đoạn đèo Bò Lạch, tôi tắt máy xuống làm điếu thuốc lào. Xe đồng chí Trần Văn Thiết và Đào Quang Bình vượt lên dẫn đường. Chỉ khoảng 3 phút sau, chiếc xe của hai đồng chí bị dính mìn. Hai anh hy sinh tại chỗ. Chúng tôi lên lấy được thi thể và an táng đồng đội ở đèo Bò Lạch. Hòa bình lập lại, chúng tôi cải táng hai anh rồi đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị”.

Với mong muốn thông tin cho gia đình biết những chiến công và sự dũng cảm của hai liệt sĩ Trần Văn Thiết và Đào Quang Bình, ông Đạt dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin và đến từng gia đình liệt sĩ. Đến gia đình liệt sĩ Bình ở xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, thân nhân liệt sĩ nghẹn ngào tâm sự gia đình đã đi tìm phần mộ hàng chục năm mà không thấy. CCB Đỗ Tuấn Đạt tình nguyện đưa gia đình vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú đón anh về quê nhà. “Chứng kiến những phút giây xúc động khi họ tìm được người thân, trong lòng tôi lại day dứt khi nhớ về thời gian gần 10 năm trong quân ngũ, tôi đã an táng hàng chục đồng đội khi các anh ngã xuống, cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với đồng đội. Và chắc hẳn những gia đình này cũng đang mong ngóng, trông tin”, ông Đạt tâm sự.

Nghĩ là làm, ông Đạt thu thập thông tin và tự tìm đến từng gia đình liệt sĩ để thông báo và giúp đỡ việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Sau đó, với tâm nguyện giúp được nhiều gia đình liệt sĩ hơn, CCB Đỗ Tuấn Đạt đã vận động bạn bè là các doanh nhân, cựu chiến binh thành đạt, thành lập Câu lạc bộ “Nghĩa tình đồng đội” thuộc Ban Liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên, với tôn chỉ, mục đích là giúp đỡ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm, quy tập hài cốt con em mình. Chính vì thế, với sự giúp đỡ của Câu lạc bộ “Nghĩa tình đồng đội” nói chung và CCB Đỗ Tuấn Đạt nói riêng, hàng trăm liệt sĩ đã được trở về thỏa ước nguyện của người thân.

Thiếu tướng Trần Minh Đức cho biết thêm: “Không chỉ tâm huyết giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, anh Đạt còn tích cực cùng Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khắp mọi miền Tổ quốc. Vừa rồi, anh Đạt đã ủng hộ 5 tấn gạo và 150 triệu đồng tiền mặt tặng bà con bị ảnh hưởng lũ lụt ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; 2 tấn gạo và 10 triệu đồng tặng bà con ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; 14 tấn gạo, 4.000 thùng mì ăn liền, 3 tấn quần áo tặng bà con ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

“Còn sức là còn đi” là câu nói mộc mạc của CCB Đỗ Tuấn Đạt trước khi chúng tôi ra về. Phố phường nhộn nhịp trong những ngày cuối năm, còn ông lại chuẩn bị hành trang, phương tiện cho chuyến hành trình tiếp theo tới Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị để đưa hài cốt liệt sĩ Cao Hữu Duỗi về quê hương phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội trước Tết Mậu Tuất theo mong muốn thiết tha của gia đình.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ