Ước nguyện chung tay và sẻ chia

Sinh ra ở Sầm Sơn,Thanh Hóa; năm 1996, đang học năm thứ ba Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trịnh Tứ Thắng phải bỏ học vì gia đình quá nghèo. Năm 1997, mới 21 tuổi, anh vào Vũng Tàu mở xưởng điêu khắc. Tháng 2-1998, anh nhập ngũ vào BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tháng 10-1998, anh được cử đi đào tạo tại Trường Trung cấp Biên phòng 2.  Sau 3 năm miệt mài đèn sách, năm 2001, tốt nghiệp ra trường, anh về nhận công tác tại Đồn Biên phòng 622 (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, anh đến các gia đình đồng bào dân tộc Khmer giúp bà con sửa nhà, vận động thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh cùng đồng đội và các nhà hảo tâm duy trì thực hiện chương trình “Áo ấm mùa đông tặng người già”, quyên góp nhiều áo quần, chăn màn, sách vở…giúp các trại dưỡng lão, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, gia đình nghèo, neo đơn...

leftcenterrightdel
Đại úy Trịnh Tứ Thắng và các em học sinh ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình (năm 2015). 

Năm 1999, Trịnh Tứ Thắng xây dựng gia đình và được bà con dân bản giúp dựng cho túp lều lá đơn sơ gần đơn vị. Chị Hiền, vợ anh tâm sự: “Nhà tạm, xung quanh thưng lá, nên vào mùa gió chướng, có đêm ngôi nhà đong đưa như chiếc võng”. Tuy vậy, chị vẫn động viên chồng yên tâm công tác, giúp đỡ bà con. Năm 2007, anh Thắng được cử đi học tại Học viện Biên phòng. Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục trở về Trà Vinh công tác. Đến cuối năm 2011, anh được điều về Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình và công tác tại Đồn Biên phòng Cà Roòng, một đồn miền núi, vùng cao. Đầu năm 2014, anh được cấp trên điều động và bổ nhiệm chức vụ Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Roòng (BĐBP tỉnh Quảng Bình).

 Những ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, mỗi lần đi công tác ở các bản xa xôi hẻo lánh, chứng kiến đời sống của dân bản còn nhiều khó khăn, anh Thắng thường chụp lại những hình ảnh để chia sẻ với người thân và các nhà hảo tâm. Theo nguyện vọng và với sự nhiệt tình của anh, nhóm "Chung tay và sẻ chia|" được thành lập. Những năm đầu, nhóm chỉ có 3 người tham gia. Thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn; vợ không có việc làm, các con còn nhỏ, nhưng anh vẫn rất tích cực với công tác thiện nguyện, nên dần dần nhiều người tự nguyện tham gia. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, nhóm “Chung tay và sẻ chia” đã có 15 thành viên thường xuyên tích cực tham gia, cùng nhiều thành viên “không chuyên” ủng hộ. Hoạt động chính của nhóm là kết nối, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa… Với vai trò đầu tàu, những năm qua, anh Thắng không quản ngại khó khăn, vất vả, vượt qua bao cung đường gập ghềnh, đèo cao, suối sâu đến trao quà ủng hộ và tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con dân bản ở vùng sâu, vùng xa. Những nỗ lực của anh Thắng đã góp phần giúp bà con những nơi anh “cắm bản” dần từ bỏ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng khởi sắc, con em được xóa mù chữ, an ninh biên giới được bảo đảm.

Ông Đinh Liễn, Trưởng bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nói: “Bộ đội Thắng thương bà con dân bản mình như người thân của gia đình. Vì thế, bà con cũng coi bộ đội Thắng là con dân của bản. Từ ngày được bộ đội Thắng quan tâm, tận tình cầm tay chỉ việc, đời sống dân bản no ấm hơn, con em được học cái chữ của Cụ Hồ, nhà nhà đều vui tiếng cười, tình trạng đông con, đẻ nhiều cũng giảm hẳn và không còn di canh, di cư, vượt biên trái phép nữa”.

Mong giúp dân được nhiều hơn nữa        

Bằng tất cả nhiệt huyết của mình, hơn 6 năm qua, anh Thắng trực tiếp kêu gọi các nhà hảo tâm phối hợp với các đồn biên phòng: Ra Mai, Trường Sơn, Cà Ròong, Cồn Roàng, Làng Mô, Lý Hòa (BĐBP Quảng Bình) thực hiện hiệu quả chương trình chung tay vì biên giới, với 10 chuyến hàng, tổng trị giá hơn 450 triệu đồng; kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ xây dựng phòng học trị giá 450 triệu đồng tặng Trường Tiểu học số 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Đợt mưa lũ năm 2016, anh kêu gọi các nhà hảo tâm giúp gạo, mỳ ăn liền, tiền mặt, quần áo…, với 6 chuyến hàng chuyển đến các xã: Phù Hóa, Quảng Phương, Cảnh Dương, Quảng Long (huyện Quảng Trạch); Trọng Hóa (huyện Minh Hóa); Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch)… với tổng trị giá gần 700 triệu đồng. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, anh vận động các nhà hảo tâm trao 90 suất quà, gồm: Cặp, sách, vở, chăn ấm, miến gạo tặng các cháu học sinh tại giáo xứ Phú Xuân (xã Quảng Phú); 90 suất quà tặng học sinh thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), tổng trị giá 120 triệu đồng, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Chị Hoàng Thị Hiếu ở xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch), một mình nuôi 3 con nhỏ (2 cháu mắc bệnh nặng) và mẹ chồng già yếu, được anh Thắng vận động tiền ủng hộ giúp mẹ con chị chữa bệnh và xây lại nhà cho gia đình chị.

Thực hiện chương trình “Nâng bước chân em tới trường”, trong ba năm công tác ở Đồn Biên phòng Cà Roòng, bà con các bản rất yêu quý thầy giáo Thắng, bởi anh đã tận tình dạy học cho con em. Ngoài tham gia trợ cấp cho 4 em học sinh mà đơn vị nhận đỡ đầu, anh còn vận động các nguồn hỗ trợ đỡ đầu thêm 3 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức 300.000 đồng/em/tháng; bản thân anh tự đảm nhận đỡ đầu 3 em, với mức hỗ trợ 300.000 đồng/em/tháng. Với đồng lương của một sĩ quan quân hàm đại úy, vợ chưa có việc làm, 3 con đang tuổi ăn học, tôi rất khâm phục và hỏi anh: “Hoàn cảnh gia đình anh cũng khó khăn, lấy tiền đâu để anh cưu mang, nhận đỡ đầu 3 cháu”. Anh cười bảo: “Đó là nhờ cái tâm và cái tài của người đi làm công tác thiện nguyện. Em còn tranh thủ ban đêm viết báo, làm phim video clip cho các chủ nhà hàng, để có thêm tiền chi cho việc vận chuyển hàng hóa đi tặng bà con”.

Nói rồi, anh mở máy vi tính cho tôi xem những bài thơ và những thước phim mình sáng tác. Thấy chị Hiền-vợ anh và các con cần mẫn kiểm tra, xếp, gói chăn, áo quần để đóng vào từng thùng giấy, tôi tò mò hỏi: “Chị làm gì cho mệt, những người tặng quần áo đã gói rồi mà?”. Chị Hiền bộc bạch: “Em cũng biết vậy, nhưng vẫn phải kiểm tra để tránh tình trạng tặng hàng hóa kém chất lượng, bà con sẽ mất lòng tin. Nhiều năm gia đình em sống ở Trà Vinh, đã cùng đồng cam cộng khổ, chịu cảnh nghèo với đồng bào dân tộc; nay gia đình được no ấm hơn, chúng em thấy càng phải biết yêu thương và giúp đỡ nhiều hơn cho bà con dân bản nghèo”.

Đầu tháng 11-2017, Đại úy Trịnh Tứ Thắng chuyển công tác về Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa. Tuy vậy, anh vẫn tích cực liên lạc với các thành viên trong nhóm “Chung tay và sẻ chia” ở Quảng Bình, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, để vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (22-12) năm nay, anh sẽ trở về bản Trân Trộng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xây tặng địa phương nhà sinh hoạt cộng đồng, tặng các trang thiết bị phục vụ đời sống văn hóa-tinh thần của bà con; làm mới một phòng đọc sách. Anh cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục vận động thành lập nhóm “Chung tay và sẻ chia” tại tỉnh Thanh Hóa, để tiếp tục giúp đỡ bà con ở địa bàn anh công tác. 

Trước khi chia tay, Đại úy Trịnh Tứ Thắng tâm sự: "Tôi chỉ mong có thêm thời gian để được đến với dân bản nhiều hơn. Chỉ có cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con thì mới làm tốt được công tác tuyên truyền vận động. Hơn nữa, trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nếu lồng ghép với công tác thiện nguyện sẽ càng hiệu quả". Câu trả lời ngắn gọn, mộc mạc, nhưng hàm chứa tất cả. Khi cán bộ, chiến sĩ được bà con quý mến, coi như người con của bản, lại tích cực làm công tác thiện nguyện, hết lòng giúp dân, “ba cùng” với đồng bào, thì công tác vận động quần chúng nhất định sẽ đạt hiệu quả cao; hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sẽ thêm đẹp và tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN BÌNH