Hơn 50 năm bám trụ bản làng…

Ngôi nhà cũ rêu phong của bác sĩ Nguyễn Văn Chấn nằm khuất sau chân đồi, thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Không mấy khó khăn khi chúng tôi hỏi thăm đường tới nhà ông. Bởi, từ lâu bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đã quen với hình ảnh người thầy thuốc hơn 50 năm bám trụ bản làng, miệt mài nghiên cứu y học để cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân thoát khỏi “án tử” chỉ vì tin vào hủ tục, không chịu chạy chữa mà mời thầy mo cúng, nhằm đuổi con “ma rừng” mong hết bệnh…

Như một thói quen nghề nghiệp, ông đón chúng tôi bằng một giọng nói thân thiện: “Tôi là bác sĩ Chấn đây! Các cô đến chữa bệnh à? Bị sao nào, vào đây uống nước, nghỉ ngơi đã!”. Vừa nói, ông vừa gấp cuốn sách bằng tiếng Pháp đang cầm trên tay. Như đoán được ánh mắt tò mò của tôi, ông tươi cười: “Nhàn rỗi, tôi đọc mấy cuốn sách này để hiểu thêm về một số bệnh. Đây là sách hướng dẫn mổ bướu cổ và một số bệnh khác liên quan đến vòm họng”.

Rồi câu chuyện giữa chúng tôi với vị bác sĩ đặc biệt này mỗi lúc một cởi mở, thân thiện hơn khi ông trải lòng về con đường y thuật của mình. Là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên, Trường Đại học Y khoa năm 1959. Thời điểm  đó, bác sĩ Nguyễn Văn Chấn có rất nhiều cơ hội làm việc ở thành phố lớn, với mức thu nhập tốt hơn. Thế nhưng chàng bác sĩ trẻ năm ấy lại quyết định chọn nơi công tác ở vùng cao núi đá Hà Giang để thực hiện ước mơ được khám, chữa bệnh cho bà con dân tộc thiểu số nghèo.

Ông nhớ lại, những ngày đầu đặt chân lên đất Hà Giang, ông được giao một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tham gia cứu chữa, chăm sóc cho các chiến sĩ chiến đấu ở một số huyện biên giới. Khi nạn thổ phỉ bị dẹp yên, tình hình biên giới bình yên trở lại, bác sĩ Nguyễn Văn Chấn vẫn ở lại tiếp tục công tác cứu, chữa bệnh cho người dân hai huyện Yên Minh, Đồng Văn.

Năm 1961, bác sĩ Chấn về nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Quang, với cương vị Giám đốc Trung tâm. Ngày đó, đồng bào dân tộc Mông nơi đây còn sống chung với những hủ tục lạc hậu, mê tín. Gia đình nào có người mắc bệnh, họ thường tổ chức cúng bái, xin “con ma rừng” tha cho để khỏi bệnh. Vì những hủ tục tối tăm này mà không ít người bị chết oan uổng.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Nguyễn Văn Chấn khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Mỗi lần chứng kiến những cảnh thương tâm ấy, lòng ông day dứt khôn nguôi. Càng trăn trở hơn khi ông cảm nhận sự thiếu thốn cơ sở vật chất, dụng cụ, thiết bị y tế khám chữa bệnh cho bà con. Bác sĩ Nguyễn Văn Chấn chia sẻ: Mỗi lần có cơ hội về Hà Nội họp hành, ông thường tìm đến các bệnh viện để xin bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ, các dụng cụ y tế cần thiết cho việc thực hiện các ca mổ.

Trong dòng cảm xúc, ông nhớ lại ca mổ đầu tiên mà ông thực hiện. “Ca đầu tiên tôi tiến hành mổ là một bệnh nhân nam, người dân tộc Mông, với triệu chứng đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, tôi xác định bệnh nhân bị thủng ruột, nếu được mổ kịp thời, anh ấy có thể được cứu sống. Tuy nhiên, lúc này ngay cả Bệnh viện tỉnh Hà Giang cũng chưa có ca nào được tiến hành mổ, nên lãnh đạo huyện Bắc Quang không đồng ý để tôi phẫu thuật. Trước tình thế cấp bách, tôi quyết định mổ “trộm”. Nếu xảy ra tình huống xấu, tôi xin nhận hết trách nhiệm”- bác sĩ Chấn kể.

Nghĩ là làm, ngay sau đó, bác sĩ Chấn đã vận động các y tá làm các thủ tục để ông thực hiện ca mổ. Rất may, ca mổ thành công, bệnh nhân được cứu sống. Đó là ngày vô cùng đặc biệt với ông, cả gia đình bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ kíp mổ cùng vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

“Ông Bụt” trong lòng dân bản

Thông tin bác sĩ Nguyễn Văn Chấn mổ thành công ca thủng ruột lan truyền khắp huyện Bắc Quang. Đặc biệt, sau sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã mời bác sĩ Chấn về Bệnh viện tỉnh Hà Giang nhận chức vụ Viện trưởng Bệnh viện tỉnh; sau này là ông còn đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh. Thế nhưng, dù đảm nhiệm nào, bác sĩ Chấn vẫn chỉ đau đáu với nỗi niềm, bằng mọi cách cứu chữa bệnh cho người dân kịp thời.

Ông kể, một lần, đang ở Bệnh viện tỉnh Hà Giang, ông nhận được tin ở xã Thanh Sơn, huyện Bắc Quang có một bệnh nhân người dân tộc Dao mang thai ngôi ngang, không thể đẻ thường. Nếu không được mổ kịp thời sẽ khó bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và con. Không chần chừ, ngay trong đêm, ông mang theo bộ dụng cụ, đạp xe vượt đường rừng hơn 50km để kịp xuống mổ cho bệnh nhân. “Khi đến nơi đã 12 giờ đêm, tôi đánh thức mọi người dậy, đốt lửa sưởi ấm, dựng ngược xe đạp để lấy đèn soi và tiến hành ca mổ. Cuối cùng, tôi đã cứu sống được cả mẹ lẫn con. Mừng lắm!”- bác sĩ Chấn xúc động.

Thế nhưng, hành trình gieo sự sống nơi vùng cao núi đá của vị bác sĩ ấy không phải không có những nỗi buồn day dứt. Trong câu chuyện với chúng tôi, có lúc bỗng ông bật khóc như một đứa trẻ khi nhớ về một ca mổ thất bại do thiếu thuốc. Đó là ca mổ cho một sản phụ, người dân tộc Tày bị vỡ tử cung do thai quá lớn. Mổ xong, do không có huyết thanh truyền cho sản phụ nên cả mẹ và con đều mất…

Thương dân, gắn bó với bà con bằng tấm lòng của một lương y, dần dần người dân tự tìm đến với ông khi có bệnh, tin vào y thuật của ông để rồi tự bước qua những hủ tục, tập quán lạc hậu.

Anh Lã Văn Thủy, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang cho biết: Nhà tôi hễ ai ốm đau đều đến nhờ bác sĩ Chấn điều trị. Năm tôi lên 9 tuổi cũng được bố mẹ đưa đến nhờ ông mổ mắt cá chân. Thấy gia cảnh tôi nghèo nên ông không lấy một đồng nào. Đa phần người nghèo đến chữa trị, ông đều không lấy tiền. Có người còn được ông cho thêm tiền, hái hoa quả có sẵn trong vườn về bồi dưỡng sức khỏe.

Nhờ bác sĩ Nguyễn Văn Chấn mà nhiều bệnh nhân người dân tộc thiểu số nơi đây đã được cứu sống. Một trong số đó là bà Nông Thị Mận, 70 tuổi, khu Mục Lạn, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang. Bà Mận xúc động kể với chúng tôi, cách đây hơn 20 năm, bà bị trúng gió, bụng trương phềnh, chân tay co giật rồi nằm bất tỉnh ngoài sân. Thấy vậy, con cháu đi gọi thầy cúng về chữa. Thầy cúng mổ một con gà trống to, úp vào bụng cúng vái mà bệnh vẫn không đỡ.

Lúc này người nhà bà Mận tìm đến nhờ bác sĩ Chấn về nhà chữa trị. Sau khi thăm khám, ông truyền thuốc, bấm huyệt… Một ngày sau thì bà Mận tỉnh lại. “Trong suốt thời gian nằm ốm, bác sĩ Chấn nhiều lần xuống hỏi han, thăm nom tôi. Nếu không có bác sĩ Chấn, tôi đã chết cách đây mấy chục năm rồi! Ông Chấn như Bụt sống, rất nhân hậu, hiền từ. Nếu giúp được ai việc gì là ông sẵn sàng giúp hết mình, không bao giờ tính toán thiệt hơn”- bà Mận chia sẻ.

Làm việc được vài năm trên tuyến tỉnh, bác sĩ Nguyễn Văn Chấn quyết định xin về Trung tâm Y tế Bắc Quang để có nhiều thời gian nghiên cứu về y học và chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân. Ngoài làm việc ở Bệnh viện huyện, ông luôn sẵn lòng thăm khám, chữa trị cho bệnh nhân nghèo trong vùng. Có lần ông còn được mời đi làm chuyên gia y tế ở châu Phi nhưng ông đã từ chối và quyết tâm gắn bó với huyện miền núi Bắc Quang này. Ông quan niệm, chữa bệnh cứu người không cần phải chức tước, danh vị!

Những đóng góp thầm lặng mà quý giá của bác sĩ Nguyễn Văn Chấn đã làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước khi chia tay chúng tôi, ông bảo: “Xã hội giờ phát triển rồi, thuốc thang, dụng cụ đầy đủ, phòng mổ khang trang…, tôi chỉ mong các thế hệ bác sĩ trẻ hãy không ngừng học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, cứu chữa được nhiều bệnh nhân. Đừng đánh mất mình, đánh mất niềm tin của người bệnh…”. Chúng tôi tin thì tin rằng, những người như bác sĩ Nguyễn Văn Chấn sẽ là tấm gương sáng cho mỗi bác sĩ trẻ noi theo trên hành trình dấn thân vì sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Bài và ảnh: NGỌC THỊNH