Suốt câu chuyện dài với người đàn ông đã ở vào tuổi “chín” nhất, là những mảnh ký ức, những xúc cảm đặc biệt dành cho một người mà cả cuộc đời anh bảo rằng: “Sẽ không bao giờ trả hết ơn!”. Đó là mẹ Khuất Thị Lợi, bà mẹ của ngôi nhà Hoa Loa kèn, ở Làng Trẻ em SOS Hà Nội.

Tò mò về người phụ nữ đặc biệt, được vinh danh là một trong 30 bà mẹ tiêu biểu của Làng Trẻ em SOS Việt Nam cùng những mảnh ký ức thật đẹp mà người con trai đầu dành cho bà, tôi tìm về Làng Trẻ em SOS Hà Nội.

leftcenterrightdel
Mẹ Khuất Thị Lợi chăm sóc người con út Nguyễn Huy Hoàng.

“Tôi có gì đặc biệt đâu”, “Tôi cũng như bao người khác thôi”, gặp tôi, bà nhất mực từ chối phỏng vấn. Phải năn nỉ lắm, dùng đủ mọi lý do thuyết phục, bà mới dành cho tôi gần nửa giờ đồng hồ trò chuyện, vì bà bảo: “Chẳng có lúc nào nhàn rỗi cả cô ạ, tôi còn phải đi chợ mua đồ nấu cơm cho các con. Chúng nó về mà chưa có cơm thì chết!”.

Vừa trò chuyện, mẹ Lợi vừa cho con út 5 tuổi Nguyễn Huy Hoàng uống thuốc. “Khổ quá cô ạ, cứ tưởng đã dứt sốt rồi thế mà tối qua lại lên cơn ho sốt. Mà thằng bé này có tật uống thuốc là cứ nhai cả viên như kẹo ấy. Đấy, thuốc đắng mấy nó cũng phải nhai rồi mới nuốt”, mẹ kể. Đứa con nhỏ có vẻ rất hiểu chuyện, ngoan ngoãn nghe lời mẹ uống thuốc. Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, mẹ Lợi vẫn không quên rời mắt khỏi Hoàng, còn cậu bé cứ hồn nhiên chạy nhảy.

Ngôi nhà Hoa Loa kèn ở Làng Trẻ em SOS Hà Nội của mẹ Khuất Thị Lợi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa của trẻ. Trong gần 30 năm ở Làng, mẹ Lợi đã săn sóc, chăm nuôi cho 27 con. Giờ lại có thêm 3 con dâu, 8 con rể và 17 cháu nội ngoại. Là một trong 30 bà mẹ tiêu biểu của Làng Trẻ em SOS Việt Nam nhưng mẹ Lợi bảo: “Tôi cũng chỉ như những mẹ khác thôi, có chăng là có thâm niên hơn nhiều mẹ, cứ nói tiêu biểu thế tôi ngại lắm, tôi có công lao gì đâu!”. Ừ thì chẳng có công lao gì, tôi rẽ hướng câu chuyện, không hỏi mẹ Lợi đã làm được gì mà hỏi về những đứa con của mẹ. Lúc này thì mắt mẹ lại sáng rực lên, mẹ kể vồn vã: “Các con của tôi mỗi đứa một tính một nết, nhưng các cháu đều là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương, tình cảm gia đình. Tôi thương chúng nó lắm. Chỉ mong cho các con trưởng thành, tìm được tổ ấm riêng thôi. Con vui là mình vui rồi”. Có lẽ, với mẹ Lợi, câu chuyện về những đứa con luôn là bất tận. Kể về chúng, mẹ hào hứng đến lạ. Mẹ bảo, kỷ niệm nhớ nhất trong gần 30 năm chăm con là năm 1990, khi mẹ được đi đón một đứa trẻ về nuôi. Vừa nhìn thấy mẹ, đứa trẻ đã ào vào lòng, nũng nịu kêu tiếng “Mẹ ơi”. “Lúc đó trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Tôi ôm đứa bé vào lòng và tự hứa sẽ dành hết tình yêu thương để chăm sóc con tốt nhất”, mẹ Lợi tâm sự.

leftcenterrightdel
Mẹ Khuất Thị Lợi vui vầy bên các người con. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Vào Làng Trẻ em SOS Hà Nội từ năm 1989, dù không được ủng hộ, người nhà nhất mực phản đối, nhưng người phụ nữ trẻ Khuất Thị Lợi đã kiên định công việc mình đã chọn. Song, con đường nào mà chẳng có chông gai! “Thời gian đầu là lúc khó khăn nhất. Đêm đầu cả bảy người con đều khóc vì nhớ nhà. Lúc đó tôi cùng con trai lớn đi dỗ dành từng con rồi mắc màn cho các con ngủ. Thật khó khăn và lo sợ khi đón một đàn con, mỗi đứa một tính nết, một hoàn cảnh. Rồi những lúc con ốm, có khi hai, ba đứa ngã bệnh, mẹ nằm giữa, hai đứa nằm hai bên sốt cao, miệng rên hừ hừ, cả đêm tôi không sao ngủ được, hết chườm nóng cho đứa này, lại quay sang đứa kia, chỉ ước sao mình có thể ốm thay con”, mẹ Lợi trải lòng.

Khó khăn là thế, vất vả là thế, nhưng cuối cùng, người phụ nữ trẻ đã gồng gánh đàn con nhỏ không phải do mình sinh ra đi qua năm tháng. Để giờ đây, nhiều đứa con của mẹ đã trưởng thành, rời ngôi nhà Hoa Loa Kèn đi tìm hạnh phúc riêng cho bản thân mình. Nhưng cứ đứa này trưởng thành lại có đứa khác đến với mẹ. Hầu như trong ngôi nhà nhỏ không lúc nào ngơi nghỉ tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ. “Hình ảnh cháu gái bé bỏng chỉ nặng 1,9kg, sức khỏe yếu đến mức không thể khóc thành tiếng mà chỉ ngọ nguậy trong tấm chăn chiên khiến tôi không bao giờ quên được. Tôi bế con vào lòng tự hỏi làm thế nào để nuôi được con lớn".

Người xưa có câu: “Công sinh không bằng công dưỡng”, có lẽ vì thế mà những người con dù đã trưởng thành vẫn luôn nhớ về ngôi nhà mình đã lớn lên, nhớ người mẹ đã chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho mình. Mẹ Lợi cho biết, các con về ở nhà cùng với mẹ cho đến khi nam đủ 14 tuổi thì được ra ở khu tập trung riêng cùng các bạn trang lứa, nữ được ở với mẹ cho đến sau khi học hết lớp 12. Sau đó, nếu thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, có thể ở trong ký túc xá, cũng có thể chuyển ra khu tập trung riêng. Nhưng chuyển ra là thế chứ tình cảm mẹ con chẳng lúc nào rời xa. Mẹ kể: “Có đứa lập gia đình, gọi điện về cho mẹ còn quay toàn cảnh trong nhà cho mẹ xem. Nhìn các con khấm khá, hạnh phúc, tôi vui không gì kể xiết”.

leftcenterrightdel
Anh Lê Văn Giáp vui vẻ bên cạnh mẹ Khuất Thị Lợi. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Quay ngược thời gian, anh Lê Văn Giáp ráp nối những ký ức về mẹ Lợi trong xúc động. “Đúng là đến giờ, dù đã có gia đình riêng, có hạnh phúc riêng nhưng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với mẹ. Con cái của tôi nhiều khi vẫn gửi vào cho bà trông nom hộ. Kỷ niệm về mẹ thì nhiều vô kể. Đặc biệt với tôi, một người đã từng có những vấp ngã trong cuộc sống. Tôi còn nhớ rất rõ, hình ảnh mẹ đạp xe hơn chục cây số từ Làng lên Bờ Hồ để tìm gặp tôi đang làm nghề đánh giầy, đưa cho tôi chiếc bánh mì, dặn dò tôi hãy sống sao cho không hổ thẹn với lòng mình. Rồi những lần mẹ gom góp từng đồng, từng hào để hỗ trợ tôi, nhờ người giúp đỡ tôi mà không nói. Rồi đến cưới vợ, mẹ cũng tất bật ngược xuôi lo cho tôi. Có đi suốt cuộc đời này, tôi cũng không trả hết nợ cho mẹ”.

Vậy đấy, gần 30 năm chăm lo cho những đứa trẻ, không chỉ là đến khi chúng “đủ lông, đủ cánh” mà còn theo chúng cả cuộc đời, theo quy định, mẹ Lợi cũng đã sắp đến tuổi nghỉ hưu để an nhàn. Thế nhưng Ban giám đốc Làng Trẻ SOS vẫn động viên mẹ ở lại, chăm lo cho lũ trẻ không nơi nương tựa. Mẹ thì cũng không đành lòng bỏ lại đám con thơ. “Thôi thì, trời cho sức khỏe đến đâu thì mình chăm con đến đó, với tôi, các con như là máu, là thịt của mình rồi, sao mà cắt ra được”, mẹ Lợi trầm ngâm.

Chia tay tôi cũng là lúc đến giờ chuẩn bị giờ cơm trưa cho lũ trẻ. Mẹ Lợi lại nhắc lại câu nói ban đầu: “Tôi có gì để viết, để kể đâu”, nhưng khi tôi trấn an mẹ rằng bài báo này không chỉ để vinh danh mẹ, mà còn là tiếng nói để kêu gọi những nhà hảo tâm, thiện nguyện hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho SOS Việt Nam thì mẹ cười vui đáp lại: “Miễn cái gì tốt cho SOS, tốt cho các con thì tôi sẽ làm hết”. Lạ kỳ thay, người phụ nữ này dường như không có đến một phút giây cho bản thân khi chẳng có những giờ giải trí, những chuyến du lịch, chỉ có những đứa con. Cả suy nghĩ, hành động của mẹ đều chỉ xoay quanh những đứa con. Vất vả vì con nhưng vui cũng vì con, đúng như mẹ đã từng chia sẻ: “Chỉ cần con vui là mẹ vui!”.

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU