Một thời xông pha lửa đạn

Anh em trong quân đội từng gắn bó với Đại tá Huỳnh Trí trong công tác thường quen gọi thân mật là anh, là chú, còn bà con bên đất bạn Cam-pu-chia, mỗi khi gặp người cựu chiến binh (CCB) này thì gọi là “Tà Hai”, vì họ tôn trọng ông như một vị cao niên uy tín trong phum, sóc.

Năm 2000, ông Hai Trí xin nghỉ hưu ở tuổi 52. Bộ CHQS và Đảng ủy Quân sự tỉnh họp bàn, đồng nghiệp ngạc nhiên và tiếc nuối, nhưng khi nghe lý do mà ông đưa ra, dự định dành toàn bộ thời gian còn lại để đi tìm hài cốt liệt sĩ thì ai cũng cảm phục, trân trọng.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Hai Trí nghiên cứu sơ đồ trước chuyến đi tìm phần mộ liệt sĩ. 

 

Khi tôi hỏi thăm sức khỏe, ông cười khà khà: “Không khỏe thì làm sao theo được anh em suốt hành trình đi tìm đồng đội”. Qua một người bạn hiện đang công tác tại Đội Quy tập mộ liệt sĩ K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang) tôi biết, ông là thương binh hạng ¾, từng tham gia hơn 100 trận đánh, nay vẫn thường chịu những cơn đau thể xác mỗi khi trái gió trở trời. Do ảnh hưởng của bom đạn, nhiều năm qua hai tai ông nghe kém, thỉnh thoảng lại bị tê chân trái, còn tay phải thì khó cầm nắm các vật dụng...

Quê xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang, từ nhỏ, Hai Trí đã tham gia đội du kích mật với nhiệm vụ rải truyền đơn, nắm tình hình địch, ném lựu đạn gây tiếng vang… Năm 18 tuổi, Hai Trí bị địch bắt giam, cha ông phải bán đi đôi bò để lo cho con được thả. Rồi cả nhà làm lụng chăm chỉ, tích cóp được tiền đóng ghe sinh sống. Năm 1969, Huỳnh Trí nhập ngũ tham gia kháng chiến; đến năm 1970 làm nhiệm vụ trinh sát ở Đơn vị d.512 và bị thương. Đến năm 1972, trong trận đánh đồn Chơ-ray Thum (tỉnh Tà Keo, Cam-pu-chia), mặc dù bị thương ở tay trái, chiến sĩ Huỳnh Trí vẫn dũng cảm dùng khẩu M79 đánh địch và lại bị những vết thương ở đầu và ngực.

Sau khi bị thương, Huỳnh Trí được về an dưỡng và học văn hóa; năm 1988, được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội An Giang.

Hành trình gian lao theo dấu chân đồng đội

Sau chiến tranh, hễ có dịp đi công tác tới đâu và nghe ngóng được thông tin gì về mộ chí của đồng đội, bác Hai Trí đều thu thập, phân tích địa hình, địa vật rồi tiến hành khảo sát, sắp xếp thời gian đi tìm, có khi rủ thêm vài đồng đội ở đơn vị cũ cùng đi. Mỗi đợt đi thường kéo dài từ một đến hai tuần, chủ yếu là các huyện biên giới thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Thời gian đầu, việc qua lại biên giới để tìm hài cốt liệt sĩ còn khó khăn bởi chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia; phạm vi thực hiện chủ yếu ở vùng ven biên giới. Tâm huyết và trăn trở với công việc này, bác Trí đã gửi thư tới cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng báo cáo tình hình và đề xuất những giải pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Cam-pu-chia. Không lâu sau đó, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, quân đội… văn bản phối hợp giữa chính phủ hai nước về việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh trên đất Cam-pu-chia được ký kết. Ý kiến của đồng chí Huỳnh Trí cũng góp phần thúc đẩy việc thành lập các Đội tìm kiếm mộ liệt sĩ K90 (Quân khu 9), K91 (Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp), K92 (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang), K93 (Bộ CHQS tỉnh An Giang)… Việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được mở ra trên diện rộng, đồng thời mang lại ý nghĩa to lớn, đáp ứng nguyện vọng của các gia đình có thân nhân hy sinh. CCB Huỳnh Trí còn được mời đi cùng Đội K93 với vai trò là “cố vấn”, vì ông quen với nhiều đồng đội và CCB, nắm được nhiều thông tin liên quan đến các liệt sĩ hy sinh nơi chiến trường xưa.

Cùng sống, chiến đấu trong những năm kháng chiến với đồng đội, đến ngày đất nước được hòa bình, CCB Huỳnh Trí đã chứng kiến bao người hy sinh và cảm thấy bản thân là người may mắn vì được thấy đất nước, quê hương hòa bình, độc lập, đổi mới. Điều day dứt của ông là sau chiến tranh, vẫn còn bao đồng đội đang nằm lại nơi chiến trường. Vậy là CCB Huỳnh Trí quyết định hành trình đi tìm đồng đội, nhằm chia sẻ một phần đau thương mất mát với các gia đình.

Những ngôi mộ của các liệt sĩ hy sinh trên chiến trường xa xôi, có vị trí phải đào đi đào lại nhiều lần; có khi không tìm được đầy đủ thông tin về liệt sĩ; có khi chỉ vỏn vẹn một tấm sơ đồ đã cũ… nhưng CCB Huỳnh Trí và đồng đội vẫn cố gắng lần tìm. Làng mạc, cây rừng, cảnh vật có nhiều thay đổi; người cao tuổi đứng ra làm nhân chứng, hoặc dẫn đường chỉ lối ngày càng ít; việc xác định địa điểm chôn cất cũng khó khăn hơn. CCB Huỳnh Trí cho rằng, thông tin trong nhân dân là một trong những nguồn hỗ trợ chính để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong quá trình săn bắn, kiếm củi… bà con thường phát hiện và chỉ dẫn, giúp bộ đội quy tập các phần mộ. Còn thông tin được cung cấp từ các CCB chủ yếu liên quan đến đồng đội trước đây. Có đợt phải đi cả tuần mới có thêm thông tin mới; nhiều vị trí khai quật phải hết sức kiên trì, vừa đào vừa khảo sát trong nhiều ngày liền.

CCB Huỳnh Trí thường chia sẻ những kinh nghiệm về phân biệt đặc điểm hài cốt liệt sĩ mà ông rút ra được trong quá trình tìm kiếm, cất bốc và cho biết thêm: Sở dĩ trong năm, các đội thường chia thành 2 đợt lên đường thực hiện nhiệm vụ bên nước bạn, vì phải đi vào mùa khô để tránh thời tiết xấu, tránh dịp mùa màng bận bịu của bà con địa phương. Ông cũng rất thương cảm với anh em trong đội tìm kiếm, vì thời gian anh em ở biên giới nhiều hơn ở đơn vị; ngày về thăm vợ con, ba mẹ càng hiếm hoi. Chuyện ăn ở khi thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, mọi người trong đội đã quen, nhưng có CCB Huỳnh Trí, anh em càng thêm tin tưởng vượt lên khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ngủ sương, ăn rừng, tắm suối… đã quá quen với người lính từng chiến đấu ở nơi rừng thiêng nước độc những năm chiến tranh khốc liệt.

Tuổi cao vẫn nặng tình đồng đội

Kể từ khi rời quân ngũ, nhiều năm qua, CCB Huỳnh Trí kiên trì hành trình đi tìm đồng đội. Môi trường công tác mới; việc xác định vị trí hài cốt không hề dễ dàng; điều kiện sinh hoạt khó khăn, bất đồng ngôn ngữ… tuy thế, ông vẫn luôn là nguồn động viên để anh em toàn đội vững vàng vượt qua vất vả gian lao. Những ngày cùng anh em đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, ông gặp biết bao thử thách. Ông kể: “Một lần, có người đàn ông đã cao tuổi dẫn tôi ra bờ ruộng và chỉ rõ vị trí mà lúc còn nhỏ, khi đi học ngang qua đồn địch đã chứng kiến quân giặc chôn xác chiến sĩ ta. Từ đó tôi càng suy nghĩ, chỉ một lần họ nhìn thấy mà luôn ghi nhớ, vậy thì những người từng cầm súng chiến đấu như mình lại càng phải thấy rõ hơn trách nhiệm tri ân đồng đội”.

Ông Trí kể lại cho chúng tôi nghe đợt sang Kor Thum (tỉnh Kandal, Cam-pu-chia), anh em xác định vị trí chôn cất bộ đội Việt Nam nằm ngay trong khu vực nhà máy xay lúa của một hộ dân nơi đây. Và ông đã đứng ra thuyết phục cả tháng họ mới đồng ý cho tiến hành đào bới, tìm kiếm. Trời không phụ lòng ông và Đội quy tập khi tìm thấy 2 bộ hài cốt còn gần như nguyên vẹn. Dù phải khôi phục lại hiện trạng cho chủ nhà, nhưng ông đã cho anh em trong đội thấy giá trị của sự kiên trì và chịu khó, chịu khổ.

 Một lần khác (khi Đội K93 chưa thành lập), ông và một người bạn cùng đi tìm đồng đội, đã đào trúng một quả mìn, may mà sau nhiều năm ở dưới đất, kíp mìn bị hỏng, nên không gây nổ. Sau khi xử lý quả mìn xong, ông và mọi người đào tiếp và tìm thấy một bộ hài cốt cùng di vật là chiếc thắt lưng của người chiến sĩ…

Hành trình đi tìm đồng đội của ông luôn thường trực những hiểm nguy, không ít lần đối mặt với tử thần, bởi có loại vỏ mìn bằng nhựa nên máy dò kim loại không phát hiện được. Nhiều lần, chính ông phải trực tiếp rà phá mìn, như lần cả đội đào cật lực trong nhiều ngày, khi gần chạm đến hài cốt thì phát hiện có một đầu M79 chưa nổ. Mọi hoạt động phải tạm dừng. Ông yêu cầu mọi người rời khỏi khu vực mộ, rồi chính ông đưa trái đạn ra một chiếc hố sâu chừng 1,5m, đặt xuống đó, phủ rác và đất lên trên, rồi cho hủy nổ… Ông bảo: “Có lần, nếu bất cẩn, sơ suất thì có khi giờ mình cũng nằm chung với các liệt sĩ ở nghĩa trang rồi”. Tuy vậy, ông vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan ngay cả trong những tình huống căng thẳng, nguy hiểm nhất.

Trò chuyện, tôi luôn cảm nhận trong ông tính cách thẳng thắn, khiêm tốn của một người đã dành gần trọn cả cuộc đời chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và tri ân người đã khuất.  Ông cũng là người sớm “khai mở” hành trình đi tìm đồng đội ở các địa phương trong nước và cả bên nước bạn Cam-pu-chia, thiết thực tri ân những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Trên hành trình gian lao, vất vả trở lại chiến trường xưa, ông cùng đồng đội đã mang niềm vui đến cho bao thân nhân, gia đình liệt sĩ. Ông còn là một CCB gương mẫu, được đồng đội, chính quyền và bà con địa phương tin yêu, quý  trọng.

Bài và ảnh: NGHIÊM QUỐC THANH