Nữ cán bộ xã Mai Sơn hạnh phúc trước niềm vui của con trẻ ở biên giới.
Thuyết phục bằng việc làm
Ngôi nhà nhỏ lợp bằng pờ-rô-xi-măng mà vợ chồng chị Lan đang sinh sống nằm lọt giữa những nhà sàn khang trang của đồng bào Thái ở bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn. Ở cổng, chủ nhà trồng hàng cây dâm bụt đang kỳ nở hoa rất đẹp, trong khoảnh vườn nhỏ có rất nhiều loại rau xanh. Ngày chủ nhật nhưng ngôi nhà khóa cửa. Thấy hàng xóm có khách, ông Lương Văn Bính ngồi trên ngôi nhà sàn bên cạnh nói vọng sang: “Vợ chồng Lan vào bản Chà Lò 2 hướng dẫn bà con trồng ngô rồi. Chờ tý, lão qua rồi đưa vào đó mà tìm”. Trên đường vào Chà Lò 2, ông Bính kể, chị Lan vốn người dưới xuôi lên đây nhận công tác từ năm 2004 cho đến nay. Thời điểm đó, Mai Sơn đang nằm trong tình trạng không đường giao thông, không điện, không sóng điện thoại, 100% hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo. Xã biên giới như một ốc đảo giữa bốn bề rừng già, chị Lan vừa 21 tuổi, theo đoàn công tác của huyện đi thuyền từ thị trấn Hòa Bình ngược dòng Nậm Nơn suốt 10 giờ đồng hồ mới đến nơi.
Ngồi trên thuyền ngược dòng Nậm Nơn năm đó, một số cán bộ huyện đã cảnh báo cho Lan những khó khăn mà cô sẽ gặp phải. Thế nhưng cô gái trẻ cũng chỉ cười rồi đáp: “Lo gì, dân bản sống được thì mình cũng sống được”. Quả thật, ở vùng đất biên giới, cô cán bộ trẻ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Điều đặc biệt, Lan mang đến nhiều điều mới mẻ khiến dân bản phải ngỡ ngàng. Người ta thấy, ngoài giờ hành chính, Lan đi nhặt phân trâu, bò về trồng rau trong vườn. Khi có rau ăn, cô đem tặng dân bản rồi vận động, hướng dẫn họ làm theo. Từ một vài gia đình, rồi cả bản cũng làm theo cán bộ Lan để bảo đảm rau xanh trong bữa ăn hằng ngày. Trong nhiều câu chuyện dân bản kể về cán bộ Lan thì việc cô đi vận động người dân làm nhà vệ sinh, đào hố chứa rác được kể rất thú vị. Trước đây, một số bộ phận người dân ở Mai Sơn vẫn quen với việc tiểu tiện, đại tiện, xả rác ra môi trường tự nhiên rất phản cảm và ô nhiễm. Để giải quyết tình trạng này, cán bộ Lan đã tham mưu với Đảng ủy xã ra nghị quyết chỉ đạo việc xây dựng nhà vệ sinh phù hợp trong các hộ gia đình. Ở bản mình phụ trách, chị Lan tổ chức họp chi hội phụ nữ để phổ biến. Rồi chị dõng dạc lên tiếng: “Nếu chị em nào để gia đình không có nhà vệ sinh, hố rác mà đại tiện, tiểu tiện, vứt rác ra sông suối thì sẽ nêu đích danh trong các cuộc họp tiếp theo”. Nghe vậy sợ xấu hổ, các gia đình đã nhanh chóng làm nhà vệ sinh cũng như điểm tập kết rác.
Câu chuyện về nữ cán bộ Văn phòng-Thống kê, Đảng ủy viên trẻ xã Mai Sơn của ông Bính kể bị ngắt quãng bởi tiếng nói cười rôm rả ở phía trước. Chỉ tay về hướng người phụ nữ có dáng người đậm, nước da bánh mật, khuôn mặt phúc hậu đang hướng dẫn cho bà con chăm sóc cây ngô, ông Bính cho biết, đó chính là chị Lan-người chúng tôi cần tìm. Trên cương vị Đảng ủy viên xã, phụ trách địa bàn bản Chà Lò 2, chị Lan rất trăn trở khi vụ xuân năm nay một số diện tích ruộng không đủ nước để cấy lúa, các hộ dân đồng loạt bỏ hoang đất. Nhận thấy nguy cơ thiếu đói trên địa bàn sẽ hiện hữu nếu để tình trạng trên xảy ra, chị Lan đã báo cáo chính quyền, vận động nhân dân chuyển sang trồng ngô. Nhưng vận động mãi dân vẫn không chịu ra đồng vì cho rằng cây ngô không thể sống trên ruộng. Mấy ngày sau, dân bản thấy chị Lan cùng một số cán bộ xã và chồng mình vác cuốc ra đào đất ruộng nhà mình. Họ ra đứng trên bờ gặng hỏi thì nhận được câu trả lời dứt khoát của nữ cán bộ xã: “Dân không chịu làm thì huyện, xã sẽ cho thu lại ruộng giao cho cán bộ và dân bản khác làm”. Sợ mất ruộng, mất đất, mọi nhà huy động con cháu ra làm theo để trồng ngô. Chỉ vài ngày sau, diện tích đất bỏ hoang đã được gieo hạt xong xuôi. Những ruộng ngô lên xanh tốt, cán bộ Lan lại cùng chồng đôn đốc, chỉ cho bà con cách tưới nước, làm cỏ, bón phân. Thời gian gần đây, chị Lan còn về xuôi mang các loại giống cây ăn quả lên cho dân trồng trong vườn, trên đồi.
Chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo
Đến nay, chị Lan đã có 12 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc xã biên giới Mai Sơn và 9 năm làm dâu biên cương. Chồng chị là một thầy giáo dạy tiểu học, người dân tộc Khơ Mú bản địa. Anh luôn ủng hộ những việc làm của vợ, thường sát cánh bên chị trong những chuyến xuống địa bàn. Họ đang rất hạnh phúc trước những thay đổi của quê hương. Mỗi ngày, Mai Sơn đón 2-3 chuyến xe khách kết nối với trung tâm huyện và thành phố Vinh, rất thuận lợi cho việc con em học tập, làm ăn. Điện lưới quốc gia đã chiếu sáng trong từng căn nhà, sóng điện thoại di động 3G phủ khắp làng trên, bản dưới, các dịch vụ y tế, trường học đảm bảo. Đồng bào các dân tộc ở Mai Sơn quen dần với việc thực hiện nếp sống mới.
Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến cho cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó thì trẻ em ở Mai Sơn vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhiều em chưa đủ áo ấm, đôi dép lành lặn để đến trường. Những hình ảnh đó đã khiến Lan day dứt nhiều đêm liền. Từ nhiều năm trước, mỗi lần về thăm gia đình ở dưới xuôi lên, người ta đều thấy chị mang theo rất nhiều quần áo phát cho trẻ em ở xã biên giới. Hỏi ra mới biết, số quần áo đó được Lan vận động anh em họ hàng, làng xóm, bạn bè gom góp được. Cái duyên như gắn chị với việc thiện nguyện. Mọi chuyện thuận lợi hơn khi vùng đất biên giới có sóng điện thoại di động. Chị Lan chụp ảnh thực trạng trẻ em ở biên giới chân trần, áo manh trong mùa đông giá rét rồi đăng lên trang facebook cá nhân. Chị đã mất hàng tiếng đồng hồ để đăng tải những bức ảnh “biết nói” cùng lời tâm can. Rồi nó đã đến được, lay động trái tim các nhà hảo tâm. Họ liên lạc với chị để kịp thời mang áo ấm, sách vở tiếp sức cho trẻ em nghèo ở biên giới. Nhưng để mọi thứ đến với trẻ em biên giới là điều không dễ dàng. Có lần, chị Lan xin được gần 1.000 bộ quần áo ấm cho các em học sinh xã nhà. Nhưng xe ô tô chỉ vận chuyển đến xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (cách Mai Sơn khoảng 40km đường rừng). Trong điều kiện mưa rét, chị Lan vận động dân bản cùng cán bộ đoàn thanh niên đi xe máy vượt chặng đường dài chở quần áo về cho các em. Có quần áo, giày dép của các nhà hảo tâm gửi đến, cứ dịp cuối tuần, chị Lan lại cùng chồng và các bạn trẻ vượt đường rừng mang lên cho các em học sinh ở bản Mông cách biệt giữa đại ngàn. Em Lô Văn Cu hiện đang là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Y khoa Huế rất xúc động khi nhớ đến những ngày mình nhận giấy báo trúng tuyển: “Năm đó, em đậu đại học cả nhà vui lắm. Nhưng nhà nghèo, em định không vào Huế nhập học. Nghe thế, chị Lan cùng các anh biên phòng, thầy cô giáo đến động viên, khuyên nhủ bằng mọi giá phải học. Sau đó, chị Lan đã vận động được một doanh nghiệp tặng em số tiền 5 triệu đồng để lên đường nhập học. Giờ thì mọi khó khăn đang dần trôi qua”.
Sự chịu thương, chịu khó, hết lòng với dân bản, học trò nghèo của Lan đã xây dựng được niềm tin với các nhà hảo tâm. Chị Hoàng Thị Thanh Thủy, ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mấy năm trước, qua facebook, mình tình cờ biết Lan và rất cảm phục trước những hành động của em dành cho đồng bào. Mình rất hạnh phúc khi những tấm áo, đôi dép gửi ra được Lan trao tận tay cho các em học sinh nghèo”. Không chỉ những nhà hảo tâm yêu mến, lãnh đạo địa phương cũng đánh giá rất cao quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như những hoạt động vì cộng đồng của nữ cán bộ xã Mai Sơn. “Chị Lan là người dưới xuôi lên công tác, người dám nghĩ, dám làm. Trong cuộc sống thì rất gần gũi với nhân dân, có nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào, đặc biệt là trẻ em ở vùng biên giới”, ông Phan Văn Minh, Phó ban Tuyên giáo huyện Tương Dương khẳng định.
Không bằng lòng với những gì mình làm được, chị Lan lại cùng các thầy, cô giáo gom góp truyện tranh, lập tủ sách tại nhà cho các em đến đọc sau giờ học; lại xin hàng chục quả bóng để các em có sân chơi lành mạnh. Nàng dâu biên cương vẫn lặng thầm làm những việc giản dị vì đồng bào và trẻ em nghèo nơi biên giới. Cô lấy sự tiến bộ của đồng bào, niềm vui của con trẻ, sự khởi sắc của vùng đất biên viễn làm niềm hạnh phúc.
Bài và ảnh: NGUYỄN VIẾT LAM