Câu chuyện Khiêu Rưm tận tình giúp đỡ bộ đội Việt Nam tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam bắt nguồn từ tình cảm yêu mến, quý trọng “đội quân nhà Phật” sang giúp đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Năm 1979, khi nhân dân Cam-pu-chia đối mặt với nạn diệt chủng do chế độ Pôn Pốt gây ra, Khiêu Rưm mới hơn 10 tuổi. Anh nhớ lại: “Bọn Pôn Pốt ác lắm, chúng lùa tất cả dân ra một bãi đất rộng, không cho ăn, không cho uống nước. Hễ có ai chống đối hoặc có hành động gì là chúng giết bằng cách treo cổ hoặc bắn chết tại chỗ. Người dân chết la liệt, mùi xú uế bốc lên nồng nặc khắp nơi... Lính Pôn Pốt bắn giết không trừ một ai, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, đi đến đâu chúng giết người tới đó. Bất kỳ người nào chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp ấy đều không thể không căm thù bọn Pôn Pốt. Trong hoàn cảnh đó, bộ đội Việt Nam đã sang giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đuổi Pôn Pốt, cứu dân tộc thoát khỏi họa diệt chủng. Nếu ngày đó không có bộ đội Việt Nam thì gia đình tôi và nhân dân Cam-pu-chia không biết sẽ ra sao”.
Anh Khiêu Rưm (bên phải) cùng các thành viên Đội K53 xác định vị trí tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết, Khiêu Rưm có một người chú ruột bị Pôn Pốt giết hại bằng cách treo cổ. Còn cha anh may mắn thoát chết nhờ trốn được vào rừng sâu. Do vậy, Khiêu Rưm căm thù Pôn Pốt bao nhiêu thì lại ghi nhớ công ơn của bộ đội Việt Nam bấy nhiêu.
Mùa khô năm 2001, khi Đội K53 tỉnh Kon Tum sang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên đất Cam-pu-chia về nước theo Hiệp định của Chính phủ hai nước đã ký kết, Khiêu Rưm tình nguyện và xin cấp trên được đi bảo vệ Đội K53 làm nhiệm vụ tại tỉnh Rát-ta-na-ki-ri. Theo Khiêu Rưm, đây là sự trả nghĩa thiết thực nhất mà anh và người dân Cam-pu-chia cần làm. Anh bảo: “Khi đất nước Cam-pu-chia được giải phóng, bộ đội Việt Nam rút về nước, trong lòng tôi luôn khắc khoải nỗi niềm thương nhớ. Đó là "Đội quân nhà Phật", từng kề vai sát cánh cùng quân đội và nhân dân Cam-pu-chia đánh đuổi bè lũ Pôn Pốt. Chính từ nghĩa cử cao đẹp của bộ đội Việt Nam trước đây mà tôi tình nguyện làm người bảo vệ cho Đội K53 hoạt động tại địa bàn tỉnh trong suốt 16 năm qua".
Làm người bảo vệ, tức là anh em cán bộ, chiến sĩ đội đi đến đâu thì Khiêu Rưm theo sát đến đó. Mỗi đợt hành quân tìm kiếm HCLS, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, công việc nặng nhọc, có khi phải nhịn đói cả ngày. Vào mùa khô, ở đây hầu hết các con suối nhỏ đều cạn khô. Đêm đến thì muỗi nhiều vô kể, chỉ cần quơ tay là bắt được cả nắm. Chia sẻ về những khó khăn, vất vả khi tham gia bảo vệ Đội K53, nhưng Khiêu Rưm tâm sự, niềm vui lớn nhất của anh và các thành viên Đội K53 là khi tìm thấy HCLS, trái lại nỗi buồn không thể tả xiết là khi đào lên không thấy hài cốt, nhiều khi anh em ăn không ngon, ngủ không yên, trong người cảm thấy uể oải, buồn bã, lương tâm cắn rứt. Dù có đi xa, khổ cực đến mấy cũng được, nhưng phải tìm được hài cốt các liệt sĩ, bởi vẫn còn bao người thân, nhất là những người mẹ, người cha, người vợ... vẫn ngày ngày hy vọng, mong ngóng thông tin.
Thời gian đầu Khiêu Rưm không biết tiếng Việt nên chủ yếu là ra hiệu để hai bên hiểu nhau. Vậy là Khiêu Rưm quyết tâm học tiếng Việt. Mỗi ngày, anh học một vài từ do anh em trong đội chỉ cho, sau đó vừa làm, vừa học qua nhiều phương pháp, vốn tiếng Việt của anh ngày một phong phú. Giờ thì Khiêu Rưm đã có thể giao tiếp với anh em bằng tiếng Việt thành thạo. Anh bảo, đã yêu mến bộ đội Việt Nam thì nói được tiếng Việt chưa đủ, tới đây phải biết đọc và biết viết nữa thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không những bảo vệ an toàn tuyệt đối về người, tài sản cho Đội K53, Khiêu Rưm còn tích cực giúp đội nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân nước bạn cung cấp về khu vực mộ chí liệt sĩ. Hằng ngày, anh tranh thủ thời gian đi hết nơi này đến nơi khác để tìm kiếm thông tin HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Không những thế, mỗi khi kết thúc một đợt tìm kiếm, Đội K53 rút quân về nước, trở về với nhiệm vụ của người chiến sĩ công an phòng cháy, chữa cháy, Khiêu Rưm vẫn không quên tìm kiếm thông tin, giúp Đội K53 có nhiều nguồn tin phục vụ nhiệm vụ quy tập HCLS.
Thiếu tá Rua Bun Thoong, Trưởng phòng Phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Rát-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) cho biết: "Khiêu Rưm không những là chiến sĩ công an tốt, mà anh còn thay mặt cho chúng tôi, cho nhiều người dân Cam-pu-chia trả ơn bộ đội Việt Nam, những ân nhân đã giúp hồi sinh dân tộc chúng tôi. Riêng Khiêu Rưm và cán bộ, chiến sĩ Đội K53, tỉnh Kon Tum đã coi nhau như anh em một nhà, rất hiểu nhau, nên hằng năm, đơn vị đều cử Khiêu Rưm đi làm nhiệm vụ bảo vệ Đội K53".
Việc làm của Khiêu Rưm cũng được vợ anh ủng hộ. Ngôi nhà của vợ chồng anh cũng là nơi trú quân của cán bộ, chiến sĩ Đội K53 từ ngày Đội sang làm nhiệm vụ và cũng là nơi tập kết, thờ cúng các liệt sĩ quy tập được trên địa bàn tỉnh Rat-ta-na-ki-ri. Có những lúc trong nhà để hơn 10 bộ HCLS quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, trong khi đối với phong tục của người Cam-pu-chia thì việc để hài cốt trong nhà là không thể. Nhưng đối với gia đình anh Khiêu Rưm, nghĩa tình với bộ đội Việt Nam đã vượt ra ngoài phong tục, tín ngưỡng. Vợ chồng anh thường bảo rằng: “Bộ đội Việt Nam vẫn còn sống quanh đây thôi!”.
Chị Sôm Phia, vợ Khiêu Rưm bảo: "Gia đình tôi coi các chú bộ đội Việt Nam trước đây như là cha, là chú, là người thân trong gia đình, nên Đội K53 tìm kiếm được hài cốt nào gia đình cũng yêu cầu đưa về nhà tôi để có nơi thờ cúng cho ấm cúng, không bị mưa nắng. Có lúc dân làng và những gia đình ở gần đây cũng không thật hài lòng, nhưng gia đình tôi vẫn giữ hài cốt các liệt sĩ Việt Nam ở trong nhà mình để thờ cúng".
Thiếu tá Lý Huỳnh Kiên, Chính trị viên Đội K53, chia sẻ: "Nếu không có vợ chồng anh Khiêu Rưm giúp đỡ thì cán bộ, chiến sĩ Đội K53 cũng gặp khó khăn trong việc hòa nhập với nhân dân địa phương. Bởi thông qua vợ chồng anh, nhân dân nước bạn thêm hiểu công việc mà Đội K53 đang làm, từ đó họ giúp đỡ Đội K53 nhiệt tình không những trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày và còn dẫn đường cho anh em trong đội đi tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Quá trình đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, gặp không ít khó khăn về xác định nơi ăn ở, vị trí đóng quân của đơn vị; về đường sá, phương tiện cơ động; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thông tin mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam… Tuy nhiên, với tình cảm sâu nặng với bộ đội Việt Nam, vợ chồng anh Khiêu Rưm đã vượt qua mọi rào cản về phong tục tập quán cũng như khó khăn, luôn dành cho cán bộ, chiến sĩ Đội K53 những gì tốt nhất, thuận lợi nhất trong thực hiện nhiệm vụ, như: Cho mượn nhà để Đội K53 ở; liên hệ công tác với chính quyền, nhân dân nước bạn và giúp nơi thờ cúng liệt sĩ…
Suốt 16 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Đội K53, anh Khiêu Rưm cùng với cán bộ, chiến sĩ Đội K53 không quản ngại khó khăn gian khổ, trèo đèo, lội suối. Đôi chân của họ đã băng qua biết bao đồi núi, dòng sông, con suối, có lúc đi bộ ròng rã mấy ngày liền, trên vai mang theo gần 30kg đến với hàng trăm bản làng của 6 huyện trên địa bàn tỉnh Rát-ta-na-ki-ri. Những cái tên do bộ đội ta đặt từ trong chiến tranh như: Đèo Âm-pun; bản Măng-tôn Cà Chua; làng Mui; làng Két; làng Chong… Khiêu Rưm và cán bộ, chiến Đội K53 đã đi, đã đến và đã chứng kiến những dấu tích một thời mà các thế hệ đi trước từng sống và chiến đấu kiên cường. Chỉ tính riêng 6 tháng trong mùa khô 2016-2017, Khiêu Rưm đã cùng anh em cán bộ, chiến sĩ Đội K53 khảo sát, khai quật hơn 250 vị trí; đào hơn 1000m3 đất đá, với hơn 8.000 ngày công tìm kiếm, thu thập được hàng trăm tin từ các nhân chứng để dẫn đường chỉ từng vị trí chôn cất liệt sĩ. Anh đã góp phần tìm được 396 hài cốt các liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Cam-pu-chia trong 16 năm qua.
Với Khiêu Rưm, mọi mệt nhọc, vất vả không làm anh chùn bước, bởi anh vẫn đau đáu một ước nguyện là làm sao hỗ trợ Đội K53 tìm kiếm được thật nhiều hài cốt bộ đội Việt Nam đã vì nhân dân và đất nước Cam-pu-chia mà hy sinh, góp phần làm vơi đi nỗi đau của những gia đình đã mất người thân và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa hai đất nước.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG KIÊN