Nhà của ông giáo, Đại tá, CCB Bộ đội Biên phòng Phan Chí Nhượng nằm sau rặng tre già, giữa vùng quê miền núi Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh thanh bình. Từ năm 2004 đến nay, ông âm thầm mở lớp dạy học cho học sinh nghèo nơi đây. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ông đón hẳn về nhà giáo dưỡng. Từ lớp học này, nhiều em đã trở thành cán bộ công an, quân đội, kỹ sư xây dựng…

 Chúng tôi đến thăm lớp học của ông, ngay sát cổng, dưới tán cây xanh mát, một bé gái đang ngồi đọc sách chăm chú. Em Nguyễn Diệu Linh, học sinh Lớp 6A, Trường THCS Quang Thọ, là con của một gia đình giáo dân trong xã. Diệu Linh cùng anh trai Nguyễn Anh Tuấn, học sinh Lớp 12B, Trường THPT Vũ Quang, được ông giáo Nhượng nhận về nhà nuôi ăn học được 4 năm rồi. Hoàn cảnh gia đình của hai em còn nhiều khó khăn, bố mẹ chủ yếu ở dài ngày trên nương rẫy trong rừng sâu. Trước đây, cũng có thời gian họ đã định cho các cháu nghỉ học. Rồi trong một lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ của Diệu Linh và Anh Tuấn tình cờ nghe được câu chuyện về thầy giáo Nhượng nhận các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nuôi ăn học miễn phí. Ban đầu, chị không tin vào câu chuyện như cổ tích ấy, nhưng rồi thương con nên chị đã quyết tâm đến tận nơi tìm hiểu. Nghe chị Hiền kể về hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là ước mơ của con trẻ, ông Nhượng đã nhận cả 2 con của chị về nuôi ăn học tại gia đình. Nhờ được sự chăm sóc chu đáo, Tuấn Anh và Diệu Linh đều cao lớn hơn, có lực học khá, giỏi trong lớp.

leftcenterrightdel
Thầy giáo, cựu chiến binh Phan Chí Nhượng và các cháu trong lớp học. 

 

Câu chuyện của chúng tôi với bé Diệu Linh bị gián đoạn khi một ông lão với dáng người quắc thước, nước da hồng hào, mái tóc bạc trắng đi ra từ ngôi nhà gỗ, giọng khỏe khoắn: “Ai hỏi gì già này đấy?”. Đó là thầy giáo, CCB Phan Chí Nhượng.

Năm 1959, ông Nhượng nhập ngũ vào lực lượng Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay), trải qua huấn luyện rồi chiến đấu ở các chiến trường khác nhau. Khi đất nước hòa bình, ông được đào tạo trở thành giảng viên, rồi mang quân hàm Đại tá, Trưởng khoa Biên phòng, Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Năm 1995, Đại tá Phan Chí Nhượng được về nghỉ hưu theo chế độ và chọn xã miền núi Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh là mảnh đất để gắn bó tuổi già.

Thời gian mới về nghỉ hưu, hằng ngày, ông cùng vợ lo việc đồng áng, đêm đến sáng đèn chỉ dạy cho con và các cháu quanh xóm học bài. Ông hiểu rằng chỉ có con đường học mới có thể giúp những đứa trẻ vùng sơn cước thoát được nghèo khó. Bao đêm dài ông trăn trở, trằn trọc về một lớp học tại nhà đúng nghĩa miễn phí cho những đứa trẻ quê nghèo. Nhưng thực tế cuộc sống gia đình lúc ấy chưa cho phép ông thực hiện được tâm niệm. Mãi đến năm 2003, ông mới cải tạo được căn nhà gỗ, có chỗ để mở lớp học và duy trì đều đặn cho đến bây giờ. Trong 20 học sinh lứa đầu tiên, có 6 em có hoàn cảnh khó khăn được ông nhận về nhà nuôi dưỡng, chỉ dạy như con cháu trong nhà. Lúc đó, em lớn nhất mới học lớp 7, rồi không phụ công ông giáo, cả 6 em đều đậu vào các trường đại học, ra trường có công việc ổn định.   

Đúng 14 giờ, căn nhà của ông nhộn nhịp hẳn lên, những em học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 8… đến để học bài theo chương trình riêng của ông giáo đề ra. Chỉ trong ít phút, tất cả đều trật tự ngồi vào những vị trí vốn đã quen thuộc. Riêng cháu Tuấn, học trò nhỏ nhất ngồi vào lòng ông nũng nịu rồi mới chịu ngồi vào bàn. Tuấn đang là học sinh Lớp 5B, Trường Tiểu học Hương Thọ, cũng là con em của một gia đình theo đạo Công giáo. Từ một học sinh cá biệt, Tuấn hiện là học sinh đứng tốp 3 của lớp. Đang ra bài tập toán cho Tuấn, chuông điện thoại của ông giáo đổ liên hồi. Ông bắt máy, đầu bên kia giọng của một thanh niên rất dõng dạc: “Ông có khỏe không ạ? Các em học có tiến bộ nhiều không? Sắp tới cháu xin phép đơn vị nghỉ tranh thủ về báo với ông một số việc ạ!”. Người vừa có cuộc điện với ông giáo già là Thiếu úy Nguyễn Văn Quý, nhân viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ngày trước, gia đình Quý rất khó khăn, được ông giáo Nhượng nhận nuôi ăn học tại nhà từ khi đang là cậu học trò lớp 7 rồi trưởng thành như bây giờ nên mỗi khi về nhà, chàng thiếu úy công an lại sà đến bên “ông nội”,  mọi chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống  đều báo cáo, xin phép ông giáo già. Còn bố mẹ của Quý từ lâu đã xem ông như một người cha đáng kính. Được ông nuôi học, dạy dỗ trưởng thành cùng với Quý còn có Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thái, Trợ lý Tham mưu kế hoạch, Phòng Hậu Cần, Sư đoàn 370; Trần Tuấn, Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn và Kỹ sư Nguyễn Văn Báo (cả hai đều tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải)… Hiện tại, lớp học của Đại tá, CCB Phan Chí Nhượng thường xuyên có 18 cháu theo học ở các cấp từ lớp 5 đến lớp 12, trong đó có 4 cháu được ông nuôi ăn học miễn phí trong nhà.      

Ở tuổi 80, ông Nhượng vẫn duy trì giờ giấc, tác phong sinh hoạt của một quân nhân, lấy đó làm gương để rèn luyện, giáo dục học trò. Đúng 5 giờ, căn nhà ông giáo Nhượng đã sáng đèn, tất cả 4 cô cậu học trò từ bé đến lớn nhanh chóng thức dậy ra khỏi giường, ngồi vào bàn ôn bài buổi sáng. Còn ông Nhượng cùng vợ đã ra khỏi nhà sớm hơn khi chăn màn đã xếp gọn gàng ở đầu giường. “Chắc ông sang nhà kiểm tra xem cu Tuấn đã dậy ôn bài chưa? Mọi người theo lớp học, dù ở nhà với bố mẹ cũng phải tuân thủ đúng giờ giấc mà ông đã quy định. Buổi tối, học sinh THPT học bài đến 22 giờ 30 phút, các em THCS là 21 giờ 30 phút nhưng sáng hôm sau đều phải dậy đúng 5 giờ để ôn bài, tập thể dục”-cậu học trò Nguyễn Quang Sang giải thích. Hiện tại, Sang đang học Lớp 12A, là học sinh giỏi toàn diện của Trường THPT Vũ Quang, em vừa đoạt giải nhì môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sang được ông giáo Nhượng nhận về nuôi từ khi học lớp 5 cho đến bây giờ. Theo ước mơ của Sang và định hướng của ông Nhượng, dự kiến năm nay em sẽ thi vào Học viện Quân y.

Đến 6 giờ, khi những cô cậu học trò đã gấp sách vở, ra khoảng sân trước nhà để kéo xà đơn, nhảy dây thì vợ chồng ông Nhượng cũng về đến nhà với một chiếc làn nhựa đựng thịt lợn. “Trong lúc ông ấy đi thể dục, kiểm tra việc ôn bài của các cháu quanh xóm, tôi sang nhà người quen lấy thịt lợn sạch về cất tủ lạnh cho các cháu ăn dần”-bà Thái Thị Nhuần, vợ thầy giáo Nhượng cho biết.

Khoảng 10 phút sau, khi các em đã tập thể dục buổi sáng xong, trong khi Sang, Tuấn Anh và Hùng chia nhau quét dọn nhà cửa, sân vườn, rửa cốc chén thì bà Nhuần cùng Diệu Linh vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho mọi người. Đúng 6 giờ 30 phút, cả 4 cô cậu học trò đều đã quần áo, sách vở gọn gàng, lễ phép chào ông bà để đến lớp học ở trường. Đây là thời điểm thảnh thơi nhất trong ngày của đôi vợ chồng già. Họ sẽ quây quần bên ấm chè xanh cùng những người bạn già trong xóm...

Nói thì vậy nhưng chuyện ông giáo về hưu có thể dạy tốt cho tất cả học sinh từ bậc tiểu học đến THPT lại đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, học hỏi không ngừng. Ở trong góc nhà nhỏ, ông Nhượng có đầy đủ sách giáo khoa, sách nâng cao kiến thức cho học sinh các cấp. Nhiều năm trước cho đến bây giờ, người ta vẫn thấy ông thỉnh thoảng lại lên gặp Ban giám hiệu Trường THPT Vũ Quang để được ngồi sau cùng của lớp học nghe thỉnh giảng. Đặc biệt trong những lần nhà trường tổ chức thi thử cho học sinh, ông đều xin đề bài về để nghiên cứu, tìm hiểu. “Mình có kiến thức nền nhưng chương trình học của các cháu luôn đổi mới nên cần phải thường xuyên tiếp cận để tìm ra phương pháp chỉ dạy cho các cháu một cách phù hợp, hiệu quả”-ông giáo Nhượng cho biết.

Ông Trần Ngọc Văn, Bí thư chi bộ thôn 3, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, cũng là hàng xóm của ông Nhượng cho biết: “Lớp học của ông Nhượng được mở từ lâu lắm rồi, từ ngày ông ấy còn vất vả. Nhờ công lao của ông bà mà nhiều cháu ở địa phương đã trưởng thành nên người. Với một địa phương miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như địa phương chúng tôi thì việc làm của ông giáo Nhượng có ý nghĩa rất lớn trong công tác khuyến học, khuyến tài. Hy vọng rằng sẽ có nhiều em tiếp tục trưởng thành từ sự chỉ dạy, chăm sóc của ông bà Nhượng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VIẾT LAM