Chiều cuối năm, không khí làm việc tại Xưởng cơ khí Toàn Thắng ở thôn 14, xã Hòa Ninh (Di Linh, Lâm Đồng) vẫn rất khẩn trương, hối hả. Vừa đôn đốc, nhắc nhở người làm, ông Đặng Văn Bảy, chủ cơ sở, vừa quay sang phân trần: “May mà hôm nay anh đến chứ mai là không gặp rồi, vì tôi phải đi Đắc Nông mấy ngày. Bên ấy, khách hàng vừa đặt 1 máy sấy. Tôi cho người lắp đặt xong nhưng phải sang kiểm tra, hướng dẫn để họ biết cách vận hành”.
Bên chén trà thơm, ông Bảy bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình. Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nhà nghèo, đông anh em nên học tới lớp 5, cậu bé Đặng Văn Bảy phải nghỉ học. Năm 14 tuổi, Đặng Văn Bảy theo một số người làng vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng làm thuê. Nhờ bản tính thật thà, chịu khó, Đặng Văn Bảy được nhiều người trong vùng yêu mến, trong đó có cô con gái chủ nhà thuê anh. Năm 1987, hai người thành vợ chồng.
Cách đây hơn 30 năm, vùng Hòa Ninh còn rậm rạp và hoang vu. Vợ chồng ông Bảy ngày đi làm thuê, tối ra rừng vỡ đất. Lần hồi mãi họ cũng khai vỡ được 2ha đất trồng cà phê. Đất nhiều, cà phê lắm nhưng vợ chồng không vui vì mọi công việc phải tiến hành bằng sức người. Riêng công đoạn tách vỏ cà phê phải giã bằng tay, trong khi sản lượng mỗi vụ lên tới vài tấn. Cả vùng lúc ấy cũng có đôi chiếc máy tách vỏ nhưng là loại máy cồng kềnh, cổ lỗ sĩ, hoạt động lúc được lúc không. Do nhu cầu đông nên gia đình nào muốn làm máy phải đợi hằng tuần. Quá mệt mỏi, ông Bảy bèn nảy ý định chế tạo máy tách vỏ cà phê. Ông đem chuyện này bàn với vợ. Vừa nghe ông nói, vợ ông gạt đi, bảo: “Ông đừng hoang tưởng. Người ta kỹ sư, tiến sĩ đầy ra đấy mà chưa làm được huống chi ông chỉ là lão nông trình độ i, tờ. Thôi, ông tập trung giã cà phê cho tôi nhờ”.
Mặc vợ ngăn cản, ông Bảy vẫn kiên định với ý tưởng của mình. Sau khi quan sát các cỗ máy, tìm hiểu nguyên lý hoạt động, cách thức vận hành, ông bắt đầu mua vật tư, thiết bị mang về nhà tự mày mò, lắp ráp. Vợ ông ban đầu phản đối nhưng sau thấy chồng đam mê quá nên cũng chiều lòng. Bà lo hết việc ruộng vườn, chăm sóc con cái để ông toàn tâm, toàn ý nghiên cứu, chế tạo máy tách vỏ cà phê.
 |
Ông Đặng Văn Bảy (bên trái) giới thiệu máy sấy nông sản do ông chế tạo. |
Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến năm 1998, chiếc máy tách vỏ cà phê đầu tiên “made in Đặng Văn Bảy” chính thức hoàn thành. Cỗ máy có các bộ phận chính, gồm: Động cơ đi-ê-zen, hệ thống ru-lô, phễu nhận trái, chân đế, hệ thống thu hạt, dây cu-roa. Máy có công suất 400kg/giờ. Ngày chạy thử, ông mời bạn bè, hàng xóm tới tham quan. Khi thấy cỗ máy nhỏ gọn nuốt từng thúng quả vào phễu, sau đó nhả ra dòng hạt cà phê như hạt ngọc, mọi người không khỏi kinh ngạc. Với nhiều người, lão nông Đặng Văn Bảy lúc ấy giống như thầy phù thủy có phép thuật.
Tuy nhiên, chiếc máy đầu tiên chưa hoàn hảo bởi quá trình vận hành gặp khá nhiều trục trặc, nhất là sau khi tách, tỷ lệ trái trong hạt khá lớn. Ông Bảy tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, đến năm 2001 mới cho ra đời chiếc máy thực sự ưng ý. Lúc này, công suất máy được nâng lên gấp 10 lần so với phiên bản đầu tiên, đạt 3-4 tấn/giờ. Quá trình vận hành ít xảy ra sai sót, tỷ lệ hạt sau khi tách vỏ đạt gần 100%. Máy có thể chạy bằng động cơ đi-ê-zen hoặc động cơ điện, kích thước nhỏ gọn, dễ tháo lắp, vận chuyển, rất phù hợp với quy mô sản xuất hộ gia đình. Đặc biệt, so với một số máy trên thị trường thì máy do ông Bảy chế tạo tiện dụng và giá rẻ hơn nhiều, chỉ với giá 2,7 triệu đồng/máy nên bà con nông dân rất ưa chuộng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, vợ chồng ông Bảy thành lập Xưởng cơ khí Toàn Thắng, thuê nhân công, nhập thiết bị, vật tư để sản xuất máy hàng loạt. Lúc này, danh tiếng của những chiếc máy tách vỏ cà phê của ông Bảy đã vượt khỏi tỉnh Lâm Đồng. Nhiều khi sản phẩm do Xưởng cơ khí Toàn Thắng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu.
Khu vực Tây Nguyên có diện tích cà phê lớn, sản lượng nhiều nhưng chất lượng cà phê chưa cao. Nguyên nhân một phần do khâu thu hái, phân loại chưa tốt. Khi thu hoạch, bà con thường “tuốt xô” cả cành, vì vậy, cà phê còn lẫn nhiều trái xanh, khiến chất lượng cà phê giảm, thường xuyên bị thương lái chê, ép giá. Năm 2010, ông Đặng Văn Bảy bắt tay nghiên cứu, chế tạo máy phân loại trái xanh, trái chín. Năm 2013, cỗ máy hoàn thiện và được ông đặt tên là “Thành công mới”
Với chiếc máy “Thành công mới”, trái sau khi hái được đổ vào phễu lớn rồi đưa tới bộ phận phân tách hình trụ, có những rãnh xoắn. Bộ phận này sử dụng lực ép và đẩy để loại ra những trái xanh vỏ cứng, những trái chín, vỏ mềm, được gom vào bộ phận thu ở giữa máy và thoát ra ngoài. Công suất của máy tương đương 200 nhân công; mỗi giờ có thể phân loại được 3-4 tấn trái cà phê, chỉ cần 3 người điều khiển.
Thừa thắng xông lên, ông Bảy tiếp tục nghiên cứu, chế tạo máy sấy nông sản. Thực tiễn việc thu hái cà phê nơi ông sinh sống cho thấy: Nhiều gia đình thu hoạch hàng tấn cà phê nhưng gặp trời mưa, không phơi được, bị nấm mốc, hư thối. Cũng có hộ đầu tư xây lò sấy thủ công nhưng công suất thấp, tốn nhiều công sức, chất lượng sản phẩm không cao. Nếu chế tạo được cái máy gọn nhẹ để sấy cà phê, sấy lúa và các loại nông sản khác thì giải quyết được khó khăn cho bà con. Từ bài toán thực tế và những suy nghĩ của mình, ông Bảy quyết định bắt tay vào việc chế tạo chiếc máy sấy nông sản. Thế rồi năm 2015, chiếc máy sấy nông sản nhãn hiệu CKL1000 do ông chế tạo hoàn thành. Theo thiết kế, mỗi mẻ, máy có thể sấy được 4 tấn nông sản tươi, tiêu tốn khoảng 60kWh điện, 5 tạ trấu hoặc vỏ cà phê khô. Độ ẩm của nông sản sau khi sấy luôn đạt chuẩn.
Quan sát những cỗ máy có kết cấu khá phức tạp, tinh vi và hữu dụng, hẳn nhiều người nghĩ rằng tác giả của nó phải có kiến thức nhất định về cơ học, động học, nhiệt học, cơ khí... đằng này, ông Đặng Văn Bảy mới học hết lớp 5? Phải chăng, ông được ai đó truyền nghề hoặc có kỹ sư, chuyên gia nào đứng phía sau hỗ trợ? Mang băn khoăn này hỏi ông, ông giải thích: “Tất cả là do tự học. Có lẽ nhờ trời phú cho tôi một chút năng khiếu cùng niềm đam mê lớn đối với công việc này. Để chế tạo ra những cỗ máy, tôi phải quan sát, đúc rút kinh nghiệm và thử nghiệm rất nhiều lần. Ví như khi chế tạo máy tách vỏ cà phê, tôi phải quan sát rất kỹ những chiếc máy người ta đang sử dụng, xem nó có bao nhiêu bộ phận, hoạt động như thế nào và cải tiến làm sao cho nó trở nên tiện dụng hơn. Thú thực, có những bộ phận tôi không thể tự làm ra được, phải đi mua. Như động cơ máy chẳng hạn. Nhưng tôi biết cách kết nối các chi tiết, bộ phận lại với nhau thành một cỗ máy hoàn chỉnh với chức năng nhất định”.
Cũng như bao người khác, thành công của ông hôm nay phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc và không ít lần thất bại. Bằng chứng là cạnh xưởng hiện có nhiều cỗ máy hoen rỉ, nằm lăn lóc giữa trời. Ông bảo đó chính là bằng chứng của những lần thất bại, sản phẩm làm ra bị lỗi, không đạt yêu cầu, phải bỏ. “Năm 2003, chúng tôi phải làm lại 90 máy mới đền cho khách hàng vì toàn bộ số máy trước đó bị lỗi. Lỗ hàng trăm triệu đồng, gần sạt nghiệp, lại bị gièm pha, chế giễu. Với người khác, cú sốc ấy có thể khiến họ bỏ nghề nhưng tôi quyết tâm làm tốt hơn để chứng tỏ khả năng"-ông Bảy chia sẻ.
Là một nông dân đích thực, ông Bảy hiểu rõ nhu cầu của nông dân cần gì, từ đó có những quyết định chính xác. Những máy móc ông làm ra đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của đời sống và đáp ứng các tiêu chí về thẩm mỹ, giá cả, sự tiện lợi. Quá trình kinh doanh, ông cũng luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công. “Hàng của ông chất lượng tốt, đẹp, rẻ, mỗi khi hư hỏng, trục trặc ông đều tận tình sửa chữa, hướng dẫn nên chúng tôi rất yên tâm”-anh Nguyễn Văn Hòa, một khách hàng ở xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết.
Từ một lão nông, bây giờ ông Đặng Văn Bảy đã trở thành “nhà sáng chế”, doanh nhân nức tiếng của tỉnh Lâm Đồng. Xưởng cơ khí Toàn Thắng của ông hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 công nhân với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình ông Bảy bán ra thị trường hơn 2.000 máy nông cụ. Nhiều sản phẩm trước đó đã đoạt giải cao trong Hội thi Sáng chế kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Nhiều năm liền, ông được công nhận là Doanh nhân tiêu biểu cấp tỉnh; nhận Giải thưởng Sao Thần Nông, Nông dân Việt Nam xuất sắc của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen... Với người dân trong vùng, mỗi khi nhắc tới ông Bảy, bà con thường gọi bằng biệt danh trìu mến, đầy thán phục: “Lão nông kỳ tài”.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG