Đó cũng là sự tiếp nối thành công, khẳng định “thương hiệu” và sức lan tỏa của cuộc thi viết trong suốt hơn 8 năm qua, về một đề tài không mới, nhưng luôn mang tính thời sự, hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ, thiết thực góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.

Những “bông hoa đẹp” giữa đời thường

Trong số hàng trăm tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên ở mọi miền đất nước gửi về tham dự Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi viết) lần thứ 8, Ban tổ chức đã lựa chọn hơn 130 tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND và Báo QĐND điện tử. Những điển hình tiêu biểu, gương sáng, “bông hoa đẹp” giữa đời thường được phản ánh, tôn vinh qua cuộc thi, ở khắp mọi miền đất nước, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội… Có tác giả, như phóng viên Mai Hồng (Đài Tiếng nói Việt Nam), trong các chuyến đi công tác nước ngoài, đã cố gắng tìm tòi, viết về những gương sáng bình dị của người Việt ở nước ngoài. Tất cả họ đều có điểm chung đáng quý là thầm lặng làm việc tốt, việc thiện; sẵn sàng nhận việc khó, phần thiệt thòi về mình; nỗ lực cống hiến cho xã hội, cộng đồng mà không hề nghĩ đến việc mình được khen thưởng, hay trở thành người “nổi tiếng”.

leftcenterrightdel

Đại tá Đoàn Thế Tùng (nhân vật trong tác phẩm “Ráng làm hết sức mình để đền ơn đáp nghĩa”) thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng ở phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: Minh Hồng. 

Là một trong những tác giả đam mê, tâm huyết với đề tài này, có nhiều bài viết tham gia cuộc thi  và có tác phẩm đoạt giải, đồng chí Trần Văn Bình, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình luôn theo dõi sát cuộc thi, đọc nhiều tác phẩm đăng tải trên Báo QĐND, để vừa học hỏi kinh nghiệm viết về gương điển hình, vừa tích lũy thêm tư liệu, kinh nghiệm, cách làm hay qua những điển hình học tập và làm  theo Bác, phục vụ công việc chuyên môn, là theo dõi, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XI và khóa XII) trên địa bàn tỉnh.

Anh Bình chia sẻ: “Những nhân vật trong các tác phẩm được phản ánh, tôn vinh qua cuộc thi lần thứ 8, thực sự là những gương sáng giữa đời thường. Họ là các cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ, cán bộ, công chức, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí; là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, công nhân; những nông dân chất phác, thậm chí là người khuyết tật… nhưng ở họ luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu thương con người, sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng, vươn lên làm những việc bình dị mà cao quý, noi theo tấm gương Bác Hồ…”.

Với tinh thần và tâm huyết đó, tác giả Trần Văn Bình đã gửi nhiều tác phẩm tham dự Cuộc thi lần thứ 8; một số tác phẩm đã được đăng tải trên Báo QĐND. Theo anh Bình, “Những tấm gương bình dị đó tỏa sáng ngay ở quanh ta, ở xóm, khu phố nơi mình sinh sống, chỉ cần người viết chịu khó tìm tòi, phát hiện, phản ánh, để nhân lên những “bông hoa đẹp”.

Các tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chiếm số lượng khá lớn trong số các tác phẩm gửi về Ban tổ chức Cuộc thi viết lần thứ 8, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt là phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp.  Đó là các tác phẩm: “Nơi nào khó có nữ trưởng thôn” (tác giả Lê Đào); “Người cán bộ gương mẫu-“bà tiên” giữa đời thường” (Lê Anh Tần); “Thành công nhờ yêu nghề và cái tâm trong sáng” (Phương Liễu); “Tâm huyết với “dũng sĩ” nano sắt” (Nguyễn Trung Kiên); “Người luôn nhận phần khó về mình” (Duy Hồng)…

Đại tá Thiều Quốc Hân, Phó giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (nhân vật trong tác phẩm “Tâm huyết với “dũng sĩ” nano sắt”) chia sẻ: Tôi rất vui khi công nghệ nano xử lý nước thải của nhóm nghiên cứu được tuyên truyền trên báo QĐND; đồng thời tác phẩm được trao giải của cuộc thi. Điều này cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với lĩnh vực xử lý môi trường, cũng như những đóng góp của chúng tôi cho xã hội, cộng đồng... Đó là nguồn động viên lớn để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, có những sản phẩm khoa học có giá trị phục vụ quân đội và đất nước.

Qua các tác phẩm dự thi cho thấy, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị… được xác định là nhiệm vụ chính trị, là công việc thường xuyên, hằng ngày của từng cấp ủy, tổ chức đảng; của cả hệ thống chính trị; của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Đặc biệt là chú trọng làm theo Bác bằng những việc làm, hành động cụ thể; kết hợp giữa “xây” với “chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, mà việc duy trì và nâng cao chất lượng Cuộc thi viết trong những năm qua là một cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Nhiều tấm lòng, nghĩa cử tri ân

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2017), nhiều tác giả đã chủ động, tâm huyết sáng tạo các tác phẩm về đề tài này, gửi tham gia Cuộc thi viết lần thứ 8, cũng là hoạt động thiết thực tri ân các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng.

Trao đổi với chúng tôi, tác giả Mai Thắng (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đoạt giải nhất Cuộc thi viết lần thứ 8, với tác phẩm “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa”, nhớ lại: “Cuối tháng 1-2016, qua thông tin từ một bài báo, Dì Mười (tên thật là Lê Thị Tám, một nữ  cựu tù Côn Đảo, 86 tuổi) đã liên hệ với tôi, nhờ gửi biếu bà Cháu (mẹ của đồng chí Lê Đức Hồng, hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Quần đảo Trường Sa) ba triệu đồng, góp phần động viên, chăm lo cho thân nhân của liệt sĩ. Tiếp đó, dì Mười  còn mua quà, sách vở, mì ăn liền… (tổng trị giá gần 100 triệu đồng) và thuê xe chở lên Trường Tiểu học xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng tặng học sinh và các thầy giáo, cô giáo của trường đang gặp nhiều khó khăn. Những việc làm đó của Dì Mười, khiến tôi hết sức cảm kích, bởi bà không chỉ có tấm lòng nhân ái, mà còn là tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng, quên mình vì cộng đồng. Đặc biệt, khi tìm hiểu, biết bà đã không ngần ngại bán căn nhà của mình để giành một phần tiền mua 14 tấn gạo và nhiều vật chất khác tặng đồng bào 4 tỉnh miền Trung bị lũ lụt năm 1999; rồi bà dành dụm, gom góp tiền lương để tặng 64 thân nhân các liệt sĩ (hy sinh trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa)… bằng tất cả niềm kính phục, tình cảm tự đáy lòng, tôi đã hoàn thành tác phẩm “Dì Mười 25 năm thầm lặng làm việc nghĩa”, gửi tham gia Cuộc thi viết.

Từng tham gia kháng chiến, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng (năm 2014), nhưng lương hưu hằng tháng, dì Mười giành phần nhiều cho công việc thiện nguyện. Dì luôn tâm niệm: “Đó là trách nhiệm, nghĩa tình, nhất là góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các gia đình liệt sĩ, của bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, hoặc cống hiến một phần máu xương để chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập hôm nay ”

Có tuổi thơ gian khó, đau thương khi cha hy sinh trong kháng chiến, mẹ bị địch bắt tù đày, Đại tá Đoàn Thế Tùng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam (nhân vật trong tác phẩm “Ráng làm hết sức mình để đền ơn, đáp nghĩa”-tác giả Hồng Vân) luôn đồng cảm sẻ chia sâu sắc với các đối tượng chính sách và gần như cả đời binh nghiệp anh gắn bó với công tác này. Quảng Nam là địa phương có số liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước. Việc đền ơn đáp nghĩa vì thế gặp không ít khó khăn, nhất là kinh tế của địa phương chưa phát triển. Từ năm 2010 đến giữa năm 2017, Bộ CHQS tỉnh đã xây được hơn 380 nhà tặng đối tượng chính sách, hơn 210 nhà “nghĩa tình đồng đội”, 122 nhà tình thương, 19 nhà đồng đội, 5 nhà nhân ái…, với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng. Trong số này, ngoài các nhà được xây dựng bằng kinh phí Nhà nước và trên cấp, còn hầu hết do Bộ CHQS tỉnh tự tìm nguồn hỗ trợ. Phó chính ủy Đoàn Thế Tùng, với uy tín và lòng nhiệt thành tri ân, trở thành người đi vận động ủng hộ “có thương hiệu”, bởi anh nghĩ: “Có phải làm cho mình đâu mà ngại!”. Nhiều đơn vị, nhà hảo tâm rất tin tưởng anh, giao triển khai xây dựng “trọn gói” cả trăm căn nhà tình thương mà không yêu cầu các thủ tục chặt chẽ, theo quy định.

Gần 430 hài cốt liệt sĩ, trong đó 188 mộ có tên được tỉnh Quảng Nam quy tập từ năm 2013 đến nay, có đóng góp không nhỏ của đồng chí Tùng. Được nhận nhiều bằng khen của các cấp, nhưng Đại tá Đoàn Thế Tùng cho rằng: “Hạnh phúc lớn nhất là mình giúp cho người khác được hạnh phúc. Nếu đóng góp được gì cho quê hương, cho công tác đền ơn đáp nghĩa thì ráng làm hết sức mình, để không phải tiếc nuối…”

Thật cảm phục qua tác phẩm “Cựu xã đội trưởng và hơn 14.000 lá thư cung cấp thông tin về liệt sĩ" (tác giả Hoàng Thành) viết về bà Mai Thị Tuyết, cựu xã đội trưởng, 70 tuổi, ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, trong hơn 10 năm qua đã viết và gửi hơn 14.000 lá thư cung cấp thông tin liên quan đến các liệt sĩ, giúp nhiều gia đình, thân nhân tìm được hài cốt, phần mộ liệt sĩ.

Còn rất nhiều những tấm lòng, nghĩa cử tri ân được phản ánh qua cuộc thi mà chúng tôi không thể thống kê hết trong bài viết này. Đặc biệt, nhiều gương sáng là cựu chiến binh, thương binh, người có công, từng có nhiều cống hiến cho cách mạng, kháng chiến, nay lại gắng làm hết sức mình cho công tác tri ân, thực hiện trọn vẹn nghĩa tình đồng đội và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” .

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, tham gia Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết lần thứ 8, nhận xét: Các tác phẩm, các gương điển hình đã tập trung nêu bật chủ đề “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; với chất lượng các tác phẩm khá đồng đều. Mong rằng, Ban tổ chức sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng cuộc thi và theo dõi sự “phản hồi” từ các tác phẩm, nhân vật được phản ánh, tiếp tục tuyên truyền và tạo sức lan tỏa hơn nữa của các gương sáng, điển hình học tập và làm theo Bác.

Nhà Xuất bản QĐND đã lựa chọn, tập hợp các tác phẩm tham gia cuộc thi lần thứ 8 và xuất bản tập 13 “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi: Thực tế hơn 8 năm qua đã cho thấy sức sống, sự lan tỏa và ý nghĩa thiết thực của cuộc thi. Thời gian tới, Ban tổ chức sẽ đẩy mạnh quảng bá về cuộc thi, thu hút đông đảo hơn nữa các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước tham gia, với nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, đặc biệt là khuyến khích việc phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới,  gương cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp… luôn  gương mẫu, đi đầu, “nói đi đôi với làm”, có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa trong xã hội và cộng đồng.

15 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8

 Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 15 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban tổ chức trao giải, gồm: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 9 giải khuyến khích.

Giải nhất được trao cho tác phẩm: “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa” (tác giả Mai Thắng). 2 giải nhì gồm: “Cựu xã đội trưởng và hơn 14.000 lá thư cung cấp thông tin về liệt sĩ” (Hoàng Thành); “Lương y Phạm Văn Tấn và phương pháp chữa bệnh độc đáo” (Nguyễn Bạch Dương). 3 giải ba gồm: “Người mẹ khổng lồ” (Nguyễn Mạnh Thắng); “Nơi nào khó có nữ trưởng thôn” (Lê Đào); “Tâm huyết với “dũng sĩ” nano sắt” (Nguyễn Trung Kiên). 9 giải khuyến khích gồm: “Người vì những chiếc lốp máy bay không săm” (Nguyễn Thành Trung); “Ráng làm hết sức mình để đền ơn đáp nghĩa” (Hồng Vân); “Nữ nhân viên “có duyên” mang lại niềm vui cho hành khách” (Nguyễn Minh Long); “Chị cả” kết nối cộng đồng người Việt ở Ma-lai-xi-a” (Mai Hồng); “Nữ đảng viên hai lần hiến đất làm đường” (Nguyễn Văn Công); “Thầy mốt ở Sa Đéc” (Trần Thị Thúy An); “Sống hết mình vì nghĩa tình đồng đội” (Nguyễn Thị Kim Loan); “Người tự nguyện, kiên trì bảo vệ đàn voọc quý hiếm” (Trần Văn Bình); “Vũ Thị Mến-Nghị lực sống và khát vọng cống hiến” (Hoàng Hà - Văn Phong).

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8 và Chương trình giao lưu-nghệ thuật với chủ đề “Ngời sáng những người con trung hiếu”, được Báo QĐND phối hợp với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cùng các cơ quan, đơn vị đối tác tổ chức vào hồi 20 giờ, ngày 8-6-2017, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017-2018).

 

ANH QUÂN