Thiếu nước giữa… mùa mưa
Thượng Trạch là xã miền núi, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, diện tích rộng nhất tỉnh và cũng là xã khó khăn nhất. Toàn xã có 18 bản, ở cách xa nhau hàng ngày đường, bà con hầu hết là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Bộ đội Biên phòng tỉnh, trực tiếp là các Đồn Biên phòng 591 và 593, đời sống của bà con có khá hơn, song nhìn chung vẫn còn nghèo và lạc hậu, nhất là với các bản ở vùng hẻo lánh. Kiểu canh tác “chặt, đốt, cốt, trỉa” vẫn là phương thức sản xuất chính nên bà con vẫn chưa tự túc được lương thực và vẫn phải nhờ vào sự cứu trợ của Nhà nước. Nhiều gia đình không những thiếu lương thực mà còn thiếu cả nước sạch để ăn uống, ngay cả giữa mùa mưa. Bà con không biết tích trữ và cũng không có dụng cụ gì để dự trữ nước sạch sinh hoạt khi trời mưa xuống.
Bộ đội cùng người dân hoàn thành các hạng mục trước khi bàn giao công trình giếng nước sạch cho bản Cồn Roàng.
Nguồn nước chủ yếu để sinh hoạt bao đời nay của bà con là nước suối. Con suối Cà Roòng từ biên giới chảy qua nhiều bản có thể coi là là “trung tâm” của mọi mặt đời sống. Từ việc ăn uống, tắm giặt đến việc đánh bắt cá ở “suối thiêng” về cúng thần linh trong ngày lễ… đều diễn ra ở con suối này. Cùng với sự phát triển của đàn gia súc, của việc khai phá nương rẫy ven suối đã làm cho dòng nước không còn trong xanh như trước...
Biết là nước suối không sạch nhưng bà con vẫn cứ dùng vì thói quen và cũng không biết lấy nước ở đâu sạch hơn. Đào giếng lấy nước như ở miền xuôi vẫn là “câu chuyện cổ tích” đối với bà con. Các vụ tiêu chảy, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Mặc dù đã có sự tuyên truyền, vận động tích cực của Bộ đội Biên phòng và y tế thôn bản, nhưng do hủ tục lạc hậu còn tồn tại nên có thời điểm, trạm y tế xã phải tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đau bụng, đi ngoài. Hôm chúng tôi tới trao quà tặng bà con theo chương trình “Áo ấm mùa đông 2016”, cũng có một chị bế hai cháu nhỏ đến cấp cứu do đau bụng không rõ nguyên nhân. Tôi hỏi: “Gia đình chị uống nước suối có đun sôi không?”, chị lắc đầu.
Gian nan tìm mạch nước
Nước sạch sinh hoạt trở thành nhu cầu cấp thiết của bà con nơi đây. Chính quyền và các ngành đều biết, nhưng với khó khăn của xã, nhất là do nếp nghĩ và cách làm, nếp sống của bà con, nên việc dân bản tự đào giếng xem như là việc “bất khả thi”. Thấu hiểu những khó khăn đó, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng 591 sau nhiều lần bàn bạc, đã thống nhất phải đào giếng tại bản để tặng bà con; tổ chức làm một mô hình ở bản Cồn Roàng trước, rồi nhân rộng ra các bản khác.
Bản Cồn Roàng có 49 hộ dân với 219 nhân khẩu, sống giữa đại ngàn phía tây Trường Sơn. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh về việc lựa chọn một bản để đỡ đầu giúp đỡ, Đồn Biên phòng 591 đã chọn bản Cồn Roàng là nơi khó khăn nhất trên địa bàn. Đơn vị cử Đội vận động quần chúng và tổ công tác tích cực bám nắm cơ sở, giúp đỡ, hướng dẫn bà con định canh; trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao; vận động bà con thực hiện ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh nhà cửa và nơi công cộng… Bên cạnh đó, tìm nơi đào giếng là việc cấp bách để giúp bà con tháo gỡ khó khăn về nguồn nước sạch. Trong điều kiện địa hình nơi đây toàn núi đá, nếu không khảo sát kỹ sẽ thất bại.
Sau nhiều lần khảo sát tìm vị trí thích hợp, Chính trị viên Đồn Biên phòng 591 Võ Thành Phú thống nhất với Chủ tịch UBND xã và trưởng bản chọn điểm đào giếng ở cuối bản. Tiếp đó là chọn người đào giếng, gồm những đồng chí trẻ, khỏe trực tiếp đào, có dân bản phụ giúp, do Chính trị viên Phú trực tiếp chỉ huy.
Thượng úy Võ Minh Long-người trực tiếp đào giếng với nhiều ngày công nhất, tâm sự: "Khi còn ở nhà, tôi đã từng đào giếng, có cái sâu hơn 10m, rất khó đào, nhưng chưa gặp chiếc giếng nào đào khó khăn vất vả như ở đây. Đào từ mặt đất xuống được chừng 2m thì gặp đá, mà toàn đá giàn. Anh em nói, không phải đào giếng mà là đục giếng; có ngày chỉ sâu thêm được vài gang tay. Chúng tôi phải dùng chạm sắt và búa tạ để đục đá, chiếc này cùn, gãy, lại thay chiếc khác. Đường kính mặt giếng rộng chừng 2,5m, nhưng đáy giếng chỉ hơn 1m, làm trong điều kiện chật chội, thiếu oxy nên khó thở. Hai người phải cùng nhau một người cầm búa, một người cầm đục chẻ đá, rồi chuyền đất đá lên, nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn. Quá trình đào, đục, một số cán bộ, chiến sĩ khó tránh khỏi những thương tích nhỏ khi thao tác, như bị đá văng vào chân, vào đùi. Nhiều chiến sĩ hai bàn tay phồng rộp, nhưng nén đau, băng bó xong lại làm tiếp, quyết tâm tìm ra mạch nước ngầm cho đồng bào.
Tổ đào giếng chia làm 3 ca, mỗi ca hai người trực tiếp xuống đào; thanh niên trong bản tham gia kéo đất đá lên và vận chuyển đi nơi khác. Nhiều chiến sĩ trẻ như Trần Hữu Tiến, Lê Văn Bình… trực tiếp tham gia đào giếng và có dịp hiểu hơn về tình đoàn kết quân dân. Trần Hữu Tiến cho biết: Đào sâu được khoảng 5m thì thấy có nước, nhưng là mạch ngang, nên anh em không dừng lại mà nỗ lực đào tiếp để tìm đúng mạch nước ngầm. Công việc càng ngày càng vất vả hơn vì vừa phải đục đá, vừa tát nước; anh em ai nấy người lấm lem như thợ mỏ. Đến độ sâu chừng 7m thì thấy có mạch nước ngầm, đục thêm ít nữa có thêm mạch mới, anh em vui mừng vì nước phun mạnh, trong veo, ngọt ngào và mát lạnh…
Kết thúc việc đào đất, đục đá, bộ đội tu sửa lại cho đẹp rồi xây thành giếng, ngâm nước khử trùng, một tuần sau dùng máy nổ bơm hút lên vài lần, đến khi nước trong, sạch mới thôi. Khi dòng nước đầu tiên được bơm lên, bà con dân bản kéo đến rất đông vui. Tháng 5- 2016, đơn vị làm lễ khánh thành và bàn giao giếng cho dân bản sử dụng, bà con vui mừng đốt lửa trại múa hát thâu đêm. Để tránh bất trắc xảy ra và làm đẹp cho công trình có ý nghĩa này, bộ đội đã vận động bà con chặt nứa rào xung quanh khu vực giếng rồi san mặt bằng, tổ chức cho bà con trồng rau, vừa để cải thiện bữa ăn, vừa làm đẹp và không để trẻ em đến gần, không để gia súc vào khu vực giếng, gây mất vệ sinh.
Phấn khởi và rút kinh nghiệm việc đào giếng ở bản Cồn Roàng, Đồn Biên phòng 591 tiếp tục tổ chức làm thêm một giếng ở bản Cóc. Tuy đã khảo sát kỹ, nhưng vì thổ nhưỡng ở đây phức tạp nên mới đào xuống được hơn 1m đã gặp đá tảng. Anh em lại phải đục, chẻ đá, vất vả như lính công binh. Giếng sâu 7m thì chỉ có 1m đất, còn lại 6m đá, khó khăn hơn nhiều so với giếng thứ nhất. Thượng úy Võ Minh Long lại được Chính trị viên Võ Thành Phú tín nhiệm cử làm tổ phó, chuyên đục đá. Anh Long kể rằng, buổi sáng anh ăn cơm thật no, mang theo mì tôm ăn giữa ca, làm một mạch đến trưa rồi bàn giao cho ca người khác. Cứ thế, thời gian làm công trình kéo dài hơn một tháng trời. Vợ Thượng úy Võ Minh Long là cô giáo, anh đã hẹn ngày 20-11-2016 sẽ về chúc mừng vợ, nhưng vì giếng chưa hoàn thành nên đành lỡ hẹn. Khi tìm được mạch nước, anh em tiến hành xây thành giếng rồi bàn giao cho dân bản trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng không quản vất vả, khó khăn để khơi dòng nước sạch từ sâu trong lòng đất đá cho dân bản sử dụng, già làng Đinh Két cảm động nói: Bộ đội Biên phòng không những bày cho bà con cách trồng cây lúa nước, nuôi con gà, con heo, làm vườn rừng để no cái bụng mà còn đào giếng cho bà con có nước sạch nấu nướng, tắm giặt. Không có bộ đội thì chẳng biết đến khi nào dân bản mình mới có nước sạch. Thật quý vô cùng, cảm ơn bộ đội nhiều lắm!
Các đồng chí trong Ban chỉ huy Đồn 591 cho biết, thời gian tới đồn sẽ phối hợp với địa phương và một số ngành tiếp tục tổ chức làm giếng nước sạch tặng bà con ở bản Cà Roòng, bản Nịu…
Mỗi chiếc giếng hoàn thành là biết bao công sức, mồ hôi, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ, là tấm lòng của các anh đối với bà con dân bản nơi biên cương của Tổ quốc.
Bài và ảnh: XUÂN VUI