Người trẻ hôm nay
Người đầu tiên tôi có dịp trò chuyện trong chuyến đến với Nấm Dẩn là Chủ tịch UBND xã Cháng Văn Kinh. Vẫn nguyên cái chân chất của chàng trai dân tộc Nùng, nhưng ở Cháng Văn Kinh toát lên vẻ của một cán bộ trẻ nhiệt huyết, dám nói dám làm. Anh khoe, năm nay, xã lựa chọn 4 vấn đề để tập trung tuyên truyền và phát triển. Vấn đề thứ nhất khá đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa đáng kể. Đó là, theo thói quen, bà con thường chất rơm khô ngay đầu nhà. Mùa hanh, nhiều vụ cháy đã xảy ra do rơm khô bắt lửa, cháy lan vào nhà. Để ngăn ngừa những vụ hỏa hoạn đáng tiếc này, nhiều năm qua, chính quyền xã Nấm Dẩn đã tuyên truyền, vận động bà con để cây rơm ra xa nhà. Thế nhưng, dù chỉ là chuyện nhỏ nhưng đã “trót” ăn sâu vào thói quen nên người dân ở Nấm Dẩn vẫn không chịu thay đổi. Vì thế, theo anh, năm nay xã “quyết” giải quyết bằng được nguy cơ này.
Rừng thảo quả dưới chân đèo Gió.
Vấn đề thứ hai là vệ sinh chuồng trại. Nhiều năm qua, chăn nuôi trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế chính của Nấm Dẩn. Chủ tịch UBND xã Cháng Văn Kinh khoe: Hiện xã có tới 37 trang trại nhỏ với mô hình 5 con (chủ yếu nuôi trâu, bò, dê, lợn...), 22 hộ trang trại với mô hình 10 con. Kinh phí đầu tư cho một trang trại dao động từ 100 triệu đến 150 triệu đồng, cho thu nhập mỗi năm 50-60 triệu đồng. Việc phát triển trang trại nhỏ tại Nấm Dẩn phát huy tốt hiệu quả, góp phần rất lớn trong công cuộc xóa nghèo. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chăn nuôi luôn đi kèm với những vấn đề về vệ sinh môi trường. Vì thế, năm 2017 này, một trong 4 vấn đề được Đảng ủy, UBND xã Nấm Dẩn tập trung giải quyết là làm sạch chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường sống.
Vấn đề tập trung thứ ba trong năm nay ở Nấm Dẩn là việc học. Chính Chủ tịch UBND xã Cháng Văn Kinh là người “ráo riết” nhất trong việc này. Bởi anh nhận ra rất sâu sắc việc học có tác dụng như thế nào với tương lai. Sinh năm 1985, nhà ngay tại thôn Thống Nhất (Nấm Dẩn), không như bao bạn bè đồng lứa khác thường bỏ học sau khi tốt nghiệp THCS, Cháng Văn Kinh vẫn lặn lội xuống thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần) để tiếp tục con đường học hành. Tốt nghiệp THPT, anh thi vào Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật. Tốt nghiệp trường này năm 2008, Cháng Văn Kinh tiếp tục theo học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thời gian này, anh đang chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp cao học. Từ những kiến thức học được; từ sự quyết tâm của một cán bộ trẻ, Cháng Văn Kinh đã gây dựng được một trang trại lên tới 50 con lợn, hơn 10 con dê và 11 con trâu, bò. Gặng hỏi về thu nhập, anh chỉ cười cười mà đáp: “Nhiều hơn lương Chủ tịch UBND xã anh ạ!”. Dò hỏi mãi, mới biết, trang trại này đem về cho gia đình anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Vấn đề tập trung cuối cùng của xã Nấm Dẩn năm 2017 là khâu trồng trọt. Vẫn là 3 loại cây “truyền thống” gồm: Lúa, ngô và thảo quả, nhưng năm nay được xác định là năm tăng trưởng mạnh cả về chất lượng lẫn sản lượng. Là một xã vùng thấp của huyện Xín Mần, Nấm Dẩn có ưu thế về đất canh tác. Năm nay, xã tập trung lựa chọn những giống lúa và ngô chất lượng cao nhằm nâng giá trị. Cùng đó, là việc mở rộng diện tích cây thảo quả. Anh Kinh khoe: Hiện, diện tích trồng thảo quả của Nấm Dẩn đã đạt tới 835ha, nhiều nhất toàn huyện. Cây thảo quả từ “cây xóa đói, giảm nghèo” đã trở thành "cây làm giàu” cho người Nấm Dẩn.
Người trẻ “trước kia”
Trong câu chuyện về “cây làm giàu” thảo quả, rất nhiều lần Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn Cháng Văn Kinh nhắc tới cái tên Đào Xuân Hòa với vẻ ngưỡng mộ.
Quê dưới xuôi, sinh năm 1974, năm 1998, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên Đào Xuân Hòa tình nguyện lên dạy học tại xã Nấm Dẩn. Ngày Hòa lên, Nấm Dẩn vẫn là một trong những xã nghèo nhất huyện Xín Mần, mà cũng là của tỉnh Hà Giang. 10 năm vừa dạy học, vừa làm cán bộ văn phòng UBND, rồi phó chủ tịch UBND, Đào Xuân Hòa được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn. 10 năm ấy là một quãng đường dài mà Đào Xuân Hòa luôn nỗ lực, vượt lên khó khăn về điều kiện địa lý và sự bất đồng ngôn ngữ để được người dân tin yêu. Hiện, Đào Xuân Hòa đang đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Nấm Dẩn.
Trọng trách mới tiếp tục lại là một thử thách. Là người đứng đầu một xã còn rất nghèo, Đào Xuân Hòa luôn trăn trở nghĩ đến con đường phát triển kinh tế. Hằng ngày, có lẽ chỉ ngoài giờ ngủ, anh luôn sát cánh với nhân dân, học hỏi cán bộ đi trước, cần mẫn làm việc nhằm bù đắp sự non trẻ về kinh nghiệm. Anh còn đến từng gia đình để nắm tâm tư nguyện vọng và vận động bà con tích cực thay đổi nếp nghĩ, chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất để từng bước nâng cao thu nhập. Thế nhưng, để thay đổi một tập quán sản xuất đã thành “lối mòn” là chuyện hoàn toàn không hề dễ.
“Nói mãi” không ăn thua, Hòa quyết định phải làm để người dân Nấm Dẩn tin. Tại một hội nghị bàn về việc trồng ngô, khi ông Lý Văn Páo (nguyên Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn) và hầu hết những người tham dự khẳng định không thể trồng được ngô vụ xuân trên những diện tích bạc màu vốn bao đời nay chỉ trồng được lúa khi mùa mưa, Hòa đưa luôn ra đề xuất khá “liều lĩnh”. Anh đề nghị ông Páo cho anh thuê toàn bộ 1,3ha đất bạc màu, khô cằn của ông trong một năm, với cam kết nhận trách nhiệm nếu việc trồng ngô thất bại. Nhận đất rồi, Hòa đầu tư cải tạo đất bằng các kỹ thuật đã học được qua tài liệu, rồi anh thuê 12 cán bộ khuyến nông thôn bản lên làm thời vụ. 3 tháng sau, ngô cho bắp to, mẩy, hạt chắc như ngô nơi đất tốt. Vụ ấy, Hòa thu hoạch tổng cộng 1,2 tấn ngô, bán được 36 triệu đồng.
Chẳng cần phải vận động thêm, người dân Nấm Dẩn đồng loạt trồng ngô vụ xuân. Cả 12 thôn đều lập hội trồng ngô với sự tham gia của 33 tổ và 427 gia đình. Năm 2016, với 210ha ngô lai, xã Nấm Dẩn thu được gần 600 tấn hạt.
Chưa dừng lại ở “chiến công” trồng ngô, nhằm phát triển đàn gia súc và tránh việc trâu bò phá hoại cây trồng, góp phần đoàn kết tình làng nghĩa xóm, anh Hòa đề xuất Ðảng ủy xã phát động phong trào nuôi nhốt gia súc gắn với tận dụng trồng cỏ voi ở những nơi nhỏ, hẹp không trồng được lúa và hoa màu. Một lần nữa, những cán bộ xã như Hòa lại đi đầu. Cũng rất mau chóng, Nấm Dẩn phát triển được hơn 100ha cỏ voi, dư thừa thức ăn cho gia súc, lại bán cho các xã bên.
Làm được vô vàn việc cho bà con ở Nấm Dẩn nhưng “chiến công” ngoạn mục nhất, mang nhiều ý nghĩa nhất của Đào Xuân Hòa có lẽ là công cuộc phát triển cây thảo quả.
“Tiền rải trong rừng đèo Gió”
Đó là câu nói của Đào Xuân Hòa mà đến nay người dân nơi đây vẫn nhắc mãi.
Nấm Dẩn có diện tích rừng tự nhiên lên tới 1.700ha. Khu rừng này nằm tại khu vực đèo Gió nên người dân quen gọi là rừng đèo Gió. Diện tích lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm, rừng đèo Gió rất thuận lợi để phát triển trồng cây thảo quả dưới tán rừng.
Năm 2002, Chương trình phát triển cây thảo quả được xã Nấm Dẩn đề xuất xác định là cây trồng trọng điểm. Huyện Xín Mần đã dựa vào nguồn vốn tài trợ của Dự án DPPR (Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn-PV) giai đoạn I đưa vào hỗ trợ đồng bào cây giống. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, vì không còn được hỗ trợ cây giống, trong khi người trồng nhân giống không thành công, nên việc phát triển diện tích cây thảo quả rất hạn chế.
Không “bó tay”, Đào Xuân Hòa lại ngày đêm trăn trở, tìm đọc tài liệu liên quan, tìm hiểu nguyên nhân thất bại của những người đã từng ươm giống cây này... Đến giữa năm 2012, anh ươm thành công giống cây thảo quả. Toàn bộ kinh nghiệm thực tế của anh được truyền lại cho từng hộ dân. Tự tay anh và cán bộ xã đã gây dựng cho mỗi thôn một vườn ươm. Việc nhân giống cây thảo quả thành công trên địa bàn toàn xã.
Chưa dừng lại ở đó, để biến thảo quả thành loại cây chủ lực phát triển kinh tế cho Nấm Dẩn, cùng các cơ quan chức năng, Đào Xuân Hòa đã hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết đất rừng để phát động nhân dân đăng ký tham gia trồng, thu hoạch thảo quả gắn với phòng, chống cháy và bảo vệ rừng. Công việc giao đất, giao rừng được tiến hành bằng các cam kết giữa chính quyền và nhân dân. Thực hiện khoanh từng vùng rừng, đếm từng gốc cây, lập biên bản cam kết trước khi giao đất, giao rừng. Đồng thời, tổ chức kiểm tra chéo để nhân dân tự giám sát nhau thực hiện cho tốt.
5 năm vừa phát triển cây thảo quả, vừa bảo vệ rừng, hiệu quả kinh tế từ việc lồng ghép này mang lại giá trị bất ngờ. Không một cây rừng nào bị chặt, diện tích trồng thảo quả tăng liên tục, giá trị thu nhập của người trồng được nâng lên rõ rệt. Năm đầu tiên, năm 2013, xã Nấm Dẩn trồng thảo quả ở diện rộng, thu được gần 22 tấn quả, với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg quả tươi, người trồng thu về gần 900 triệu đồng. Năm 2017 này, với diện tích 835ha, sản lượng có thể lên tới hơn 30 tấn. Đặc biệt, giá thảo quả đang tăng cao, lên tới 70.000 đồng/kg quả tươi. Hiện đã có rất nhiều khách hàng tìm đến muốn đặt tiền trước để mua thảo quả, nhưng đồng bào chưa ai đồng ý.
Đến nay, gần 20 năm gắn bó với Nấm Dẩn, những việc Đào Xuân Hòa làm được cho mảnh đất này nhiều không kể xiết. Những việc ấy không chỉ thuần túy mang ý nghĩa phát triển kinh tế, mà góp phần rất quan trọng trong việc làm bừng sáng cả một vùng sâu vốn nghìn đời nghèo đói...
Bài và ảnh: HUY ĐĂNG