Bà Ngô Thị Hồng (bên phải) chuẩn bị những kiện quần áo mới gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng do lũ lụt ở tỉnh Quảng Ngãi.
Nữ đảng viên gương mẫu, không cam chịu đói nghèo
Chúng tôi đến cơ sở thu mua vải vụn của bà Ngô Thị Hồng khi bà đang cùng chị em đóng các bao hàng. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi nhìn những bộ quần áo mới được xếp vào các bao tải, bà Hồng giải thích:
- Số quần áo mới này tôi mua để gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng do lũ lụt ở miền Trung. Còn cơ sở của tôi chuyên thu mua vải vụn, vải đầu khúc về chọn lựa những mảnh còn sử dụng được để gia công hàng hóa bán lại cho các công ty, cơ sở may mặc trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
- Bà thu mua vải vụn mà tạo dựng được cơ ngơi khang trang, rộng rãi thế này, chắc hẳn nhiều người rất khâm khục?-Tôi “vào đề”.
- Công việc sản xuất, kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Căn nhà này tôi mới hoàn thành năm 2014. Để làm được, tôi phải chuẩn bị trong gần 8 năm, mỗi năm chuẩn bị và làm một phần-bà Hồng chia sẻ.
Trong căn nhà 2 tầng với đầy đủ tiện nghi, bà Hồng kể cho tôi nghe những kỷ niệm về một thời làm giao liên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những khó khăn ban đầu khi mới bước vào công việc sản xuất, kinh doanh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, khi mới 13 tuổi, Ngô Thị Hồng đã làm giao liên dẫn đường, canh gác cho cán bộ, bộ đội địa phương tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (trước đây). Bà Hồng nhớ lại: Trong thời gian hơn 10 năm làm giao liên, tôi làm đủ thứ việc, từ canh gác, nuôi giấu cán bộ đến tham gia vận động binh lính ngụy quay về với cách mạng. Khi ấy, mình xác định làm việc gì có lợi cho cách mạng là làm chứ chẳng suy nghĩ, nề hà gì. Có một kỷ niệm đến giờ tôi vẫn nhớ như in, đó là sáng mồng 6 Tết Mậu Thân 1968, sau khi hoàn thành ca gác cho cán bộ họp, tôi cùng chị Võ Thị Nhân vừa ra khỏi nhà thì một loạt pháo của địch bắn vào khu vực thôn. Sau những tiếng nổ đinh tai, tôi nằm bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, tôi thấy đất đá phủ kín người, nhưng may mắn chỉ bị xây xát nhẹ. Chị Võ Thị Nhân cùng 8 người khác trong thôn mãi ra đi trong trận pháo kích đó. Sau lần ấy, tôi được các chú bộ đội dạy cho cách băng bó vết thương; từ đó tôi kiêm thêm nhiệm vụ cứu thương.
Đất nước thống nhất, Ngô Thị Hồng được tuyển dụng làm trong ngành dệt-may cho đến năm 2004 thì nghỉ hưu. Khi đó, gia tài trong nhà hầu như không có gì, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Bà trăn trở suy nghĩ: Chẳng lẽ mình là đảng viên mà cứ chịu cảnh nghèo túng mãi sao? Rồi bà quyết định vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Ban đầu, bà đi khắp ngõ ngách ở Đà Nẵng và Quảng Nam mua bao ni-lông, sắt vụn để bán kiếm lời, nhưng đi cả tháng trời vất vả mà tiền lời chẳng được bao nhiêu. Bà trăn trở: Trước đây mình làm ở ngành dệt-may, các loại vải đầu khúc hầu hết được các nhà máy, xí nghiệp gom lại thành vải vụn. Tại sao mình không thu mua các loại vải đó về lựa chọn những tấm còn dùng được để sử dụng? Vậy là bà quyết định chuyển từ nghề “đồng nát” sang mở cơ sở thu mua vải vụn ngay tại thôn Phong Nam.
Bà Hồng lặn lội đến các công ty, cơ sở may mặc ở khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… để liên hệ thu mua vải vụn, đồng thời giới thiệu để bán lại sản phẩm sau khi “sơ chế” cho các cơ sở này. Sau khi thu mua về, bà lựa chọn những mảnh vải còn sử dụng được để gia công thành hàng hóa và bán cho các cơ sở may áo quần, mũ, khẩu trang… Đến nay, bà đã có đầu ra ổn định cho nguồn hàng của mình ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi tháng, bà cung cấp hàng chục tấn hàng là chăn bông, nệm, khẩu trang, thảm chùi chân… cho các đầu mối tiêu thụ. Nhờ biết tính toán, chịu khó, bà Hồng đã làm giàu bằng chính khối óc, đôi tay của mình ngay tại quê hương. Với những thành tích đạt được, bà Ngô Thị Hồng được Ban Chấp hành Hội Nông dân TP Đà Nẵng tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” giai đoạn 2012-2016.
Tâm sự với chúng tôi, bà Hồng chia sẻ: “Còn sống, còn sức khỏe thì mình còn lao động, cống hiến. Là đảng viên, mình càng phải gương mẫu để quần chúng học tập, noi theo. Tới đây, tôi dự định sẽ mở thêm xưởng cắt may quần áo trẻ em để tận dụng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, tăng thêm nguồn thu cho chị em làm việc tại cơ sở của gia đình”.
Gương sáng tận tâm thiện nguyện
Qua tìm hiểu, trò chuyện với các nhân viên đang làm việc tại cơ sở thu mua vải vụn của bà Ngô Thị Hồng, chúng tôi thấy có một điều đặc biệt: Họ đều là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn, khuyết tật… Hỏi chuyện người phụ nữ vừa thoăn thoắt xếp từng bó vải, vừa chọn lựa những tấm còn dùng được trong đống vải vụn, chị giới thiệu tên mình là Ngô Thị Thu, đang sinh sống tại thôn Phong Nam. Chị Thu xúc động bày tỏ: “Nhờ có xưởng may của chị Hồng, gia đình tôi có thu nhập ổn định. Không có chị Hồng, mẹ con tôi không biết sẽ xoay xở ra sao. Ngoài mức lương cố định, vào các dịp lễ, Tết, những lúc con đau ốm, chị Hồng đều hỗ trợ mẹ con tôi. Tấm lòng của chị thật đáng quý!”. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị Thu là người khó khăn nhất trong số các chị em đang lao động ở đây. Chị sống neo đơn nuôi con trai nhỏ. Hơn 10 năm trước, con chị bỗng lên cơn đau nặng rồi bị bại liệt. Bản thân chị chỉ biết làm nông, lại không biết đi xe gắn máy nên chỉ loanh quanh trong thôn, xóm. Biết chị có hoàn cảnh khó khăn, bà Hồng đã nhận chị vào làm với mức lương ổn định hơn 3 triệu đồng/tháng.
Trường hợp chị Ông Thị Nên cũng rất đặc biệt. Chị Nên bị câm bẩm sinh, không có chồng con, sống với cha mẹ đều đã già yếu. Chị làm việc tại cơ sở may của bà Hồng đã hơn 10 năm nay, giúp chị có cuộc sống ổn định, vơi đi nỗi niềm mặc cảm về thân phận.
Hầu hết người lao động tại cơ sở của bà Hồng đều là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Qua gần 15 năm hoạt động, cơ sở may của bà Hồng trở thành điểm tựa cho những phụ nữ nghèo nơi thôn quê này. Hầu hết chị em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn đều được bà Hồng nhận vào làm, hướng dẫn nghề và tạo công ăn việc làm khá ổn định. Đến nay, cơ sở của bà có gần 30 chị em lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Ở vùng nông thôn, đây là mơ ước đối với nhiều người.
Không chỉ làm tốt công việc sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm ổn định cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trong những năm qua, bà Ngô Thị Hồng còn tận tâm tận lực với công tác từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Trong thôn xóm, gia đình nào có người thân đau ốm dài ngày, mắc bệnh hiểm nghèo bà cũng tới thăm, tặng quà động viên, hỗ trợ tiền thuốc men. Vào các dịp 8-3, 20-10, bà đều tặng quà các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, vào dịp 27-7, bà dành số tiền nhất định đến thăm, trao từng phần quà tận tay các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Nam; Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng; Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và trẻ em bất hạnh cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn, huyê%3ḅn Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Trong đợt lũ lịch sử tháng 10-2016 tại các tỉnh Bắc miền Trung, ngoài ủng hộ 8 triệu đồng tiền mặt, bà Hồng còn vận động thu gom hàng tấn vải nỉ may 700 chiếc chăn gửi tặng bà con vùng lũ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Vừa qua, bà tiếp tục đóng gói 5 kiện quần áo mới để gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng do lũ lụt ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài các hoạt động trên, bà Hồng còn hỗ trợ thường xuyên cho 3 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của xã Hòa Châu, với số tiền 100.000 đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Châu nhận xét: “Bà Ngô Thị Hồng là một đảng viên gương mẫu, một phụ nữ có tấm lòng nhân hậu. Cơ sở may mặc của bà thực sự là chỗ dựa, “điểm tựa” cho những phụ nữ nghèo nơi vùng quê Hòa Châu còn nhiều gian khó”.
Với sự nỗ lực đóng góp vì cộng đồng xã hội và những việc làm tình nghĩa giàu lòng nhân ái, bà Ngô Thị Hồng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015. Bà cũng là một trong 10 cá nhân tiêu biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân TP Đà Nẵng tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, năm 2016.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG