Hăng hái đi đầu làm việc nghĩa
Chúng tôi gặp ông Lê Đình Duật dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, khi ông vẫn tranh thủ đi vận động, tuyên truyền HMTN trong khu phố, hướng tới Lễ hội Xuân hồng 2017. Mời tôi uống cốc nước sắc từ nấm linh chi, ông nói: “Cháu uống đi, nước này tốt cho máu lắm. Cả nhà bác thường xuyên uống nước này để có được những đơn vị máu tốt trong các đợt hiến máu đấy!”. Vừa thưởng thức cốc nước linh chi nóng hổi, tôi vừa được ông kể cho nghe về kỷ niệm trong những lần vận động, tuyên truyền HMTN.
Ông Duật được nhân dân trong phường Thanh Xuân Trung biết đến nhiều hơn từ ngày nghỉ hưu, ông không chỉ hăng hái tham gia công tác trong các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương mà đã nhiều năm cả gia đình ông cùng tham gia tuyên truyền, vận động và trực tiếp HMTN. 17 năm qua, gia đình ông đã vận động được 502 lượt người tham gia HMTN với 461 đơn vị máu; riêng 5 thành viên trong gia đình ông đã hiến 118 đơn vị máu an toàn và 13 đơn vị tiểu cầu an toàn.
Vợ chồng ông Lê Đình Duật ôn lại kỷ niệm trong những lần hiến máu và vận động hiến máu.
Sinh ra từ miền quê nghèo huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, từ nhỏ, Lê Đình Duật đã hăng say với công tác Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên ở địa phương. Lớn lên, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Lê Đình Duật xung phong nhập ngũ và trở thành chiến sĩ phòng không. Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi sự sống nhiều đồng đội của ông, trong đó không ít đồng chí bị thương và mất máu nhiều mà không có máu để cứu chữa. Khi nghỉ hưu, chính từ sự trăn trở về tạo nguồn máu dự trữ cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, năm 1999, ông Duật đã đi hiến máu tình nguyện, nhưng do huyết áp thấp nên không thể cho máu được. Ông tâm sự: “Năm ấy, tôi không được hiến máu, nhưng từ sự tư vấn của các bác sĩ, tôi thêm hiểu rằng, hiến máu không chỉ cứu sống người được nhận máu, mà còn có lợi cho sức khỏe. Từ đó tôi tự nhủ, điều tốt như vậy, nếu vì sức khỏe mà mình không làm được thì phải tích cực tuyên truyền, vận động để mọi người cùng thực hiện”.
Vừa lật giở cuốn nhật ký về HMTN, ông Duật vừa kể cho tôi nghe về những ngày đầu bắt tay vào vận động, tuyên truyền hiến máu. Ông nói: “Ban đầu, tôi cứ nghĩ, do mọi người chưa biết đến phong trào HMTN nên tham gia chưa nhiều. Nhưng nhận định đó của tôi đã bị “giội gáo nước lạnh” trong lần đầu tuyên truyền, vận động HMTN. Tôi chẳng thể quên giây phút khi người hàng xóm bảo với tôi rằng: “Một giọt máu là sáu bát cơm. Giờ cho đi nhiều máu thế thì bao nhiêu thóc gạo để bù lại được? Hơn nữa, cho máu sao lại có ích được? Em rất tôn trọng bác, nhưng bác hiến máu thì cứ hiến, đừng vận động làm em thêm ngại vì phải từ chối!”. Đó cũng là lúc ông Duật nhận ra rằng, hóa ra nhiều người chưa hiểu HMTN là việc làm chỉ có lợi mà không có hại nếu được thực hiện đúng quy trình. Theo các nghiên cứu khoa học, hiến máu sẽ giúp các chức năng trong cơ thể của con người hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên. Thông thường, cơ thể con người thay thế máu trong vòng 48 giờ sau khi cho và tất cả các tế bào hồng cầu mất đi sẽ hoàn toàn được thay thế trong vòng 4 đến 8 tuần. Quá trình bổ sung máu có thể giúp cơ thể làm mới hệ thống và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, làm việc hiệu quả hơn.
Thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên cũng như chứng minh cho mọi người thấy HMTN không hề có hại, ông Duật đã vận động gia đình cùng đi hiến máu. Đầu tiên chính là vợ ông, bà Lê Thị Kim Dinh. Hiện bà Dinh vẫn có nước da hồng hào, khỏe mạnh sau 13 lần hiến máu. Bà Dinh cho biết: “Giờ tôi quá tuổi hiến máu rồi, nhưng tự thấy mình vẫn còn khỏe, còn cho máu tốt nên vẫn xin được tiếp tục tình nguyện hiến máu.Thấy bác sĩ kiên quyết không lấy máu của tôi nữa, tôi liền xin tham gia nhóm thực hiện công tác chăm sóc sau hiến máu để góp sức mình vào việc nghĩa”.
Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp
Thấy việc làm ý nghĩa của cha mẹ, các con trong gia đình ông Duật từ trai, gái, dâu, rể, ai cũng nhiệt tình tham gia vận động và trực tiếp hiến máu. Với 52 lần hiến máu toàn phần và 13 lần hiến tiểu cầu, chị Lê Thanh Nam (con gái ông Duật) đã làm nhiều người bất ngờ với số lần hiến máu của mình. Chị Thanh Nam vui vẻ chia sẻ với tôi: “HMTN là hành động cao cả, là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người và là truyền thống "tương thân tương ái" của dân tộc ta. Từ gương cha mẹ và ý nghĩa cao cả của việc hiến máu, tôi đã biến suy nghĩ thành hành động”. Và đã nhiều năm nay, năm nào chị Thanh Nam cũng hiến máu đủ 4 lần. Cứ 90 ngày theo quy định là chị lại liên hệ với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để hiến máu tình nguyện.
Về làm dâu nhà ông Duật chưa lâu, nhưng chị Đỗ Thị Liễu đã hòa vào việc làm ý nghĩa của gia đình nhà chồng. Chị tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và trực tiếp hiến máu mỗi khi có đợt hiến máu. Chị chia sẻ: “Trước khi lấy chồng, tôi không để ý đến việc hiến máu nhân đạo (HMNĐ) và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ đi hiến máu. Nhưng khi lấy chồng, thấy được việc làm cao cả của gia đình nhà chồng, tôi đã tích cực làm theo và vận động gia đình bên ngoại cùng tham gia vào việc làm ý nghĩa này”.
Từ khi nghỉ hưu đến nay, ngoài thời gian làm việc trong các tổ chức chính trị-xã hội địa phương như: Tổ hưu, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc…, thời gian còn lại, ông Duật dành cho công tác HMNĐ. Thông thường, mỗi năm có 3 lần HMTN cố định, gồm: Lễ hội Xuân hồng; hiến máu ở cơ sở cấp phường; Hành trình đỏ và một lần hiến máu đột xuất do Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương liên hệ khi cần thiết. Ông Duật cho biết: “Tôi luôn lập kế hoạch tuyên truyền, vận động hiến máu khoảng 3 tuần trước các đợt HMTN. Riêng những lần hiến máu đột xuất do Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương liên hệ, tôi phải kiểm tra sổ theo dõi của mình để biết ai đủ điều kiện về thời gian và nhóm máu phù hợp, từ đó tôi vận động và đưa đón những người đồng ý cho máu tới viện để tham gia hiến máu”.
HMTN rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Đó còn là tình cảm cao đẹp của mỗi người. Việc tuyên truyền, vận động HMTN của ông Duật và gia đình đã góp phần lan tỏa nghĩa cử cao đẹp trong xã hội. Hoạt động này không chỉ quảng bá thông tin, kiến thức về HMTN tới cộng đồng, mà còn biến những người đã được tuyên truyền trở thành những tuyên truyền viên tích cực.
Với những người ở tổ hưu 12 và Hội Cựu chiến binh của phường Thanh Xuân Trung, do họ đã quá tuổi không thể hiến máu được nên hầu hết đều vận động con, cháu, người thân, họ hàng tham gia HMTN. Nhiều người chưa biết thông tin về các đợt hiến máu, điều kiện để được hiến máu, quy trình hiến máu…, đã liên lạc với ông Duật để được giải đáp, tư vấn.
Noi gương ông Duật, các cháu của ông quê ở Thanh Hóa, hiện đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, mà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực vì cộng đồng. Bạn Đinh Xuân Hạ, sinh viên Trường Đại học Hà Nội cho biết: “Ban đầu, em chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, nhưng khi hiểu được ý nghĩa to lớn của việc hiến máu cứu người, em đã chủ động xin vào đội hiến máu của trường. Bây giờ em đã là một “chiến sĩ” tích cực trong các chiến dịch “tình nguyện đỏ” ở trường. Em rất vui và tự hào được góp sức mình trong công tác HMTN”.
Còn bạn Trần Nhật Nam, sinh viên Trường Đại học Kinh tế-Kỹ thuật công nghiệp chia sẻ: “Trước khi học theo bác Duật đi tuyên truyền, vận động hiến máu, em rất nhút nhát, nhưng bây giờ em đã tự tin giao tiếp hơn, em có thể đứng trước nhiều người để tuyên truyền, vận động hiến máu. Em nghĩ tuổi trẻ, mình phải tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, vừa hoàn thiện các kỹ năng cho bản thân, vừa phục vụ cho công việc sau này”.
Với những thành tích, cống hiến trong công tác vận động, tuyên truyền và trực tiếp HMTN trong những năm qua, ông Duật cùng gia đình đã được tặng hơn 60 bằng khen, giấy khen của các cấp. GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: “Để cứu sống người bệnh có nguy cơ mất máu cao, cũng như trong điều trị các bệnh hiểm nghèo cần truyền máu, không có cách nào khác là cần mọi người hiến tặng, chia sẻ những giọt máu hồng của mình, để góp phần vào việc duy trì sự sống cho những người cần máu. Việc làm của bác Duật và gia đình là rất cao quý, thể hiện sự hiểu biết, trách nhiệm, sẻ chia với cộng đồng trên tinh thần thiện nguyện, “tương thân tương ái”, vì cộng đồng”.
Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM