Những năm qua, quỹ từ thiện của anh và nhóm bạn đã giúp đỡ hàng trăm gia đình khó khăn, hàng nghìn trẻ em nghèo, khuyết tật… Ngay cả khi công tác tại Trung tâm Tác chiến quân sự,thuộc Phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Trung tá Lê Ngọc Sơn vẫn dành thời gian dạy học cho các em nhỏ ở đất nước đang chìm trong nội chiến.

Những hành trình nhân ái

Ngày chủ nhật, 7 giờ, Hà Nội trời mưa lất phất, gió lạnh se sắt, từ tiền sảnh tòa nhà chung cư Dream Town, quận Nam Từ Liêm, chiếc xe Samco 45 chỗ bắt đầu lăn bánh, hướng về phía Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Trên xe chật ních người lớn và các em học sinh tiểu học. Hôm nay, anh Sơn là người tổ chức chương trình từ thiện và tặng quà các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội ở huyện Chương Mỹ. Xe bắt đầu chuyển bánh, anh Sơn đeo micro bắt nhịp hát bài “Cả nhà thương nhau”. Không khí trên xe sôi động hẳn lên với giọng hát của các em nhỏ. Anh Sơn hỏi: “Các con cho chú Sơn hỏi, ai trong số các con từng được đi xem phim, được ăn gà rán KFC, được đi du lịch... thì giơ tay?”. “Con ạ!”-tất cả cánh tay giơ cao. “Ở nhà, ai nấu cơm cho các con ăn? Buổi tối, các con ngủ với ai?”. “Con ngủ với bố mẹ ạ!”; “Bố mẹ nấu cơm cho con ăn ạ!”. “Nếu các con không được đi xem phim, không được ăn gà rán, không được đi du lịch, không được ngủ với bố mẹ các con thấy sao?”. “Dạ, rất buồn ạ”-tất cả đồng thanh trả lời. “Vậy mà có những bạn nhỏ không được ngủ với bố mẹ, chưa bao giờ được đi du lịch, chưa bao giờ được xem phim và ăn gà rán KFC. Các con có thương các bạn ấy không?”. Không còn tiếng reo hò. Không cánh tay nào giơ lên. Có em nói nhỏ: “Con thương các bạn lắm ạ!”.

leftcenterrightdel

 Anh Sơn thăm các cháu tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội.

Thế rồi, vừa thấy xe dừng bánh, các em nhỏ ở trung tâm chạy ùa ra sân. Một em nhỏ khoảng 12 tuổi reo lên sung sướng: “Bác Sơn lại đến rồi”. Như người cha trở về gặp lại các con sau bao ngày xa cách, anh Sơn ôm chầm lấy các em. Anh Sơn đưa cả đoàn đi thăm chỗ ăn ở của các em ở trung tâm. Đến nơi, tay anh Sơn vỗ vỗ cánh cửa, bật các vòi nước để kiểm tra, rồi gật đầu hài lòng. Anh Sơn tâm sự: “Cách đây gần một năm, tôi đến đây và thấy hệ thống nhà vệ sinh, điện, nước của trung tâm xuống cấp quá. Các con hầu hết bị khuyết tật, sinh hoạt rất khó khăn nên tôi kêu gọi bạn bè quyên góp để xây dựng, nâng cấp toàn bộ ba khu vệ sinh và hệ thống điện, nước ở trung tâm với số tiền gần 90 triệu đồng. Bây giờ, nhìn các con có nơi sinh hoạt sạch sẽ, thuận tiện thế này, tôi vui lắm”.

Dù đã đến thăm, tặng quà nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ở miền Bắc, nhưng đây là điểm anh Sơn thường xuyên đến nhất. Anh kể: “Năm kia tôi ghé thăm trung tâm. Lúc tan chiều ra về thì có hai cháu nhỏ khoảng 10 tuổi chạy lại ôm lấy tay tôi rồi hỏi: Bác ơi, mẹ con đâu rồi, cho con về với bố mẹ. Một cháu bé khác bị khuyết tật thần kinh, không nói được gì lầm lũi bám theo xe. Các chị lớn tuổi phải chạy theo kéo em trở lại. Chứng kiến cảnh ấy, tôi không cầm được nước mắt. Giờ đó, các con chúng ta đều quây quần bên gia đình, vậy mà...”.

Chị Phương Mai (vợ anh Sơn) chia sẻ: “Ngoài công việc, anh ấy luôn dành thời gian cho các hoạt động hướng về cộng đồng. Tháng 4-2017, anh Sơn lên đường nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc tại Trung Phi. Xa vợ con là thế nhưng trong ngày phép đầu tiên, anh đã lên kế hoạch đi từ thiện. Để gần vợ con mà vẫn làm từ thiện được, cả gia đình tôi cùng đi theo. Tuần vừa rồi, vợ chồng tôi có chuyến về huyện Lương Tài (Bắc Ninh) thăm, tặng quà một em học sinh THPT bị ung thư xương, buộc phải tháo bỏ một chân. Rồi vừa về tới nhà, anh lại bàn với tôi: “Cái người nghèo cần là kế mưu sinh chứ không phải ít tiền ủng hộ. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi quyết định đến Trung tâm giống thỏ thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia ở quận Bắc Từ Liêm mua giống thỏ mang về tặng hộ nghèo ở Ninh Bình".

Những việc làm từ thiện của anh Sơn bắt đầu từ năm 2013 sau khi kết thúc khóa nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Chuyến đầu tiên anh Sơn đến thăm các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Yên Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình). Đây là ngôi trường ngày trước anh đã học. Được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, hằng năm, anh tổ chức cho 50 học sinh nghèo vượt khó, có thành tích học tập tốt đi tham quan Hà Nội. Và đúng Ngày sinh của Bác Hồ năm đó (19-5-2013), anh tổ chức chuyến đi đầu tiên đưa các em ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác, thăm Công viên Thủ Lệ. Cảm kích trước tấm lòng của anh, nhiều học sinh cũ của nhà trường tự nguyện thành lập quỹ khuyến học để tổ chức các hoạt động, như: Trao học bổng, tổ chức những chuyến tham quan... 

Lớp học đặc biệt ở Trung Phi

“Lớp học không có bảng đen, phấn trắng, chỉ có một chiếc bàn nhỏ bằng gỗ, bốn học trò vây quanh. Thầy nói tiếng Anh, trò nói tiếng Pháp. Trên đầu và dưới chân, những chú muỗi thi nhau "tấu lên bản nhạc" vo ve. Buổi học bắt đầu từ cuối chiều cho đến đêm khuya”-anh Sơn chia sẻ với chúng tôi về lớp học ở Trung Phi. Theo anh, sang tới Trung Phi, các sĩ quan Việt Nam thuê trọ ở một khu phố nhỏ thuộc thủ đô Bangui. Gọi là khu phố nhưng nơi đây không khác những làng quê Việt Nam. Nhà trọ, điện chỉ đủ thắp sáng và rất hay mất điện. Đối diện khu nhà trọ là gia đình bán củi. Vì thế những lúc rảnh rỗi, các sĩ quan Việt Nam thường giúp họ bổ củi bán. Một ngày giữa tháng 4, anh Sơn gặp chị Annie cùng con gái Choula đến mua củi. Thấy bó củi nặng, anh Sơn giúp họ vác củi về nhà. Choula 15 tuổi, mới học tương đương lớp 7 ở Việt Nam. Nội chiến, bạo lực, xung đột sắc tộc liên miên khiến đường đến trường của em đứt quãng. Cô bé từng phải ở nhà hai năm. Thấy thế, anh Sơn đề nghị với Annie để anh dạy kèm thêm môn Toán và tiếng Anh giúp Choula. Chị Annie đồng ý, thế là anh có học trò đầu tiên. Choula ngỏ lời với thầy Sơn cho Benita ở cách đó 1km đến học cùng. Cô bé đang học lớp 8, cũng phải ở nhà một năm. Ít ngày sau có thêm Emmanuel, Angelina… gia nhập lớp học.

leftcenterrightdel
 Anh Sơn cùng các em nhỏ trong lớp học tại Trung Phi.

Những ngày đầu tiên, Choula không thể làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia hai số nguyên trái dấu, không hiểu cách tính toán có cả phép nhân, chia và cộng, trừ dù đã học lớp 7. Hầu hết học trò đều không có sách giáo khoa, thiếu vở viết. Phụ huynh nhiều lần đi tìm mua nhưng sách vở ở đây rất khan hiếm. Có lần, anh lặng người khi thấy cô trò nhỏ Angelina khoe tìm được tờ giấy còn vài dòng chưa viết. Biết vậy, hôm sau, anh tặng em một cuốn vở và cây bút. Một hôm, Choula mang ra một cuốn sách tiếng Pháp, kiến thức tương đương trình độ đại học ở Việt Nam. Hóa ra, đó không phải là sách giáo khoa của Choula mà là một cuốn giáo trình đại học cô bé mang ở đâu đó về.

Biết trình độ của các em, anh phải bắt đầu với kiến thức đơn giản nhất, từ cộng, trừ hai số có một chữ số, rồi nâng dần lên. Mỗi tuần, anh dành khoảng 4-5 buổi chiều, sau khi xong việc ở phái bộ, để dạy học. Lớp học ấy duy trì được hơn nửa năm nay. Anh Sơn tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là bất đồng ngôn ngữ. Mỗi khi giảng bài, ngoài tiếng Anh và vốn tiếng Pháp tự học, tôi phải dùng cả hành động để diễn đạt. Cuối buổi, tôi thường rất đau cơ hàm vì nói nhiều, mỏi chân tay. Bù lại, các em hiểu bài, có thể làm phép tính. Có em còn dạy cho tôi thêm tiếng Pháp và tiếng Sango. Sau hai tháng kiên trì, các em đã biết làm phép tính từ đơn giản đến khó hơn".

Một kỷ niệm đáng nhớ đối với anh là vào ngày 21-9-2017, sau buổi học, Trung tá Lê Ngọc Sơn nhận được một mẩu giấy viết bằng tiếng Pháp có phần nguệch ngoạc từ các học trò. Anh Sơn tạm dịch: “Chúng em yêu mến thầy rất nhiều vì thầy đã dành tất cả thời gian mình có để dạy Toán cho chúng em”. Mảnh giấy nhỏ gói ghém tình cảm của các học trò Trung Phi dành cho người thầy Việt Nam vẫn được anh cất giữ rất cẩn thận.

Trong một hội nghị thuộc Phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, có rất nhiều quan khách nước bạn. Sau khi biết chuyện lớp học của Trung tá Lê Ngọc Sơn, nhiều người đề nghị anh đứng dậy rồi tán thưởng bằng những tràng vỗ tay không ngớt. Anh tâm sự: “Ngay lúc đó, tôi nhớ về quê hương, đất nước hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy tự hào vì mình là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, một anh Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH - PHẠM KIÊN