Làm việc thiện từ trái tim
Mùi hương ngọc lan như làm dịu đi tiết trời oi ả trong con ngõ nhỏ. Tôi bước vào sân, nhìn không thấy có ai trong nhà. Tôi khẽ gọi, một cụ già lần theo tường nhà đi ra. Tôi hỏi: "Dạ, đây có phải nhà cụ Nguyễn Viết Dương không ạ?". Cụ trả lời: “Đúng, tôi là Viết Dương đây”. Tôi được cụ mời vào nhà. Bên ấm trà, cụ Dương chia sẻ với tôi về việc làm từ thiện suốt 30 năm qua trên chặng đường đời tròn 80 năm của mình. Nhấp một ngụm trà, cụ Dương kể: "Thuở bé, mẹ tôi nói, ngay từ khi sinh ra, đôi mắt của tôi đã không nhìn rõ mọi vật. Đến lúc đi học, tôi bị lây đau mắt đỏ từ bạn, nên bệnh tình càng trở nên trầm trọng. Rồi đến một ngày, tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi và tôi cứ cố gắng mỗi ngày, mỗi ngày. Tôi tự học sáo, học chơi đàn, học hát và đi biểu diễn ở nhiều nơi. Năm 1958, khi đất nước đang bị chia cắt hai miền, chiến tranh ngày càng ác liệt, tôi xin gia nhập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đến năm 1963, tôi được giao phụ trách mảng văn công, văn nghệ hậu phương của xã Nhị Khê".
Cụ Nguyễn Viết Dương kể chuyện làm việc thiện của mình trong nhiều năm qua.
Từng trải qua cuộc sống khó khăn, đói khát, cụ Dương rất thấu hiểu nổi khổ của người nghèo khó. Cụ bộc bạch: “Ngày xưa đất nước có chiến tranh, nhiều người còn đói khổ đã đành. Bây giờ đất nước hòa bình, mà vẫn còn những người thiếu đói, lòng tôi thật xót xa. Vì thế, tôi luôn dặn lòng mình, đáng ăn hai bát thì ăn một bát, bữa nào nhịn được thì nhịn. Mình mang cơm san sẻ cho người khác thì sẽ thêm hạnh phúc trong tim mình. Tôi là người không trọng vật chất, tiền bạc, nhưng đời sống tinh thần thì lúc nào cũng phải phong phú. Đàn ca, múa hát, dạy chữ nổi… tôi đều biết, chỉ mong mang được tiếng cười, niềm vui cho người xem là tốt rồi”.
Cụ Nguyễn Viết Dương được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Đối với một người khiếm thị, đó là một sự nỗ lực phi thường.
Hành trình nhân nghĩa suốt 30 năm
Cụ Dương bắt đầu làm từ thiện cách đây khoảng 30 năm. Ngày đó cơm áo còn rất thiếu thốn. Công việc mà cụ hay làm nhất là đóng góp thóc, gạo cho các địa chỉ từ thiện. Hễ nghe ở đâu gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ, cụ đều tự nguyện ủng hộ và kêu gọi, vận động xóm làng mỗi người một chút với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi nghe tôi hỏi về số liệu và những việc làm từ thiện, cụ bảo: "Tấm lòng là chính, chứ tôi không ghi chép, đong đếm gì".
Mỗi năm vài triệu đồng, theo thời gian, số tiền ủng hộ của cụ Dương ngày càng tăng lên. Đặc biệt, cách đây gần 5 năm, cụ đã ủng hộ 240 triệu đồng góp phần xây dựng nông thôn mới tại xã Nhị Khê. Đó là số tiền cụ dành dụm cả cuộc đời mình. Với số tiền ủng hộ đó, cùng kinh phí từ các cấp hỗ trợ, xã Nhị Khê đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được công nhận xã nông thôn mới cách đây mấy năm. Nhớ lại con đường trục chính đi vào thôn Thượng Đình một thời nhỏ hẹp, nhiều ổ gà, nay thành con đường rộng rãi, sạch sẽ, phong quang, là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tôi cũng như người dân nơi đây càng trân trọng sự đóng góp của cụ.
Không dừng ở việc bản thân ủng hộ, làm từ thiện, cụ Dương còn vận động cả gia đình cùng tham gia. Các thành viên trong gia đình cũng noi gương cụ làm từ thiện. Người lớn có điều kiện thì ủng hộ tiền, của; người già thì ủng hộ quần áo, đồ gia dụng; các cháu trong nhà ủng hộ sách vở, bút viết, quần áo cho các bạn ở vùng bị lũ lụt, thiên tai. Mỗi năm, số tiền cụ và gia đình ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo của xã Nhị Khê lên đến hàng chục triệu đồng. Cụ bảo: "Tôi cũng không nhớ mình và gia đình ủng hộ từ năm nào. Cứ có tiền là tôi ủng hộ. Hầu như tôi không giữ tiền trong nhà, cứ đều đều như vậy cả chục năm rồi. Có tháng nhận được tiền trợ cấp người khiếm thị, tôi chuyển luôn sang Hội Chữ thập đỏ cho anh Nguyễn Xuân Ba (phụ trách công tác từ thiện xã Nhị Khê) mang đi giúp đỡ người nghèo".
Tại chương trình Tết vì người nghèo năm 2017, cụ Dương đã ủng hộ Hội Chữ thập đỏ huyện Thường Tín số tiền 50 triệu đồng. Đó là số tiền cụ tích cóp và bán một số đồ nghề kiếm sống của mình, như đàn, sáo, bảng chữ nổi... Gia đình cụ Dương được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng chứng nhận “Gia đình Chữ thập đỏ” năm 2005. Cụ bảo, việc làm từ thiện là lâu dài và phải có truyền thống nối tiếp nhau qua từng thế hệ. Vậy nên, cụ luôn giáo dục con cháu sống tiết kiệm; cảm thông, chia sẻ với những thân phận kém may mắn, nghèo khó trong xã hội. Các con cháu của cụ ai cũng đồng tình và nghe lời cụ, không chỉ ủng hộ vật chất, mà các hoạt động hiến máu tình nguyện trong xã, huyện đều được các thành viên trong gia đình tích cực hưởng ứng; mỗi người ít nhất hiến máu một lần trong năm.
Không chỉ tâm huyết với việc làm từ thiện, cụ Dương còn rất nặng lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. Chính cụ là người đề xuất lập “Quỹ khuyến học dòng họ” đầu tiên ở huyện Thường Tín. Từ năm 2000, cụ cùng một số bà con trong họ lập quỹ, với số tiền ban đầu là 3 triệu đồng. Đến nay, nguồn quỹ không ngừng tăng lên và các cháu thi đỗ đại học năm sau luôn nhiều hơn năm trước.
Ước vọng cuối đời
Cả cuộc đời làm việc thiện, trong khi đôi mắt của mình còn không thể thấy được khuôn mặt của người mình giúp; không trách phận, không bi quan, cụ Dương luôn tâm niệm: "Mong sao mọi việc tôi làm đều thơm như nhành hoa ngọc lan. Sở dĩ 40 năm trước tôi trồng cây ngọc lan ngoài sân, cũng là để nhắc nhở bản thân mình phải sống sao để luôn “tỏa hương thơm” dịu ngọt, nồng nàn…".
Thấu hiểu sự thiệt thòi của những người không còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, cụ Dương có tâm nguyện sẽ hiến xác cho y học. Cụ bảo: “Tôi già rồi, không biết các bộ phận trong cơ thể có giúp gì được cho y học, cho người khác hay không? Nhưng nếu được, tôi nguyện hiến xác cho mục đích nhân đạo, giúp người”. Cụ còn nung nấu ý định sẽ bán nốt những gì có giá trị thuộc về riêng mình, cùng với tích cóp tiền phụ cấp để góp phần nâng cấp, lắp thêm thiết bị cảnh báo tại nơi giao cắt giữa đường dân sinh vào thôn Thượng Đình với đường sắt, góp phần giảm thấp nhất tai nạn.
Cụ bà Nguyễn Thị Lân (vợ của cụ Dương) vừa từ nhà hàng xóm trở về, thấy tôi và cụ Dương đang trò chuyện, xen vào: "Cả đời ông ấy làm từ thiện chỉ để mang niềm vui, nụ cười cho những người nghèo khổ, kém may mắn. Ban đầu tôi cũng can ngăn ông ấy, nhà cũng chẳng dư dả gì, mà ủng hộ người khác nhiều thế. Nhưng dần dần ông ấy cảm hóa được tôi và các con về giá trị, niềm vui của cuộc sống là phải luôn cảm thông, giúp đỡ nhau, không nên chỉ sống cho riêng mình. Ông nhà tôi thường “phát động” tất cả mọi người trong gia đình cùng ủng hộ từ thiện và nhận được sự đồng thuận cao".
Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cụ Dương vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về những người nghèo khổ và mong những người giàu có, các nhà hảo tâm hãy san sẻ, đùm bọc nhau, nhất là lúc khó khăn, hoạn nạn, thể hiện truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc.
Ông Lê Thế Mừng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Thường Tín, cho biết: “Cụ Dương là một “cây từ thiện” ở huyện Thường Tín. Tuy khiếm thị, nhưng cụ tự lo được cho bản thân và còn thường xuyên ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo bằng tiền tiết kiệm. Nhiều nạn nhân chất độc da cam ở địa phương cũng được cụ cưu mang, trợ giúp. Tấm lòng thiện nguyện của cụ sáng tựa trăng rằm!”.
Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG - TRUNG HƯNG