Gác lại hạnh phúc riêng để giúp đời

Chúng tôi tìm về làng công giáo Ngàn Ván, xã An Dương, Tân Yên, Bắc Giang. Thôn Ngàn Ván nằm heo hút, với nhiều quả đồi thấp rợp bóng cây và những con đường đất đỏ bụi mù. Những mái nhà cấp 4 lụp sụp, đồ vật trong nhà tềnh toàng, cùng bữa ăn của nhiều gia đình vẫn phải độn thêm ngô, khoai, cho thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn nghèo lắm.

Chúng tôi hỏi đường tìm đến lớp mẫu giáo tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Ngân. Thật bất ngờ khi hỏi, ai ở đây cũng biết về cô, họ tận tình chỉ đường kèm theo luôn vài lời giới thiệu rất cảm động về cô nuôi dạy trẻ ấy. Câu chuyện cổ tích giữa đời thường về cô được nhiều người dân ở đây kể lại cho tôi nghe. Chị Lê Thị Thành, người ở cùng thôn Ngàn Ván, dưới chân đồi kể lại: “Bố mẹ cô Ngân đều là người theo đạo. Những năm 18-20 tuổi, cô đã theo bố đi khắp làng trên xóm dưới để xin gạo, xin quần áo của những gia đình khá giả về, rồi cho một số người thiếu ăn, thiếu mặc hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn”.

leftcenterrightdel
Cô Ngân (bế cháu nhỏ đứng bên phải) cùng lớp mẫu giáo tình thương. 

Con đường đất dốc đưa chúng tôi tới đỉnh một ngọn đồi trồng bạch đàn, vi vu gió thổi. Thấy tiếng xe, cô Ngân ra mở cổng niềm nở mời chúng tôi vào lớp. Cô giáo nuôi dạy trẻ ấy hiện lên trong mắt chúng tôi ngay lần gặp đầu tiên đã có một ấn tượng khó quên. Cô cao và rất gầy, nước da sạm nắng với nét mặt khắc khổ, mang nhiều ưu tư. Sinh năm 1957, cô đã gắn bó hai phần ba đời người với mảnh đất cha sinh mẹ đẻ nghèo khó này.

“Tôi không có chồng con, nên tôi coi lớp học của các cháu nhỏ ở đây cũng như gia đình của mình vậy. Ngày ngày tôi lên lớp chăm nom, dạy bảo các cháu tối đến lại ở luôn tại lớp”- cô Ngân nhẹ nhàng tâm sự với tôi như thế.

Cô Ngân ảnh hưởng bởi truyền thống gia đình, đặc biệt là từ người cha giàu lòng nhân ái. Chúng tôi cũng thấy rất lạ, là phụ nữ đến tuổi trưởng thành ai cũng rục rịch chuyện lấy chồng, sinh con, nhưng riêng cô Ngân ngày ấy nếu không đi xin gạo cùng bố để làm từ thiện thì lại đi đến những gia đình có người ốm, đau, không có ai chăm sóc để làm giúp. Cô đến giặt giũ quần áo, nấu cơm, quét dọn nhà cửa và chăm sóc những người già ốm yếu, neo đơn như thể là con cháu trong gia đình vậy.

Trước đây, một số người đồng trang lứa với cô Nguyễn Thị Ngân ở Ngàn Ván cũng nhiều lần tâm sự, lo lắng và khuyên cô nên xây dựng gia đình nhỏ cho riêng mình. Mỗi lần được bạn khuyên bảo như vậy, cô Ngân lại điềm tĩnh trả lời: “Mình muốn ở vậy, sống một mình để dễ giúp mọi người hơn. Có gia đình chắc mình chẳng thể làm được những việc như thế đâu”.

Cô Ngân là con thứ 4 trong một gia đình có đến 10 anh chị em. Khi anh, chị em trong nhà đã yên bề gia thất, chỉ còn cô vẫn lặng lẽ sống với cha mẹ già. Ngày lại qua ngày, cô làm từ thiện giúp mọi người, đồng thời dần dần nhận trông những đứa trẻ trong làng để bố mẹ chúng yên tâm lao động, sản xuất. Bố mẹ và bạn bè cô Ngân dần hiểu về những việc làm và nguyện ước đó nên chẳng ai khuyên cô lấy chồng nữa.

Trao trọn tình thương cho trẻ em nghèo

Ông Nguyễn Văn Nhật, ở  Ngàn Ván tâm sự với chúng tôi: “Tôi sống ở đây từ bé nên biết cô Ngân lâu lắm rồi. Cô giáo ấy  khổ và vất vả lắm. Từ nhỏ  đã thích làm việc của mọi người, coi việc của họ như là việc của mình vậy. Tầm 30 tuổi, cô ấy đã nhận trông giúp một số đứa trẻ con nhà nghèo ở trong làng này rồi”.

Sau nhiều năm đi nuôi dạy trẻ một cách tự nguyện, đến năm 1998 cô Ngân đã tự mở được một lớp mẫu giáo tình thương cho riêng mình. Cô dành dụm được một ít tiền cộng với sự giúp đỡ của gia đình và làng xóm nên đã xây một ngôi nhà cấp 4 trên đỉnh đồi để nhận bọn trẻ vào trông nom, dạy dỗ.

Sau một thời gian ngắn cô lại xây thêm một khu nhà bếp và một nhà, sân nữa cho các em nhỏ có không gian vui chơi, học tập. Tuy chỉ là những ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nhưng bằng việc hiến đất của gia đình và tự bỏ tiền của ra xây lớp đã khiến nhiều người dân nơi đây phải trầm trồ thán phục. Là một người kiên trì và luôn luôn ham học hỏi, vươn lên trong cuộc sống, cô Ngân đã dần tích lũy cho mình những kinh nghiệm và kỹ năng nuôi dạy trẻ. Đặc biệt năm 2002, khi đã ngoài 45 tuổi, cô vẫn quyết định thi vào học lớp sư phạm mẫu giáo mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự (Tân Yên, Bắc Giang). Sau 3 năm theo học, đến 2005, cô nhận bằng tốt nghiệp để về nuôi dạy các cháu nhỏ tốt hơn.

leftcenterrightdel
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng cô Ngân. 

Trên mảnh đất quê hương mình, hơn ai hết cô thấu hiểu muôn vàn khó khăn của người nông dân. Họ không có tiền để gửi con mình vào những nhà trẻ có thu phí, dù số tiền đó chỉ là 300.000/tháng. Cả xã An Dương có duy nhất một trường mầm non, nhưng cũng chẳng có mấy trẻ gửi ở đó bởi nhà quá nghèo. Chính vì thế họ lại mang con đến nhờ cô Ngân dạy dỗ, trông nom giúp. Từ lúc đầu mới xây lớp chỉ có 12 cháu, cho đến thời kỳ cao điểm đã có gần 47 cháu nhỏ từ 2-5 tuổi ngày ngày được bàn tay, trái tim nhân ái của cô Ngân chăm sóc. Thậm chí có 1 số cháu mới 12-15 tháng tuổi, nhưng bố mẹ quá bận rộn, đem đến gửi, cô Ngân cũng nhận. Do công việc bận rộn, nên cô Ngân phải nhờ thêm 3-4 tình nguyện viên, cũng là những con người mến trẻ sẵn sàng tới lớp cùng cô trông nom.

Đây là lớp mẫu giáo tình thương duy nhất ở mảnh đất Tân Yên này khi bố mẹ đến gửi trẻ không phải đóng bất kỳ khoản phí trông nom, dạy dỗ nào. Những trẻ lớn phải ăn trưa, ăn chiều ở lớp thì bố mẹ đóng 120.000đ/tháng để cô Ngân và người nấu bếp mua đồ nấu cho. Còn những trẻ nhỏ phải ăn bột, thì bố mẹ nấu ở nhà rồi mang đến lớp cô Ngân sẽ cho ăn giúp.

Nói về khoản tiền ăn 120.000/tháng/trẻ mà chúng tôi cảm thấy giật mình. Cô Ngân cho biết thêm“Bố mẹ nhiều cháu chẳng có tiền đâu. Chỉ có bằng đó tiền ăn thôi mà nhiều khi họ cũng chẳng đóng được, lại khất đến cuối năm bán con lợn, con gà rồi đóng bù. Mình hiểu nỗi khổ của họ, nên thôi nhiều lúc đành trích chút tiền của gia đình để mua đồ ăn cho các cháu”.

Cô giáo nghèo và những đứa trẻ cũng con nhà nghèo. Họ đến với nhau và gặp nhau ở lớp mẫu giáo tình thương này như một lẽ tất yếu ở đời. Những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ, đã mang đến cho cô bao niềm vui, tiếp thêm nghị lực sống để cô chống chọi lại với căn bệnh quái ác đang hành hạ trong thân thể mình. Còn cô, cô đã  trao cho những đứa trẻ ở đây một tình thương bao la. Cô dạy chúng tập ăn, tập đi, tập nói, tập hát múa, thể dục, dạy cho chúng hành vi nhân cách ứng xử đầu đời. Cô như người mẹ thứ 2 của những đứa trẻ; chỉ cần chúng ngoan ngoãn, khỏe mạnh vui chơi là cô thấy vui rồi.

Ngoài cái nghèo khó, nhiều đứa trẻ ở lớp cô Ngân còn có  hoàn cảnh éo le. Bé Lê Thị Nhi, hiện 3 tuổi mới lọt lòng, thì bố mẹ đã bỏ nhau, không thể sống bon chen ở chốn Hà Nội, người mẹ trẻ đã đem Nhi về quê ngoại ở An Dương và gửi gắm con mình cho lớp tình thương. Bé Nguyễn Đức Chiến, đã gần 5 tuổi nhưng chẳng biết gì, vì mắc phải căn bệnh thiểu năng trí tuệ; mỗi bữa ăn cô Ngân vẫn phải bón từng thìa cơm, thìa cháo cho Chiến. Bé Nguyễn Thúy Hoa thì lại ở hoàn cảnh có mẹ mà chẳng biết bố là ai. Người mẹ phải ngày ngày đi bán vài mớ rau, củ khoai ngoài chợ, chẳng có thời gian trông con nên cũng đành gửi nương nhờ cô Ngân…

Cô kể về những đứa trẻ trong lớp tình thương của mình cho chúng tôi nghe với giọng thương cảm, xót xa. Tất cả các trẻ em gặp hoàn cảnh đáng thương như vậy đến lớp cô đều nhận hết. Càng hoàn cảnh éo le, cô càng thương yêu chúng hơn, để phần nào bù lại những mất mát, bất hạnh của chúng và mong giúp các tránh được những trầm cảm, thiệt thòi khi bước vào đời. Cô đã dành dụm tất cả những đồng tiền có được của mình, rồi đi xin ở nhiều nơi để dần dần mua đồ chơi, chăn chiếu, thức ăn cho bọn trẻ trong lớp của mình.

Anh Trần Quốc Hoàn, phụ huynh của bé Nhung cho biết: “Các cháu ở lớp cô Ngân rất khó khăn, ăn uống đạm bạc, nhưng không hiểu sao các cháu đều ăn tốt, mau lớn; đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép và biết múa hát”.

Chị Lê Thị Thành, từ Huế ra thăm lại quê cũ Ngàn Ván, tới thăm lớp mẫu giáo tình thương của cô Ngân đã phải thốt lên: “Sao lũ trẻ quê mình vẫn còn nghèo khổ thế!”. Chị Thành đã đi một số nơi để vận động quyên góp quần áo gửi về tặng bọn trẻ lớp cô Ngân. Hay như một giáo viên về hưu, khi đến lớp của cô Ngân đã không thể cầm được lòng, đã viết thư gửi lên lên cơ quan chức năng. Chính từ những thông tin đó, năm 2007 cô Nguyễn Thị Ngân đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng cúp lưu niệm, vòng nguyệt quế và bằng khen vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Còn những bằng khen của tỉnh, huyện dành tặng cô suốt 10 năm qua thì nhiều lắm. Cả buổi cô chẳng nói với chúng tôi về những thành tích đó, có những cái cô cất kỹ trong tủ, trong hòm.

Cô Ngân lặng lẽ làm việc nghĩa, chẳng muốn cho ai biết. Với cô có những tấm bằng khen đó hay không thì cô vẫn cứ làm và tiếp tục làm những việc như hôm nay. Cũng như căn bệnh u sơ, suy tim của cô vậy, mọi người chỉ biết khi cô phải đi Hà Nội nằm viện hơn tháng trời, tưởng như không qua khỏi. Giờ đây, ngày ngày cô nén nỗi đau của bản thân để lên lớp trông nom bọn trẻ, thỉnh thoảng cô lại âm thầm đi chữa bệnh.

Hạnh phúc và niềm vui của cô là ở lớp học tình thương ấy, cô không thể rời xa bọn trẻ. Cô bảo rằng, mình sẽ gắn bó với lớp, với những đứa trẻ nghèo, có hoàn cảnh bất hạnh cho đến lúc không còn sức lực, không thể làm gì được nữa mới thôi…

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG