Thu Hương trong buổi tập huấn và giới thiệu sách DAISY. 

Mặc dù không phải là người Việt Nam đầu tiên được tiếp xúc với công nghệ này, nhưng Thu Hương cùng nhóm “Điểm tựa” lại là những người đầu tiên, là trung tâm nguồn sản xuất sách DAISY.

 

Đào Thu Hương sinh năm 1985 trong một gia đình công chức tại Hà Nội, bị khiếm thị từ nhỏ. Vượt lên hoàn cảnh, Thu Hương luôn nỗ lực học tập, phấn đấu không ngừng. Sau 3 năm học lại để làm quen với chữ nổi dành cho người khiếm thị, Thu Hương đã nhanh chóng trở thành cô học trò xuất sắc với những thành tích đáng nể: Đạt danh hiệu học sinh giỏi, với điểm tổng kết hơn 9,0 trong suốt những năm THCS; nhiều lần được đề cử dự Lễ tuyên dương Học sinh giỏi Thủ đô; là một trong 20 học sinh tiêu biểu nhất Thủ đô (năm 2003); được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Tiếng Anh, tốt nghiệp thủ khoa Sư phạm Tiếng Anh…

Ngay sau khi ra trường, Tổ chức phi chính phủ Samaritan’s Purse – Tổ chức cứu trợ thế giới tại Việt Nam (hoạt động vì người nghèo, người khuyết tật) đã mời Thu Hương về làm phiên dịch. Làm việc tại Tổ chức Samaritan’s Purse, Thu Hương có nhiều điều kiện tham gia giúp đỡ những người nghèo, người khuyết tật thông qua các dự án như: Hỗ trợ phương thức làm nông nghiệp cho người dân miền núi, tài trợ trang thiết bị y tế, tập huấn phương pháp chữa bệnh, chăm sóc trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng cho y tá, bác sĩ, hay các dự án giáo dục tập huấn cho học sinh các khóa kĩ năng sống, phòng chống mua bán người,… Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Phát triển cộng đồng quốc tế tại Australia, Thu Hương tiếp tục làm việc tại tổ chức Samaritan’s Purse ở vị trí điều phối dự án học bổng cho học sinh khiếm thị.

Mặc dù công việc ổn định nhưng trong Thu Hương luôn đau đáu khát khao phải làm điều gì đó có ý nghĩa với cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị. Năm 2012, Thu Hương giành học bổng 1 năm của Nhật Bản về Khóa đào tạo những kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật. Chính tại khóa đào tạo này, Thu Hương đã được tiếp xúc và học về công nghệ sản xuất sách DAISY của nước bạn. Nhận thấy những tính năng vượt trội của công nghệ DAISY so với sách nói: Âm thanh và văn bản chạy song song, cho phép điều chỉnh độ sáng, độ tương phản, cỡ chữ văn bản, di chuyển linh hoạt đến từng trang, từng chương cuốn sách mà không cần tua đi tua lại để tìm kiếm, đánh dấu trang để đọc lần sau. Vì vậy Thu Hương đã quyết tâm xuất bản sách DAISY để giúp người khuyết tật nước nhà học hỏi, thu nạp kiến thức.

Tháng 9-2012, Thu Hương cùng 6 người bạn thành lập nhóm “Điểm tựa” để làm chỗ dựa cho những người khiếm thị với những hoạt động như: Gia sư giúp đỡ những bạn khuyết tật, định hướng việc làm, mở lớp tập huấn kỹ năng… Cùng đó, cô mở lớp tập huấn về công nghệ sản xuất sách DAISY cho những bạn trong nhóm “Điểm tựa” có sự hỗ trợ giảng dạy của những chuyên gia Nhật Bản. Năm 2016, sau nhiều cố gắng không ngừng, tổ chức phi chính phủ Malteser International (thành viên mạng lưới về hòa nhập người khuyết tật (NKT) trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) toàn cầu; giúp kết nối các hội người khuyết tậ trong nước với diễn đàn quốc tế)  đã hợp tác với Thu Hương và nhóm “Điểm tựa” để sản xuất cuốn sách DAISY đầu tiên mang tên “Hướng dẫn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập người khuyết tật” với 2 bản tiếng Anh và tiếng Việt. Cuốn sách đã được phổ biến tới cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị và những tổ chức, ban ngành hoạt động trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Đây là thành công bước đầu của Thu Hương cũng như của nhóm “Điểm tựa” trong hành trình đưa công nghệ sách DAISY trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Tới đây, Thu Hương cùng nhóm “Điểm tựa” sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn về công nghệ DAISY để phổ biến, nhân rộng công nghệ này (trước hết là ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) và làm việc với Nhà xuất bản để sản xuất sách giáo khoa theo hình thức sách kĩ thuật số.

Sách DAISY là sách kĩ thuật số dễ tiếp cận với đối tượng mục tiêu đầu tiên là người khiếm thị, người khuyết tật chữ in (khiếm thính, tăng động, giảm chú ý, rối loạn chức năng đọc hiểu, khó đọc, tự kỉ, dị ứng mực in, giấy in, những người già mắt kém, người không có tay…) sau đó là tất cả đối tượng độc giả, thính giả. 

Bà, ảnh: NGUYỄN THỊ MAI