Người “khó” vắng mặt ở bản  

Tôi gặp y sĩ Trần Xuân Phương không ít lần, nhưng chưa có nhiều thời gian trò chuyện. Vì thế, lần này tôi quyết định khoác ba lô ngược lên miền biên giới để có thời gian tìm hiểu cuộc sống và công việc của anh.

Mặt trời vừa khuất bóng, bản làng biên giới Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đã chìm trong sương mù; nhiều ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông đã lên đèn. Ở khu vườn của Trạm Quân dân y kết hợp tại bản Phà Lõm, Thiếu tá QNCN, y sĩ Trần Xuân Phương vẫn mải mê chăm bón, tưới nước cho vườn cây thuốc Nam và những luống rau xanh. Từ ngoài cổng trạm, tiếng người đàn ông nói to vọng vào: “Cán bộ Phương đâu rồi? Kiểm tra giúp ta (tôi) bị gì mà đau quá không chịu được, phải bỏ rẫy về đây!”. Nghe vậy, anh Phương vội thả chiếc bình nước còn tưới dở, chạy vội vào rửa chân, tay sạch sẽ.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN, y sĩ Trần Xuân Phương được già làng Xồng Chống Của nhận làm con nuôi.    

Người đàn ông đó là Xồng Rà Lầu, ở bản Phà Lõm. Anh Phương kéo chiếc ghế nhựa sát giường bệnh và ra hiệu cho Xồng Rà Lầu ngồi xuống, chống hai tay vào thành giường cúi đầu về phía trước. Chiếc áo khô cứng vì mồ hôi của anh Lầu được kéo lên, để lộ một khối u nhọt ở lưng đang rỉ nước, đỏ mọng làm sưng hẳn phần lưng bên phải. “Anh Rà Lầu có đắp thuốc lá vào cái nhọt này đúng không? Bị nhiễm trùng rồi! Tôi sẽ vệ sinh, sát trùng vết thương. Anh phải mang thuốc kháng sinh về nhà uống, ít hôm nữa xuống đây để nặn mủ ra mới khỏi được”, anh Phương, giải thích. Nghe vậy, Rà Lầu có vẻ yên tâm, rồi nói như thanh minh: “Nó nổi lên mấy hôm nay rồi, đau lắm nên mới lấy lá rừng đắp vào. Hôm nay, đau quá không chịu được mới xuống rẫy về tìm cán bộ xin thuốc. Nhưng cán bộ lại cho ta nợ tiền thuốc nhé!”.

Trời đã tối hẳn, Thiếu tá QNCN Trần Xuân Phương tiễn anh Lầu ra cổng, rồi trở vào căn bếp nhỏ chuẩn bị bữa tối. Mâm cơm vừa được anh Phương dọn ra thì lại có người đàn ông cõng một người bị thương đến tìm. Anh Lầu Nhìa Lồng, trên đường từ rẫy xuống, chặt cây rừng làm gậy nhưng không may nhát dao trúng phải bắp chân rách toác cả mảng da. Anh Phương vội đứng dậy, tiến hành sơ cứu, khâu vết thương cho bệnh nhân.

Theo kế hoạch, sau bữa cơm tối, anh Phương đưa tôi xuống thăm già làng Xồng Chống Của, cũng là người nhận anh làm con nuôi. Lúc này, đồng hồ đã điểm 21 giờ, nhưng anh Phương vẫn quả quyết với tôi: “Muộn rồi, nhưng chúng ta vẫn phải gắng xuống thăm bố một lát. Nếu chúng ta không đến, cụ vẫn ngồi đợi đấy. Người dân vùng cao là vậy, đã hứa điều gì thì phải thực hiện cho bằng được”. Trong ánh đèn pin, chúng tôi men theo con đường đất vào sâu trong bản rồi dừng lại trước ngôi nhà gỗ. Ở đó, già làng Xồng Chống Của vẫn đang ngồi cạnh chiếc bàn đặt ở trung tâm ngôi nhà, mắt hướng về phía cổng. Vừa nhìn thấy chúng tôi, già làng Xồng Chống Của đã lên tiếng: “Phương hả con, chắc lại có người ốm đau nên mới xuống thăm bố muộn thế?”.

Bên ấm trà nóng, già làng Xồng Chống Của kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc sống của người dân bản Phà Lõm. Theo già làng, những năm đầu thập niên 1990, Phà Lõm còn nghèo lắm. Nhưng giờ đây, bản biên giới Phà Lõm là nơi định cư của 112 hộ với 669 nhân khẩu đồng bào Mông. Phà Lõm bây giờ đã có điện lưới quốc gia; đường giao thông; trẻ em được đến trường đi học. Đặc biệt, già làng Xồng Chống Của rất hãnh diện về con nuôi của mình: “Tuy mới về đây thời gian ngắn nhưng nó biết được tiếng của đồng bào Mông. Nó không chỉ mang thuốc chữa bệnh cho bà con, mà còn chỉ cho dân làng biết sống hợp vệ sinh. Ở đây, ai cũng yêu mến, nó mà rời bản về xuôi ngày nào thì dân bản ta nhớ lắm!”, già làng Xồng Chống Của nắm tay anh Phương và thủng thẳng nói với tôi.

Chia tay già làng bản Phà Lõm khi đêm đã về khuya, trên đường trở về, chúng tôi gặp mấy người phụ nữ soi đèn pin đi hướng ngược lại. Vừa gặp chúng tôi, họ nói với anh Phương điều gì đó bằng ngôn ngữ của đồng bào Mông. Tất cả vội vàng đi mà như chạy hướng về Trạm Quân dân y. Về tới trạm, tôi mới hay, thì ra lại có người bệnh đang đợi. Sau một hồi thăm khám, anh Phương đề nghị gia đình cho cháu bé ở lại để tiếp tục theo dõi. Trời hửng sáng cũng là lúc cậu bé không còn đau bụng và mẹ con người phụ nữ dân tộc Mông tạm biệt chúng tôi ra về. “Ở đây là thế đó anh, có khi quần quật cả ngày. Từ ốm đau, tai nạn, những ca sinh khó, bà con đều gọi mình. Ngoài dân bản Phà Lõm, trạm cũng thường xuyên đón nhân dân ở bên kia biên giới nước Lào sang khám, chữa bệnh”, anh Phương cho biết.

Dùng tiền lương mua thuốc cho dân

 Chỉ từ chiều muộn đến đêm khuya ở Phà Lõm, Thiếu tá QNCN, y sĩ Trần Xuân Phương đã khám, chữa bệnh cho 3 người dân trong bản làng biên giới. Thế nhưng nhìn vào dụng cụ hỗ trợ cho cán bộ quân y cũng chỉ có ống nghe, bộ đo huyết áp, nhiệt kế cùng những thiết bị có thể dùng cho ca tiểu phẫu thông thường. Nói về điều này, Thượng tá Phạm Huy Hoàng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: “Không phải Trạm Quân dân y Phà Lõm được ưu tiên, mà có tủ thuốc khá đầy đủ là do đồng chí Phương dùng tiền lương mua bổ sung để chữa bệnh cho nhân dân đấy”. Đưa câu chuyện của Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Hợp kể lại thì được anh Phương giải thích: “Thực ra thuốc do tôi mua mang lên chữa bệnh cho đồng bào cũng không phải miễn phí, có những loại phải thu tiền của người bệnh với giá bằng ở dưới xuôi. Thực tình, nhiều loại thuốc tôi chỉ là người mua giúp đồng bào. Bởi tôi nghĩ, nếu “bắt” được bệnh mà thuốc không có hoặc không phù hợp thì không được, chẳng lẽ lại kê đơn để đồng bào ra xã, ra huyện mua thì tốn kém. Vì thế, tôi xin phép chỉ huy đơn vị được mua bổ sung tủ thuốc với mục đích chữa bệnh hiệu quả cho đồng bào, giữ uy tín của quân y biên phòng. Từ đó vận động người dân xây dựng nếp sống mới”.

Anh Phương cũng chia sẻ, với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở địa bàn biên giới, trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men thì việc chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh là rất quan trọng. Người thầy thuốc ở đây phải biết trường hợp nào có thể chữa được tại chỗ, trường hợp nào phải kiên quyết đưa lên tuyến trên. "Muốn làm được điều đó, quá trình công tác, mỗi ca bệnh tôi đều phải ghi chép cẩn thận triệu chứng để tự rút kinh nghiệm", anh Phương tâm sự.

Không chỉ với đồng bào vùng biên giới, mà Thiếu tá QNCN, y sĩ Trần Xuân Phương còn là ân nhân của rất nhiều đồng đội, ví như trường hợp của Thiếu tá Lữ Bá Tiến, Chính trị viên Đại đội cơ động, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, BĐBP tỉnh Nghệ An. Buổi sáng một ngày tháng 8-2010, mặc dù thấy hơi đau bụng nhưng vì nhiệm vụ anh Tiến vẫn xuống địa bàn công tác. Tuy nhiên, đến chiều, những cơn đau lại dồn dập hơn. Sau vài câu hỏi thăm hỏi, cùng những thủ thuật chuyên môn, y sĩ Trần Xuân Phương đã kết luận anh Tiến bị viêm ruột thừa và cần chuyển lên tuyến trên để tiến hành phẫu thuật. "Sau khi được phẫu thuật an toàn, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện  Tương Dương cho biết, nếu tôi ra muộn chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, anh Tiến nhớ lại.

Hơn 20 năm công tác ở địa bàn biên giới phía tây tỉnh Nghệ An, giờ đây, Thiếu tá  QNCN Trần Xuân Phương đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ của đồng bào Thái, Mông và Khơ Mú để phục vụ quá trình khám, chữa bệnh giúp nhân dân. Đặc biệt, không chỉ làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thiếu tá QNCN, y sĩ Trần Xuân Phương còn tích cực cùng với đồng đội hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách thức sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Cùng thời gian, cuộc sống nhiều bản làng ở biên giới phía tây tỉnh Nghệ An không ngừng khởi sắc, nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Trong thành tích chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, với những con người thầm lặng cống hiến như Thiếu tá QNCN, y sĩ Trần Xuân Phương. 

Bài và ảnh: VIẾT LAM