Say mê nghiên cứu, sáng tạo
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Tân Hương, Yên Bình, Yên Bái, từ nhỏ Đào Văn Hảo đã ước mơ được khoác trên mình màu xanh áo lính và phục vụ Quân đội lâu dài. Đầu năm 2003, khi chuẩn bị tốt nghiệp THPT anh làm hồ sơ đăng ký thi và đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị. Tháng 9 năm ấy, anh tạm biệt quê hương lên trường nhập học. Sau 5 năm miệt mài đèn sách dưới mái trường Quân đội, Hảo tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá và được điều động về làm Chính trị viên phó Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2). Với suy nghĩ "kiến thức lý luận tại trường là một chuyện nhưng thực tiễn lại là chuyện khác", nên anh vừa làm việc vừa học hỏi kinh nghiệm của những cán bộ có thâm niên ở đơn vị để từ đó tự rút ra bài học, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn cho mình.
Trong quá trình cùng chiến sĩ ra thao trường huấn luyện anh nhận thấy, việc tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cho bộ đội trong lúc nghỉ giải lao còn đơn điệu, chưa thực sự cuốn hút được các chiến sĩ. Đào Văn Hảo đã nghiên cứu, sáng tạo ra “Hộp cổ động thao trường đa năng”. So với “Hộp báo thao trường” trước đây thì “Hộp cổ động thao trường đa năng” có nhiều ưu điểm vượt trội, ngoài việc đem sách, báo ra thao trường, còn có tác dụng phát những bài hát truyền thống của Quân đội, mở nhạc cho bộ đội tập đội ngũ. Bên cạnh đó, còn có thể dùng để hát karaoke, nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam, tạo âm thanh giả cho bộ đội học chiến thuật. “Hộp cổ động thao trường đa năng” không chỉ dùng được khi đi thao trường huấn luyện mà còn có thể dùng để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại doanh trại, tổ chức diễn đàn thanh niên, sinh hoạt đơn vị… Sáng kiến này của anh đã đạt giải Nhất cấp Sư đoàn, đạt giải A cấp Quân khu và được Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng chứng nhận đạt giải C. Kể từ đó “Hộp cổ động thao trường đa năng” của Hảo được các đơn vị trong toàn Sư đoàn áp dụng thường xuyên.
Chính trị viên Đào Văn Hảo (ngoài cùng bên phải), giới thiệu tính năng, tác dụng của “Hộp cổ động thao trường đa năng” cho các chiến sĩ.
Năm 2014, khi đang là Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Hảo nhận thấy đây là đợt sinh hoạt lớn, lâu dài, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tuy nhiên, quá trình giáo dục truyền thống, kiểm tra nhận thức của bộ đội anh nhận thấy nhiều nội dung giáo dục còn dài, một số sự kiện rất khó nhớ về thời gian, dẫn đến nhầm lẫn. Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ, Đào Văn Hảo đã soạn một bộ câu hỏi trắc nghiệm hỏi - đáp về truyền thống Quân đội, Quân khu 2, Sư đoàn 316, qua đó tạo không khí thoải mái, không gò ép, nhưng hiệu quả rất tốt. Kể từ khi có bộ câu hỏi trắc nghiệm, trong lúc bộ đội vui chơi, tăng gia cũng có thể hỏi và trả lời ngay được. Đến nay bộ câu hỏi trắc nghiệm của Hảo đã được đơn vị sử dụng rộng rãi trong học tập, giáo dục chính trị. Tháng 6 năm 2016, Đào Văn Hảo được bổ nhiệm giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174.
Xứng danh “người anh, người chị”
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy-Chính trị viên Tiểu đoàn, Đào Văn Hảo không chỉ xây dựng mối đoàn kết thống nhất cao trong tập thể cấp ủy, chỉ huy đơn vị, mà còn thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Là đơn vị thường xuyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong khi đó chiến sĩ đa phần là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức không đồng đều, nhiều chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, Chính trị viên Đào Văn Hảo đã thường xuyên gần gũi bộ đội, động viên, tháo gỡ những vướng mắc, băn khoăn trong tư tưởng, giúp các chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cuối năm 2016, Binh nhất Trương Văn Ỉnh, chiến sĩ Trung đội 9, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, quê ở xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, Hà Giang có những thái độ khác thường khi liên tục đòi chỉ huy đại đội cho về nhà; thậm chí còn “dọa”, nếu không cho sẽ bỏ ngũ. Cán bộ trung đội, đại đội nhiều lần gặp gỡ giáo dục, thuyết phục song Ỉnh vẫn thản nhiên, bỏ ngoài tai tất cả. Trước khi gặp gỡ riêng Ỉnh, Chính trị viên Đào Văn Hảo đã gặp gỡ một người bạn thân cùng bản với Ỉnh, qua đó biết rõ hơn về hoàn cảnh của Ỉnh. Chính trị viên Hảo đã dành hẳn một buổi tối ngồi nói chuyện, tâm sự với Ỉnh, tư vấn, gợi mở, tháo gỡ những lăn tăn của Ỉnh. Trước hoàn cảnh khó khăn của chiến sĩ, Hảo đã đề nghị Trung đoàn cho Ỉnh nghỉ tranh thủ 4 ngày để giải quyết việc gia đình. Chỉ huy đại đội lo sợ cho Ỉnh về nghỉ sẽ không lên đơn vị nữa. Nhưng với niềm tin, Chính trị viên Đào Văn Hảo vẫn quyết định cho Ỉnh về giải quyết việc gia đình và sau đúng 4 ngày, Ỉnh có mặt tại đơn vị. Kể từ đó chiến sĩ Ỉnh vui vẻ, hăng hái tham gia công tác và các hoạt động của đơn vị, đạt thành tích cao trong huấn luyện, diễn tập.
Chính trị viên Đào Văn Hảo (người đánh đàn) cùng bộ đội trong giờ nghỉ giải lao trên thao trường.
Một trường hợp khác là chiến sĩ Trần Văn Ngọc ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 2. Có hoàn cảnh khá khó khăn, bố mất sớm, nhập ngũ năm 2017 được thời gian ngắn thì mẹ bị tai biến nên kể từ đó Ngọc nảy sinh tư tưởng buồn chán, viết đơn xin được xuất ngũ. Chính trị viên Hảo đã thường xuyên gần gũi trò chuyện, động viên, thông báo hoàn cảnh gia đình của Ngọc cho anh em đơn vị biết để chia sẻ và quan tâm, giúp đỡ; mặt khác, anh cùng cán bộ đơn vị về gia đình Ngọc thăm hỏi, động viên. Ngoài Ngọc ra còn có 3 anh, chị đều sinh sống ở quê, cũng thường xuyên chăm sóc, lo liệu thuốc thang cho mẹ nên Ngọc đã yên tâm, tích cực tham gia huấn luyện chiến sĩ mới đạt kết quả cao.
Đại úy Đặng Duy Tùng, Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174 chia sẻ: “Chính trị viên Đào Văn Hảo luôn cứng rắn, công bằng như một người anh, song lại mềm dẻo, khéo léo như một người chị. Chính sự gần gũi, tình cảm của đồng chí Hảo đã thuyết phục cán bộ, chiến sĩ toàn tâm, toàn ý vì nhiệm vụ chung của đơn vị. Đồng chí Hảo còn là tấm gương sáng về học tập, nghiên cứu sáng tạo, chúng tôi thực sự nể phục tính cần mẫn, ham học hỏi của người Chính trị viên”.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Sa Minh Nghĩa, Chính ủy Trung đoàn 174 cũng cho biết: “Qua các chức vụ khác nhau và thực tiễn công tác, đồng chí Đào Văn Hảo, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò của người chính trị viên. Đồng chí Hảo còn là người sống chân tình, trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, là trung tâm đoàn kết của đơn vị”.
Trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức, Chính trị viên Đào Văn Hảo là người báo cáo tham luận đầu tiên. Với những thành tích đạt được, 3 năm liền (từ 2014-2016), Đào Văn Hảo được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, anh cũng được Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu tặng Bằng khen. Anh cũng được bầu là đại biểu tham dự Chương trình gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến (ĐHTT) toàn quân thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN