Bước đi bằng ý chí, nghị lực

- Thúy có bao giờ cảm thấy tuyệt vọng khi đang phơi phới thanh xuân thì mất khả năng đi lại, vận động, sống nhờ hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác?-Tôi đặt câu hỏi khi bắt đầu trò chuyện với Thúy.

- Nghịch cảnh chưa bao giờ là điều tôi lo sợ, chỉ e rằng, phải chịu mà không thể chịu, phải vượt mà không thể vượt. Mình không thể bước đi bằng đôi chân thì mình bước bằng tinh thần…

leftcenterrightdel
Nguyễn Phương Thúy với công việc thường ngày.

Không một giọt nước mắt, không một lời “than nghèo kể khổ” để mong nhờ vào lòng thương của người khác, Phương Thúy trả lời thật bình thản và kiêu hãnh như cách cô vẫn làm và mạnh mẽ chống chọi với bệnh tật. Cô tự hào đã trở thành một nhà văn, nhà thơ trẻ, đem nghị lực sống phi thường truyền cảm hứng nhân văn cho người, cho đời và vẫn lặng lẽ làm những phần việc thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn… Thúy đã chứng minh, mỗi người khó có thể biết trước những biến cố bất ngờ ập đến, nhưng có thể lựa chọn cách mình tiếp tục bước đi, ngay cả khi họ chỉ có hành trang là ý chí và nỗ lực.

Ngày ấy, tại Trường Tiểu học Dữu Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ) ai cũng biết đến cô học trò nghèo Nguyễn Phương Thuý nhiều năm liền là học sinh đứng đầu lớp, luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Cuối năm lớp 6, Thúy bị bệnh khớp. Gia đình đưa Thúy đi chữa trị khắp các bệnh viện lớn ở TP Việt Trì và Hà Nội, nhưng bệnh tình không thuyên giảm, mà còn biến chứng, khiến Thúy mất hẳn khả năng vận động, tay chân ngày một teo tóp, co quắp, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người thân. Việc học hành và giấc mơ tươi sáng về tương lai của cô bé khỏe mạnh, hồn nhiên ngày nào đành gác lại trên chiếc giường cũ kỹ trong căn nhà buồn xác xơ, với những cơn sốt mê man và đau đớn giày vò ngày đêm… 

Kinh tế gia đình suy kiệt, bế tắc để tìm lại sức khoẻ cho mình; bố mẹ suy sụp, khóc hết nước mắt vì thương con. Thương bố mẹ, cô bé 12 tuổi Nguyễn Phương Thúy mạnh mẽ đối diện với sự thật. Không một lời than thân, trách phận, Thúy tự nhủ mình không được gục ngã, dù chỉ còn một ngày để sống… Và phép màu đã thực sự xuất hiện với người có ý chí. Thúy không gục ngã trước bệnh tật, mà còn vươn lên kiêu hãnh như cây xương rồng giữa sa mạc khắc nghiệt.

Đầu tiên, Thúy quyết định phải học viết trở lại. Em nói với mẹ chuẩn bị cho mình một cuốn sổ có bìa cứng và chiếc bút. Trong tư thế nằm ngửa với bàn tay co quắp, run run, không đếm hết đã bao nhiêu ngày em tập viết mà chiếc gối mềm ướt đẫm nước mắt do không điều chỉnh được nét bút của mình, cũng không đếm xuể bao nhiêu lần cái bảng gỗ kê bút vở đổ ập xuống khuôn mặt nhỏ nhắn khiến em đau đớn… Tất cả qua đi, cuối cùng, Thúy đã làm được! Nhiều người từ không tin đến ngạc nhiên khi tận mắt nhìn những con chữ tròn trịa, xinh xắn bay nhảy trên giấy còn đẹp hơn trước lúc em bị bệnh.

Ngặt nghèo thay, cùng thời điểm ấy, mẹ Thúy mắc bệnh ung thư, bố mắc bệnh “lạ”, mất khả năng lao động. Sau này, bố Thúy cũng qua đời vì bệnh ung thư. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Thúy vẫn mạnh mẽ vượt qua. Như trò đùa của số phận, có ai ngờ cô gái khuyết tật nhỏ bé tưởng như là gánh nặng của gia đình, của xã hội, nay lại là người đứng ra gánh vác kinh tế gia đình bằng con đường văn thơ.

Năm 14 tuổi, lấy cảm hứng từ chính câu chuyện của bản thân, Thúy viết bài báo đầu tay mang tên “Điều vốn quý nhất”, nói về sức khỏe và tinh thần của con người, mong muốn tiếp thêm nghị lực cho những người có hoàn cảnh éo le vươn lên trong cuộc sống. Bài viết đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong với bút danh “Viên Nguyệt Ái”. Sở dĩ, Thúy quyết định đặt bút danh ấy bởi “em muốn sống như ánh trăng tròn đêm rằm. Trời đêm càng tối thì ánh trăng càng chiếu sáng ngời”, Thúy tâm sự. Quả vậy, cái tên thật hợp! Bầu trời đêm đen kịt như chính số phận Thúy, nhưng em vẫn tỏa sáng diệu kỳ, trở thành người có ích cho xã hội.

Từ tác phẩm đầu tay, mỗi tháng Thúy nhận được hàng trăm lá thư làm quen, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của bạn đọc cả nước đối với tác phẩm của mình. Được kết nối với mọi người, Thúy thấy tâm hồn mình không còn bị biệt lập trên chiếc giường cũ kỹ, nhỏ bé. Dần dà, niềm đam mê với thơ văn trong Thuý cứ lớn dần theo năm tháng. 7 đầu sách “Cho em một lần” (năm 2012), “Hôn thầm trong mơ” (năm 2013), “Khi hoa tình nở” (năm 2014), “Đi qua cơn mưa yêu” (năm 2015), “Bí mật đêm Giáng sinh” (năm 2016), “Có một điều em giấu” (năm 2017), “Tình trong cõi vô thường” (năm 2017) lần lượt ra đời, được đông đảo độc giả yêu mến đón đọc.

Đến nay, Thúy đã vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng, như: Giải Ba, Cuộc thi tìm hiểu “Công an nhân dân Việt Nam vì bình yên cuộc sống” của Bộ Công an, năm 2005; giải ấn tượng Cuộc thi “Alaxan-Chiến thắng nỗi đau”, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2006; giải Ba, cuộc thi báo chí do Bộ Công an tổ chức năm 2010; giải Nhất, Cuộc thi “Vượt lên số phận”, của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2013; giải xuất sắc đóng góp cho nền thơ ca và quảng bá phong trào sáng tác, năm 2013; cùng nhiều giải thưởng tiêu biểu…

Vẫn mỉm cười cho cuộc sống đơm hoa

Biết về hoàn cảnh éo le của Thúy, nhiều nhà hảo tâm tìm đến mong muốn được giúp đỡ cô về vấn đề tài chính. Với ai Thúy cũng trân trọng ghi nhận tấm lòng, còn về “vấn đề tế nhị” cô xin phép không nhận. Thúy tâm sự: “Tôi mong muốn khẳng định mình bằng lao động thực sự, mong muốn có sự ghi nhận bình đẳng với vai trò là một tác giả đi theo sự nghiệp văn chương, chứ không phải một cô gái kém may mắn làm thơ và viết văn”.

Thúy biết gia đình mình còn nghèo, nhưng cô vẫn có thể viết sách, vẫn làm thơ, vẫn có thể lao động bằng trí óc, dù thu nhập không cao, nhưng chắt chiu vẫn có thể tự trang trải cuộc sống, vì trong xã hội còn nhiều những hoàn cảnh khó khăn hơn. Nghĩ là làm, từ năm 15 tuổi, cô gái nhỏ luôn trích một nửa nhuận bút của mình gửi tặng những hoàn cảnh khó khăn trong chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” trên BáoCông an nhân dân. Suốt 4 năm nay, Thúy luôn trích một phần tiền phát hành sách của mình ủng hộ những hoàn cảnh kém may mắn. Nhiều người biết những việc làm của Thúy, ngoài việc yêu thích những cuốn sách do em sáng tác, còn chung tay giúp đỡ mua sách để đồng hành cùng Thúy thực hiện những phần việc thiện nguyện.

Bên cạnh đó, những lúc có thời gian và sức khỏe cho phép, Thúy lại tham gia các buổi giao lưu với học sinh, sinh viên. Đó là cơ hội để cô chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, về cái nhìn nhân sinh lành mạnh, truyền cảm hứng sống tích cực và trách nhiệm đến các bạn trẻ. Mỗi dịp như vậy, lượng người đến theo dõi luôn đông kín khán phòng.

Biến cố cuộc đời khiến Thúy không thực hiện được giấc mơ theo nghiệp giáo viên, nhưng cô làm được nhiều hơn thế. Cô truyền lửa đến nhiều người đang trong cơn bĩ cực của cuộc đời, tiếp thêm cho họ nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống. Bên cạnh những lá thư, ở trang cá nhân của Thúy trên mạng xã hội, nhiều người theo dõi và để lại tình cảm bằng những bình luận rất ý nghĩa: “Viên Nguyệt Ái là nguồn động lực giúp tôi bước qua khỏi tấm rào ngăn giữa thực tại và ước mơ để đi tìm ý nghĩa, chân lý sống cùng những yêu thương dung dị và ấm áp tận sâu thẳm cõi lòng”, “Tôi yêu lắm thơ của nàng Trăng, bởi trong mỗi trang thơ luôn đầy ắp tình đời, tình người và cả tình yêu”, “Mong rằng trong tương lai, nàng Trăng sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm hơn nữa để thỏa nỗi ngóng trông của độc giả”…

Trân trọng thái độ sống cũng như tinh thần lạc quan của Thúy, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng nhiều lần đến thăm và tặng cô những vần thơ: Thân em khuyết nhưng tâm hồn không khuyết/Vẫn mỉm cười cho cuộc sống ra hoa/Vẫn yêu thương cho hạnh phúc chan hòa/Vẫn vươn lên cho đời em tỏa sáng…

Đến giờ, Nguyễn Phương Thuý đã trở thành một nhà văn, nhà thơ trẻ được nhiều người yêu mến, trân trọng, nhưng không ai biết cô có thể quỵ xuống bất cứ lúc nào, bởi căn bệnh quái ác và những cơn đau vẫn luôn hành hạ cô. Mới đây cũng như nhiều lần trước nữa, Thuý lại nhập viện trong tình trạng nguy kịch và lại mạnh mẽ trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè và những người hâm mộ. Tin rằng, dù số phận có như thế nào, thì tâm hồn, cuộc đời cô vẫn luôn toả hương.

PHAN THU SA