Người “đứng mũi chịu sào” ở xã khổ nhất Cao Bằng

“Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh”, đó là câu nói được lưu truyền từ thế kỷ trước ở Cao Bằng. Trước kia, xã biên giới Đức Hạnh như một ốc đảo của huyện Bảo Lạc (sau khi tách huyện, Đức Hạnh thuộc huyện Bảo Lâm) của tỉnh Cao Bằng. Quãng đường từ thị trấn huyện Bảo Lạc đến trung tâm của xã Đức Hạnh chỉ dài hơn 40km mà lúc bấy giờ đi bằng ô tô hai cầu trong mùa khô cũng phải mất nửa ngày bởi dốc đứng, vực sâu, cua tay áo... Lái xe miền xuôi lên đây chẳng ai dám đi. Xe ô tô một cầu cũng không thể đi tới xã. Đến mùa mưa, muốn về Đức Hạnh chỉ có thể đi bằng ngựa, hoặc cuốc bộ và thời gian có thể từ một đến hai ngày. Từ trung tâm xã đến một số bản xa như: Lũng Mần,  Chè Lỳ A, Chè Lỳ B... thời gian đi còn dài hơn từ xã về huyện và không thể đi bằng ô tô hay xe máy. Đời sống người dân thời đó rất khó khăn. Nhiều người trong xã chưa từng được nhìn thấy cái xe ô tô, cái bóng đèn điện. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, kể rằng: Hồi đó, muốn báo cáo hay thống kê số hộ gia đình đói nghèo trong xã, cán bộ xã chỉ cần "phô tô" toàn bộ danh sách các hộ ở các bản vì 100% số hộ trong xã thuộc diện đói nghèo. Bản Lũng Mần lúc đó còn được gọi là “bản Không Tắm” vì suốt cả mùa khô (khoảng ba tháng) bà con không được tắm do thiếu nước.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Lê Bá Hùng chủ trì cuộc họp Đảng ủy xã Đức Hạnh. Ảnh: Trường Hà 

leftcenterrightdel
Thiếu tá Lê Bá Hùng phát biểu tại cuộc họp Chi bộ bản Cà Lung, xã Đức Hạnh (tháng 3-2017). Ảnh: Trường Hà 

Đã vậy, Đức Hạnh còn nổi tiếng cả vùng vì mắn đẻ, nhiều cặp vợ chồng sinh tới hơn 10 người con, cá biệt có người sinh tới 15 người con... Cái vòng luẩn quẩn: Đói nghèo-lấy vợ, lấy chồng sớm-đẻ nhiều-đói nghèo cứ đeo đẳng mãi người dân Đức Hạnh.

Vào đầu nhiệm kỳ 2005-2010, khi phân tích nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của Đức Hạnh, các đồng chí trong Huyện ủy, thường trực UBND huyện Bảo Lâm cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện tự nhiên, thời tiết khắc nghiệt, còn có nguyên nhân quan trọng là do cán bộ xã vừa thiếu, vừa yếu, không đủ năng lực giúp đỡ nhân dân địa phương thoát nghèo. Huyện ủy Bảo Lâm lúc đó đã đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng tăng cường cán bộ cho Đức Hạnh và Lê Bá Hùng là người đầu tiên được lọt vào “tầm ngắm” của các đồng chí lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng. Năm 2006, anh được giao nhiệm vụ giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã; đến năm 2010 được Đảng bộ xã tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy; năm 2011 được HĐND xã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch HĐND xã. Như vậy, Thiếu tá Lê Bá Hùng trở thành người “đứng mũi chịu sào” ở xã khổ nhất của Cao Bằng suốt 7 năm qua.

“Bộ đội Hùng tốt lắm, giỏi lắm”

Đó là lời của bà con các dân tộc trong xã Đức Hạnh khi nhận xét về Lê Bá Hùng. Ông Vừ Mý Dế ở bản Lũng Mần bảo: “Bộ đội Hùng nó giỏi lắm. Cái gì nó cũng biết. Nó hướng dẫn dân cách trồng cây sa mộc bán được nhiều tiền, cách nuôi dê không bị chết, cách nuôi bò nhanh béo, cả cách ngủ với vợ mà không đẻ ra con nữa...”. Ông Triệu Văn Phấy, Trưởng bản Chè Lỳ A, tấm tắc khen: “Bụng dân ở đây ưng Lê Bá Hùng lắm. Quê nó ở Nghệ An xa tít nhưng nó ở đây nhiều năm rồi đấy. Nó bảo dân cách trồng ngô cho bắp to, cách xây nhà kiên cố... Nó tốt lắm”.

Đồng chí Hoàng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh, nhận xét: "Gần ba chục năm gắn bó với Đức Hạnh, đồng chí Lê Bá Hùng đã “5 cùng” với nhân dân vùng biên giới. Hơn chục năm làm Phó bí thư và Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Lê Bá Hùng thực sự là người thầy cho rất nhiều cán bộ của xã. Thầy Hùng dạy cách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý bằng những công việc cụ thể hằng ngày, như: Việc xây dựng, triển khai nghị quyết, cách thức vận động nhân dân đưa con đến trường, vận động người ốm đến bệnh xá... Thầy Hùng đã làm thay đổi được cách nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Đến nay, 100% các hộ dân ở Đức Hạnh đã biết áp dụng các biện pháp khoa học vào sản xuất, sử dụng giống ngô, giống lúa mới vào sản xuất; trồng được hơn 300ha cây keo, lát và cây sa mộc, hơn 80ha cây hồi. Tổng đàn trâu, bò của xã đến nay đạt hơn 3.000 con, đàn dê đạt hơn 1.500 con...

Thiếu tá Lê Bá Hùng kể rằng, trước khi nhận nhiệm vụ làm Phó bí thư Đảng ủy xã Đức Hạnh, anh đã có nhiều năm gắn bó ở đây. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng I, Lê Bá Hùng về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Cốc Pàng và được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ bổ sung vào tổ công tác tại Đức Hạnh.

Dù nhà trường đã trang bị khá nhiều kiến thức về công tác vận động quần chúng, nhưng khi đến Đức Hạnh, Lê Bá Hùng không khỏi ngỡ ngàng bởi đời sống của bà con các dân tộc nơi đây quá vất vả. Hầu hết bà con không nói được tiếng Kinh, nhiều bản chưa có trường học, trẻ em 14, 15 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng... Tìm hiểu cuộc sống của bà con, Lê Bá Hùng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo là do trình độ dân trí thấp và đề nghị Đồn Biên phòng Cốc Pàng tăng cường công tác tuyên truyền; cán bộ biên phòng phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp dân thoát đói, nghèo. Để có thể nói cho dân nghe, dân hiểu, Lê Bá Hùng miệt mài học tiếng Mông, tiếng Tày, tiếng Nùng, tiếng Lô Lô... Mỗi lần tiếp xúc với bà con là một lần học tiếng. Nhờ vậy, khi được giao trọng trách làm Phó bí thư Đảng ủy xã, Lê Bá Hùng đã nói chuyện trực tiếp được với bà con dân bản.

“Tôi có duyên với vùng đất này”

Đó là lời tâm sự của Thiếu tá Lê Bá Hùng. Anh kể với tôi rằng, Đức Hạnh còn thân thiết hơn thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) nơi đã sinh ra anh bởi người dân ở Đức Hạnh rất chân thành, sống rất tình cảm. Đức Hạnh cũng đã xe duyên cho anh, đó là một cô giáo “cắm bản” tại xã. “Tôi rất yêu cô ấy, một người con gái sống rất có tình có nghĩa, biết thương yêu, giúp đỡ mọi người một cách chân tình..."-Thiếu tá Lê Bá Hùng thổ lộ.

Trăn trở về cái đói nghèo ở quê hương thứ hai của mình, Thiếu tá Lê Bá Hùng cho rằng, để Đức Hạnh thoát khỏi đói nghèo nhanh và bền vững, điện, đường, trường, nước cần đi trước. Trong đó cần ưu tiên nâng cấp đường từ xã về huyện bảo đảm xe ô tô đi được trong mùa mưa. Sau nhiều năm triển khai xây dựng, hệ thống điện quốc gia đã đến được trung tâm xã Đức Hạnh, nhưng nhiều bản ở xa trung tâm xã vẫn chưa có điện. Các điểm trường ở các bản trong xã đều đã có nhưng vẫn còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thư viện, nhà ở công vụ giáo viên, phòng học bán trú; phòng hành chính quản trị; cổng, hàng rào... Nước sinh hoạt đang là vấn đề nan giải của nhiều bản. Để xây dựng các công trình điện, đường, trường, nước, bản thân xã nghèo như Đức Hạnh không thể tự làm được mà phải cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo Thiếu tá Lê Bá Hùng, nâng cao dân trí là giải pháp cơ bản và lâu dài để Đức Hạnh thoát nghèo bền vững. Khi trình độ dân trí cao lên, bà con sẽ không đẻ nhiều con nữa, áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Tuy nhiên, để nâng cao dân trí cho người dân ở đây còn phải làm rất nhiều việc như đầu tư cho trường, lớp, thu hút thêm giáo viên, vận động các cháu đến trường... Để giải quyết được những vấn đề trên, cần phải có đội ngũ cán bộ cơ sở vững. Bà con các dân tộc trong xã rất tin vào đội ngũ cán bộ đảng viên và thường làm theo những gì mà cán bộ nói. Khi Lê Bá Hùng đảm nhiệm chức danh Phó bí thư Đảng ủy xã, cả Đảng bộ mới có gần 40 đảng viên; 14/18 bản chưa có chi bộ, trong đó ba bản chưa có đảng viên. Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng,  đến nay, toàn Đảng bộ đã có 126 đảng viên sinh hoạt tại 19 chi bộ. Tất cả các bản đã có chi bộ, nhưng trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ đảng viên còn hạn chế. Đức Hạnh rất muốn phát triển đội ngũ cán bộ xã từ các thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, nhưng mấy năm gần đây, đội ngũ này ít quá...

Tiếp xúc với nhân dân trong xã Đức Hạnh, nhiều người nói với tôi, Thiếu tá Lê Bá Hùng xứng đáng được nhận danh hiệu Anh hùng. Mang điều này tới Lê Bá Hùng, anh mỉm cười và bảo: “Thành tích của tôi có to tát gì đâu. Phần thưởng lớn nhất là được dân tin, dân mến thì tôi đã nhận rồi”.

ĐỖ PHÚ THỌ