Bài học 300 triệu đồng cho giấc mơ homestay
Nhìn Lê Ngọc Thuận ngoài đời, khó có thể đoán rằng anh mới bước vào tuổi 38. Thuận tự nhận mình già trước tuổi. Tuy nhiên, bà con ở An Bàng cứ quen gọi là chàng trai trẻ, nên Thuận tự tin thấy mình có sức trẻ để giúp đỡ, hướng dẫn người dân nơi đây phát triển du lịch cộng đồng.
Nhớ lại cách đây 5 năm, khi khu homestay đầu tiên Thuận dựng lên với tên gọi “An Bang Seaside Village” (Làng du lịch ven biển An Bàng) đã bắt gặp những cái nhìn e ngại của người dân. Bởi ở đây, người dân truyền đời từ thế hệ này đến thế hệ khác chỉ biết ra khơi bám biển, chứ làm du lịch thì... nghe xa xôi ở tận đâu đó. Thuận thì cứ bền bỉ làm, rồi vận động bà con. Anh chia sẻ: “An Bàng chỉ là một làng nhỏ, nghèo khó. Thuyền ghe nhỏ nên bà con chỉ đi đánh bắt gần bờ, thu nhập chẳng đáng là bao. Mình đến tận nhà, động viên mọi người. Để thuyết phục được, mình phải làm ra sản phẩm”...
 |
Lê Ngọc Thuận (bên trái) trò chuyện với khách lưu trú trong ngôi nhà homestay An Bàng. |
Khu homestay của Thuận dựng trên mảnh đất của gia đình, nơi cách đây hơn 20 năm các thế hệ trong gia đình Thuận từng sinh sống. Từ gian nhà ngói ba gian, Thuận cải tạo theo kiến trúc dân dã, đóng trần để trời nắng nóng có thể dùng điều hòa, hiên nhà lợp lá dừa, bộ bàn ghế gỗ cũ sơn lại với nhiều màu bắt mắt. Ngả lưng trên chiếc giường bằng tre đặt đệm êm, cầm cuốn sách, thả hồn trong những câu chuyện hay, bên tai rì rào tiếng sóng biển đã tạo nên một khung cảnh nên thơ cho những du khách ở xa, nơi phố thị muốn tìm đến ẩn mình. Khung cảnh hiền hòa, nhà mái đơn sơ vậy thôi, nhưng giá cả khi so sánh với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên phố cổ Hội An lại không phải là rẻ. Giá cho mỗi phòng ở homestay An Bàng dao động từ 80 đến 150USD.
“Thực ra, để có hệ thống homestay An Bàng hoạt động quy mô và được du khách gần xa biết đến như ngày hôm nay, mình đã "nếm" rất nhiều bài học xương máu nhớ đời!”-Lê Ngọc Thuận bộc bạch.
Tốt nghiệp THPT, Thuận đi làm thuê cho các nhà hàng ở phố cổ Hội An với khát vọng sẽ học hỏi được nhiều, sau này tìm kiếm tương lai trên chính quê hương mình. Cho đến một ngày, anh gặp người bạn nước ngoài. Người bạn này đã chắp cánh cho giấc mơ khởi nghiệp luôn ẩn sâu trong tâm trí Thuận, khi chỉ ra rằng, mô hình du lịch cộng đồng (homestay) đang rất phát triển ở các nước lân cận, chẳng hạn như Thái Lan. Đồng hành với người bạn nước ngoài, năm 2005, Thuận về mảnh đất của gia đình mình, hỏi thuê cả những căn nhà của người dân, rồi đầu tư nguyên vật liệu dựng những ngôi nhà homestay, chưa đầy hai năm, vốn liếng tích cóp và đi vay của bạn bè, người thân là 300 triệu đồng mất sạch.
"Nhạc trưởng" giữ nét văn hóa vùng biển
Dẫn chúng tôi vào từng căn nhà, ngắm từng góc vườn, Lê Ngọc Thuận say sưa kể, rằng khi xác định làm mô hình du lịch cộng đồng, anh đặt mình vào địa vị là người cung cấp dịch vụ và hưởng thụ dịch vụ. Vậy mình phải cung cấp cho người hưởng thụ cái gì? An Bàng xưa chỉ là một làng biển đơn thuần, nhưng nét văn hóa lại có sức cuốn hút rất kỳ lạ. Làng nhỏ, những căn nhà gỗ ba gian đượm màu thời gian, buổi tối, cảnh những người vợ, người con giúp cha dong thuyền ra khơi; sáng sớm họ lại hồ hởi ra bờ biển để đón những chiếc thuyền về đầy cá tôm… Khung cảnh bình dị thân thương ấy giúp Thuận “vẽ” nên bức tranh cho cư dân nơi đây, khi điền vào chỗ trống trong những khoảnh vườn, bãi cát những căn phòng, ngôi nhà đượm màu sắc.
Ban đầu, Thuận thuê đất của bà con, dựng nên những ngôi nhà, kể một câu chuyện riêng cho từng ngôi nhà ấy gắn với những kỷ niệm của chủ, nào Nhà chuối-bởi nhà có khu vườn trồng chuối, nào Nhà con sóc, Nhà sồi, Nhà ẩn dấu… Để vận hành những ngôi nhà ấy, Thuận thuê chính chủ nhà làm từ công tác lễ tân, dọn phòng, bảo vệ. Nhưng khi khu homestay phát triển, thu hút đông đảo du khách nước ngoài, đồng nghĩa với việc phải biết ngoại ngữ. Vậy là Thuận cùng những người bạn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho người dân. Nhận thấy cách làm của Thuận được người dân hưởng ứng, chính quyền xã Cẩm An đã tạo điều kiện mở phòng học ngay trung tâm hành chính xã; thuê giáo viên về dạy cho con em trong làng, lớp học còn thu hút cả khách du lịch bước lên bục giảng.
Khi thực sự bước vào làm, Thuận và người dân An Bàng nhận ra rằng, điều cuốn hút du khách đến với làng du lịch ven biển nhỏ xinh này chính là nét văn hóa đời thường ngay trong chính ngôi nhà của họ; là nụ cười thân thiện, lời chào cởi mở khi du khách rảo bước tham quan đường làng; là những hàng rào, cổng nhà nối nhau để khách có thể tự do đi xuyên qua khám phá.
Trực tiếp thiết kế từng ngôi nhà, Thuận bày cách duy trì và hướng dẫn người dân làm homestay. Sau một thời gian thuê đất, Thuận bán lại cho chủ nhà những mô hình đó, rồi cứ thế, những ngôi nhà du lịch cộng đồng nối tiếp mọc lên. Đến nay, 60% số hộ dân An Bàng làm du lịch homestay, trong đó thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình 40-45 triệu đồng/tháng; nếu làm công ăn lương trong những ngôi nhà homestay của Thuận, thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng/tháng (tính cả yếu tố cho Thuận thuê đất). “Làm du lịch cộng đồng, yếu tố tiên quyết không phải là tiền. Bởi nếu có nhiều tiền, mình dựng lên những căn biệt thự 3-4 tầng, xếp đặt trong nhà những tiện nghi đắt tiền, thì không thể thu hút khách bền vững được. Nếu thế, họ tìm chọn khách sạn trên phố, chứ về homestay làm gì. Vậy mình phải phát huy vốn văn hóa của người dân, họ làm theo mình cũng đồng nghĩa với việc họ đang giữ văn hóa của cha ông họ để lại. Đời họ làm tốt, đời con của họ sẽ tiếp nối. Và khi thấy cộng đồng ấy có đời sống tinh thần, vật chất tốt, thì chính quyền sẽ có những chính sách bảo tồn, gìn giữ. Nếu không, những làng nhỏ ven biển sẽ lại rơi vào tay những tập đoàn lớn, như đã xảy ra ở nhiều vùng quê khác”-Thuận lý giải cho sự phát triển Làng du lịch ven biển An Bàng hiện nay như thế.
Ví Lê Ngọc Thuận như "nhạc trưởng”, chị Văn Thị Mai cho biết, trước đây gia đình chị cũng chỉ chông chờ vào những lần đi biển của chồng, lại nuôi ba đứa con đang độ tuổi lớn, ăn học tốn kém. Khi Thuận đến đặt vấn đề thuê đất để làm homestay, gia đình chị Mai cũng băn khoăn lắm, nhưng rồi quyết định cho Thuận thuê. Chị Mai nói: “Chú Thuận đã xây nên ngôi nhà với những căn phòng mà trước đó có lẽ cả cuộc đời chúng tôi chưa dám ước mơ. Chú tư vấn cho con gái lớn của tôi đi học quản trị du lịch, cấp học bổng cho con gái thứ ba đang học lớp 9. Ba đứa con của tôi đều được chú động viên rồi cho đi học lớp tiếng Anh miễn phí. Giờ đứa nào cũng giao tiếp khá tốt với người nước ngoài, về nhà còn hướng dẫn cha mẹ. Tôi cho chú thuê đất làm homestay, chú thuê vợ chồng tôi làm phục vụ, trông coi ngôi nhà. Chúng tôi cố gắng tiết kiệm, sau này các cháu lớn, sẽ mua lại những căn phòng homestay của chú Thuận để các cháu tiếp tục kinh doanh”.
Không chỉ riêng gia đình chị Mai, trong 5 năm qua và cho đến giờ, Thuận đã nhận đỡ đầu và cấp học bổng cho khá nhiều trẻ nhỏ của An Bàng có cơ hội đến trường.
Vẽ tiếp những ngôi nhà mơ ước
Niềm vui đến với cộng đồng làng chài ven biển An Bàng, khi tháng 5-2017, Tổng cục Du lịch Viê%3ḅt Nam trao giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN giai đoạn 2016-2018 cho cụm homestay ven biển An Bàng (TP Hội An), vì đáp ứng được các tiêu chuẩn về dịch vụ buồng phòng, quản lý, gần địa điểm du lịch, an ninh, an toàn cùng các nguyên tắc bền vững.
Hồ hởi kể thành quả của cộng đồng người dân An Bàng, trên gương mặt sạm đen bởi nắng biển của Lê Ngọc Thuận cũng lấp lánh niềm vui, khi anh khoe hôm 27-10 vừa qua, The Chi Villa do Thuận thiết kế nằm giữa làng An Bàng được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Nhất cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước”. Đặt tên The Chi Villa vì chủ của mảnh đất này tên là Chi, Thuận thuê trong 10 năm. Villa có 4 phòng ngủ, đẹp và đạt theo tiêu chuẩn “ngôi nhà mơ ước”, giá cho thuê căn villa này một ngày đêm là 10 triệu đồng, thế nhưng từ lúc đưa vào vận hành đến nay gần một năm, ngôi nhà chưa một ngày vắng khách.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thuận bày tỏ muốn làm rất nhiều, Thuận đang tiếp tục đi xây những “ngôi nhà mơ ước”, tới đây sẽ là làng ven biển Cẩm Thanh, làng nước mắm truyền thống Bình Dương (TP Hội An); rồi cả một số bạn bè, những người muốn xây dựng homestay ở các làng ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, hay Quảng Ngãi cũng đang theo Thuận để học hỏi…
Đi trên bãi biển An Bàng, sóng rập rờn xô bờ cát mịn, quang cảnh sạch sẽ, chốc chốc lại có một nhân viên vệ sinh thu lượm cọng rác do sóng đẩy vào; những du khách châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc bình thản đẩy xe cùng con nhỏ nô đùa, lăn mình trên cát, mới cảm nhận hết sự đổi thay của làng chài cũng như hiệu quả của du lịch cộng đồng nơi đây.
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ