Ông Trương Xuân Tiêu, bà Võ Thị Niệm ngụ tại thôn Sơn Lợi, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Ông Tiêu nguyên là Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thọ Sơn, nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thọ Sơn. Khi còn tại ngũ, ông Tiêu phục vụ tại Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 và bị thương trong chiến đấu năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1973, ông được trên giải quyết xuất ngũ. Tuy nhiên, sau đó ông không về địa phương, mà lại tiếp tục chuyển sang lực lượng TNXP và làm Đại đội trưởng Đại đội 2711, Đoàn 559. Tại đơn vị mới, ông Tiêu một lần nữa bị sức ép của bom B-52, bị bỏng ở ngực và chấn thương vùng đầu. “Trận đó 9 đồng chí hy sinh, trong đó có 4 đồng chí TNXP và 5 đồng chí bộ đội”, ông Tiêu nhớ lại.
Hai vợ chồng CCB, cựu TNXP Trương Xuân Tiêu- Võ Thị Niệm.
Bà Võ Thị Niệm đi TNXP năm 1967 và được bổ sung vào Tổng đội 271 TNXP đường sắt, Thuộc Bộ Giao thông vận tải. Thời điểm đó, do đã tốt nghiệp cấp ba, bà Võ Thị Niêm được cấp trên giao làm thống kê - kế toán đơn vị. Bà Niệm nhớ lại, một lần sau chuyến đi nộp báo cáo cho Tổng đội TNXP đóng ở Thanh Hóa, trên đường về đến huyện Tĩnh Gia, máy bay Mỹ thả pháo sáng và bắn rốc-két trúng vào hai xe của bộ đội chở gạo vào tuyến trong. Không chần chừ, bà băng trong đạn lửa, cõng được một đồng chí ra ngoài, rồi quay lại cõng tiếp người còn lại. Nhưng vừa chạy chừng mươi mét thì bất ngờ một quả bom nổ gần đó, đất đá chụp lên cả hai người. Bà Niệm bị sức ép, chấn thương ở lưng nay vẫn còn đau mỗi khi trở trời. Hai đồng chí bộ đội lái xe bị thương quá nặng, nên đã hy sinh cách đó khoảng 500m. Bà đưa thi thể từng đồng chí vào ga Hoàng Mai và cùng đồng đội an táng. Cuối năm đó, bà Niệm được đơn vị bầu là Chiến sĩ thi đua và được đi dự Hội nghị Điển hình tiên tiến phụ nữ toàn quốc.
Thấm đẫm nỗi niềm của những người lính trở về sau chiến tranh, trực tiếp chứng kiến hy sinh của đồng đội và nhiều lần thoát chết trong gang tấc, xuất phát từ sự đồng cảm, sẻ chia những mất mát, đau thương của bao gia đình liệt sĩ, ông Tiêu, bà Niệm đã tự nguyện dâng hiến công sức, làm công việc nghĩa tình. Tại Bình Phước, sau những năm lập nghiệp, ổn định kinh tế, vợ chồng ông Tiêu gia nhập Đoàn CCB tình nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của tỉnh. Cứ mỗi lần đi thực hiện công việc nghĩa tình, bà Niệm lại gọi con cháu về trông coi nhà cửa, thay ông bà chăm nuôi đàn gà lợn, chăm sóc vườn cà phê...
Nếu tìm kiếm hài cốt trên địa bàn tỉnh, cứ sáng đi tối về, ông Tiêu đèo bà Niệm trên chiếc xe máy, có đợt đi xa hơn 100km. Còn ở ngoài tỉnh, có khi phải ở lại mấy ngày, như đợt ra huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cất bốc, quy tập 74 hài cốt liệt sĩ. Qua 4 lần khai quật khu mộ tập thể tại vùng phụ cận sân bay Phước Bình (nay là Trung tâm thị xã Phước Long, Bình Phước), Đoàn CCB tình nguyện tỉnh, trong đó có vợ chồng ông Tiêu - bà Niệm, có mặt cùng Đội K72, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã khai quật nhiều ngày liền. Có ngày đang nắng gắt, trời bỗng chuyển đổ mưa, vết thương cũ đau nhức, nhưng ông Tiêu, bà Niệm vẫn không rời hiện trường…
Ông Vũ Đình Luật, Trưởng đoàn CCB tình nguyện tỉnh Bình Phước cho biết: “Những năm qua, Đoàn CCB tình nguyện tỉnh đã quy tập 113 hài cốt liệt sĩ, được Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước tặng bằng khen, giấy khen. Tập thể Đoàn CCB tình nguyện tỉnh được Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tặng bằng khen. Đoàn đã khảo sát và tham gia khai quật 238 điểm, trực tiếp đóng góp hơn 800 ngày công thăm dò, tìm kiếm và cùng các đơn vị chức năng địa phương đào bới, khai quật, trong đó phải kể đến công lao đóng góp lớn của vợ chồng đồng chí Tiêu”.
Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông Tiêu đang kiểm tra vườn cà phê sau đợt bón phân. Hơn 4ha cà phê xanh tốt xen điều là thành quả lao động của gia đình. Lợi nhuận hằng năm sau thu hoạch mùa, trừ các khoản chi phí, trả tiền công lao động, để lại một khoản chi tiêu gia đình, số còn lại vợ chồng ông Tiêu dành cho việc làm từ thiện và đóng góp vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (khoảng gần 20 triệu đồng/năm). Bà Niệm còn tổ chức chỗ ăn, nghỉ, cơm nước và hỗ trợ tiền tàu xe cho các gia đình ở xa có hoàn cảnh khó khăn đến tìm kiếm và đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương.
Với những đóng góp trong kháng chiến và trên “mặt trận mới”, ông Tiêu, bà Niệm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, hạng Nhì; được Trung ương Hội CCB Việt Nam, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng kỷ niệm chương, cùng nhiều bằng khen, giấy khen, chứng nhận “Tri ân liệt sĩ”, “Bảng vàng tri ân”... Những việc làm tình nghĩa, nhất là với các đồng chí, đồng đội đã hy sinh và tấm lòng hảo tâm của hai ông bà được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao, thực sự là những gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ”, thanh niên xung phong trên mặt trận mới.
Bài và ảnh: DUY HIẾN