Ý chí vượt khó làm giàu

Sau hơn 7 năm làm thợ sửa chữa ô tô ở Đơn vị Z7, Cục Hậu cần, Quân khu 7, đến năm 1977, ông Trần Ngọc Khanh (sinh năm 1954) được phục viên. Từ xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, An Giang, ông Khanh cùng gia đình đến lập nghiệp, làm kinh tế ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp (Bình Phước). Tại địa phương cư trú, ông tham gia nhiều lĩnh vực, kinh qua nhiều vị trí công tác: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bù Đốp và xã Tân Thành; đại biểu Hội đồng nhân dân xã Tân Thành nhiệm kỳ 2004 - 2011, Ủy viên Hội khuyến học huyện Bù Đốp, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Thành...

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trần Ngọc Khanh (bên phải) tại vườn tiêu diện tích hơn 4ha của gia đình.   
Những năm đầu gian nan không kể hết, nhưng với tính cần cù và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Khanh đã vượt qua mọi gian khó. Ông cho biết: “Thời gian đầu gia đình tôi khai phá được 2ha đất để làm rẫy; hằng ngày, tôi vừa làm việc nhà, vừa đi làm thuê, vừa phải tìm tòi học hỏi cách làm kinh tế. Vợ chồng cùng đồng cam cộng khổ vừa làm rẫy, vừa kết hợp buôn bán nhỏ và chăn nuôi. “Góp gió thành bão”, gia đình dần có được một ít vốn liếng để mua thêm đất canh tác. Qua tìm hiểu tôi thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với một số cây công nghiệp như: Cây tiêu, cây điều, cao su và cà phê. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bước đầu tôi trồng hoa màu và xen các loại cây có giá trị kinh tế cao”.

Ông Khanh cũng rất tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật do Hội Nông dân xã và huyện phối hợp tổ chức, qua đó nắm bắt kiến thức khoa học ứng dụng vào thực tế sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, tổng diện tích đất canh tác của gia đình ông đã có gần 50ha. Những năm cao su và hạt tiêu có giá cao, thu nhập của gia đình đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ý chí làm giàu chính đáng trên vùng đất biên giới của CCB Trần Ngọc Khanh thật đáng khâm phục. Từ làm ăn có lãi, ông Khanh tiếp tục lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng bạc và xây dựng cây xăng trên tuyến đường liên xã, nơi ông cư trú. Với gần 50ha đất canh tác, trong đó 40ha cao su, 4ha tiêu, 2ha trồng lúa nước và ao thả cá..., hằng năm, CCB Trần Ngọc Khanh đã tạo công ăn việc làm cho 35 lao động, hầu hết là con em các gia đình CCB, với mức lương tối thiểu từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng.                                          

“Ông Khanh từ thiện”

CCB Trần Ngọc Khanh còn được các CCB và người dân ở địa bàn xã Tân Thành gọi bằng cái tên trìu mến: “Ông Khanh từ thiện”. Gia đình ông là địa chỉ tin cậy cưu mang người nghèo và các gia đình CCB khó khăn. Khi đã có của ăn của để, ông Khanh càng  nghĩ đến những ngày khó khăn, gian truân vất vả và càng thương cảm và chia sẻ cùng đồng đội và người nghèo khó. Giàu có nhưng ông rất bình dị hiền lành, luôn hướng về người nghèo. Gần 20 năm qua, ông đã giúp đỡ các CCB và các gia đình nghèo khó bằng nhiều hình thức, như xây tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Nhà đại đoàn kết”, “Nhà tình thương”; giúp gạo, tiền cho các cháu nghèo hiếu học; giúp các vùng và gia đình bị thiên tai bão lũ… với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

 Cùng với ý chí vươn lên, làm giàu, thành đạt, vợ chồng ông Khanh còn chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn và liên tục tham gia đóng góp từ thiện. Ông đã cho các hộ nghèo là hội viên CCB vay không tính lãi với số tiền hàng trăm triệu đồng; giúp đỡ một số hội viên và bà con láng giềng lúc giáp hạt thiếu ăn tổng số hơn 20 tấn gạo; ủng hộ Hội CCB huyện Bù Đốp 40 triệu đồng để xây tặng 2 căn nhà cho hội viên nghèo, gặp khó khăn về nhà ở. Năm 2011, hưởng ứng phong trào góp vốn giúp nhau giảm nghèo của Hội CCB tỉnh Bình Phước, CCB Trần Ngọc Khanh đã ủng hộ 60 triệu đồng cho Hội CCB tỉnh và 5 triệu đồng cho Hội CCB xã Tân Thành. Chỉ tính riêng các năm 2011 – 2013, CCB Trần Ngọc Khanh đã ủng hộ, giúp đỡ hội viên khó khăn với số tiền hơn 830 triệu đồng. Ông còn dùng xe ô tô của gia đình (xe 12 chỗ ngồi) chở bệnh nhân nghèo đi bệnh viện không lấy tiền và hỗ trợ nuôi 3 người già có hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa. Bản thân ông còn 17 lần tình nguyện hiến máu nhân đạo và động viên các con trong gia đình, cũng như hội viên Chữ thập đỏ tham gia hiến máu nhân đạo cứu người.

Làm từ thiện được CCB Trần Ngọc Khanh xác định là trách nhiệm và lương tâm của người lính trở về sau chiến tranh, nay làm ăn thành đạt. Ông luôn phấn đấu làm hết mình vì cộng đồng xã hội, với nhiều người đang còn túng thiếu, đồng chí đồng đội còn vất vả khó khăn; đỡ đần, cưu mang bao gia đình, bao học sinh nghèo hiếu học. Toát lên ở ông là đức tính giản dị khiêm tốn và bao dung. Hằng năm, CCB Trần Ngọc Khanh đều ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam, Quỹ đền ơn đáp nghĩa…; hỗ trợ người dân bị thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học.

Là tấm gương tiêu biểu điển hình sống, hết lòng đóng góp cho phong trào xóa đói giảm nghèo của Hội CCB huyện Bù Đốp, bản thân ông luôn xây dựng cho mình cách  làm việc và lối sống lành mạnh, khiêm tốn giản dị, gần gũi, hòa nhã, luôn được đồng chí đồng đội và nhân dân quý mến. Với những đóng góp đáng kể và tấm lòng nhân ái, năm 2011 ông Khanh vinh dự được đi dự Hội nghị CCB giúp nhau xóa nghèo và báo cáo điển hình CCB sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc, tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Ông cũng là một trong những CCB tiêu biểu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước lần thứ 2 và lần thứ 4.

Với thành tích tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chiến sĩ Trần Ngọc Khanh cũng đã được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Với thành tích trong vượt khó làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Trung ương Hội CCB Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước, UBND huyện Bù Đốp và các cấp Hội CCB trao tặng hàng chục bằng khen, giấy khen, bằng chứng nhận...

Bài và ảnh: DUY HIỂN