Đó là một người có tấm lòng nhân hậu…”- ông Trần Đình Lương, trưởng thôn An Phúc Lộc, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh kể với tôi như vậy về ông Lê Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh.

Đầu giờ sáng, tại một quán nhỏ ven đường của miền quê xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, chúng tôi và ông Lê Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh ngồi bên ấm chè xanh thơm ngát. Ông Đồng có dáng người nhỏ nhắn, hơi gầy nhưng có cách nói chuyện rủ rỉ cuốn hút người nghe. Ông kể:

- Chuyện đã qua khá lâu, nhưng thật khó quên. Ngày tôi xuất ngũ rời Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) về quê, cuộc sống cam go lắm. Cha tôi già yếu, đau ốm liên miên, mẹ thì vừa bị tai nạn, hỏng cả hai mắt. Hai vợ chồng tôi đầu tắt mặt tối xoay trần ra làm lụng nuôi cha mẹ già và đàn con dại nên dù cố gắng mấy cũng không đủ ăn, đủ mặc. Quê tôi vốn là xã nghèo nhất nhì huyện Nghi Xuân. Vợ chồng người lính trở về với đời thường, cuộc sống càng nhiều gian khó. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết. Vắt óc suy nghĩ, tôi manh nha gom góp tiền làm kinh tế-dịch vụ. Nhưng kiếm đâu ra tiền, bởi bạn bè, đồng ngũ… ai cũng nghèo như mình, lấy gì mà cho vay? Chỉ còn hy vọng vào ngân hàng nhà nước, nhưng ngày đó (năm 1992) ở vùng quê tôi, một cá nhân đi vay ngân hàng nhiều lắm chỉ được “giải ngân” 5 triệu đồng. Đánh liều, tôi nhờ các đồng chí ở hội cựu chiến binh (CCB) xã, huyện đứng ra bảo lãnh vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Xuân được 15 triệu đồng. Đó là số tiền lớn, trước đó có nằm mơ tôi cũng không thấy…

Ông Lê Văn Đồng (bên phải) trao sổ tiết kiệm tình nghĩa tặng mẹ liệt sĩ Dương Thị Dinh. 

Có tiền vốn vay, vợ chồng ông Đồng mừng lắm, mở ngay cửa hàng dịch vụ phân bón kiêm đại lý vật liệu xây dựng. Chắt chiu, dành dụm, đồng vốn cũng lớn dần lên. Phải mất 6 năm tích cóp, đến năm 1998, vốn liếng của gia đình mới có hơn 70 triệu đồng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông thấy việc xây dựng các công trình ở xã, ở huyện đều phải mua đá hộc, đá dăm từ các huyện Đức Thọ, Can Lộc xa hàng chục cây số, phí vận tải cao, vì thế giá vật liệu xây dựng bị đội lên theo, trong khi ở xã Xuân Liên có dãy Rú Nấy-một dãy núi đá xanh lộ thiên chưa ai khai thác. Sau nhiều lần trèo lên núi khảo sát, ông Đồng quyết định làm đơn xin thành lập doanh nghiệp khai thác đá, lấy tên là Công ty TNHH Bình Minh, ngành nghề chính là khai thác vật liệu xây dựng.

Ông Đồng ngừng kể, nhấp một ngụm nước chè xanh, dõi mắt về phía dãy núi xa xa. Trưởng thôn Trần Đình Lương thấy tôi chăm chú lắng nghe, liền nói xen vào:

- Hồi đó, nhiều thanh niên vùng quê chúng tôi không có việc làm. Nhiều lần, anh Đồng tâm sự rằng anh rất trăn trở bởi hầu hết các anh em đồng ngũ trong làng, trong xã hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vậy là anh tìm đến các đồng đội xuất ngũ và con em các CCB, các hộ nghèo để tuyển dụng vào làm công nhân mỏ đá. Tất cả có gần 30 người, đều được đóng bảo hiểm đầy đủ; lương bình quân mỗi tháng 700.000-800.000 đồng/người, tương đương lương công nhân ở doanh nghiệp nhà nước ngày ấy. Vậy là có gần 30 gia đình đồng đội, CCB và bà con nghèo có thu nhập ổn định, không còn phải chạy ăn từng bữa. Thời gian đầu, mỏ đá mới đi vào hoạt động, doanh thu còn khiêm tốn, hơn nữa anh Đồng còn nợ ngân hàng như “chúa Chổm”, vậy mà anh đã hăng hái giúp người nghèo như thế đó!

Nghe ông Lương kể, ông Đồng chỉ im lặng. Tôi gợi chuyện, ông mới khiêm tốn bộc bạch:

- Việc đó rất bình thường, ai gặp trường hợp như tôi cũng làm như vậy thôi. Chẳng là, nghe tin tôi thành lập doanh nghiệp, anh Sĩ là người tìm đến xin việc đầu tiên. Mặc dù vợ anh Sĩ hay ốm đau, nhưng biết gia đình anh rất khó khăn nên tôi đã nhận cả hai vợ chồng anh vào làm công nhân mỏ đá, trả lương như mọi người. Một lần sắp đến mùa mưa bão, tôi đến thăm, thấy vợ chồng anh ở trong căn nhà tranh lụp xụp, tôi ái ngại quá, bởi anh biết đấy, ở đây gần biển, bão tố thường xảy ra, chỉ cần một cơn bão nhỏ là ngôi nhà sẽ đổ sụp. Tôi liền quyết định hỗ trợ anh 2/3 kinh phí bằng tiền mặt và vật liệu để xây được ngôi nhà ngói hai gian vững chãi. Khi khánh thành nhà, anh chị mời tôi đến mừng nhà mới và cứ nhìn tôi ngân ngấn nước mắt, cảm động không nói nên lời.

Chúng tôi còn được nghe câu chuyện về bà Nguyễn Thị Thành. Bà bị tàn tật, lại không nơi nương tựa, ông Đồng đã hỗ trợ bằng tiền mặt và vật liệu, kết hợp cùng UBND xã xây tặng bà Thành một ngôi nhà tình thương, tuy diện tích nhỏ nhưng chắc chắn. Khi nhận nhà, bà Thành cứ ôm lấy ông Đồng mà nghẹn ngào… Năm 2013, bà Dương Thị Dinh, láng giềng của ông Đồng, là đối tượng chính sách, thuộc diện hộ nghèo của xã đã được ông Đồng tặng một sổ tiết kiệm. Tuy số tiền không nhiều, nhưng đó là tấm lòng của ông đối với mẹ liệt sĩ.

Hằng năm, cùng với việc nộp đầy đủ tiền thuế cho ngân sách Nhà nước, ông Lê Văn Đồng còn tình nguyện hỗ trợ bằng vật liệu và tiền mặt cho Quỹ xóa đói giảm nghèo của xã 5-7 triệu đồng. Trong các dịp lễ Quốc khánh, lễ Nô-en, ông cũng hỗ trợ thanh niên, thiếu nhi và giáo xứ hàng triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Đồng còn hỗ trợ Đồn Biên phòng 160 đứng chân trên địa bàn vật liệu để xây dựng doanh trại, cải tạo cảnh quan môi trường...

Trưởng thôn Trần Đình Lương cho biết thêm:

- Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, thấy con đường An Phúc Lộc trời nắng thì ngập trong cát bụi, trời mưa thì lầy lội, nhân dân đi lại khó khăn, anh đã tự nguyện ủng hộ san đất làm đường và toàn bộ vật liệu làm con đường đá cấp phối dài gần 2km…

Khi được hỏi về những việc làm nghĩa tình của mình, ông Đồng nhỏ nhẹ:

-  Có lẽ đơn giản là vì tôi đã từng thấm thía nỗi khổ của những người nghèo. Ngày mới từ quân ngũ trở về, tôi cũng lặn lội mưu sinh, nghèo khó không khác gì họ. Trong lúc ngặt nghèo đó, một xu dính túi cũng chẳng có, chính đồng đội-những CCB ở xã, huyện đã không ngại ngần, dám đứng ra bảo lãnh để ngân hàng cho tôi vay 15 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp, nhờ đó nên tôi mới có ngày hôm nay. Hơn nữa, đạo lý của người Việt Nam mình rất đáng quý, đáng trân trọng, đó là “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”. Thiết nghĩ, mình giúp mọi người một cách vô tư tức là cũng tự giúp mình rồi đó!

Là CCB, ông Đồng còn là một giáo dân gương mẫu, luôn kính Chúa, yêu nước. Ông bảo rằng, dù theo đạo hay không theo đạo, đã là người Việt Nam thì ai cũng là đồng bào mình, cũng là con cháu Bác Hồ và đều đổ mồ hôi lao động để phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm cho quê hương, đất nước thêm đẹp, giàu. 

Bài và ảnh: NGUYỄN XUÂN DIỆU