Mồ hôi trên con đường nhỏ 

Bám theo con đường mới được san lấp phần nền rộng chừng hai mét còn lổn nhổn đất đá, chúng tôi tiến dần về nơi phát ra những tiếng gõ đập chí chát. Vừa qua một khúc quanh đã thấy bóng một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi đang loay hoay vần một tảng đá lớn. Thấy có người lạ đến, anh tạm dừng công việc, lấy tay áo quệt vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên khuôn mặt gầy, sạm đen vì nắng. Nói về công việc mình đang làm, anh thoáng chút băn khoăn: "Vì không có điều kiện nên tôi chỉ thuê được máy múc loại nhỏ. Khi gặp những phiến đá lớn, tôi phải dùng cuốc, xà beng, búa để đập và phá đá. Vừa phá được tảng đá này thì lại gặp tảng đá khác lớn hơn...". Dứt lời, anh chìa đôi bàn tay chai sần, rớm máu cho chúng tôi xem. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi vừa thấy bùi ngùi, vừa tò mò, nên quyết định tìm hiểu kỹ về anh. Chúng tôi được anh Nguyễn Văn Hải, Trưởng xóm Ban, xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cho biết, người đàn ông mà chúng tôi vừa gặp là Đinh Văn Dũng, sinh năm 1983, ở cùng xóm. Rồi anh Hải tâm sự, do địa hình hiểm trở, lại thường xuyên bị mưa lũ tàn phá, nên đường giao thông của xóm Ban, xóm Chiêng chỉ được làm tạm bợ. Ở cái xóm nghèo này, người dân chỉ sử dụng phương tiện duy nhất là thuyền để đi lại. Bởi thế, nhiều đời nay, xóm Ban gần như biệt lập với bên ngoài, nhất là khi trời mưa bão. Trước nhu cầu cấp thiết của người dân cần phải có con đường để khi ốm đau thì tiện đi khám bệnh, trẻ em tiện đi học, bà con tiện trao đổi hàng hóa, người dân xóm Chiêng và xóm Ban đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương. Năm 2014, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện chương trình đường nội xóm. Tuy nhiên, con đường này mới chỉ thi công được quãng 600m thì phải tạm dừng để... chờ vốn, nên người dân vẫn chưa thể sử dụng được. Người dân hai xóm lại họp bàn, nhưng thời gian cứ trôi đi, mãi việc vẫn không chuyển do khó khăn về kinh tế. Vốn sinh ra và lớn lên ở địa phương, thấu hiểu nỗi vất vả của người dân, anh Dũng đã lẳng lặng tự bỏ tiền thuê một chiếc máy múc loại nhỏ và bắt đầu dọn đá, phát cây, múc đất làm đường...

Hộ nghèo nhưng giàu lòng nhân ái

Khi tôi hỏi: “Không có kinh phí, lại ở xa trung tâm xã, điều gì đã thôi thúc anh một mình làm con đường này?”. Không chút do dự, anh Dũng cười rồi bảo: “Từng chứng kiến nhiều ca bệnh hiểm nghèo, nhiều người bệnh nguy kịch do đưa đến các cơ sở y tế chậm, tôi nung nấu ý định làm đường từ lâu rồi, nhưng chưa có điều kiện để thực hiện”. Thế rồi câu chuyện về một "sự cố" của gần mười năm trước được anh Dũng kể rành rọt. Tháng 8 năm 2009, chị Đinh Thị Tin, ở xóm Diềm trở dạ, người thân vội đưa chị xuống thuyền. Khi đến được trạm y tế xã thì các y sĩ ở đây không can thiệp được, nên giới thiệu lên tuyến trên. Tuy nhiên, vừa đi được khoảng 2km, chị Tin trở dạ và sinh con ngay trên đường. Từ đó đến nay ở xóm Ban, xóm Chiêng, xóm Diềm cũng còn khá nhiều trường hợp tương tự như chị Tin. Thế nên mọi người cứ ao ước, giá như có một con đường...

Anh Đinh Văn Dũng (bên phải) trên “công trường” làm đường vượt núi. 

Anh Dũng cũng chia sẻ, nhiều đêm trời mưa lớn, anh nghe rõ tiếng ầm ầm của nước lũ đổ về. Nước lũ từ các sườn núi dốc đổ xuống khiến nước sông Đà dâng lên rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, nước lũ đã nhấn chìm cây cối, vườn tược và hoa màu của những gia đình ở mạn thấp. Giữa mưa lũ mịt mùng, anh lại cùng người dân di dời người và tài sản của bà con xung quanh lên đồi cao tránh lũ. Những lúc như thế, anh Dũng chỉ biết bấm bụng nhủ thầm, mong sao không có ai đau ốm, bởi giữa bốn bề nước lũ, sườn núi cao bao vây, nếu ai đau ốm đột xuất thì chỉ còn biết phó mặc vào sự may rủi mà thôi.

Kể đến đây, giọng anh bỗng chùng xuống, hơn 30 năm sống ở xóm Ban, anh đã chứng kiến nhiều ca bệnh, thậm chí có người đã thiệt mạng do đường sá đi lại khó khăn, không thể cấp cứu kịp thời...

Sau hơn một ngày ở xóm Ban, tôi càng hiểu và thêm thán phục công việc mà anh Dũng đang làm. Ấn tượng hơn cả là khi tôi biết, gia đình anh Dũng đang thuộc diện... hộ nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào củ sắn, hạt ngô. Trong lúc nông nhàn, hai vợ chồng anh phải đi chặt luồng thuê để kiếm thêm thu nhập. Theo lời kể của anh, hôm ấy, sau khi biết người dân xóm Ban không có tiền góp làm đường, anh quyết định giấu bố mẹ, vợ con và sử dụng số tiền hơn 40 triệu đồng đã vay trước đó định mua trâu, dùng vào việc mua dầu, thuê máy múc và bắt tay vào việc làm đường. Khi chiếc máy cạp những vạt đất đầu tiên, nhiều người trong xóm ra xem. Cuối cùng họ cũng tản về, lắc đầu bảo nhau: "Cái thằng rỗi hơi, đã nghèo lại còn ôm rơm rặm bụng"... Nhưng ý đã quyết, anh Dũng bỏ qua mọi lời dị nghị, quyết tâm thực hiện ý định đến cùng.

Thế nhưng, vì có một mình làm việc nên nhiều hôm anh mới về đến nhà rất muộn. Cũng có lúc suy nghĩ nhiều, anh liên tục mất ngủ, thêm vào đó là làm việc nặng lại ăn uống thất thường, nên anh Dũng gầy sọp đi. Khi biết chồng dùng số tiền vay mượn dành mua trâu vào việc làm đường, chị Phấn chỉ im lặng. Thương vợ con, đôi lúc cái ý nghĩ “tạm dừng lại” lởn vởn trong đầu, nhưng cứ nghĩ đến cảnh người thân đau ốm phó mặc vào số phận, anh lại gạt phắt ý nghĩ ấy đi. Thấy chồng nhiều đêm mất ngủ, thi thoảng lại dậy hút thuốc, chị Phấn cũng không ngủ được. Biết tính anh Dũng đã quyết là làm, nên chị chỉ lẳng lặng chăm sóc và cơm nước cho anh...

Kể đến đây, anh Dũng cười hiền: “Thôi, mình cứ làm, cũng chẳng đi đâu mà thiệt, toàn là bà con, hàng xóm của mình cả...”.

Giấc mơ “cán đích”

Khi tôi hỏi: “Bao giờ thì có thể thông đường?”, anh Đinh Văn Dũng chỉ tay về phía sườn núi trước mặt, nơi có những tảng đá vừa bị đánh bật lên và kể, trừ khi mưa lớn, chứ bình thường khi trời vừa hửng sáng là anh đã có mặt trên “công trường” của mình rồi. Càng làm thì thấy khó khăn càng tăng lên, công việc cũng gian nan hơn, bởi lên cao thì độ dốc lớn và lắm đá. Thêm vào đó, kinh phí để mua xăng, dầu cũng dần cạn kiệt vì bạn bè, người thân không thể hỗ trợ anh được nữa. Khó khăn là vậy, nhưng nhìn vào ánh mắt của anh, tôi nhận thấy nó luôn tràn trề những tia hy vọng, bởi theo anh, nếu thông đường, việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn, nhất là xóm Ban sẽ không còn bị cô lập nữa.

Có dịp trò chuyện với người dân xóm Ban về việc anh Dũng tự bỏ tiền của gia đình để làm đường, bà Hà Thị Dường ở xóm Ban, cho biết: “Nhiều người cho rằng anh ta (chỉ anh Dũng) mua việc. Thậm chí, có người còn bảo toan tính này khác, nhưng đấy là mọi người. Riêng tôi thấy không phải ai cũng dám làm, dám hy sinh quyền lợi riêng tư vì mọi người như anh ấy”.

Có lẽ cũng có chung suy nghĩ như bà Dường, nên khi chúng tôi đề cập tới việc anh Dũng đang làm, ông Đốc, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, xúc động bày tỏ: “Tôi rất mừng vì ở địa phương mình lại có người hết lòng vì mọi người như anh Dũng. Chính quyền địa phương mong các nhà hảo tâm, người dân có điều kiện ủng hộ anh Dũng, người dân xóm Ban để họ sớm hoàn thành con đường”.

Đem câu chuyện nghe được từ những chia sẻ của người dân và lãnh đạo địa phương trao đổi với anh Dũng, anh chỉ cười rồi nói như khẳng định: “Đã quyết định thì em sẽ dốc tâm, dốc sức vào làm dù ai nói gì, nghĩ gì. Em chỉ mong thời tiết thuận lợi để hoàn thành con đường sớm nhất. Có gì vui hơn khi được thỏa mãn cái tâm nguyện bấy lâu của mình”. Anh Dũng cũng chia sẻ thêm với chúng tôi, sau khi thông đường, anh sẽ tập trung lao động để kiếm tiền trang trải nợ nần.

Trước khi rời xóm Ban, chúng tôi được người dân đưa trở lại UBND xã trên con thuyền cũ kỹ, tròng trành xuôi theo dòng nước. Nếu đã từng sinh ra, lớn lên và gắn bó với những người dân nghèo ở vùng sâu, hẳn ai cũng thấu hiểu giá trị của những con đường. Ngước nhìn lên phía xa, đã thấy hình hài con đường đất đỏ ngoằn ngoèo hướng lên phía đỉnh núi. Trên con đường ấy, giữa lem nhem bùn đất là bóng dáng người đàn ông nhỏ nhắn đang gò lưng đẩy những tảng đá lớn để tạo mặt bằng. Quyết tâm của anh về một con đường chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH - PHẠM TUẤN