"Người mẹ" của những mảnh đời không lành lặn
Chúng tôi đến thăm Làng Hữu nghị Việt Nam ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội vào một ngày đầu thu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhân viên hành chính, dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu từng khu của làng. Chị nói vanh vách như đã nằm lòng về tính năng của từng nhà, công việc của mọi người và cả tên tuổi, quê quán, đặc điểm của các em được nuôi dưỡng ở từng khu. Chị kể về các thành viên của làng nay đã trưởng thành, như: Em Trần Công Sự, sinh năm 1991, quê ở xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, được Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina (Vĩnh Phúc) về làng tuyển thẳng; em Lê Đình Cường, quê ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, làm bảo vệ Công ty TNHH Ánh Dương với mức lương 5 triệu đồng/tháng…
Cô Vũ Thị Mỹ Tho hướng dẫn em Nguyễn Thị Sen tập vận động giữ thăng bằng đôi chân bằng cách lăn trụ.
Kể về các em, gương mặt chị tràn đầy niềm vui, phấn khởi. Chị chia sẻ: "Ít người biết rằng thời gian đầu, các mẹ, các cô đến với làng chỉ đơn giản để tìm việc làm. Nhưng vào làng thấy các cháu tội lắm, mỗi cháu mỗi cảnh. Cháu thì bị hỏng mắt, cháu thì câm, điếc; nặng hơn thì bại liệt, trí não chậm phát triển, bị tăng động la hét suốt ngày, đi đại tiện, tiểu tiện bừa bãi… Thương những mảnh đời bất hạnh, chúng tôi đã không quản ngày đêm chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cháu, coi chúng như những đứa con mình dứt ruột đẻ ra...”.
Tại lớp phục hồi chức năng, cô Vũ Thị Mỹ Tho, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, đang hướng dẫn em Nguyễn Thị Sen, bị bại não, liệt 1/2 người trái, yếu cơ miệng... tập bài vận động giúp miệng em ngậm lại được. Cô Tho vừa hướng dẫn em Sen tập, vừa cho chúng tôi biết: Bài vận động bàn tay gọi là vận động tinh (xếp đồ chơi), bài vận động thô (ném bóng vào vòng); ngồi lên trụ giữ thăng bằng đôi chân, nằm vắt ngang người qua trụ, chống tay chịu trọng lực cơ thể, giúp trẻ vận động linh hoạt hơn... Cô Tho chia sẻ: Các em có bệnh lý khác nhau nên không thể tập cùng mà phải phân chia thời gian mỗi em một giờ. Cái khó khi dạy trẻ chậm phát triển là trẻ nói trước quên sau, nhanh chán nên cùng một bài tập, các cô phải hướng dẫn trẻ tập nhiều lần và tìm nhiều trò chơi khác nhau để trẻ hợp tác hiệu quả mà không chán.
Chia tay cô Tho và các em lớp phục hồi chức năng, chúng tôi đến thăm những ngôi nhà đặc biệt của làng. Từ nhà T2 đến nhà T5, mỗi nhà đều có hai cô chăm sóc. Nhà T5 có nhiều em bị tăng động, bệnh nặng không thể tự di chuyển được. Nhà T3, T4 toàn con trai, các em đang ở độ tuổi mới lớn, tâm sinh lý đang thay đổi nên cần bảo ban, dạy dỗ, chăm sóc nhiều hơn. Nhà T2 tập trung toàn con gái. Khi chúng tôi đến nhà T6 đúng lúc “mẹ vắng nhà”. Tranh thủ trong lúc đợi chị Trần Thị Ban, mẹ của những đứa trẻ nhà T6 về, chị Hà kể cho chúng tôi về những bà mẹ "đặc biệt" của làng.
Điển hình là hai chị em ruột Trần Thị Thuyến, Trần Thị Ban đã gắn bó với làng được 11 năm. Các chị chăm sóc những em khuyết tật cả ngày lẫn đêm. Buổi sáng, các em tới lớp học văn hóa, học nghề trong làng, các chị làm việc nhà, chăm sóc những em bệnh nặng. Đến trưa, bọn trẻ tan học, các chị lo cho chúng ăn. Nói đến đây, tôi thấy những đứa trẻ reo lên: “A, mẹ lấy cơm về rồi!”, rồi đứa lớn nhất nhanh nhảu chạy ra bê giúp mẹ. Dường như bao nỗi mệt nhọc của chị Ban nhường chỗ cho nụ cười hạnh phúc khi chị nhận được sự quan tâm từ những đứa con đặc biệt này.
Chị Ban gạt vội mồ hôi trên trán, nhanh chóng đặt từng suất cơm xuống bàn và cắt thức ăn. Tôi hỏi chị: "Cả ngày, cả đêm chị ở đây chăm sóc những đứa con đặc biệt này, việc gia đình các chị thì ai lo?". Chị Ban nở nụ cười và nói với giọng rất lạc quan: "Tôi cũng như các chị khác, được chồng và gia đình thông cảm, thu vén mọi việc, các con tự giác, nỗ lực học tập để mẹ yên tâm vào làng chăm sóc những đứa con, đứa em thiệt thòi này". Chị Ban cho biết, hằng ngày được nghỉ hai giờ buổi trưa nhưng chị chỉ tranh thủ về xem nhà cửa, ăn vội bát cơm rồi lại trở vào ngay với bọn trẻ. Chị tâm sự: Hầu hết các cháu vào đây, từ việc vệ sinh cá nhân, các mẹ đều phải dạy, uốn nắn như những đứa trẻ lên 2, lên 3 tuổi, mặc dù đã 10-15 tuổi. Và phải mất từ 3 đến 6 tháng dạy đi dạy lại nhiều lần có em mới tiếp thu được. Có em nhiều đêm do thần kinh không ổn định, tăng động nên la hét, chạy khắp nhà. Rồi những lúc trái gió trở trời, sốt rét, sốt nóng đều một tay các mẹ của làng chăm sóc, lo toan...
Cùng với việc chăm sóc các em, các cô bảo mẫu của làng còn là những chuyên gia tâm lý khi trẻ ở độ tuổi dậy thì. Đến nhà T4, nơi đang nuôi dưỡng các em độ tuổi 10-17, cô Trần Thị Thuyến chia sẻ: Đối với trẻ phát triển bình thường, tuổi dậy thì tâm sinh lý thay đổi đã khó cho các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng những bà mẹ “đơn thân” ở đây phải đảm nhiệm cả hai vai. Với con trai, mẹ phải như ông bố hiểu tâm lý của một cậu con trai mới lớn; với con gái, mẹ lại như người bạn gái đồng hành chia sẻ những suy tư của tuổi dậy thì. Những đứa trẻ khuyết tật này phần sinh lý phát triển mạnh hơn theo bản năng; con trai nhà này muốn kết thân với con gái nhà bên, muốn làm người lớn… nên việc quản lý đòi hỏi phải sát sao, nhẫn nại, tinh tế và tình cảm hơn.
“Làng” của tình nhân ái
Với diện tích 2.500m2, Làng Hữu nghị Việt Nam là một ngôi làng thu nhỏ gồm: Khu hành chính, trung tâm y tế, 6 lớp học văn hóa đặc biệt, 4 lớp dạy các nghề: May, vi tính, làm hoa nghệ thuật, thêu; ngoài ra, làng có 5 ngôi nhà đặc biệt, mỗi nhà nuôi 20-21 em khuyết tật và có 9 cô bảo mẫu. Ban giám đốc là các CCB đã nghỉ hưu, hằng ngày không quản ngại nắng mưa, đi 7-12km tới làng tham gia quản lý, hỗ trợ chăm sóc, giúp đỡ đồng đội và con em của họ. Hằng năm, làng đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến chia sẻ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần.
Ông Nguyễn Cao Cử, Phó giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam, cho biết: Làng thường xuyên nuôi dưỡng 600-700 CCB/tháng và 100-120 trẻ khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở các tỉnh từ Quảng Bình trở ra phía Bắc; con trai từ 5 đến 16 tuổi, con gái từ 5 đến 20 tuổi, các em được ở tại làng từ 3 đến 5 năm...
Các CCB được chăm sóc sức khỏe, kết hợp điều trị cả Đông-Tây y, đồng thời được chăm lo về đời sống tinh thần, như tham gia các hoạt động: Tham quan danh thắng của Thủ đô, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, viếng Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh... cùng các hoạt động văn hóa-thể thao, giao lưu văn nghệ trong làng và với địa phương, làm tăng niềm tin tưởng, lạc quan cho mỗi người, bệnh tật cũng dần được ổn định.
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe các CCB, từ khi thành lập đến nay, làng đã chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nhiều con em các CCB. Đến nay, đã có 270 em trở về gia đình, hòa nhập với cộng đồng, còn một số em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn như em Nguyễn Thị Văn Long, sinh năm 1986, ở Ý Yên, Nam Định, vào làng từ năm 1998, theo quy định thì em phải trở về gia đình, nhưng xét hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, em của Long cũng bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin nên Ban giám đốc đã quyết định cho em ở lại, đến nay đã 13 năm..., ông Nguyễn Cao Cử chia sẻ.
Cũng giống trường hợp của em Long, nhưng em Đặng Thị Nụ là trường hợp đặc biệt nhất của làng. Ông nội của Nụ tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc da cam nên sinh ra bố của Nụ bị tâm thần.
Nụ ra đời đã bị khuyết tật bẩm sinh. Đôi mắt em không nhìn thấy ánh sáng, đôi tai không nghe được âm thanh của cuộc sống và miệng không thể phát ra âm thanh. Em nhận biết người quen qua mùi mồ hôi. Bố và mẹ em sau khi chia tay nhau đã có cuộc sống riêng. Hội CCB ở địa phương đã đưa Nụ vào làng. Các bạn ở đây thi thoảng vẫn có người nhà vào thăm nom nhưng với Nụ, cả năm may ra mẹ em mới đến thăm em được một lần. Tết đến, các bạn được gia đình đến đón về ăn Tết, còn riêng Nụ, làng phải điều xe đưa em về tận nhà, sau vài hôm gia đình lại gửi em vào làng, thế là các cô bảo mẫu phải sắp xếp người ở lại làng chăm sóc em.
Chúng tôi chuẩn bị ra về thì Phó giám đốc Nguyễn Cao Cử cũng vừa tiếp đoàn khách đến thăm làng, trao tiền và quà ủng hộ. Ông dặn cô phụ trách nhập tiền vào quỹ của làng và phấn khởi như khoe với chúng tôi: “Cái máy giặt đang hỏng, may quá được quà ủng hộ nên mai mốt thay máy mới để các cô bảo mẫu đỡ vất vả". Và biết bao việc làm bình dị đong đầy tình thương, lòng nhân ái của cán bộ, bảo mẫu nơi đây đã và đang góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, khiến chúng tôi thực sự xúc động, cảm phục. Mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin nói chung và ở Làng Hữu nghị Việt Nam nói riêng cả về vật chất và tinh thần.
Bài và ảnh: XUÂN HUYỀN