Tấm lòng từ tâm, thiện nguyện
Những năm trước đây, chùa Dâu, quanh năm u tịch, vắng lặng, nằm nép mình bên sườn đồi ở thôn Tiên Phong, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Nhưng 6 năm trở lại đây người ra vào chùa đều tận mắt thấy những em nhỏ trong khu nhà ngang, hoặc vui đùa trên sân chùa. Kể về cơ duyên, cũng như định mệnh gắn bó đời tu hành của mình với lũ trẻ, nhà sư Thích Đàm Lương tâm sự: “Trong một đêm khuya thanh vắng của một ngày đầu năm 2010, tôi đang ngủ bỗng nghe tiếng khóc của một trẻ nhỏ. Tới nơi, tôi thấy một bé sơ sinh bị người mẹ bỏ lại trong đêm cùng mấy bộ tã lót. Tôi chẳng biết gọi ai, đành lẳng lặng ôm đứa bé tội nghiệp đưa vào chùa…”
Nhà sư Thích Đàm Lương cùng 3 em nhỏ được nuôi dưỡng tại chùa.
Nhà sư bảo, có lẽ định mệnh và cơ duyên, nên bé gái đó đã gắn bó với mình. Những ngày đầu, nhà chùa có tiếng khóc của trẻ sơ sinh cũng chính là thời gian sư Lương phải chịu bao điều tiếng, cả những lời miệt thị. Nhiều người dân làng trên, xóm dưới đồn đoán, truyền tai nhau câu chuyện “nhà sư mới lâm bồn, có con nhỏ đang nuôi trong chùa!”. Nhiều bà đi chợ, mỗi khi thấy nhà sư thoáng qua, lại nhìn với con mắt miệt thị, cùng những lời bàn tán. Đỉnh điểm của câu chuyện là việc các đoàn thể ở thôn Tiên Phong và xã Nội Hoàng đã họp bàn đưa ra nhiều ý kiến gay gắt. Sư Lương nhớ lại và kể: “Thôn họp bàn và nhiều người có ý kiến phải đuổi nhà sư ra khỏi chùa; chính quyền xã Nội Hoàng cũng nhiều lần cử cán bộ đến tìm hiểu sự việc…”
Mỗi khi màn đêm buông xuống, ôm đứa bé mà mình vừa đặt cho cái tên Đặng Ước Thiện, sư thầy Thích Đàm Lương lại rưng rưng nước mắt xót xa cho thân phận của cháu bé và nỗi tủi hổ, khi mình làm việc phúc, nhưng lại phải chịu tiếng xấu.
40 tuổi đời, sư thầy Thích Đàm Lương đã có 17 năm trụ trì ở chùa Dâu và luôn tâm niệm, đã nương nhờ nơi cửa Phật thì phải ăn ở, mang phúc cho đời; đạo và đời phải luôn gắn kết, đan hòa vào nhau. Chính điều đó đã giúp nhà sư thêm quyết tâm và vững tin vượt qua khó khăn để nuôi bé Thiện khôn lớn.
Năm 2012, sư Lương tiếp tục nhận về chùa Dâu thêm 2 đứa trẻ nữa bị bỏ rơi; đó là các cháu: Hoài Linh và Hoài Lan. Giờ đây, hai cháu đã 4 tuổi, luôn ngoan ngoãn và vui đùa rất hồn nhiên.
Tôi hỏi:
-Bạch thầy, thầy lấy tiền đâu để mua sữa, mua quần áo, nuôi nấng các em nhỏ?
-Nhà chùa cũng khó khăn lắm, nhưng tôi không để bọn trẻ phải chịu đói, chịu rét, dù chỉ một ngày – nhà sư trả lời.
Với tấm lòng đôn hậu, nhà sự kể: “Tôi còn sức khỏe, nên vẫn đi làm ruộng được, thậm chí nhiều người thuê làm công tôi cũng làm, để có thêm tiền nuôi bọn trẻ. Rồi trong những lần đi làm từ thiện, có người thấy hoàn cảnh nhà chùa nuôi trẻ nhỏ còn nhiều khó khăn, nên thương cảm đã giúp đỡ để mua sữa, mua quần áo cho các cháu”.
Ba chị em Ước Thiện, Hoài Linh, Hoài Lan cứ như vậy lớn lên trong tình thương yêu của sư Lương và những tấm lòng hảo tâm khác. Bé Đặng Ước Thiện giờ đã 6 tuổi, được nhà sư cho đi học tại Trường tiểu học xã Nội Hoàng. Thỉnh thoảng nhà sư có chút tiền lại mua cho Thiện bộ quần áo mới, đôi giầy mới để bé không cảm thấy bị thiệt thòi khi đi học cùng với chúng bạn. Đi học về, bé Thiện gọi sư Lương bằng mẹ, yêu thương kính trọng như chính người mẹ đẻ của mình. Em không chỉ được sư Lương chăm sóc, nuôi ăn học, mà còn được truyền thụ những điều hay lẽ phải, giáo lý tốt đẹp của đạo Phật. Bé Thiện khi đi học về lại chắp tay bạch thầy, bạch mẹ, xưng bẩm lễ phép với mọi người xung quanh.
Nhà sư Thích Đàm Lương (áo nâu, ngồi xuồng bên trái) trong một lần đi tặng quà cứu trợ cho đồng bị lũ lụt ở miền Trung.
Còn Hoài Linh, cô bé không may đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ - HIV cũng rất ngoan. Biết hoàn cảnh của bé Linh như vậy, nên sư Lương càng thương bé hơn. Từng cử chỉ, lời nói của nhà sư với bé đều toát lên tình yêu thương cao cả như tình mẫu-tử. Bà con làng trên, xóm dưới nay đã hiểu và càng cảm phục tấm lòng và nhân cách bao dung, thương người của sư Lương. Bé Hoài Lan hiện đã lên 3 tuổi; nhà sư chỉ biết được một thông tin duy nhất là quê em ở Sơn Động, Bắc Giang.
Nhìn sư Lương chăm sóc, nuôi dạy lũ trẻ, nhiều người đều có cảm nhận sư là người mẹ, còn các bé là những đứa con. Trước khi vào cửa Phật, theo kiếp tu hành, sư Lương mang họ Đặng, vì thế 3 chị em Ước Thiện, Hoài Linh, Hoài Lan đều mang họ Đặng.
Không chỉ có 3 đứa trẻ, mà dưới mái chùa Dâu này còn có một cụ bà ngoài 60 tuổi không nơi nương tựa và một phụ nữ ngoài 30 tuổi bị câm bẩm sinh, cũng được nhà chùa giúp đỡ nương nhờ cửa Phật.
Gắn kết đạo và đời
Hơn 17 năm qua, hình ảnh một nhà sư với gương mặt phúc hậu, thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo khó ở địa phương, đã thực sự lay động lòng người. Chuyện cảm động về việc nhà sư nuôi dưỡng, cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, bất chấp điều tiếng thế gian, mà chúng tôi được biết chưa phải là tất cả câu chuyện tình người đầy cảm động. Chị Thơm, một người dân sống gần chùa cho biết: “Những năm qua, sư Lương cứ hằng tháng lại lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nấu cháo phát miễn phí cho bệnh nhân. Hội nấu cháo nhân đạo của nhà sư giờ đây hoạt động rất quy củ và có hiệu quả. Nhiều bệnh nhân rất cảm động trước việc làm thiện nguyện đó của nhà sư”.
Cùng với đó, hằng năm vào mùa mưa bão, sư thầy Thích Đàm Lương lại đi kêu gọi bà con ở tỉnh Bắc Giang quyên góp tiền, quần áo cũ, sách vở…về “tập kết” ở chùa. Khi hàng quyên góp ủng hộ được nhiều, sư Lương lại thuê xe cùng một số người có tấm lòng từ thiện chở vào vùng bão lụt ở miền Trung cấp phát, tặng quà nhân dân.
“Mỗi chuyến đi đều thắm đượm tình người, tình đời, nơi lòng yêu thương đồng bào và sự sẻ chia gian khó được nhân lên gấp bội, dù giá trị của những món quà không lớn…”- sư Lương tâm sự với tôi như vậy. Với nhà sư, mỗi chuyến đi làm từ thiện, góp tiếng thơm cho đời, chính là biểu hiện cao đẹp của đạo và đời. Qua đó, nhiều người thêm hiểu rằng, nhà sư đâu chỉ có tụng kinh, gõ mõ, quét lá rụng nơi sân chùa. Với sư Lương, những đạo lý, triết lý của nhà Phật cần được mang đi xây đắp tình yêu thương đồng loại, làm theo những lời Bác Hồ dạy trong cuộc sống của mình.
Theo ông Dương Quốc Truyện, Phó ban Mặt trận Tổ quốc xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng: Nhà sư Thích Đàm Lương không phải quê ở Nội Hoàng và đã đến chùa Dâu chấp pháp từ năm 1999. Những việc thiện mà nhà sư đã làm cho nhân dân, cho địa phương, chúng tôi đều biết, ủng hộ và đánh giá cao. Mong rằng, trong xã hội cần khơi dậy và nhân lên những tấm lòng thiện nguyện, vì cộng đồng như vậy.
Bài, ảnh: DƯƠNG VĂN HẢI - YÊN NỘI