“Cha đẻ” của các mô hình từ thiện.

Tôi tìm đến TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để gặp thầy Nguyễn Văn Mốt, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố, người được ví như “ông Bụt” giữa đời thường, khi ông đang miệt mài lên kế hoạch cho chương trình “Tổng kết 25 năm không một ngày tắt lửa” ở bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Đã 74 tuổi, ở cái tuổi "xưa nay hiếm", chân tay không còn mạnh, đôi mắt đã nhòe, nhưng trí nhớ của thầy thì vẫn còn minh mẫn lắm.

leftcenterrightdel
Thầy Mốt cùng các thành viên bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc phát cơm cho người nhà bệnh nhân.
Nhớ lại những ngày đầu làm công tác thiện nguyện, thầy Mốt kể: “Năm 1992, khi đó tôi đang công tác ở Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Tháp, trong một lần vào thăm Bệnh viện Sa Đéc (nay là Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc), tận mắt thấy nhiều gia đình bệnh nhân chật vật kê gạch nấu ăn, tôi mới nảy ra ý tưởng thành lập tổ từ thiện phục vụ cơm, cháo, nước sôi miễn phí. Nói thật lúc đó, khi xin ý kiến của lãnh đạo, các anh ấy cũng e dè lắm vì sợ thành lập bếp, điều hành không khéo, phục vụ vài bữa ăn, suất cháo rồi bếp ăn tắt lửa nửa chừng thì mất uy tín với bà con. Tuy nhiên, tôi quả quyết rằng bếp ăn sẽ tồn tại vì tôi tin: “Bất cứ một tổ chức nào phục vụ cho dân, nếu có sức dân nó sẽ tồn tại và phát triển. Nhưng với điều kiện tiên quyết là phải quản lý trong sáng, minh bạch, không tham ô, không vụ lợi, nếu thiếu yếu tố này tự thân nó sẽ bị phá vỡ”. Vậy là các anh ấy cho chúng tôi thành lập tổ từ thiện này, trong đó hoạt động bếp ăn tình thương, xe từ thiện là hoạt động chính”.

“Vạn sự khởi đầu nan”, để thành lập được bếp ăn, thầy Mốt phải đến gặp và thuyết phục lãnh đạo bệnh viện xin đất xây cơ sở, rồi tranh thủ ngoài giờ hành chính và những ngày nghỉ để đi vận động kinh phí xây dựng. Sau hơn một tháng, ngày 24-7-1992, tổ từ thiện phục vụ cơm, cháo, nước sôi miễn phí chính thức ra đời. Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Sa Đéc, cho biết: “Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc hoạt động rất hiệu quả. Dù là ngày nghỉ hay các dịp lễ, Tết nhưng bếp ăn vẫn chưa một ngày tắt lửa. Điều này cho thấy tinh thần phục vụ tận tâm của các thành viên bếp ăn đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”.

Không dừng lại ở đó, thầy Mốt cũng là người có công khởi xướng và vận động thành lập các mô hình hoạt động vì người nghèo khác như: Năm 1990, thầy vận động thành lập Trung tâm Dạy nghề cho phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; xây nhà tình thương (năm 1991), Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (năm 1993), Nhà hỏa táng từ thiện Sa Đéc và Mô hình Thọ từ thiện (năm 2006); mô hình Tủ sách khuyến học (năm 2010). Ngoài ra, thầy còn vận động kinh phí để thực hiện mô hình “Xe tang từ thiện” vận chuyển miễn phí cho người nghèo khi có hậu sự. Đến nay, hầu hết các mô hình đều hoạt động rất hiệu quả.

Năm 2000, thầy nghỉ hưu và được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố, tấm lòng của người thầy luôn hướng về học trò thân yêu. Vào mỗi mùa thi chuyển cấp, thầy đều trích một phần lương hưu của mình tặng một số điểm trường trên địa bàn để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2010, khi nhiều trường trên địa bàn tỉnh áp dụng chương trình học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thầy Mốt lại canh cánh nỗi lo khi thấy nhiều em nhà xa lại nghèo, không đủ tiền mua được bữa cơm trưa thật no mà phải ăn xôi hoặc bánh mì... Sau nhiều đêm thao thức và trăn trở, thầy đã viết đơn gửi đến UBND thành phố trình bày ý tưởng thành lập “Bếp ăn khuyến học tiếp sức học sinh nghèo vượt khó đến trường” bằng phương thức vận động xã hội đóng góp. Hiện mô hình này đã và đang hoạt động rất hiệu quả, được nhiều địa phương trong tỉnh nhân rộng bởi nó mang lại ý nghĩa thiết thực cho xã hội.

Đến vùng đất sen hồng với những con người nhiệt tình, mến khách, tôi còn nghe nói nhiều về mô hình “Bếp ăn dành cho người bán vé số” do chính thầy Mốt sáng lập.

Nằm nép mình bên bờ hồ Xáng Thổi, bếp ăn từ thiện có tên đầy đủ là “Bếp ăn hỗ trợ người nghèo bán vé số” hoạt động từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Mỗi ngày từ 10 giờ đến 12 giờ 30 phút, những người bán vé số tới đây để nhận cơm. Họ chỉ cần đăng ký trực tiếp với đại lý vé số nơi mình nhận bán, sau đó, mỗi người sẽ được phát một thẻ ăn cơm trưa mà họ gọi vui đó là “thẻ A T Ăn” và dặn dò nhau giữ gìn cẩn thận.

Mỗi suất ăn bình quân khoảng 12.000 đồng. Tuy là suất cơm từ thiện nhưng các món ăn lại khá phong phú. Những suất cơm tuy có giá trị vật chất không lớn nhưng mang giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện tình cảm giữa con người với con người, thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, góp phần sẻ chia những thiếu thốn, giảm bớt gánh nặng chi phí cho những mảnh đời nghèo khó trong xã hội.

Chị Đỗ Thị Hương, ngụ tại phường An Hòa, TP Sa Đéc, bộc bạch: “Làm nghề bán vé số đâu giàu có như ai, có được suất cơm miễn phí như thế này chúng tôi rất vui. Nếu ăn thường xuyên tại bếp ăn thì mỗi tháng, tôi có thể tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng tiền ăn trưa, số tiền đó đủ để tôi trang trải những khó khăn trong cuộc sống”.

Hướng mắt về phía tấm bảng có đề 2 câu thơ: Một trái tim vàng thổi bùng tri thức/ Một bếp lửa hồng hun đúc tương lai do Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan đề tặng sau khi đến thăm bếp ăn khuyến học, thầy Mốt tâm sự: “Xã hội này còn quá nhiều cảnh đời bất hạnh, vẫn còn nhiều em học sinh vì khó khăn mà phải nghỉ học và đâu đó vẫn còn hình ảnh cụ già ăn vội gói xôi, chìa ra xấp vé số mời khách hàng mua giúp, một em học sinh nghèo cầm ổ bánh mì vừa ăn vừa đi bán những tờ vé số còn lại để kịp giờ đến lớp. Trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá, một hộp cơm bình thường giá từ 15.000-18.000 đồng nhưng phần thức ăn bên trong chẳng được bao nhiêu. Ngẫm lại, mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho xã hội này. Tôi giờ đã già còn sức bao nhiêu thì cố gắng bấy nhiêu”.

Bén duyên cùng hoạt động từ thiện

Vốn xuất thân trong gia đình nghèo không ruộng đất, có đến 8 anh chị em nên ngay từ nhỏ, thầy Mốt đã phải trải qua nhiều khó khăn. Tuổi thơ và những tháng ngày đi học của thầy gắn liền với cảnh thiếu ăn và phải ở tạm trong chùa. Tốt nghiệp sư phạm năm 1964, dạy học tại nhiều tỉnh miền Tây, trong quá trình giảng dạy, thầy bí mật hoạt động cho các tổ chức cách mạng ở những địa phương như: An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp... và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1974. Thầy còn tham gia đại diện Ban khởi nghĩa tiếp quản tỉnh Sa Đéc thời điểm giải phóng miền Nam, tham gia công tác mặt trận ở thị xã, Hội Hữu nghị Việt-Xô, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh. Trải qua quá trình đầy gian khổ cộng với những ký ức tuổi thơ, thầy Mốt thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của các em học sinh nghèo cũng như những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội.

Hơn 20 năm hoạt động, hằng ngày, thầy vẫn miệt mài bên chiếc xe gắn máy cũ kỹ, lúc thì đến trụ sở Hội Cựu giáo chức thành phố, lúc lại có mặt tại bếp ăn khuyến học, bếp ăn từ thiện bệnh viện, lúc lại đến nhà hỏa táng từ thiện... Dường như trên suốt chặng đường mà thầy đã đi đều mang dấu ấn của tinh thần thiện nguyện. Trong câu chuyện với tôi, thầy không ngừng nhắc đến chuyện người nghèo, từ chuyện làm sao giúp họ có được cơm ăn, áo mặc, học hành, đến việc thuốc thang và thậm chí lo hậu sự khi họ chẳng may qua đời. Công việc nào thầy cũng dành hết tâm huyết thực hiện, bởi theo thầy Mốt, nếu không làm được những việc đó thì trong lòng cảm thấy day dứt không yên.

Ông Trần Văn Lang, một trong nhiều "mạnh thường quân" ở TP Sa Đéc bày tỏ suy nghĩ của mình về thầy Mốt: “Đây là người có đôi mắt nhìn ra được những mảnh đời, có đôi tai lắng nghe được những tiếng than cất lên từ bao kiếp người bất hạnh. Tại quê hương Sa Đéc, ở đâu có dấu ấn từ thiện xã hội, ở đó có công sức của thầy”.

Nhận thấy việc làm của thầy là có ích cho xã hội nên ngày càng có nhiều "mạnh thường quân" đóng góp, không chỉ có trong và ngoài địa phương, thậm chí ở nước ngoài cũng tin tưởng, tìm đến thầy Mốt-địa chỉ nhân đạo tin cậy để hỗ trợ kinh phí giúp đỡ người nghèo khó. Ngoài góp tiền, gạo hay những nhu yếu phẩm khác, có người còn trao tặng đất để thầy xây dựng cơ sở từ thiện. Thầy Mốt bộc bạch: “Cơ sở xây dựng bếp ăn là điều khó nhất khi bắt đầu làm từ thiện, nhưng khi thấy được việc làm có ý nghĩa, anh Huỳnh Văn Lợi, ngụ tại phường 2, TP Sa Đéc đã tặng phần đất của gia đình cho chúng tôi. Điều này rất đáng trân trọng. Nhưng bên cạnh lòng biết ơn, với tôi, bếp ăn hoạt động ngày càng hiệu quả và giúp đỡ được nhiều người nghèo khó đó là cách trả ơn tốt nhất. Gần 25 năm qua, chúng tôi luôn duy trì bếp ăn đỏ lửa và mong muốn ngọn lửa ấy cháy mãi. Đó là ước muốn chung của tất cả mọi người nhằm góp phần giúp đỡ những phận đời kém may mắn và những em học sinh thế hệ tương lai của nước nhà. Rồi mai đây các em trưởng thành, cất cánh bay xa sẽ nhớ về khu bếp ăn ấm áp này. Để từ đó, các em biết yêu thương và chia sẻ hơn trong cuộc sống”.

Bên ngoài trời đang mưa, không khí se lạnh, nhưng bên trong hơi ấm vẫn lan tỏa bởi ngọn lửa hồng của bếp, ngọn lửa của tình thương và ngọn lửa trong lòng người đã dành tâm huyết gần cả cuộc đời cho công tác thiện nguyện. 

Bài và ảnh: THÚY AN