Từ những trăn trở và việc làm vì dân ấy, thời gian qua, hàng trăm hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu đồng bào dân tộc Hà Lăng, ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy được thỏa thích với dòng nước mát, trong khi trước đó họ phải đi rất xa để chắt từng giọt nước từ khe suối. Gặp gỡ, trò chuyện với Nguyễn Văn Đại nơi biên giới Rờ Kơi, chúng tôi thêm hiểu về những việc làm đầy nghĩa tình của anh với bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây...
Những mô hình giúp dân hiệu quả
Tháng 8-2012, tốt nghiệp Lớp cử nhân chính trị khóa 2, Học viện Biên phòng, Trung úy Nguyễn Văn Đại được điều về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Rờ Kơi, đóng quân ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tại đây, chứng kiến cảnh bà con dân tộc thiểu số Hà Lăng sống trong nghèo đói và lạc hậu, anh Đại đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đội VĐQC bắt tay vào những việc làm cụ thể và thiết thực, nhằm giúp đỡ bà con thoát nghèo.
Để nâng cao hiệu quả công tác VĐQC, việc đầu tiên anh Đại làm là xây dựng kế hoạch hằng ngày, hằng tuần cụ thể và phân công cho từng cá nhân phụ trách từng nhiệm vụ; trong đó, tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chương trình, biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
“Thầy giáo” Nguyễn Văn Đại kèm cặp, giúp cháu Y Mỹ - học sinh nghèo trên địa bàn xã Rờ Kơi - học bài.
Để dân tin, dân hiểu và làm theo, anh Đại xác định phải cùng đồng đội gắn bó mật thiết, sống hòa đồng với nhân dân; coi bà con như người thân của mình, từ đó phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới. Đặc biệt, bộ đội chủ động tuyên truyền để bà con nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin theo những luận điệu tuyên truyền, mua chuộc, lôi kéo tham gia truyền đạo trái pháp luật, hoặc có tư tưởng, hành động chống đối chính quyền, tiếp tay cho đối tượng xấu làm ăn phi pháp trên địa bàn khu vực biên giới... Cũng nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đội VĐQC do Nguyễn Văn Đại phụ trách đã phối hợp với Trường Trung học cơ sở xã Rờ Kơi vận động được 42 học sinh bỏ học quay trở lại lớp và đi học đều đặn.
Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum triển khai nhiệm vụ “BĐBP chung tay xây dựng nông thôn mới”, anh Đại đã cùng đội VĐQC xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng chi bộ ở các thôn (làng) hoạt động hiệu quả. Cụ thể, đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng Rờ Kơi và chính quyền địa phương lựa chọn 7 cán bộ của đội VĐQC kết nghĩa giúp đỡ 7 hộ gia đình nghèo; chọn và giới thiệu 6 đồng chí về sinh hoạt cùng 6 chi bộ thôn, tham mưu cho các chi bộ thôn xây dựng nghị quyết lãnh đạo tháng, quý, đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng, sát với tình hình thực tế của địa phương. Đồng chí Đại trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng Chi bộ thôn Đăk Tang, Đảng bộ xã Rờ Kơi. Kết quả, từ một chi bộ yếu kém, chất lượng sinh hoạt thấp, năm 2014 và 2015, Chi bộ thôn Đăk Tang đạt TSVM, phát triển được 2 đảng viên, chất lượng sinh hoạt được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện mô hình kết nghĩa giúp đỡ hộ nghèo, Nguyễn Văn Đại đã kết nghĩa với gia đình A Cơ (ở thôn Kram), hướng dẫn A Cơ về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, mạnh dạn vay vốn mua bò giống về nuôi. Hưởng ứng Phong trào “Hũ gạo tình quân dân” do BĐBP tỉnh Kon Tum phát động, anh cũng tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng Rờ Kơi vận động cán bộ, chiến sĩ trích gạo từ bữa ăn hằng ngày để giúp 3 học sinh nghèo trên địa bàn với mức 15kg gạo/người/tháng...
Nước mát từ lòng đất
Trong những ngày tháng 6-2016, nước sạch đã tuôn chảy về với hàng trăm hộ dân nghèo ở xã Rờ Kơi. Khi trò chuyện với chính quyền địa phương xã Rờ Kơi và bà con nhân dân nơi đây, chúng tôi mới biết người đem niềm vui ấy đến với bà con chính là Thượng úy BĐBP Nguyễn Văn Đại.
Trò chuyện với chúng tôi về việc khoan giếng lấy nước sạch cho bà con dân tộc thiểu số nghèo ở xã Rờ Kơi, Nguyễn Văn Đại chia sẻ: Năm 2015, thông qua chị Đặng Thị Lương-một người cùng quê trú ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, tôi đã bàn bạc và trao đổi với Nhóm từ thiện Mười Thu về cuộc sống của bà con dân tộc Hà Lăng nơi mình công tác. Qua lời kể và những hình ảnh về cuộc sống khó khăn, vất vả của bà con do tôi cung cấp, chị Nguyễn Thị Thu (Mười Thu), 51 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên trong nhóm từ thiện đi vận động quyên góp tiền mua quà tặng bà con. Giữa tháng 9-2015, Nhóm từ thiện Mười Thu đã vận chuyển 200 phần quà, vượt chặng đường 800km đến huyện biên giới Sa Thầy tặng người nghèo. Không chỉ tặng quà, đoàn còn tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 630 lượt người dân, với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng. Chứng kiến cảnh nghèo đói của bà con biên giới, chị Thu đã hứa với bà con năm nào nhóm cũng sẽ lên thăm.
Mùa khô 2015-2016, bà con nhân dân xã Rờ Kơi phải chắt chiu từng giọt nước do hạn hán diễn ra khốc liệt. Nguyễn Văn Đại đã bàn với chị Mười Thu, Đồn Biên phòng Rờ Kơi và chính quyền xã Rờ Kơi khoan giếng chống hạn, lấy nước sạch cho bà con. Tháng 5-2016, phương án khoan giếng giúp dân của anh Đại và chị Mười Thu được triển khai. Chỉ trong chưa đầy 20 ngày, dòng nước sạch từ độ sâu hơn 80m đã tuôn chảy đến từng hộ gia đình.
Cùng đồng chí Đại, chúng tôi đến làng Kram, xã Rờ Kơi, nơi chiếc giếng khoan do Nhóm từ thiện Mười Thu vừa hoàn thành. Cạnh bể nước, hàng chục người dân đang dùng can, chai nhựa lấy nước mát cho vào gùi cõng về nhà. Nhiều chị em phụ nữ còn mang quần áo đến giặt, đưa con đến tắm rửa. Ông A Hvang (41 tuổi, dân tộc Hà Lăng) phấn khởi nói: “Bây giờ dân làng mình thoát khỏi cảnh thiếu nước sạch rồi. Cách đây ít hôm, mình phải đi bộ rất xa để tắm rửa, giặt giũ và lấy nước về dùng...”. Được biết, làng Kram có 364 hộ, với 1.341 nhân khẩu, sử dụng nước ở 80 giếng trong làng. Những năm trước, chỉ khoảng một nửa số giếng bị cạn nước, nhưng năm nay đã cạn 100% do hạn hán quá nặng.
Rời làng Kram, chúng tôi đến làng Rờ Kơi, nơi chiếc giếng khoan do một nhóm từ thiện khác có tên “Thiện nguyện Nhân tâm” hỗ trợ kinh phí xây dựng. Cũng giống như ở Kram, rất đông bà con dân làng tập trung về đây giặt giũ, tắm rửa và mang theo các vật dụng chứa nước, cõng nước về nhà. Ông A Uốt, Trưởng thôn Rờ Kơi chia sẻ: Làng mình có 214 hộ, với 783 nhân khẩu, trong làng chỉ có 24 giếng nước, nhưng đến nay, toàn bộ giếng đã cạn khô. Để có nước dùng, mình và bà con phải đi xa từ 2-3km mới đến suối lấy nước...
Trò chuyện với tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Thoa, 48 tuổi, trú ở phường Hiệp Thành, quận 12 (TP Hồ Chí Minh), Trưởng nhóm “Thiện nguyện Nhân tâm” chia sẻ: Ban đầu, chúng tôi dự kiến khoan mỗi giếng chỉ hết khoảng 40 triệu đồng, nhưng khi khoan gặp phải đá ngầm và phải khoan sâu gấp đôi, nên tiền công tăng lên 70 triệu đồng/giếng. Vì vậy, các thành viên lại phải tiếp tục vận động các nhà hảo tâm quyên góp thêm...
Theo anh Đại, sau khi tiến hành bàn giao 2 giếng khoan đã hoàn thành cho bà con làng Kram và làng Rờ Kơi, hai nhóm từ thiện tiếp tục vận động, hỗ trợ kinh phí cho chính quyền địa phương để khoan thêm hai giếng nữa ở làng Đăk Đe và Gia Xiêng, xã Rờ Kơi.
Ông A Đinh, Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi chia sẻ: “Đến nay, toàn xã Rờ Kơi có hơn 240 giếng nước đã cạn kiệt, mặc dù xã đã trích ngân sách để nạo vét, nhưng vẫn không có nước cho bà con sử dụng. Không riêng gì Kram mà các thôn (làng) khác như Đăk Đe, Đăk Tang, Gia Xiêng, Rờ Kơi cũng chung cảnh ngộ, bà con phải dùng nước suối. Dù biết rằng nước suối ô nhiễm, nhưng không tìm đâu ra nước nên bà con đành phải “dùng liều”. Việc anh Đại cùng với các nhóm từ thiện vận động khoan giếng để bà con có nước sạch được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao”.
Cùng anh Đại chứng kiến sự đổi thay ở xã biên giới Rờ Kơi, đặc biệt là niềm vui đón dòng nước mát của bà con dân tộc thiểu số, chúng tôi càng thấu hiểu suy nghĩ và hành động của anh, một cán bộ đội VĐQC hết lòng vì đồng bào nơi đây.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀI NAM