leftcenterrightdel

Đại tá Đoàn Thế Tùng (đứng giữa) tại lễ bàn giao công trình đoàn kết quân dân và trao quà của Bộ CHQS tỉnh tặng người dân xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My.

Thấu hiểu tận cùng những mất mát, đau thương

Mảnh đất Quảng Nam “trung dũng kiên cường” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng quê nào cũng khốc liệt, nhưng mất mát, đau thương như gia đình Đoàn Thế Tùng, ở xã Tam Hiệp (Núi Thành) thì khá đặc biệt. Bà nội anh chỉ có cha anh là con trai độc nhất; sớm tham gia cách mạng, rồi bị địch giết hại khi anh mới 2 tuổi. Biết gia đình anh là “cộng sản nòi”, chúng bắt mẹ anh vào tù đánh đập dã man. Khi đó anh mới được 9 tuổi, đã vượt mấy chục cây số vào Nhà lao Tam Kỳ đem cho mẹ chút đồ ăn. Đập vào mắt anh là hình ảnh người mẹ máu me đầy mình, ngất xỉu trong tù vì bị tra tấn dã man. Chúng bắt mẹ anh, với những vết thương đau đớn trên người, phải lăn trên đống vôi sống nóng rát. Tiếng thét thất thanh đau đớn của mẹ vang mãi trong tim anh đến tận bây giờ. Cũng chính vì vậy, nên anh nhất quyết từ chối ra miền Bắc học theo diện con liệt sĩ, mà ở nhà với suy nghĩ lớn lên trả thù cho mẹ và cha. Sau những năm tháng tù đày, mẹ anh không còn là người bình thường. Bà nội vừa nuôi anh, vừa nuôi con dâu trong mái nhà tranh cũ nát. Cái dáng bà lầm lũi đi tìm từng củ khoai, củ sắn cầm cự cho gia đình cứ ám ảnh anh mãi suốt quãng đời tuổi thơ. Sau ngày quê hương được giải phóng, vào bộ đội, rồi làm cán bộ chính trị ở Ban CHQS thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ) suốt 14 năm, anh được gần gũi bà và mẹ. Thấy anh có năng lực và nhiệt huyết, cấp trên nhiều lần muốn điều anh ra công tác ở cơ quan quân khu để có điều kiện thăng tiến, nhưng anh đều từ chối.

Khi tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, anh trải qua nhiều cương vị ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, làm Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó chính ủy. Công tác chính sách, dân vận luôn là “mảng” tâm huyết của anh. Quảng Nam là tỉnh có đối tượng chính sách đông nhất cả nước (hiện chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh). Toàn tỉnh có 11.659 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 1.010 mẹ còn sống. Mảnh đất nghèo, kiệt quệ sau chiến tranh, thường xuyên hứng chịu thiên tai bão lụt, nên công tác giải quyết chính sách gặp vô vàn khó khăn. Từ thực tế gia đình mình, anh Tùng nghĩ đến bao số phận còn thiệt thòi, chịu đựng, vì thế chưa giờ phút nào anh tự cho mình thảnh thơi, mà luôn trăn trở, day dứt làm thế nào để đền ơn đáp nghĩa hiệu quả nhất.

Người đi vận động “có thương hiệu”

Từ năm 2010 đến giữa năm 2016, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã làm được nhiều việc lớn trong công tác đền ơn đáp nghĩa: Xây được 240 nhà tặng đối tượng chính sách, 211 nhà nghĩa tình đồng đội, 122 nhà tình thương, 19 nhà đồng đội, 5 nhà nhân ái, nghĩa tình tuổi trẻ…, tổng cộng là gần 600 căn, với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Trong số này, ngoài các nhà thuộc diện chính sách, có một phần kinh phí từ quỹ nghĩa tình của Quân khu 5, còn lại hầu hết do Bộ CHQS tỉnh tự tìm nguồn hỗ trợ. Phó chính ủy Đoàn Thế Tùng trở thành người đi vận động ủng hộ “có thương hiệu”, bởi anh nghĩ: “Có phải làm cho mình đâu mà ngại!”.

Thuyết phục thế nào để các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là những người con quê hương móc “hầu bao” ủng hộ việc làm tình nghĩa của Bộ CHQS tỉnh còn phụ thuộc vào cái tâm và cái duyên của người đi vận động. Câu nói “Tôi hứa với các anh sẽ sử dụng đúng mục đích, không để mất đồng nào” đầy mạnh mẽ từ một cán bộ quân đội mái tóc đã điểm bạc và gương mặt chân chất, luôn làm người đối diện tin tưởng; rất ít cơ quan, doanh nghiệp chối từ anh. Có ngày, anh gọi điện về báo tin vui đã vận động được cả tỷ đồng. Đại tá Ngô Quý Đức, Chỉ huy trưởng (hiện là Thiếu tướng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5) cứ hỏi đi hỏi lại: “Anh nói thiệt hay nói giỡn?”. Năm đó, từ các nguồn, Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ các cựu quân nhân làm được 139 nhà, với tổng kinh phí 4,76 tỷ đồng. Chương trình “Nghĩa tình đồng đội” được Bộ CHQS tỉnh tổ chức chu đáo, xúc động, tạo được tiếng vang lớn về sự chung tay của cả xã hội, cộng đồng trong việc tri ân đối tượng chính sách.

Không chỉ ở địa bàn quen thuộc là Quảng Nam, Đà Nẵng, anh còn có những chuyến rong ruổi ra tận Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh, đến với những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho cộng đồng, cho công tác đền ơn đáp nghĩa, hoặc chủ doanh nghiệp là con em của quê hương. Doanh nhân Ngô Mỹ không ngờ rằng, anh Tùng đã tìm đến tận nhà mình ở số 79, đường Diệp Minh Châu (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Lần đó anh Mỹ đã ủng hộ 70 triệu đồng xây một nhà tình nghĩa ở xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tại Hà Nội, cũng có khá nhiều doanh nghiệp giúp đỡ Bộ CHQS tỉnh, đặc biệt Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup đã giúp đỡ tỉnh xây hàng trăm nhà tình thương. Lãnh đạo tập đoàn rất tin tưởng anh và Bộ CHQS tỉnh, chỉ một vài trường hợp phải cử đại diện vào nghiệm thu nhà, số nhà còn lại khi khánh thành chỉ cần chụp ảnh gửi ra là được. Trong tỉnh còn khó khăn, nhưng Bộ CHQS tỉnh vẫn dành xây tặng 5 nhà cho các CCB ở các địa phương khác, như Thanh Hóa, Quảng Ngãi..., từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Không những vậy, anh Tùng còn nhớ từng đặc điểm ngôi nhà mà Bộ CHQS tỉnh đã trao. Trung úy QNCN Đỗ Hồng Công (ở Ban Dân vận Bộ CHQS tỉnh) nhớ mãi chuyến đi cùng với thủ trưởng của mình và kể lại: “Có một hộ nghèo ở thôn 3, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức đã được nhận nhà tình thương. Năm sau, nhân chuyến công tác, anh bảo chúng tôi vào thăm. Thật bất ngờ là trận mưa lớn trước đó làm đất đá trên núi tràn xuống chèn ngang nửa nhà, trong khi chủ nhà là một phụ nữ sức yếu, không biết làm sao. Anh Tùng đã trao đổi với lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và gọi xe xúc hết đất cát, đồng thời cho thợ sửa chữa lại nhà ngay sau đó. Kinh phí hết 15 triệu đồng. Chị ấy mừng quá, cứ khóc hoài…”.

“Cái tâm” của người làm chính sách

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Quảng Nam (năm 2015), nhiều đại biểu không khỏi ngạc nhiên khi thấy Phó chính ủy Đoàn Thế Tùng nói vanh vách trên bục mà không cần nhìn văn bản về số liệt sĩ đã được quy tập ở từng đợt, có tên hay chưa xác định được tên, cất bốc ở đâu, thời gian nào…? Sau này tôi hỏi, được anh trả lời: “Suốt ngày “vọc” với liệt sĩ đến nhập tâm thì nhớ thôi”.

Tỉnh Quảng Nam có hơn 65.000 liệt sĩ, nhiều nhất nước. Hơn 40 năm qua, dù tỉnh đã rất nỗ lực, nhưng đến nay vẫn còn hàng nghìn hài cốt đang nằm đâu đó chưa được quy tập. Đề án 1237 thực sự tạo động lực, giúp cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thúc đẩy mạnh mẽ. Là Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1237 của tỉnh, Đại tá Đoàn Thế Tùng không chỉ sâu sát mà còn kiên quyết chỉ đạo việc tìm kiếm. Những hài cốt nằm ở địa thế hiểm trở, việc đền bù cho hộ dân, hoặc kinh phí cho khai quật lớn, nhưng xét thấy khả thi và phù hợp, anh đều quyết khai quật, tìm kiếm cho bằng được. Với 252 hài cốt liệt sĩ được tỉnh quy tập, trong đó 130 mộ có tên trong 3 năm (2013-2015), thành tích đó có đóng góp không nhỏ của Phó chính ủy Đoàn Thế Tùng.

Nhiều người vẫn còn nhớ tháng 4-2016, Ban CHQS thành phố Hội An, qua sự phát hiện của người dân ở phường Sơn Phong, đã quy tập được 19 hài cốt liệt sĩ của Tiểu đoàn V25. Gần 10 ngày liên tục, anh Tùng thường xuyên có mặt chỉ đạo cụ thể, đưa hài cốt liệt sĩ từ lúc cất bốc đến khi an táng, luôn bảo đảm chu đáo, trang trọng, hạn chế mọi sự sơ suất do thiếu hiểu biết. 17 liệt sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 404 hy sinh ở sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn làm anh tốn nhiều công sức nhất. Cựu binh Mỹ đã gửi bản đồ chôn cất, đồng đội liệt sĩ đã nhiều lần vào tìm, sử dụng cả công nghệ ra-đa xuyên đất, nhưng vẫn không phát hiện thấy. Đại tá Đoàn Thế Tùng đã tham mưu cho tỉnh gửi công văn ra Bộ Ngoại giao, mời cựu binh Mỹ cung cấp thông tin trực tiếp sang Việt Nam để chỉ tường tận nơi chôn cất, bởi theo anh, nếu chậm trễ việc tìm kiếm sẽ ngày càng khó khăn hơn và như vậy là “có lỗi” với người đã hy sinh.

Cũng chính vì suy nghĩ như vậy và với tấm lòng đền ơn đáp nghĩa với những người đã cống hiến hy sinh cho Tổ quốc, Đại tá Đoàn Thế Tùng chỉ đạo Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các huyện, thành phố “đến từng nhà, rà từng người”, nắm chắc từng đối tượng xứng đáng được hưởng quyền lợi, được tri ân và làm hồ sơ nhanh nhất khi các Quyết định của Chính phủ về giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được ban hành. Anh dành nhiều thời gian, tâm huyết đi kiểm tra, đôn đốc cơ quan quân sự các huyện miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do hạn chế về hiểu biết, nên chưa kê khai để hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Nhờ sâu sát địa bàn, Đại tá Đoàn Thế Tùng đã tham mưu, đề xuất với Bộ tư lệnh Quân khu 5 nhiều nội dung còn vướng mắc cần được tháo gỡ trong giải quyết chế độ chính sách đối với người có công và đều được ghi nhận.

Được nhận nhiều bằng khen của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, UBND tỉnh… trong công tác hàng chục năm qua, nhưng Đại tá Đoàn Thế Tùng cho rằng, hạnh phúc nhất là mình giúp cho người khác được hạnh phúc; đóng góp được gì cho quê hương, cho công tác đền ơn đáp nghĩa thì ráng làm hết sức mình, để không phải tiếc nuối. Còn Đại tá Phạm Xuân Thiện, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, rất khâm phục khi nói về người đồng chí gắn bó với mình đã hàng chục năm nay: “Anh Tùng thực sự là một cán bộ tận tâm với “nghề chính sách”, với công việc.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN