16 năm làm bạn với chiếc radio

Chúng tôi may mắn gặp được ông Phan Thích qua giới thiệu của một người bạn cùng quê ở Khoái Châu. Ấn tượng đầu tiên khiến tôi thật ngỡ ngàng là đôi mắt ông đã mù vì bệnh tật, nhưng khi nói đến sách người đàn ông này nhớ tên và vị trí để từng quyển trong tủ. Hiện nay, ông đang sống cùng vợ và người con gái trong căn nhà nhỏ hai gian chật hẹp, tuềnh toàng được xây dựng từ năm 1990. Trong nhà không có nổi bộ ấm chén uống nước. Nền nhà đất gồ ghề. Ông nắm tay tôi như một người bạn lâu năm đi xa mới về. Với giọng nói mộc mạc ông tâm tình với tôi về câu chuyện tích sách cùng với niềm khát khao của mình.

 Ông Phan Thích và chứng nhận 5 năm cộng tác với VOV. 

Sinh năm 1951, trong một gia đình nghèo quanh năm chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng và đi làm thuê kiếm sống, ngay từ nhỏ, Phan Thích đã ham đọc sách. Hễ có thời gian rảnh hoặc nghe tin ai đó có sách quý là Phan Thích lại tranh thủ đến mượn đọc. Năm 2000, do mắc chứng bệnh viêm Bồ đào, không có tiền chạy chữa, bệnh ngày càng trầm trọng nên hai mắt ông bị hỏng, cứ mờ dần đi và mù hẳn. “Lúc đó cuộc sống của tôi tưởng chừng như khép lại. Tôi cứ ngỡ cánh cửa ánh sáng của tôi sẽ khép lại hoàn toàn, cuộc sống bên ngoài coi như không còn nữa. Suốt ngày tôi chỉ quẩn quanh trong gian nhà nhỏ nên cảm thấy buồn lắm. Cũng may khi đó, tôi có được chiếc radio làm bạn. 16 năm nay, cuộc sống hằng ngày của tôi với thế giới bên ngoài đều thông qua “người bạn radio” này mọi lúc, mọi nơi”-giọng ông Phan Thích trầm xuống.

Cầm chiếc radio đã cũ kỹ, ông Phan Thích bộc bạch: “Không còn đọc sách được nữa, tôi đọc bằng cách là nghe các chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam. Mỗi ngày, tôi đều chăm chú theo dõi những thông tin trên đài, lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống…”.

Năm 2006, vợ ông là bà Bùi Thị Hảo kể về sự khó khăn của con trẻ trong dòng họ Phan Văn, không có sách để học và đọc. Do không có tiền mua sách mới, các cháu học trước giữ gìn cho các cháu khóa sau học tiếp. Thương con trẻ không có sách, phải đi bộ hàng chục cây số mượn sách để đọc, ông nảy ra ý định dùng những quyển sách của mình đã tích góp được để tặng cho những cháu hiếu học của dòng họ. Đồng thời, ông làm “tủ sách riêng” cho các cháu đến đọc và học thêm các kiến thức trong cuộc sống. Từ đó, những đứa trẻ trong họ và các em nhỏ trong làng cứ truyền tay nhau những cuốn sách mà ông Thích trao tặng. Bà Hảo kể lại: “Có hôm cả nhà hết tiền mua thức ăn nhưng khi nghe trên đài nói về một cuốn sách hay, ông ấy lại bảo tôi, nhịn ăn một hôm cũng được nhưng cố dành tiền mua sách cho các cháu. Tôi biết ông nói ra câu này cũng đau lòng lắm, chẳng ai nỡ để vợ con mình chịu đói. Tôi thấu hiểu tính chồng nên cố thu xếp đi mua sách. Bởi tôi biết, đây là niềm hạnh phúc duy nhất của chồng mình”.

Tích sách cho đời…

16 năm với chiếc radio làm bạn, ông cũng tìm cho mình một công việc “đặc biệt” nữa, đó là tham gia cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) để chứng minh cho mọi người thấy nghị lực sống của mình dù “tàn nhưng không phế”. Không nhìn thấy gì nhưng ông đã đọc để cô con gái của mình viết lại những dòng tâm sự, cũng như những câu chuyện của mình để gửi VOV1 và các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng nhờ cộng tác với các chương trình của đài mà ông biết đến chương trình "Tủ sách dòng họ" và đặc biệt là chương trình "Sách hóa nông thôn" của anh Nguyễn Quang Thạch-người bị bong võng mạc một mắt và mất thị lực hoàn toàn, với suy nghĩ “để trẻ em thiếu sách là tạo tội ác cho xã hội”. Như tìm được sự đồng cảm, đồng điệu về hoàn cảnh và chung niềm khát khao đem ánh sáng tri thức tới những nơi còn khó khăn, nghèo khó nên quyết tâm lập “Tủ sách dòng họ” càng thôi thúc ông hơn.

Suốt hơn 10 năm qua, ông Phan Thích đã sưu tập tủ sách của mình với hàng trăm cuốn sách các loại như: Văn học, thiếu nhi, tạp chí, sách khoa học... phục vụ con cháu trong dòng họ và trong làng mượn đọc. Ông còn liên hệ với chị Thái Thị Hằng là Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Tri thức” ở Hà Nội giúp đỡ tặng sách cho trẻ em nghèo nơi đây.

Công việc “tích sách cho đời” của người đàn ông khiếm thị với ước muốn giúp những người sáng mắt có sách để đọc tưởng chừng nhỏ bé, có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Chỉ với tấm lòng yêu thương con người, khát khao mang đến những điều tốt đẹp cho người khác, đặc biệt là cho thế hệ trẻ thì mới có thể làm được như vậy.

Gặp gỡ, trò chuyện với ông, điều mà tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là mắt ông không còn sáng nữa để đưa tôi đến thăm tủ sách của mình đang được cất giữ ở Nhà thờ họ Phan Văn mà phải nhờ ông Phan Văn Tuyến (Chủ tịch Hội đồng dòng họ Phan Văn) giới thiệu thay ông. Nhìn những cuốn sách của ông Thích được xếp lại cẩn thận, gọn gàng, phân chia ra từng loại, đầu sách mới thấy được tâm huyết của ông lão khiếm thị này. Ông Phan Văn Tuyến cho biết: "Cứ đến thứ bảy, chủ nhật và nghỉ hè thì nơi đây lại là điểm đến đọc sách của các cháu, chủ yếu là các cháu nhà nghèo, hiếu học. Dòng họ chúng tôi rất cảm phục tấm lòng của ông Thích. Đây là một tấm gương về nghị lực sống phi thường, việc làm của ông đã khơi dậy truyền thống hiếu học của con em trong dòng họ và làng xóm".

Chia sẻ về những mong muốn của mình sắp tới, ông Phan Thích tâm sự: “Với một người mù lòa như tôi, những quyển sách này là cả cuộc đời của mình đã gửi gắm trong đó. Tôi nghe đài nói nhiều về văn hóa đọc của giới trẻ bây giờ. Cũng biết là thời đại này khoa học phát triển, nhưng mong rằng các em, các cháu hãy luôn nâng niu văn hóa đọc của người Việt, bởi đó là một giá trị đẹp. Tôi mong việc làm nhỏ của mình sẽ truyền được cảm hứng ấy cho các cháu. Để qua từng trang sách, người đọc cảm nhận được tâm hồn, cuộc sống mình hiện hữu trong đó. Cuộc đời mãi đẹp khi ta có tri thức cho mình”.

M.Gorki đã từng nói: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống”. Chia tay ông Phan Thích, tôi thấm thía câu nói ấy vô cùng. Lòng yêu sách, yêu tri thức đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trên con đường hiện thực hóa ước mơ, khát khao cháy bỏng là gieo mầm tri thức cho thế hệ trẻ ngày hôm nay. Nếu ai một lần về với Khoái Châu sẽ được nghe câu chuyện kể về ông “không sáng mắt nhưng sáng lòng” và chắc hẳn sẽ khó lòng quên được hình ảnh người khiếm thị với công việc thầm lặng “tích sách cho đời”.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY HIỆP