Mặt hồ “in bóng” người vớt rác cần mẫn

Hồ Cự Chính có diện tích gần 4 mẫu, có lầu thủy tọa giữa hồ rất đẹp và độc đáo. Hồ nằm giữa hai phường Nhân Chính và Thượng Đình, thuộc quận Thanh Xuân. Dân cư sống san sát quanh hồ, có nhiều hộ kinh doanh hàng tạp hóa, nhôm kính, hàng thủ công… Nhiều người đến thuê nhà thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác bừa bãi xuống hồ. Cứ đến ngày rằm, mồng một hằng tháng, bà con hóa vàng mã xong lại vứt túi đựng tro hay đựng các con vật phóng sinh, thậm chí còn quăng cả xác động vật hôi thối xuống hồ. Hơn nữa, xung quanh hồ có nhiều cây xanh ngả tán xuống mặt hồ... Hằng ngày, nhiều người dân tập thể dục, vui chơi giải trí quanh hồ, vì vậy lượng rác vứt xuống hồ khá nhiều. Mỗi ngày hai buổi, bất kể mưa gió hay nắng nóng, sáng từ 5 giờ 30 phút, chiều từ 17 giờ, ông Tạ lại xách vỏ thùng đựng sơn và chiếc sào tre dài 6m, gắn vợt ra hồ Cự Chính vớt rác. Hôm nào rác ở hồ nhiều thì phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới xong. Khi được hỏi vì sao hằng ngày ông đều đặn, cần mẫn vớt rác ở hồ, người cựu chiến binh trả lời rất mộc mạc:

- Tôi vốn là Bộ đội Cụ Hồ, cứ việc gì tốt, có ích là tôi làm. Thấy hồ Cự Chính được cải tạo đẹp, nhưng nhiều rác, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh nên tôi làm sạch mặt hồ. Mình làm vậy cũng là “tập thể dục tuổi già” và là cách giáo dục con cháu yêu lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường, không gian sống chung.

leftcenterrightdel
Hằng ngày, ông Tạ đều đặn vớt rác hai buổi sáng-chiều ở hồ Cự Chính. 

Chúng tôi nhẩm tính, mỗi ngày vớt rác hai lượt quanh hồ thì 6 năm qua ông đã đi gần 4.400 vòng hồ. Có người không biết công việc tự nguyện đó đã hỏi ông: “Bác vớt rác làm sạch hồ thế này mỗi tháng được trả bao nhiêu tiền?”. Ông mỉm cười rồi nói: “Đây là việc tôi tự nguyện làm, chứ nếu ai trả tiền tôi cũng không nhận. Tôi coi đây như là việc tập thể dục. Hồ sạch thì không gian đẹp, không khí trong lành và bà con sẽ đến tập thể dục đông hơn. Thế là tôi vui rồi”.

Vừa vớt rác, ông vừa kể chuyện: “Việc nhỏ tôi làm sao sánh được với công lao to lớn của đồng đội, đồng chí đã chiến đấu quên mình trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống hòa bình cho chúng ta hôm nay. Nghĩ vậy, tôi làm công việc bình dị để cho phường thêm văn minh, tiến bộ, cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Tôi cũng thường nói với bà con là tôi chỉ vớt rác được buổi sáng và buổi chiều chứ không thể làm cả ngày, nên mọi người cần có ý thức để hồ luôn sạch sẽ”.

Không chỉ dọn vệ sinh hồ, ông còn tuyên truyền, vận động mọi người trong khu dân cư nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng,  tham gia tổng dọn vệ sinh khu phố. Qua việc làm và sự vận động của ông, người dân đã hạn chế vứt rác xuống hồ. Một số em học sinh Trường Tiểu học Nhân Chính trên địa bàn, buổi chiều tan học còn ra hồ giúp ông Tạ vớt rác,  bởi việc làm tốt đẹp của ông đã tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm của các em trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Thấy học sinh tự giác, người dân bỏ rác đúng nơi quy định, có trách nhiệm hơn với môi trường sống xung quanh, ông vui lắm. Vui vì đã góp phần nhỏ bé của mình thay đổi cách nghĩ và thói quen sinh hoạt của nhiều người. Trong khi ở nhiều nơi, chúng ta đang sống trong môi trường ô nhiễm nặng do con người thiếu ý thức, thì việc làm của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tạ rất đáng trân trọng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Bà Phạm Thị Ngọc Chai, Bí thư Chi bộ cụm Đình-Cự Chính nói rằng: “Không ai thuê, không ai trả lương, chẳng vì lợi lộc cá nhân, nhưng bằng cái tâm của mình, ngày ngày cụ Tạ tự nguyện thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường cho “lá phổi” của phường. Mà cũng lạ, có lẽ vì vui lao động nên “trộm vía” mấy năm qua, sức khỏe ổn định, cụ đều đặn ra hồ dọn vệ sinh. Và ít có hồ nước nào gần khu dân cư đông đúc ở Thủ đô luôn sạch như hồ Cự Chính”.

“Trong nhà làm trước, làng nước làm sau…”

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tạ hồ hởi: “Tôi chỉ phục vụ trong quân đội gần 5 năm, sau đó chuyển sang lực lượng Thanh niên xung phong đi mở đường ở Tây Bắc, bên nước bạn Lào cho đến năm 1982 thì trở về quê hương tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh ở phường Nhân Chính. Có thời gian được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, tôi còn nhớ vào sáng thứ hai hằng tuần đơn vị tổ chức chào cờ. Trước cờ Tổ quốc, được đọc và nghe 10 lời thề danh dự của quân nhân, đó là hành trang theo tôi suốt cuộc đời và ở bất cứ đâu tôi cũng tự hứa với lòng mình là giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ".

“Gia sản” lớn nhất của ông sau hơn 30 năm công tác tại địa phương là một tủ giấy khen, bằng khen được lưu giữ cẩn thận. Năm nào ông cũng được các tổ chức từ cấp phường đến cấp thành phố khen thưởng, nhưng với người cựu chiến binh ấy, phần thưởng lớn nhất là được nhân dân trong phường quý trọng. 34 năm tham gia công tác mặt trận, hội chữ thập đỏ của phường, ông luôn là người gương mẫu đi đầu tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.

Mỗi khi có văn bản mới liên quan đến đời sống dân sinh là ông lại đến từng ngõ phố, từng hộ kinh doanh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện. Trên địa bàn phường, cá nhân hay doanh nghiệp nào chậm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước là ông có mặt vận động đóng thuế đầy đủ. Các lần phát động hiến máu nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ ngày vì người nghèo… ông Tạ lại đi tuyên truyền, vận động mọi người cùng hưởng ứng. Cách làm của ông là vận động con cháu trong gia đình thực hiện trước, sau đó mới ra các tổ dân phố. Trong gia đình, 4 người con của ông đều là đảng viên, họ gương mẫu đi đầu và luôn ủng hộ ông tham gia trong công tác ở địa phương, làm thiện nguyện.

Ông Tạ nêu kinh nghiệm: Để tham gia hiệu quả công tác ở địa phương, trước hết bản thân phải tự nghiên cứu nắm vững vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác mặt trận, hội chữ thập đỏ cũng như nhiệm vụ, chức năng của các tổ chức hội, đoàn thể; nắm chắc các văn bản về chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên và thực tiễn địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân cho sát, cho thuyết phục và kịp thời. Phải thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; khi hưởng ứng thực hiện vấn đề gì ở khu dân cư thì “trong nhà làm trước, làng nước làm sau” để nêu gương cho mọi người cùng thực hiện.

Người dân địa phương quý mến, kính trọng ông Tạ không chỉ bởi tinh thần, trách nhiệm với công việc mà còn bởi tính trung thực, thật thà, luôn gần dân và chia sẻ với mọi người. Thay cho lời kết, chúng tôi trích ý kiến của ông Cao Đắc Tiến, Bí thư Đảng ủy phường Nhân Chính khi nhận xét về cựu chiến binh Nguyễn Văn Tạ:

- Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Những việc làm của người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Tạ, tuy bình dị nhưng rất cao cả, rất đáng trân trọng trong cuộc sống bộn bề hôm nay. Chính những người như ông Tạ đang góp phần làm cho cuộc sống thêm đẹp, thêm ý nghĩa, tạo sức lan tỏa để mỗi người trong chúng ta tự làm và nhân lên cái đẹp, cái thiện, có ý thức với cộng đồng hơn. Chúng tôi tự hào vì địa phương có một người công dân gương mẫu, trách nhiệm và nhiệt huyết như cựu chiến binh Nguyễn Văn Tạ".

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA