Tập thể dục kết hợp "dọn" quốc lộ

Ông Mộc sinh năm 1942 ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thời trẻ, ông có vóc dáng nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát. Năm 1965, ông nhập ngũ. Trong 10 năm ở chiến trường, ông được tuyển vào đơn vị đặc công trinh sát hoạt động ở vùng Bình-Trị-Thiên. Năm 1975, ông xuất ngũ, là thương binh hạng 3/4. Ông xin vào làm công nhân xây dựng thuộc Công ty Xây dựng công trình 18 ở Quảng Ninh. Năm 1990, do sức khỏe yếu, ông được nghỉ hưu sớm, đến năm 1991, gia đình ông chuyển về sống ở phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Từ đó, câu chuyện về ông Mộc nhặt đinh, sắt, quét dọn phế thải, đất đá, cứu giúp người bị tai nạn giao thông trên Quốc lộ 18 bắt đầu được "viết"...

Mùa hè là 5 giờ, còn mùa đông là đúng 5 giờ 30 phút, khi mọi người còn đang say giấc nồng thì ông Mộc đã dậy, dắt xe đạp ra đường. Dù trời giá rét hay những buổi sớm sương mù ướt át, ông vẫn không bỏ thói quen đi bộ dắt xe của mình. Ông cho chúng tôi biết, ngày nào không đi bộ dắt xe như thế thì ông cảm thấy ngứa ngáy chân tay, bức xúc không chịu nổi.

leftcenterrightdel
Ông Trần Đức Mộc. 
Từ ngôi nhà sát Quốc lộ 18, đối diện Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, ông bắt đầu lầm lũi đi trong cái không gian tờ mờ sáng, tiến về phía phường Sao Đỏ (thị xã Chí Linh) với chiều dài hơn 10km. Để tránh nhàm chán, có hôm ông đổi ngược lại tuyến hành trình của mình. Điểm đến là thị trấn Phố Mới (Quế Võ-Bắc Ninh) với chiều dài 17km. Như vậy, ngày nào ông cũng đi bộ dắt xe đạp từ 20-34km.

Gặp ông, chúng tôi hỏi vì sao ông lại đi bộ dắt theo xe đạp. Trầm tư một lúc, rồi ông đáp: “Tôi đã từng mang những thương tật của chiến tranh trên cơ thể, nên sức khỏe sau ngày xuất ngũ rất yếu. Khi về Phả Lại sống, tôi đã đặt quyết tâm sẽ đi bộ và dắt theo xe buổi sáng sớm để tập luyện hồi phục sức khỏe. Mang theo xe để phòng những lúc nào đi mỏi quá sẽ dùng đến nó. Và giỏ xe còn để đựng những túi đinh, sắt vụn nhặt được trên đường…”.

Quốc lộ 18 đoạn từ Bắc Ninh đi Quảng Ninh là tuyến huyết mạch nên có rất nhiều xe tải, xe ben, công-ten-nơ chở vật liệu xây dựng, phế liệu… qua đây suốt ngày đêm. Đặc biệt vài năm gần đây, vì đồng tiền, bọn "đinh tặc" bất chấp sự nguy hiểm tính mạng của người đi đường đã rải đinh ra quốc lộ. Chính vì thế, đoạn quốc lộ từ Phố Mới đến Sao Đỏ có rất nhiều đinh han, đinh mũ, sắt gỉ, gạch, đá,... rơi vãi xuống đường.

Khi trời bắt đầu sáng rõ, nhìn thấy trên đường có mẩu sắt vụn, con ốc, cái đinh là ông nhặt cho vào cái túi để ở giỏ xe. Ông cũng thường mang theo chiếc chổi tre nhỏ, thấy chỗ nào trên đường có cát sỏi liền quét dọn; còn những hòn gạch, viên ngói thì ông xếp gọn vào bên cột mốc. “Tôi đi bộ tập thể dục cũng nhàn rỗi, nên thấy là tôi quét, tôi nhặt chứ chẳng ai trả công đâu. Nhiều hôm, mới sáng sớm đã có người phải dắt xe máy đi bộ vì cán phải đinh, trông tội nghiệp quá. Gọi thợ sửa xe bằng số điện thoại ghi trên lan can thì họ vá hoặc thay săm xe với cái giá đắt gấp mấy lần bình thường...”, ông Mộc tâm sự.

Ước chừng mỗi tháng ông nhặt cũng được hàng chục ki-lô-gam đinh, sắt vụn. Cứ vài tháng, thấy đống sắt vụn đầy đầy thì vợ ông lại gọi hàng sắt vụn, đồng nát vào bán cho họ. Suốt 25 năm qua, số lượng đinh, sắt vụn mà ông Mộc đã nhặt cũng phải đến cả tấn. Còn gạch ngói, vật liệu xây dựng khi thấy được nhiều thì ai ở thị trấn cần đổ nền, xây tường, sân…, ông bảo họ thuê công nông đi dọc tuyến đường gom về mà dùng.

Thầm lặng làm việc nghĩa

Ông Mộc nhẩm tính rồi cho hay: "Trung bình cứ vài ngày là tôi lại gặp một vụ tai nạn giao thông; vài ba tuần lại có một vụ tai nạn gây chết người. Chứng kiến những cảnh tượng đau lòng ấy, nhiều người đi đường, ở hai bên hiếu kỳ đổ ra xem, bàn tán thậm chí hôi của, chẳng có ai cứu, giúp; nhiều trong số đó lại là người trẻ được ăn học tử tế...". Được biết, dù chẳng thân thiết gì với mình, nhưng nhìn thấy họ bị tai nạn, thương tâm như thế là ông Mộc ra tay giúp đỡ. Với những người xấu số tử vong, ông lấy nước rửa những vết máu bê bết trên cơ thể, rồi mặc lại quần áo, đắp tạm manh chiếu cho họ, sau đó, vẫy người cầu cứu đi báo tin gấp nếu nạn nhân ở gần. Nếu người chết ở xa, ông sẽ ngồi đó trông thi thể và đợi khi nào cơ quan chức năng đến giải quyết rồi mới đi.

Ông kể, năm 2012, có vụ tai nạn vô cùng thương tâm, nạn nhân là cô Nguyễn Thị Vinh (ở ngay thị xã Chí Linh) bị xe công-ten-nơ cán tử vong, thi thể không còn nhận dạng được nữa. Ông chẳng hề kinh sợ. Ông thu nhặt kỹ rồi bó buộc các phần thi thể của người xấu số để họ được toàn thân, nhìn đỡ thương tâm. “Làm nhiều thành ra cũng quen rồi, trước đây ở trong chiến trường, tôi cũng đã từng làm công việc thu vén thi thể của những đồng đội bị bom đạn ...”, ông nghẹn ngào tâm sự.

Còn với những trường hợp tai nạn nhẹ bị gãy tay, chân…, ông sẵn sàng sơ cứu, băng bó, cầm máu tạm thời cho nạn nhân, rồi vẫy xe hoặc nhờ người đưa họ tới bệnh viện cấp cứu. Trong nhà ông luôn luôn có bộ đồ nghề y tế với những dụng cụ, thiết bị cơ bản để có thể sơ cứu, cứu thương tại chỗ.

Chẳng biết từ lúc nào, trách nhiệm cứu giúp người bị tai nạn giao thông đã ăn vào máu của ông Mộc. Bất kể lúc nào trong buổi đi bộ sáng sớm hay tai nạn xảy ra trong đêm tối ở gần nhà là ông đã có mặt giúp người bị nạn. Cho đến nay, ông cũng không thể nhớ được con số những vụ tai nạn giao thông mà mình đã ra tay cứu giúp là bao nhiêu; và đã có bao nhiêu người sau khi được cứu giúp đến hậu tạ bằng tiền hay của cải mà ông chẳng bao giờ nhận.

Anh Dũng, con trai cả của ông Mộc kể: “Có hôm đang ăn cơm, thấy ngoài đường xảy ra vụ tai nạn giao thông, bố tôi liền bỏ cơm chạy ra cứu giúp họ. Thấy những hành động của bố tôi, nhiều người lúc đầu bảo là dở hơi, gàn. Sau một thời gian, gia đình chúng tôi nhận thấy đó là việc thiện ở đời nên hết sức ủng hộ bố. Sau nhiều lần như thế, mẹ tôi còn mua cho bố thuốc men, băng gạc, găng tay phòng hộ để đeo khi giúp đỡ người bị tử vong do tai nạn”.

Cả gia đình từ lâu đã quá quen với công việc làm phúc cho đời của ông, nên ai cũng vui vẻ, cảm phục và tạo điều kiện, động viên ông. Mấy năm qua, tiếng tăm lão Mộc tốt bụng đã lan rộng ra các khu dân cư. Rất nhiều người dân chúng tôi gặp ở phường Phả Lại, phường Sao Đỏ, thị trấn Phố Mới… đều tỏ lòng thán phục, cảm mến với những việc làm nhân nghĩa của ông suốt 25 năm qua.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG